Những người Cao Lan cuối cùng làm giấy dó

Từng có thời gian rất thịnh hành nhưng nghề làm giấy dó thủ công của đồng bào Cao Lan ở bản Khe Nghè, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) nay chỉ còn trong ký ức và hoài niệm của nhiều người.

Những người Cao Lan cuối cùng làm giấy dó - 1

Anh Dương Văn Quang giới thiệu cho HS về các công đoạn làm giấy dó. Ảnh: TG.

Cả bản giờ đây chỉ còn một gia đình túc tắc theo đuổi với công việc này nhưng cũng “kim nhật kim thì”. Nhiều người có tâm với văn hóa dân tộc đang băn khoăn, rồi đây liệu còn ai theo đuổi nghề làm giấy dó?

Cần mẫn theo đuổi đam mê

Bản Khe Nghè có hơn 70 hộ, chủ yếu là dân tộc Cao Lan. Những năm qua, bà con trong bản đã bảo tồn được nhiều nét văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc, trong đó có nghề dệt thổ cẩm và làm giấy dó.

Bà Trạc Thị Ngọn (80 tuổi) cùng con trai là Dương Văn Quang là một trong số ít người ở Khe Nghè còn lưu giữ bí quyết để làm ra giấy dó và vẫn luôn cần mẫn theo đuổi đam mê.

Bà Ngọn cho biết: Trải qua thời gian cùng với tập quán du canh, du cư, sự cầu kỳ, phức tạp và nguyên liệu khó tìm nên nghề làm giấy dó của đồng bào Cao Lan đã có thời kỳ bị chìm trong quên lãng.

Gia đình bà Ngọn vốn sinh sống ở vùng Đèo Gia (Lục Ngạn) nhưng cũng như một số đồng bào Cao Lan khác, từ năm 1955, gia đình bà chuyển về sống tại bản Khe Nghè.

Thời gian trôi đi, những tờ giấy dó cầu kỳ ít người còn làm được và có nguy cơ bị mai một bản sắc. Bà Ngọn và con trai đã kỳ công tìm thầy để theo học nghề làm giấy từ cụ Tống Văn Xạch trong vùng (nay đã mất). Cũng từ đó những tờ giấy dó mang bản sắc đồng bào Cao Lan lại được hồi sinh và xuất hiện nhiều hơn trong đời sống của người dân.

Bà Trạc Thị Ngọn cho biết: Giấy dó là sản phẩm được sử dụng phổ biến trong những năm tháng xa xưa trong việc lưu giữ chữ viết, tranh vẽ, tranh thờ, in dập các văn tự cổ... Giấy dó còn được dùng để ghi chép gia phả của những thành viên trong gia đình.

Ngoài ra đối với một số đồng bào dân tộc thiểu số, loại giấy này được sử dụng trong các nghi lễ truyền thống như Tết, ma chay, cưới hỏi, trong đời sống tâm linh của đồng bảo...

Loại giấy này có đặc tính xốp nhẹ, bền dai, không nhòe khi viết vẽ, ít bị mối mọt, hoặc dòn gẫy, ẩm nát. Ở Việt Nam có nhiều nơi làm giấy dó những mỗi nơi có những kỹ thuật, bí quyết riêng.

Điểm khác biệt trong kỹ thuật làm giấy dó của người Cao Lan là họ không seo giấy trong bể seo mà đồ bột giấy lên khuôn tráng có căng lớp vải để thoát nước. Khuôn tráng giấy dó được dựng nghiêng để phơi cho đến khi tách được tờ giấy ra...

Cầu kỳ trong từng công đoạn Những người Cao Lan cuối cùng làm giấy dó - 2 Anh Dương Văn Quang giới thiệu các công đoạn làm giấy dó.

Theo anh Dương Văn Quang (con trai bà Ngọn), nguyên liệu chính để làm ra sản phẩm giấy dó gồm hai thứ gồm: Cây vợt pạ và dây hau pau (cây dưỡng).

Hai loại cây và dây này đều mọc tự nhiên trên những ngọn núi, khu rừng cao và người Cao Lan phải cất công đi tìm kiếm. Trong đó, hau pau được dùng để làm thành bột giấy, còn vợt pạ được ngâm để lấy nước, tạo thành chất hồ của giấy. Chỉ riêng công đoạn chọn các cây và dây này cũng khá vất vả, kỳ công.

Theo kinh nghiệm của đồng bào, khi chọn dây hau pau không được bò dưới đất mà phải leo trên cao thì mới không có mấu. Nếu dây non thì không làm được, mà già quá thì giấy sẽ bị đen. Khi đem về phơi được dây càng khô thì giấy càng trắng.

