Giải tỏa “cơn khát” nhân lực cho ngành Xuất bản

Hội thảo “Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới” đã góp phần làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, phân tích, đánh giá thực trạng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành Xuất bản ở Việt Nam hiện nay, làm rõ những vấn đề đặt ra; từ đó đề xuất các giải pháp, khuyến nghị trong đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản, đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong giai đoạn phát triển mới.

Chiều 28/8, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới”.

Các đồng chí: Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; PGS.TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền chủ trì Hội thảo.

Giải tỏa “cơn khát” nhân lực cho ngành Xuất bản - 1

Các đồng chí chủ trì Hội thảo. Ảnh: NXB Chính trị quốc gia Sự thật

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định, toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động sâu sắc đến tất cả các khía cạnh của đời sống xã hội, tạo ra cả những thời cơ và thách thức đối với công tác xuất bản nói chung và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Xuất bản nói riêng, trong đó thách thức có phần nhiều hơn.

Đặc biệt, chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản diễn ra mạnh mẽ, làm thay đổi căn bản hoạt động của toàn ngành trên các bình diện như: Quy trình xuất bản được rút ngắn cả về không gian và thời gian; phương thức xuất bản thay đổi, từ công nghệ in trên giấy sang công nghệ xuất bản điện tử; phương thức kinh doanh xuất bản truyền thống chuyển sang phương thức kinh doanh trực tuyến; hoạt động sáng tạo và phân phối nội dung giản đơn trên quy mô nhỏ đã chuyển sang các dịch vụ nội dung toàn cầu, tăng cường trải nghiệm cho độc giả; công nghệ quản lý, quản trị nhà xuất bản, quản trị kênh và mạng lưới bán hàng cũng thay đổi theo hướng số hóa; xu hướng tiếp nhận, tiêu thụ thông tin cũng như thị hiếu của công chúng đều chứng kiến những bước chuyển lớn.

Điều này đã đặt ra yêu cầu phải đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Xuất bản theo hướng trang bị những tri thức, kỹ năng mới và toàn diện hơn, nhất là về năng lực công nghệ thông tin, năng lực tác nghiệp và hoạt động xuất bản trong môi trường số, nắm bắt thị hiếu bạn đọc, xây dựng thương hiệu, truyền thông, marketing, kinh doanh xuất bản phẩm.

Giải tỏa “cơn khát” nhân lực cho ngành Xuất bản - 2

PGS.TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu chào mừng và khai mạc Hội thảo. Ảnh: NXB Chính trị quốc gia Sự thật

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Vũ Trọng Lâm cho biết, thời gian qua, với sự quan tâm của các ngành, các cấp, sự nỗ lực của các cơ quan xuất bản, cơ sở đào tạo, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Xuất bản đã liên tục được đổi mới về mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu về nguồn lực chất lượng cao cho ngành trong tình hình mới.

Hiện nay, trên cả nước có bốn cơ sở chủ yếu đào tạo cán bộ ngành xuất bản, in và phát hành, bao gồm: Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Bách khoa Hà Nội.

Các cơ sở đào tạo về lĩnh vực xuất bản đã tích cực rà soát, đổi mới mục tiêu, chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cập nhật các nội dung đào tạo mới phù hợp với thực tiễn phát triển ngành xuất bản, theo hướng hiện đại, khoa học, lấy người học làm trung tâm, chú trọng tính thực hành, thực tế và tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động dạy và học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Công tác đào tạo ngày càng bám sát và đáp ứng tốt hơn các yêu cầu, đòi hỏi mới của thực tiễn.

Giải tỏa “cơn khát” nhân lực cho ngành Xuất bản - 3

PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật báo cáo đề dẫn Hội thảo. Ảnh: NXB Chính trị quốc gia Sự thật

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành xuất bản thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, chất lượng đào tạo chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Vũ Trọng Lâm cho rằng, con số 4/450 trường đại học hiện nay ở Việt Nam có đào tạo về xuất bản, in và phát hành cho thấy sự rất ít ỏi, cùng với đó sức hút của ngành xuất bản có phần “yếu thế” hơn so với các ngành báo chí - truyền thông ở khía cạnh thu nhập và tính năng động, nên số lượng tuyển sinh, đào tạo hàng năm của các cơ sở đào tạo còn thấp, chưa thực sự giải tỏa được “cơn khát” nhân lực của ngành xuất bản.

Đặc biệt, nội dung nhiều chương trình đào tạo ngành xuất bản chưa thực sự phù hợp. Các nội dung đào tạo cấp thiết trong bối cảnh hiện nay như công nghệ xuất bản, công nghệ truyền thông, quản trị mạng, kinh doanh xuất bản phẩm… đều là những vấn đề mới, khó, nhưng thời gian và các điều kiện đào tạo cần thiết như cơ sở vật chất - kỹ thuật, đội ngũ giảng viên, nhất là các nhà khoa học đầu ngành của các cơ sở đào tạo còn thiếu.

Theo đồng chí, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành xuất bản tại Việt Nam cần phải thay đổi để bắt kịp xu thế mới, vì chính sự tồn tại và phát triển của ngành, nhất là khi ngành xuất bản đang phải vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, định hướng tư tưởng, nâng cao dân trí, phục hồi và phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc; đồng thời phải thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, xây dựng ngành xuất bản trở thành một ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, phát triển toàn diện, vững chắc.

