Trả lời câu hỏi cuộc thi “Tìm hiểu 75 năm xây dựng và phát triển Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam” (tóm tắt)
CÂU 1
1.1. Đề cương về văn hóa Việt Nam của Đảng Cộng sản Đông Dương do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo, được Thường vụ Trung ương Đảng thông qua trong Hội nghị từ ngày 25 đến 28 tháng 2 năm 1943, họp tại Võng La, Đông Anh, Phúc Yên nay là Võng La, Đông Anh, Hà Nội.
1.2. Ba nguyên tắc quan trọng của cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam là:
a. Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập).
b. Đại chúng hóa (chống mọi chủ trương, hành động, làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng, hoặc xa đông đảo quần chúng).
c. Khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ).
Ba nguyên tắc trên là một thể thống nhất, hữu cơ.
1.3. Triển khai thực hiện Đề cương về văn hóa Việt Nam, Hội Văn hóa cứu quốc được thành lập (20/6/1943 - 1948), tập hợp các nhà văn hóa, văn nghệ sĩ yêu nước, góp phần xây dựng nền văn hóa dân chủ mới theo 3 nguyên tắc nói trên.
CÂU 2
2.1. Hội Văn hóa Việt Nam (1948 - 1950) được thành lập trong Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai, họp từ ngày 16 đến 20/7/1948 tại Đào Giã, Thanh Ba, Phú Thọ.
2.2. Hội Văn hóa Việt Nam ra đời là sự kế tục hoạt động của Hội Văn hóa cứu quốc (1943 - 1948)
- Trước ngày khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi Hội nghị văn hóa toàn quốc đề ngày 15/7/1948.
- Trong Hội nghị, Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày báo cáo quan trọng “Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam”.
2.3. Trong những ngày cuối cùng của Hội nghị, Hội nghị tán thành thành lập Hội Văn hóa Việt Nam bầu Ban chấp hành Hội gồm 21 vị thuộc các Ban (Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Giáo dục, Văn học - Báo chí, Nghệ thuật), do nhà văn Đặng Thai Mai làm Hội trưởng, nhà phê bình Hoài Thanh làm Bí thư Ban Thường vụ (tức Thư ký).
Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm Hội trưởng danh dự.
2.4. Hội Văn hóa Việt Nam hoạt động đến cuối năm 1950 thì kết thúc.
CÂU 3
3.1. Hội Văn nghệ Việt Nam - tiền thân của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam - được thành lập trong Hội nghị văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất, họp từ ngày 23 đến 25/7/1948 tại thôn Dộc Phát, xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ.
Nhà văn Nguyễn Tuân (1910 - 1987) được bầu làm Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam.
Nhà thơ Tố Hữu (1920 - 2002) được bầu làm Phó Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam.
3.2. Từ ngày thành lập 25/7/1948 đến nay, tổ chức văn nghệ Trung ương ở Việt Nam, đã 3 lần mang tên (2 lần đổi tên) là:
- Lần thứ nhất (7/1948 - 2/1957): Hội Văn nghệ Việt Nam từ Đại hội thành lập
- Lần thứ hai (2/1957 - 9/1995): Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam từ Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ 2.
- Lần thứ ba (9/1995 - nay): Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, từ Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ 5.
3.3. Tương ứng với 2 lần đổi tên Hội, thì Ban Chấp hành Hội đã 2 lần đổi tên.
- Lần thứ 1: Tại Hội nghị thống nhất các tổ chức văn nghệ hai miền Nam Bắc cùng một mái nhà chung mang tên: Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, họp từ 26 - 27/4/1984 tại Hà Nội, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam được đổi thành Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam.
- Lần thứ 2: Tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ 5 họp tại Hà Nội từ 9 đến 11/9/1995, đồng thời với việc đổi tên Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam thành Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, thì cơ quan lãnh đạo Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam thành Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam.
CÂU 4
4.1. Câu nói “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” là câu của Bác Hồ, trong thư của Người viết đề ngày 10/12/1951 gửi các họa sĩ nhân dịp Triển lãm hội họa năm 1951. Triển lãm hội họa này tổ chức tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang từ ngày 19/12/1951 đến 25/12/1951.
4.2. Trong ngày kết thúc Hội nghị - Triển lãm, Chủ tịch Đoàn hội nghị công bố kết quả Giải thưởng Triển lãm Hội họa 1951 gồm 6 loại giải thưởng cho 9 (cá nhân, tập thể) - Giải thưởng này năm 1953 được công nhận thuộc Giải thưởng văn nghệ 1951 - 1952 của Hội Văn nghệ Việt Nam.
