Khuất Bình Nguyên: Tha hương là để tìm về

Khuất Bình Nguyên quê ở trấn Sơn Nam thượng, với núi Tản, sông Đà, với Ba Vì, phủ Quốc, Sài Sơn… vốn không xa lạ với khách văn chương. Như bao nhiêu người ở những miền quê khác, quê hương là nơi sinh ra nhưng lập nghiệp lại ở những vùng đất nào đó. Vì vậy, tha hương, hoài hương… như một nỗi niềm khôn nguôi tận sâu trong tâm khảm. Với nhà thơ từ cổ chí kim, từ đông sang tây, nỗi niềm ấy trở thành một “thế giới tâm hồn”, mỗi khi có dịp, hiện lên qua câu chữ, lan tỏa sự đồng cảm, khêu gợi nỗi nhớ cố hương, kích thích cảm hứng tinh thần tới mọi người. Tập thơ “Người tha hương” (NXB Hội Nhà văn, H. 2024) của Khuất Bình Nguyên gồm 55 bài, được viết nhẩn nha trong hơn mười năm, từ 2012-2022, gợi lên bao nỗi nhớ, niềm thương trong mỗi chúng ta.

Nỗi niềm cố hương bao giờ cũng tồn tại với những kỷ niệm. Với một con người, thông thường những kỷ niệm đầu đời là những ký ức đóng đinh trong suốt thời gian, càng có tuổi càng trở nên bền chặt, càng đi xa càng trở nên sâu sắc. Nguyễn Du xưa lúc còn nhỏ tuổi, trước cảnh “Hồng Sơn huynh đệ tán” tha hương từ nam ra bắc, vẫn “nhất phiến hương tâm” (Một tấc lòng quê) nhớ về cố hương; Nguyễn Bính sau này cũng từ bắc vô nam nếm trải gió bụi đường xa, viết thư gửi chị với xiết bao chua xót: “Chén rượu tha hương, trời, đắng lắm!”; Du Tử Lê gần đây: “Cho tôi hướng vọng về quê tôi lần cuối/ Đời lưu vong không cả một ngôi mồ…”. Với muôn ngàn lý do, mỗi người một lý do, nhưng dù lý do gì thì tha hương vẫn như là “mẫu số chung” cho mọi tâm hồn, như là “tính người phổ biến” của nhân loại gợi lên cảm giác đặc biệt trong những vùng ký ức của mỗi con người!

Khuất Bình Nguyên viết: “Con người ước mong tìm về cội nguồn của mình. Không ở đâu nhiều mây trắng như xứ Đoài xa vắng của tôi” (Thung lũng vô thường). Câu đầu nhà thơ nối về cái chung. Câu sau nói về tâm trạng của riêng ông: Xứ Đoài mây trắng! Ngày trước Quang Dũng không ngần ngại viết thẳng tâm tư của mình: “Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm!”. Động từ nhớ, trạng từ lắm trong câu thơ của Quang Dũng báo hiệu cho người đọc biết nỗi niềm tha hương của ông. Câu thơ trên kia của Khuất Bình Nguyên mang tính so sánh khẳng định. Điều này chúng tỏ xứ Đoài trong tâm hồn ông để lại ấn tượng duy nhất không phai mờ. Nó ở trong sắc thái của sự liên tưởng về một nét ký ức “đóng đinh” trong tâm hồn thi sỹ. Có phải câu thơ đang lý giải lớp lớp tha hương như vô số ngói trên mái đình làng, như vô vàn lá những chiếc lá mùa thu?

Bao nhiêu tha hương nhuộm cũ mái đình làng

Mùa thu lợp ngói vàng trên lá

(Người tha hương)

Có phải câu thơ đang định dẫn dụ về một thực trạng xưa, thực trạng của những người trẻ tha hương trong hình bóng của những người già “áo tơi nón lá” đợi chờ khắc khoải:

Cổng làng xưa

Xa hơn cả thời xưa

Xưa như người già áo tơi nón lá

Đứng ở đầu làng đợi mưa bốn mùa

Đợi kẻ tha hương

(Hơn cả thời xưa)

Không phải chỉ người xưa tha hương trong cảnh ngộ “tha phương cầu thực”, những cuộc chiến tranh, những biến đổi khí hậu, thế giới phẳng hôm nay lại càng xui con người tha hương chạy khỏi quê hương mình. Hàng vạn con người châu Phi, châu Á đang tìm cách sang những miền đất hứa rồi chết thảm trên biển sâu, trong xe đông lạnh, trong các trại tỵ nạn. Còn nhớ năm 2015 cả thế giới bàng hoàng, lương tâm chấn động khi truyền thông đưa tin cậu bé Aylan Kurdi ba tuổi theo mẹ di cư, chết trôi giạt nằm úp mặt trên bãi biển Mugla Thổ Nhĩ Kỳ.

