Lễ hội khai ấn đền Trần lan tỏa những giá trị nhân văn
Lễ hội Khai ấn đền Trần diễn ra vào đêm ngày 14 tháng Giêng là một tục lệ tại Tiên Miếu nhà Trần (Phủ Thiên Trường xưa) với ý nghĩa nhân văn lớn lao là cầu cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, thịnh trị, mọi nhà chung hưởng lộc ấn.
Ngày nay, Lễ Khai ấn đền Trần còn mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống đạo lý Uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Lễ hội cũng là dịp để người dân bày tỏ lòng thành kính, tri ân công đức đối với Vương triều Trần, khơi dậy niềm tự hào về Hào khí Đông A sáng ngời của quân dân Đại Việt ba lần đại thắng quân Nguyên - Mông xâm lược.
Lễ hội Khai ấn đền Trần xuân Quý Mão 2023 được tổ chức trang trọng từ 22h15 ngày 4/2 (14 tháng Giêng) tại Khu di tích Đền Trần (phường Lộc Vượng, TP Nam Định), mở màn với các nghi lễ rước kiệu ấn từ Đền Cố Trạch sang Đền Thiên Trường, dâng hương, tế cáo trước ban thờ Trung Thiên Đền Thiên Trường, rước ấn vào nội cung và đặt tại ban công đồng để làm lễ xin Khai ấn.
Nghi lễ rước kiệu ấn từ Đền Cố Trạch sang Đền Thiên Trường
Nghi lễ khai ấn được thực hiện trang trọng tại ban thờ Trung thiên, đền Thiên Trường với 14 cụ cao niên trong dòng họ Trần tại làng Tức Mặc, phường Lộc Vượng và đại diện một số ban, ngành, đoàn thể chứng kiến nghi lễ đóng dấu khai ấn. Những lá ấn này sau đó được dâng lên các đình, chùa thuộc phường Lộc Vượng. Sau khi hoàn thành nghi lễ khai ấn, cửa đền mới mở để người dân và khách thập phương vào lễ đầu năm. Từ 5 giờ ngày 15 tháng Giêng (ngày 5/2/2023) bắt đầu phát ấn cho nhân dân và du khách.
Nghi lễ khai ấn đền Trần được tổ chức với ý nghĩa nhân văn lớn lao là cầu mong cho thiên hạ thái bình, thịnh trị. Ấn của nhà Trần khắc chữ “Trần triều điển cố” và “Tích phúc vô cương”. Bản chất của bốn chữ “Tích phúc vô cương” trên ấn là nhà Trần ban cho con cháu cái phúc, dạy con cháu, bách gia trăm họ phải biết giữ gìn phẩm chất đạo đức, tích phúc thật tốt, phúc đức càng dày thì được hưởng lộc càng bền vững.
Nghi lễ khai ấn được thực hiện trang trọng tại ban thờ Trung thiên, đền Thiên Trường với 14 cụ cao niên trong dòng họ Trần tại làng Tức Mặc
Đọc diễn văn tại Lễ khai ấn, Chủ tịch UBND thành phố Nam Định Phạm Duy Hưng khẳng định, công lao to lớn của vương triều nhà Trần - một trong những triều đại thịnh trị bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với hào khí Đông A sáng ngời, ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên - Mông. Các vua Trần đã có công khai sông, lấn biển, mở mang bờ cõi, xây dựng quê hương đất nước, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.
Ông Phạm Duy Hưng nhấn mạnh, Lễ khai ấn được duy trì tổ chức hằng năm không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản văn hóa mà còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau. Đây cũng là dịp để quảng bá, giới thiệu những nét đẹp về văn hóa, con người Nam Định, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh và thành phố Nam Định.
Các cụ cao niên thực hiện nghi lễ dâng hương trước giờ Khai ấn
Trước đó, vào ngày 11 tháng Giêng âm lịch, lễ rước kiệu Ngọc Lộ (rước chân nhang Vua Trần Nhân Tông) đã được tổ chức mở đầu cho Lễ hội Khai ấn Đền Trần. Ngày 12 tháng Giêng diễn ra các nghi thức: dâng sớ, thỉnh chân nhang đức Thánh Trần tại Đền Cố Trạch, sau đó tổ chức rước kiệu ra giếng Rồng, tiến hành nghi thức rước nước, tế cá.
Trong các ngày từ 11 đến 16 tháng Giêng bên ngoài cổng ngũ môn Đền Trần diễn ra các hoạt động hội truyền thống gồm: múa lân, rồng, hát chèo, chầu văn, thi đấu cờ bỏi, đấu vật, võ thuật…
Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức “Cuộc thi và...
Bình luận