CÂU 5
Qua 75 năm thành lập và phát triển, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có 10 nhiệm kỳ Đại hội với những Hội nghị quan trọng như sau:
* Đại hội I: Thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, tiến hành trong 3 ngày 23, 24 và 25/7/1948 với hơn 80 đại biểu, tại làng Dộc Phát, Yên Kỳ, Hạ Hòa, Phú Thọ. Nhà văn Nguyễn Tuân là Tổng thư ký đầu tiên của Hội, nhà thơ Tố Hữu là Phó Tổng thư ký.
Cơ quan Hội Văn nghệ Việt Nam đóng tại Gia Điền, Hạ Hòa, Phú Thọ (1947 - 1948); năm 1949 chuyển sang xóm Chòi, Yên Giã, Thái Nguyên; năm 1950 chuyển sang Yên Sơn, Tuyên Quang; năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh có Thư gửi các họa sĩ nhân Triển lãm Hội họa năm 1951.
Cuối nhiệm kỳ, từ cuối 1954 cơ quan Hội chuyển về Hà Nội. Nhà văn Nguyễn Đình Thi kế nhiệm Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam từ 1956 đến tháng 2/1957.
* Đại hội Văn nghệ Toàn quốc lần thứ II từ ngày 20 đến 28/2/1957 tại Thủ đô Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và nói chuyện với Đại hội.
Hội Văn nghệ Việt Nam đổi tên thành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Nhà văn Đặng Thai Mai được bầu là Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam.
Năm 1961, ở miền Nam, Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam ra đời, Chủ tịch là nhà soạn kịch Trần Hữu Trang, Tổng thư ký: nhà văn Lý Văn Sâm.
* Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III họp tại Hà Nội, từ ngày 26/11 đến ngày 1/12/1962. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và phát biểu với Đại hội. Nhà văn Đặng Thai Mai tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam.
Ở miền Nam, nhạc sĩ Huỳnh Minh Siêng (tức Lưu Hữu Phước) kế nhiệm nhà soạn kịch Trần Hữu Trang (hi sinh) làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam.
* Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ IV họp tại Hà Nội từ ngày 22 đến 25 tháng 1/1968. Đồng chí Trường Chinh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến dự và phát biểu với Đại hội. Nhà văn Đặng Thai Mai tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam.
Sau ngày đất nước thống nhất, giữa nhiệm kỳ này, vào ngày 18/1/1977, tại Hà Nội, đã tiến hành hội nghị hợp nhất hai hội: Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam và Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam, thành Hội mang tên chung là Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, do nhà văn Đặng Thai Mai làm chủ tịch.
Một thời gian sau, vào ngày 26, 27/4/1984 tại Hà Nội diễn ra Hội nghị thống nhất các tổ chức văn nghệ hai miền Nam - Bắc dưới mái nhà chung Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam. Ban chấp hành Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam đổi tên thành Ủy ban trung ương Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt nam, do nhà thơ Huy Cận làm Chủ tịch.
* Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ V, họp tại Hà Nội, từ ngày 9 đến 11/9/1995, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã đến dự và phát biểu với Đại hội.
Tại Đại hội, đã quyết định đổi tên Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam thành Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt nam, đổi tên cơ quan lãnh đạo Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam thành Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Nhà văn Nguyễn Đình Thi được Đại hội bầu làm Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
* Đại hội VI Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức vào ngày 12, 13, 14 tháng 9 năm 2000 tại Hà Nội, về dự Đại hội có 216 đại biểu văn nghệ sĩ. Đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã đến dự và phát biểu với Đại hội. Nhà văn Nguyễn Đình Thi tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Thay đổi giữa nhiệm kỳ, ngày 18/4/2003, nhà văn Nguyễn Đình Thi qua đời; Đoàn Chủ tịch họp ngày 18/7/2003 cử nhạc sĩ Trần Hoàn - Phó Chủ tịch Thường trực giữ chức Chủ tịch, cử thêm 03 Phó Chủ tịch: nhà thơ Hữu Thỉnh; họa sĩ Trần Khánh Chương; nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Phức.
Ngày 23/11/2003, nhạc sĩ Trần Hoàn qua đời, Đoàn Chủ tịch họp ngày 14/5/2004 cử họa sĩ Vũ Giáng Hương giữ chức Chủ tịch.