Thế giới phẳng đưa người đi tha hương

Ngọn gió di dân lênh đênh trên trái đất

..Gió mưa cát bụi đầy trời

Người dưng mếu máo gọi người tha hương 

(Người tha hương)

Ở quê hương ông “Dọc ngang chưa đủ đường cày/ Trở ra gặp sông, trở vào gặp núi…/Nhà quê nhẫn nhịn một đời/ Củ nâu xấu xí nhuộm người nâu non” (Xa hơn cả thời xưa). Nơi đó, có người mẹ “Bao ngày mưa mắt mẹ lặng thầm/ Cả cuộc đời giấu mặt trời sau núi/ Sau hồi chuông ảo mộng ban chiều” (Nến trắng). Nơi đó “Lênh đênh vô định tháng ngày…/rừng buông một chiếc hư không” (Lá thu), “Con sóng không tên con sóng xa nhà/ Phù du mùa thu xa rồi xa mãi” (Con sóng xa nhà). Nhưng cả khi đã xa nơi chôn rau cắt rốn kia để đến một chân trời khác thì đâu phải đã hết phiền muộn: “Thành phố già một nghìn năm tuổi/ Anh trẻ thơ suốt cả một đời/ Bằng lăng rải mùa hè xuống đất/ Chợt chiều về nhặt nốt cuộc đầy vơi/ Bao đau đớn chẳng ngờ gặp mặt/ Một sớm mai lạnh ngắt nhân tình/ Bóng mây ác quay cuồng trời đất/ Tóc đã cằn kịp bạc cuộc nhân sinh” (Mùa hè 2014). “Cuộc nhân sinh” nào mà đau đớn vậy? “Nhân tình” sao đã đến lúc lạnh lùng thế kia? Chẳng phải đôi lúc dường như cả thế gian này: “các dòng sông đều là sông Giác/ Chạy thầm thì vì tiếng thở dài thôi” (Nhị nguyên luận). Cho hay, với mỗi một con người “miền đất hứa” đâu phải bao giờ cũng toại nguyện! Vậy điều gì tạo ra những bất ổn trong tâm hồn những người xa xứ?

Khuất Bình Nguyên: Tha hương là để tìm về - 1

Nhà thơ Khuất Bình Nguyên

Có phải ký ức tuổi thơ là nỗi niềm sâu nặng nhất trong mỗi tâm hồn, càng có tuổi càng da diết trở về tìm lại: “Vẩn vơ đi tìm lại mình/ Dọc sông Đà, sông Tích ngập đầy mây” (Hơn cả thời xưa). Tìm lại một nét đã khắc sâu trong trí nhớ: “Về làng mở cổng làng ra/ Bao nhiêu xưa cũ nhà nhà trăng trăng” (Hơn cả thời xưa), “Đời mẹ tôi le lói cơm đèn/ Tháng mười chưa cười đã tối” (Thư gửi mùa xuân); Một kỷ niệm tưởng đã xa mờ trong hư vô: “Hoàng hôn tuổi thơ chảy về đâu chẳng rõ/ Tháng với ngày mây trắng nắng đong đưa” (Mùa thu Sopin). Tìm lại hình ảnh người chị ở quê: “Bến khuya chị tôi rơi chín nỗi buồn/ Gánh gồng non nước qua sông (Rỏ lửa bên trời). Tìm lại một xót xa tưởng đã có thể nguôi ngoai; “Có phải kia là tháp chuông nhà thờ long lanh sườn núi vắng/ Là giọt mưa ngâu cuối cùng của một mùa ngâu/ Triệu cuộc chia ly sau bao ngày than khóc/ Chỉ còn trong xanh thu yên lặng trên đầu” (Giọt mưa ngâu cuối cùng). Tìm lại dù chỉ một giọt ký ức trong trẻo: “Giọt mưa trong lành sinh tử/ Suốt đời làm giọt mưa thôi” (Sông mưa). Tìm lại một cảm giác bất định: “Điện Kính Thiên mùa xưa về mọi ngả/ Mưa bụi âm thầm lặng lẽ đi đâu” (Mùa xưa); Một hoài niệm: “Lưa thưa đưa gió lạnh sang mùa/ Vô tư quá thu về quên khép cửa/ Tóc bạc trắng phải chăng vì gió thổi/ Mưa võ vàng chưa hết ưu tư” (Hạt mưa). Tìm lại một cảm giác hồi sinh: “Sớm hôm ấy mây lành về chẳng biết” (Một sáng mây lành), “Ngỡ thời gian đã buông qua mất/ Nhặt tím về mới biết nửa hè thôi” (Mùa hè 2014), “Vỡ trong gió tháng ngày vất vả/ Ta về nhà lúa chín chân mây” (Hoài niệm hồi sinh), “Bình yên mây xa ngoài cửa biển/ Mưa chợt về ướt nửa sớm mai” (Than ở với người),… Rất nhiều những từ về: về làng, mây lành về, chợt về, tím về, thu về, ta về... Hình như tác giả không có ý định, nhưng điệp từ về cứ luôn luôn ẩn hiện trong vô thức câu chữ, vô tình vẽ lên phong vận một thi nhân Mang theo quê hương đi tìm quê hương (Di cư) trên nẻo đường tha hương! 

