Sức lan toả của Cuộc thi "Tìm hiểu 75 năm xây dựng và phát triển Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam" trong lòng bạn đọc

Là nhà giáo, nhà nghiên cứu khoa học, người dân tộc thiểu số (dân tộc Nùng) sinh sống và làm việc tại tỉnh thuộc khu vực trung du miền núi phía Bắc, tôi vô cùng xúc động khi nhận được thông tin về sự kiện lớn sắp diễn ra - 75 năm Thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam nay là Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (25/07/1948 - 25/07/2023), trái tim tôi đập mạnh khi nghĩ mình sẽ tham gia Cuộc thi kiến thức Tìm hiểu 75 năm xây dựng và phát triển Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam do Thời báo Văn học nghệ thuật phát động tổ chức.

Sức lan toả của Cuộc thi "Tìm hiểu 75 năm xây dựng và phát triển Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam" trong lòng bạn đọc - 1

Nhà giáo, nhà nghiên cứu khoa học Vi Thị Phương

Đam mê văn học từ những ngày tháng là nữ sinh văn khoa, sau đó được trưởng thành qua nhiều bài viết nghiên cứu lý luận phê bình - một thể loại viết khó nhưng đã thu hút tôi bởi luôn thử thách tư duy và sức sáng tạo của người viết. Là người chịu ơn của tinh thần văn học nghệ thuật dân tộc, tôi càng thấm thía lời PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc VOV, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã nhấn mạnh vai trò nghiên cứu, xây dựng hệ giá trị của văn học, nghệ thuật Việt Nam tại hội thảo khoa học “Xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại” năm 2020, rằng:

“Xây dựng hệ giá trị quốc gia nói chung, hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam nói riêng đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển và tương lai đất nước, như Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X đã khẳng định: Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển của con người Việt Nam.

Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành sâu sắc nhất đến nhà văn, nhà báo Hoàng Dự - Tổng Biên tập Thời Báo Văn học nghệ thuật, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi; PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện - nhà văn, nhà báo chuyên đi sâu nghiên cứu lịch sử lý luận, phê bình văn học Việt Nam thế kỷ XX; nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân… đã dành nhiều công sức tâm huyết nghiên cứu chọn lọc, cung cấp những thông tin chính xác, chuẩn mực, hấp dẫn, được đăng tải trong các cơ quan báo chí truyền thông để những người như tôi được đọc, được suy nghĩ và cảm thụ.

Sau khi sắp xếp nguồn tài liệu thu thập được một cách ngăn nắp, hợp lí khoa học, tôi cảm thấy nguồn tài liệu công phu đó đáp ứng việc tự học, nghiên cứu để tham gia cuộc thi của tôi. Tôi nhận thấy, nội dung cuộc thi với 9 câu hỏi rất bao quát ở các khía cạnh như: sự ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam; thời gian, địa điểm thành lập Hội Văn hóa Việt Nam; các kỳ đại hội qua 75 năm thành lập và phát triển của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; thời gian khi Giải thưởng Văn học nghệ thuật lần đầu tiên được tổ chức; các cơ quan ngôn luận (tên báo, tạp chí) qua các thời kỳ hình thành và phát triển của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam...

Nếu câu hỏi số 8 về “Vai trò của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trong 75 năm qua đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và sự phát triển của đất nước” với cá nhân tôi là câu khó, cần thử thách tư duy khái quát tổng hợp ở mức cao, nhưng tôi tin tôi sẽ trả lời logic và khoa học nhất, thì câu hỏi số 9 lại là câu hỏi rất “mở”, để người dự thi đoán.

Đọc kỹ yêu cầu nội dung và hình thức cuộc thi, tôi muốn trao đổi thêm với Ban Tổ chức, rằng trên thực tế có nhiều nguồn tài liệu khác nhau, chẳng hạn như cuộc họp văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất diễn ra vào ngày 25/7/1948. Tuy nhiên có hai nguồn tài liệu khác nhau nói về sự kiện này: có tài liệu ghi diễn ra từ ngày 23 - 25/7/1948, có tài liệu sau này lại ghi từ 25 - 27/7/1948. Vậy, những người dự thi sẽ cần căn cứ vào nguồn tài liệu nào để chuẩn xác kiến thức.

Hơn nữa, về tư liệu tham khảo của cuộc thi, thì ảnh tư liệu mình họa tôi có thể in liền vào giấy hoặc in rời, rồi dán vào từng trang giấy không? Vì ảnh tư liệu màu hoặc đen trắng khác nhau, nếu cùng vào file sẽ không được đẹp và nổi hơn.

Hiện tại, mặc dù rất bận rộn với công việc giảng dạy, nghiên cứu của người nghiên cứu lý luận - phê bình, tôi sẽ vẫn miệt mài, hết lòng với việc chuẩn bị thật tốt nội dung bài dự thi để tham gia cuộc thi như một lương duyên. Bài dự thi được hoàn thiện một cách tốt nhất sẽ nói đầy đủ hơn, mãnh liệt hơn, cũng như tự minh chứng cho sự thuyết phục của nó hơn bất cứ một câu từ nào. Sức lan toả của cuộc thi sẽ còn mãi.     

Việc tham gia cuộc thi với tôi là tự tâm, tự nguyện, góp phần thể hiện kiến thức nhỏ bé của mình, lan toả trong việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống văn học nghệ thuật của dân tộc. Sức lan toả và ý nghĩa xã hội lớn của cuộc thi đã cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về văn học nghệ thuật, đặc biệt mở ra cơ hội lớn cho những người như tôi ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi được phát triển, vươn lên, yên tâm gắn bó lâu dài với sự nghiệp “trồng người” trên quê hương.    

Vi Thị Phương (Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên)

Tin liên quan

Tin mới nhất

Vì sao lại có cầu vồng?

Vì sao lại có cầu vồng?

Cầu vồng là một trong những hiện tượng tự nhiên đẹp nhất mà chúng ta có thể thấy sau những cơn mưa lớn vào ban ngày. Nhưng cầu vồng được hình thành như thế nào?