* Đại hội VII Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức vào các ngày 22, 23, 24/9/2005 tại Hà Nội. Về dự Đại hội có 370 đại biểu văn nghệ sĩ. Đồng chí Phan Diễn - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã đến dự và phát biểu với Đại hội.
Đại hội bầu PGS, họa sĩ Vũ Giáng Hương làm Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
* Đại hội VIII Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (nhiệm kỳ 2010 - 2015) diễn ra vào các ngày 21, 22, 23/9/2010 tại Hà Nội. Về dự Đại hội có 550 đại biểu văn nghệ sĩ. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới dự và phát biểu với Đại hội.
Đại hội đã bầu nhà thơ Hữu Thỉnh là Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
* Đại hội IX Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (nhiệm kỳ 2016 - 2021) họp vào các ngày 8, 9 tháng 1 năm 2016 tại Hà Nội.
Tham dự Đại hội có 475 đại biểu văn nghệ sĩ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự và nói chuyện với Đại hội.
Đại hội đã bầu nhà thơ Hữu Thỉnh tiếp tục là Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
* Đại hội X Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam (nhiệm kỳ 2020 - 2025) họp từ 12 đến 14/1/2021 tại Hà Nội.
Tham dự Đại hội có hơn 261 đại biểu văn nghệ sĩ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến dự và phát biểu tại Đại hội.
Đại hội đã thông qua kết quả hiệp thương Danh sách ủy viên Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gồm 78 vị; ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gồm 27 vị; các phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gồm 5 vị (Đoàn Thanh Nô, Vương Duy Biên, Đỗ Hồng Quân, Nông Quốc Bình, Trần Quốc Chiêm).
- Ngày 22/9/2021, Thường trực Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc chỉ định PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân làm Bí thư Đảng đoàn.
- Cùng ngày, Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam họp bầu PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, giữ chức Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025.
CÂU 6
6.1. Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã được tặng thưởng 4 Huân chương cao quý của Đảng và Nhà nước
- Huân chương Độc lập hạng Nhất
- Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ nhất
QĐ ký ngày 9/9/1987 do Chủ tịch nước trao
- Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai
QĐ ký ngày 18/7/2008 do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao
- Huân chương Sao Vàng
Trao tặng ngày 25/7/2018 tại Hà Nội do Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao
6.2. Tổng hợp lại, đã có 136 văn nghệ sĩ được tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
* Trong đó: Số lượng từng đợt như sau (tác giả/ nhóm tác giả)
- Đợt 1 (1996): 44
- Đợt 2 (2000): 40
- Đợt 3 (2007): 5
- Đợt 4 (2012): 13
- Đợt 5 (2016): 18
- Đợt 6 (2022):16
Tổng: 136
* Trong đó: Số lượng từng chuyên ngành như sau (tác giả/ nhóm tác giả)
- Văn học: 43
- Âm nhạc: 24
- Mỹ thuật: 21
- Sân khấu: 18
- Múa: 10
- Nhiếp ảnh: 8
- Điện ảnh: 5
- Văn nghệ dân gian: 4
- Kiến trúc: 3
Tổng cộng: 136
CÂU 7
7.1. Giải thưởng Văn học nghệ thuật lần đầu tiên là Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1951 - 1952, tổ chức tại chiến khu Việt Bắc, công bố ngày 10/1/1953, bao gồm 6 chuyên ngành:
- Truyện và ký sự:
5 giải [ngoại hạng (1 tập thể); nhất (1); nhì (2); ba (2); khuyến khích (3)]
- Thơ:
4 giải [nhất (1); nhì (1); ba (1); khuyến khích (3)]
- Bài hát:
3 giải [nhì (2); ba (3); khuyến khích (2)]
- Kịch:
2 giải [ba (2); khuyến khích (2)]
- Dịch:
2 giải [nhì (1); ba (3)]
- Họa:
6 giải [nhất (1); nhì (1); ba (1); tập thể (1); tranh biếm họa (1); khuyến khích (4)]
7.2. Giải thưởng Văn học nghệ thuật gần đây nhất là Giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2022 của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, trao tặng vào tháng 1/2023 tại Hà Nội.
- Kết quả: có 32 Hội Văn học nghệ thuật tỉnh thành đoạt giải với 58 tác phẩm, trong đó: 05 giải A; 10 giải B; 19 giải C; 22 giải Khuyến khích; 02 Tác giả trẻ.