Chừng mươi, mười lăm năm trở lại đây, bạn đọc ngày một quan tâm đến Khuất Bình Nguyên. Ông vốn tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đầu những năm bảy mươi của thế kỷ XX. Nhưng công việc “mưu sinh” đã đưa ông đến một lãnh vực khá xa với văn chương. Chỉ đến khi về nghỉ, cởi bỏ những đa mang sự vụ, với niềm say mê như còn nguyên vẹn, niềm khát khao sáng tạo như càng cháy bỏng trong chàng sinh viên giỏi giang thuở nào. Ông trở lại với đèn sách, như thể một người tha hương đang tìm về.

Khuất Bình Nguyên liên tục cho ra mắt các tập thơ: Người lữ hành thời gian (2009), Nơi thời gian trở về (2010), Cành tục ngữ hóa đá (2011), Bỏ quên trong rừng thu (2012), Hoa hoàng đàn nở muộn (2012), Bảy con đường của số phận (In chung, 2010), Mùa thu lứa đôi (in chung, 2010), Người tha hương (2024); Các tập phê bình văn học: Giọt nước trong lá sen (2016), Giấu vàng trong gió thu (2019), Giọt nước thầm giữa những thời đại thi ca (2023). Quả là một nỗ lực đáng ghi nhận. Nhiều tác phẩm cả thơ và phê bình văn học trong số đó đã đoạt giải của Hội Nhà văn Việt Nam (Hoa hoàng đàn nở muộn, Giọt nước trong lá sen), giải thưởng của Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương (Giấu vàng trong gió thu)…

Thơ và phê bình (đa phần là phê bình thơ) của ông đều thấm đẫm chất thơ, mở mang trí tuệ cho người đọc bởi những kiến thức phong phú về văn chương, về số phận con người, về cuộc sống và hướng người đọc đến những cái đẹp trong văn chương, trong cuộc đời. Đang hiện dần lên một phong cách văn chương lịch lãm sau ngòi bút của tác giả. Nó không phải là bình tán dông dài, không làm dáng bê nguyên các thứ lý thuyết nguội ngắt từ đâu đó để “lòe” thiên hạ. Nó là những cảm nhận nghệ thuật của nội lực ngòi bút sau khi đã thấu cảm sâu sắc những nguyên lý của văn chương nghệ thuật. Nhưng đó là nội dung của một bài viết khác.

Lê Thành Nghị

Nhớ Vũ Duy Thông
Nhớ Vũ Duy Thông

PGS.TS. nhà thơ Vũ Duy Thông sinh năm 1944 tại quê nhà Vĩnh Phúc. Năm nay kỷ niệm lần thứ 80 ngày sinh của ông. Nhà thơ đã...

Tin liên quan

Tin mới nhất

Một năm đầy biến động, những người đầu tư vàng lãi bao nhiêu?

Một năm đầy biến động, những người đầu tư vàng lãi bao nhiêu?

Với mức tăng 27% trong năm 2024, vàng trở thành một trong những tài sản đáng chú ý nhất của thị trường kim loại. Đà tăng trưởng này được thúc đẩy bởi các chính sách tiền tệ nới lỏng tại Mỹ, các rủi ro địa chính trị kéo dài và làn sóng mua vào từ các ngân hàng trung ương. Trong khi đó, các kim loại cơ bản có một năm đầy biến động, với quặng sắt và lithium giảm mạnh.

Những ý kiến thẳng thắn tâm huyết trong Hội nghị Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt các văn nghệ sĩ

Những ý kiến thẳng thắn tâm huyết trong Hội nghị Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt các văn nghệ sĩ

Chiều ngày 30/12, tại Hội nghị Gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ được tổ chức tại Hà Nội, Tổng bí Thư Tô Lâm chủ trì cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà, các Ban, Bộ, ngành gặp gỡ, lắng nghe những ý kiến trao đổi, chia sẻ thẳng thắn của các văn nghệ sĩ với mục tiêu tìm ra những giải pháp qua đó góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Phát triển năng lượng tái tạo ở nông thôn: Từ triển vọng đến thực tiễn

Phát triển năng lượng tái tạo ở nông thôn: Từ triển vọng đến thực tiễn

Các dự báo cho thấy nhu cầu năng lượng cho sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 4-5%/năm trong giai đoạn từ nay đến 2030. Điều này cho thấy tính cấp bách trong việc có các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo ở khu vực nông thôn, góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới phát triển bền vững và cải thiện điều kiện sống cho người dân.