Theo quy trình của bà con thì hau pau được làm sạch vỏ, ngâm với nước vôi trong và ninh trong nước hòa tro bếp. Sau đó, tiếp tục làm sạch tro bám trên vỏ cây. Đây là công đoạn mất nhiều thời gian nhất, đòi hỏi sự tỉ mỉ để tạo được độ sáng trắng của giấy. 

Tiếp đó, hau pau sau khi đã ninh nhừ được đem đi giã hoặc đập dập. Đối với cây vợt pạ phải tách lấy vỏ, cạo sạch lớp vỏ lụa ngoài màu nâu, bó thành cuộn rồi ngâm vào chậu nước sạch một đêm.

Sáng dậy, vớt mớ vỏ ra là được chậu keo trong vắt, tiếp đó đổ bột giấy vào, quấy đều là thành hồ để tráng giấy. Công đoạn cuối cùng là đem phần vỏ được đập nát xuống bể khuấy đều sẽ được một loại nước màu vàng nhạt, đặc sánh. Trong quá trình khuấy trộn cùng nước ngâm vạt pạ để giấy khi vào khung làm giấy không bị dính.

Khung làm giấy dó do đồng bào Cao Lan tự sáng chế. Khung được ghép vuông vắn bằng 4 thanh gỗ, ở giữa căng vải màn hay vải xô, độ dày mỏng của vải căng quyết định độ dày, mỏng của giấy dó.

Khâu cuối cùng là tráng giấy, đây là khâu khó vì đòi hỏi người tráng phải có kinh nghiệm, tráng đều trên khung vải đóng sẵn. Đồng bào dùng gáo múc bột giấy dàn trên mặt vải rồi cầm khung lắc đi lắc lại cho thật đều.

Ở khâu này, theo kinh nghiệm của anh Quang, để có tờ giấy dó đạt chất lượng như ý thì lúc tráng giấy phải thật đều, thật phẳng không thì tờ giấy bị chỗ mỏng chỗ dầy và thường dùng tay để cảm nhận và định lượng.

Ngoài dùng trong gia đình, anh Quang còn bán sản phẩm và giá của một tờ giấy dó chỉ khoảng từ 30 - 55 nghìn đồng, tùy theo kích cỡ của giấy. Khi bột giấy đã dàn đều thì dựng khung nghiêng, tìm nơi sạch sẽ, thoáng đãng, nhiều nắng gió để phơi giấy cho khô. 

Tìm người kế thừa

Từng nhiều năm làm giấy dó nhưng hai mẹ con bà Trạc Thị Ngọn vẫn còn một nỗi niềm trăn trở bởi hiện tại bản Khe Nghè nói riêng và đồng bào Cao Lan trong vùng nói chung còn rất ít người biết làm giấy dó truyền thống.

Đã thế sản phẩm làm ra giờ đây chủ yếu được sử dụng trong gia đình, dòng họ vào những dịp lễ, Tết, ngày lệ, việc bán giấy dó cho đồng bào cũng có nhưng không đáng kể.

Ngành văn hóa địa phương đã từng có một số chương trình hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị nghề làm giấy dó ở Khe Nghè, bản thân anh Quang đã nhiều lần được mời tham gia trình diễn, giới thiệu văn hóa Cao Lan cũng như công đoạn làm giấy dó cho nhân dân, du khách, nhất là đối với HS, SV khi đến tham quan Bảo tàng tỉnh Bắc Giang song nỗi lo tìm người kế thừa nét văn hóa truyền thống này của người Cao Lan của anh vẫn chưa có câu trả lời. 

Khi mà lớp trẻ người Cao Lan tại địa phương không mấy mặn mà và tâm huyết như các thế hệ của cha ông họ. Hiện tại đồng bào người dân tộc Cao Lan ở bản Khe Nghè chủ yếu sinh sống nhờ vào nguồn lợi từ rừng.

Mong muốn tìm lại quá khứ thời vang son cho nghề làm giấy dó ở đây vẫn còn xa vời không chỉ với bà Ngọn, anh Quang mà còn với cả cộng đồng người Cao Lan.

Theo GDTĐ None

Tin liên quan

Tin mới nhất

Tập khảo cứu đầu tiên về ngành in ấn thời thuộc địa

Tập khảo cứu đầu tiên về ngành in ấn thời thuộc địa

Nghề in ấn là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của văn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực báo chí và xuất bản, tuy nhiên chưa có cuốn sách nào ở Việt Nam thực sự viết về ngành in ấn thời thuộc địa. Từ nhận định đó, tác phẩm “Lần theo dấu chữ – Thời kỳ đầu in ấn sách báo chữ Latinh ở Việt Nam (1862-1920)” của tác giả Trịnh Hùng Cường đã phác nên những nét cơ bản quan trọn