Giải tỏa “cơn khát” nhân lực cho ngành Xuất bản - 4

Toàn cảnh Hội thảo khoa học quốc gia “Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới”. Ảnh: Huyền Thương

Hội thảo khoa học quốc gia “Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới” được tổ chức trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang hướng tới tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/08/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”.

Đã có gần 70 bài tham luận được gửi tham dự hội thảo với nhiều chủ đề và góc nhìn phong phú, đa dạng. Các ý kiến tham luận tập trung vào thảo luận, phân tích, làm rõ 3 nội dung cơ bản như: Một số vấn đề lý luận về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản; thực trạng và một số vấn đề đặt ra đối với việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam; định hướng và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam giai đoạn mới.

Giải tỏa “cơn khát” nhân lực cho ngành Xuất bản - 5

Hội thảo có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo, nhà khoa học đến từ các ban, bộ, ngành Trung ương, của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các cơ quan xuất bản, cơ sở đào tạo xuất bản trên cả nước. Ảnh: Huyền Thương

Phát biểu tham luận tại hội thảo, ông Phạm Tuấn Vũ, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết, trong điều kiện toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ và sự dịch chuyển nhanh chóng từ nền văn minh công nghiệp sang nền văn minh tri thức, bối cảnh cạnh tranh của thế giới cũng đã và đang thay đổi, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng.

“Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Xuất bản trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, đòi hỏi cả hệ thống giáo dục và đào tạo, các cơ sở đào tạo cũng như cơ quan  quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất bản phải chuyển đổi để trở nên năng động hơn,  tiếp cận gần hơn với các nền tảng số bằng cách tích hợp việc học đi đôi với hành tại các nhà xuất bản. Bản thân mỗi biên tập viên, mỗi lãnh đạo các cơ quan, đơn vị  xuất bản cũng phải có tinh thần tự trau dồi kiến thức chuyên môn và các kỹ năng công nghệ để đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới”, ông Phạm Tuấn Vũ nêu.

Giải tỏa “cơn khát” nhân lực cho ngành Xuất bản - 6

Ông Phạm Tuấn Vũ, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành phát biểu tham luận. Ảnh: Học viện Báo chí và Tuyên truyền

PGS, TS. Đỗ Thị Quyên, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Văn hóa Hà Nội cũng cho rằng, nhu cầu nguồn nhân lực của ngành công nghiệp xuất bản nước ta hiện nay khá lớn. Theo bà, giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên là giải pháp trọng tâm cốt lõi bên cạnh các chính sách khác trong đào tạo nguồn nhân lực xuất bản.

Trong đó cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên; gắn kết cơ sở đào tạo với cơ quan, doanh nghiệp sử dụng sản phẩm đào tạo, hợp tác quốc tế trong khu vực và thế giới về công tác đào tạo nói chung, công tác đào tạo và nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên của ngành đào tạo nói riêng; đổi mới đào tạo từ  hình  thức đến nội dung  chương trình, nội hàm từng môn học; tăng cường hệ thống học liệu phục vụ công tác đào tạo.

Giải tỏa “cơn khát” nhân lực cho ngành Xuất bản - 7

PGS, TS. Đỗ Thị Quyên, Chủ tịch Hội đồng trường, Đại học Văn hóa Hà Nội trao đổi về một số vấn đề đặt ra trong đào tạo nguồn nhân lực xuất bản hiện nay. Ảnh: Tạp chí Tuyên giáo

Trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh, xu hướng phát triển của ngành Xuất bản trong thời gian tới, các diễn giả tại hội thảo cũng đã gợi mở, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành Xuất bản như: tiếp tục rà soát, sửa đổi, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách đặc thù trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Xuất bản; tiếp tục rà soát, đổi mới nội dung, hình thức, khung chương trình đào tạo; thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên ngành Xuất bản trong các cơ sở đào tạo; tăng cường gắn kết giữa cơ sở đào tạo với cơ quan, doanh nghiệp, nhà xuất bản trong quá trình đào tạo; các cơ quan xuất bản cần phải thường xuyên tiến hành các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp thường kỳ đối với cán bộ, biên tập viên…

Phát biểu tổng kết hội thảo, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, hoạt động đào tạo cần phải tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hướng đến xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Xuất bản có tư tưởng chính trị vững vàng, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, tư duy khoa học, giỏi về chuyên môn, tinh thông về nghiệp vụ, làm chủ các quy trình, công nghệ hiện đại, có năng lực hoạt động và thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện tác động của chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.

Công tác đào tạo phải góp phần giúp ngành Xuất bản thực hiện tốt hai nhiệm vụ kép: vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị, tư tưởng, đáp ứng nhu cầu đọc sách của nhân dân, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ kinh tế, xây dựng ngành Xuất bản trở thành một ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, phát triển toàn diện, vững chắc.

Giải tỏa “cơn khát” nhân lực cho ngành Xuất bản - 8

Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tổng kết Hội thảo. Ảnh: NXB Chính trị quốc gia Sự thật

Hội thảo là cơ sở để Ban Tuyên giáo Trung ương cùng các cơ quan, ban, ngành đánh giá, tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”, đồng thời xây dựng đề xuất, kiến nghị đối với Đảng, Nhà nước, các cơ quan quản lý, cơ quan xuất bản, cơ sở đào tạo trong lĩnh vực xuất bản nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Xuất bản ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Minh Thư

Tin liên quan

Tin mới nhất