Theo bộ môn thì:
- Văn học: 25
- Sân khấu: 2
- Mỹ thuật: 10
- Âm nhạc: 07
- Điện ảnh: 02
- Nhiếp ảnh: 07
- Múa: 03
- Văn nghệ dân gian: 02
- 9 Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành với 9 tác phẩm thuộc các thể loại (văn học, nhiếp ảnh, mỹ thuật, kiến trúc, văn nghệ dân gian, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, múa)
- Cộng: 32 + 9 = 41 Hội đoạt giải
58 + 9 = 67 (cá nhân/ nhóm tác giả) đoạt giải
7.3. Các cơ quan ngôn luận (tên báo, tạp chí) qua các thời kỳ hình thành và phát triển của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam
7.3.1. Thời kỳ Hội Văn nghệ Việt Nam (3/1948 - 2/1957)
Tạp chí Văn nghệ, xuất bản tại Việt Bắc từ số 1 (3/1948) đến số 56 (10/1954)
Thư ký Tòa soạn đầu tiên: Tố Hữu
Báo Văn nghệ, xuất bản tại Hà Nội, từ số 57 (11/1954) đến số 162 (3/1957)
7.3.2. Thời kỳ Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (2/1957 - 9/1995)
Tạp chí Văn nghệ, xuất bản tại Hà Nội, từ số 1 (2/1957) đến số 71 (4/1963)
Chủ nhiệm: Đặng Thai Mai; Thư ký Tòa soạn: Nguyễn Đình Thi, Hoài Thanh
- Báo Văn nghệ giải phóng của Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam xuất bản tại Tây Ninh, từ số 1 (15/1/1961) đến số cuối (1/1977)
Chủ trì: Lý Văn Sâm, Trần Hiếu Minh, Anh Đức, Bùi Kinh Lăng, Hoài Vũ
Tuần báo Văn nghệ, xuất bản tại Hà Nội, từ số 1 (3/5/1963) đến số cuối (8/1978)
- Tuần báo Văn nghệ của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam và tuần báo Văn nghệ giải phóng của Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam, hợp nhất thành tuần báo Văn nghệ của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam từ ngày 17/1/1977.
Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, xuất bản tại Hà Nội, từ số 1 (11/1991) đến số (9/1995)
Chủ tịch: Hội đồng Biên tập: Huy Cận; Tổng Biên tập: Bằng Việt, Vũ Duy Thông
7.3.3. Thời kỳ Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (9/1995 - nay)
- Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, xuất bản tại Hà Nội, từ số tháng 11/1996 đến số cuối 327 (4/2022)
Tổng Biên tập: Hồ Phương, Phượng Vũ, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Ngọc Thiện
Thời báo Văn học nghệ thuật, xuất bản tại Hà Nội, gồm:
- Tuần báo Thời báo Văn học nghệ thuật, từ số 1 (30/7/2020) đến nay
Chủ tịch Hội đồng Biên tập: Hữu Thỉnh/ Đỗ Hồng Quân; Tổng Biên tập: Hoàng Dự
- Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam (bộ mới), từ số 1 (6/2022) đến nay
Chủ tịch Hội đồng Biên tập: Đỗ Hồng Quân, Tổng Biên tập: Hoàng Dự
- Website: arttimes.vn, từ năm 2020
Tổng Biên tập: Hoàng Dự
CÂU 8
Vai trò của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trong 75 năm qua đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và sự phát triển đất nước:
8.1. Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã phát huy vai trò của 1 tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của giới văn nghệ sĩ, thành viên của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, nhằm:
- Tập hợp, đào tạo và bồi dưỡng văn nghệ sĩ thuộc các thế hệ, tầng lớp, các dân tộc, các vùng miền, các chuyên ngành vào một hệ thống tổ chức đoàn kết, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở (các tỉnh, thành trong toàn quốc), triển khai toàn diện các mặt hoạt động theo đường lối văn hóa, văn nghệ mácxít - lêninnít của Đảng Cộng sản, động viên các văn nghệ sĩ luôn luôn gắn bó với đời sống hiện thực, đi sâu vào quần chúng, sáng tạo những công trình sáng tác, nghiên cứu, lý luận - phê bình; phản ánh những mặt cơ bản của đời sống hiện thực đất nước, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; nói lên những tâm tư nguyện vọng của quần chúng đối với Đảng và Nhà nước; góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, khoa học và nhân văn; bồi đắp nền tảng tinh thần cao đẹp của xã hội; góp phần xây dựng con người mới phát triển toàn diện, hài hòa về đức, trí, thể, mỹ…
8.2. Qua các giai đoạn cách mạng (kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đất nước thống nhất, tiến hành sự nghiệp Đổi mới), các văn nghệ sĩ đã không quản gian khổ, hi sinh, sáng tạo tác phẩm phục vụ công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, để đời cho hôm nay, mai sau và cho thế giới biết. Những tác phẩm đó phản ánh những trang sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc; khắc họa những hình tượng con người mới thuộc các tầng lớp xã hội (công, nông, binh, tri thức, doanh nhân…) trở thành vũ khí tinh thần hỗ trợ quần chúng phát huy chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chủ nghĩa nhân văn, hướng con người vươn lên những mục tiêu cao đẹp Chân Thiện Mỹ, là những công dân tốt, tử tế, lương thiện.
8.3. Đảng và Nhà nước đã ghi nhận những đóng góp to lớn của văn học nghệ thuật Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng. sự phát triển đất nước: Tặng 4 Huân chương cao quý cho tổ chức văn học nghệ thuật; 136 văn nghệ sĩ được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh; 665 văn nghệ sĩ được tặng thưởng Giải thưởng Nhà nước; hàng nghìn văn nghệ sĩ được tặng các danh hiệu NSND, NSƯT, nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú… Những tác phẩm ưu tú của nền văn học nghệ thuật Việt Nam được quần chúng chào đón, tiếp nhận nồng nhiệt, sống mãi như những tượng đài bất tử, tài sản tinh thần vô giá trong lòng công chúng nhiều thế hệ hôm nay và mai sau.
8.4. Trong giai đoạn cách mạng mới, còn nhiều khó khăn, thử thách to lớn và phức tạp, văn nghệ sĩ Việt Nam tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, đoàn kết một lòng một dạ vì Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, gắn bó với đời sống, dấn thân vào những mũi nhọn của cuộc sống lao động xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trau dồi bản lĩnh văn nghệ sĩ - chiến sĩ, kiên trì lý tưởng Chân Thiện Mỹ, khắc phục yếu kém, cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn, quan điểm sai trái của các lực lượng thù địch, phản động, tiêu cực, chống tự diễn biến, suy thoái. Văn nghệ sĩ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tiền đồ tươi sáng của đất nước, vươn lên với những khát vọng lớn, tâm huyết sáng tạo tác phẩm có chất lượng cao về nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật, những tác phẩm đỉnh cao, đáp ứng yêu cầu của công chúng và bạn bè quốc tế. Tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị, xứng đáng là những cuốn sách giáo khoa về đời sống, giúp con người nâng cao sự hiểu biết, khám phá, sáng tạo, hoàn thiện nhân cách - vừa là mục tiêu vừa là động lực quý báu của sự phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, phát triển, phồn vinh, hạnh phúc.
8.5. Đúng như những câu thơ của Tố Hữu viết về mối quan hệ gắn bó giữa văn học nghệ thuật với đời sống hiện thực, với chủ thể sáng tạo là văn nghệ sĩ, với nhân dân - lực lượng nuôi dưỡng và tiếp nhận những giá trị văn học nghệ thuật; với sự lãnh đạo của Đảng mác-xít:
Nhân dân là bể/ Văn nghệ là thuyền/ Thuyền xô sóng dậy/ Sóng đẩy thuyền lên/ Thuyền ra khơi xa/ Gió căng buồm lộng/ Buồm là lao động/ Gió là Đảng ta.
(Việt Bắc - 1954)
8.6. Liên hệ bản thân: trưởng thành, được đào tạo, hưởng thụ từ các giá trị văn học nghệ thuật cao đẹp.
Tự hào và biết ơn đối với nền văn học nghệ thuật dân tộc đơm hoa kết trái với những giá trị trường tồn, sống mãi cùng non sông, đất nước và con người. “Văn hóa còn thì dân tộc còn”.
CÂU 9 (Câu hỏi phụ)
Cuộc thi này theo dự đoán có 1265 người tham gia dự thi.
Là nhà giáo, nhà nghiên cứu khoa học, người dân tộc thiểu số (dân tộc Nùng) sinh sống và làm việc tại tỉnh thuộc khu...
Bình luận