Ấn tượng từ Giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam

Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc Hội nhà văn Việt Nam đã diễn ra sự kiện Trao giải cuộc thi tiểu thuyết lần thứ năm và Trao giải thưởng thường niên của Hội cho các tác giả tác phẩm xuất sắc.

Hai nữ tác giả đoạt giải Văn xuôi và Thơ – Xuân Phượng và Trần Kim Hoa được coi là những ẩn số của giải thưởng năm nay. Không nổi đình đám trên văn đàn, nhưng những điều thể hiện trong tác phẩm của hai nữ tác giả được đánh giá gây niềm xúc động chân thật.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, thành viên Hội đồng xét giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam có cái nhìn cận cảnh vào chất lượng chung của các tác phẩm được chọn lựa và vinh danh; đặc biệt nhấn mạnh vào hai thể loại văn xuôi và thơ: "Giải thưởng năm nay tôi nghĩ là rất ấn tượng. Mỗi một thể loại đều chỉ có một cuốn sách được giải thưởng. Đặc biệt trong Hội đồng Văn xuôi không tìm thấy một cuốn sách nào trong số sách được đề cử giải thưởng, thế nhưng Ban chấp hành kiếm tìm những cuốn sách bên ngoài đề cử và đã phát hiện ra cuốn hồi ký “Gánh gánh gồng gồng” của tác giả Xuân Phượng.

Ấn tượng từ Giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam - 1 Các tập sách được giải.

Bà đã hơn 90 tuổi. Tôi cho rằng đó là một cuốn sách ấn tượng, một cuốn sách mà rất nhiều bạn đọc lớn tuổi hay trẻ tuổi đều để lại những câu chuyện của một con người đã nói lên lịch sử của cả đất nước từ sau khi chúng ta dành được độc lập. Và các tác phẩm khác, lý luận phê bình của tác giả Nguyễn Văn Dân hay tác giả Dịch, đặc biệt là cuốn thơ.

Một vài năm gần đây việc kiếm tìm một tác phẩm trao giải Thơ rất khó. Nhưng năm nay Hội đồng thơ đã rất nghiêm khắc và chỉ đề cử được một cuốn đó là cuốn “Bên trời” của nhà thơ Trần Kim Hoa. Và Ban chấp hành cùng Hội đồng chung khảo đều nhất trí trao giải cho cuốn thơ đó”.

Kể về những thăng trầm cuộc đời của bản thân mình: một bác sĩ, sau này là đạo diễn, phóng viên chiến trường, bà Nguyễn Thị Xuân Phượng có lẽ sẽ chẳng bao giờ ngờ rằng tập hồi ký “Gánh gánh gồng gồng” bà khởi bút thời điểm gần đây lại lọt vào “mắt xanh” của Hội đồng xét tặng Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Những câu chuyện được tác giả 90 tuổi ghi lại bằng trí nhớ tuyệt vời cùng ngòi bút trau chuốt, từ thân phận một con người toát lên không khí của thời đại.

"Thực ra tôi là một đạo diễn phim. Cách đây 19 năm, tôi có viết một cuốn về đời tôi bằng tiếng Pháp, sau đó được dịch ra tiếng Anh và được đi nhiều nước. Năm nay trước sự thúc giục của nhiều bạn bè thì tôi nghĩ rằng đã đến lúc phải viết lại cuộc đời mình. Chính vì vậy, trong mấy tháng dịch Covid thì tôi viết, đến tháng 8 là xong, tháng 9 ra sách và tháng 10 thì được tin sẽ được giải thưởng của Hội Nhà văn” - Nhà văn Xuân Phượng chia sẻ.

Ấn tượng từ Giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam - 2 Nhà thơ Trần Kim Hoa - Ảnh: Báo Người lao động. 

Cũng như tác giả Xuân Phượng, cầm trên tay chứng nhận Giải thưởng Thơ, nhà thơ Trần Kim Hoa bồi hồi không nói nên lời. Với chị, giải thưởng giống như một sự ghi nhận cần thiết về độ chín tới của một người làm thơ. Càng ý nghĩa hơn nữa khi năm qua có rất nhiều tập thơ ra mắt bạn đọc cũng như nhiều nhà thơ liên tục phô diễn những ý tưởng sáng tạo: "Mình cũng là người làm thơ lâu năm rồi, hơn 30 năm rồi. Và có lẽ từ khi còn nhỏ tới giờ chưa bao giờ dám nghĩ một ngày mình s được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Đây là một điều trong mơ cũng không dám nghĩ đến. Tuy nhiên hôm nay điều đó đã trở thành hiện thực và mình rất xúc động, rất tự hào, rất vui, nghĩ đến những người thân, những người bạn, đến những người đã có sự đồng cảm, nhìn nhận, đánh giá và ưu ái với “Bên trời” để tập thơ có thể đến với công chúng”

Với tập Lý luận phê bình “Văn hóa – Văn học dưới góc nhìn liên không gian” đây là lần thứ ba PGS – TS Nguyễn Văn Dân vinh dự nhận giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông là một minh chứng cho tinh thần vươn tới đổi mới không ngừng trong công tác thực hành Nghiên cứu văn học trong xu hướng hội nhập hóa. Đồng thời cũng cho thấy tinh thần khuyến khích các góc nhìn văn hóa – văn học hiện đại, mới mẻ của Hội Nhà văn Việt Nam tác động đến tâm lý và hứng khởi sáng tạo của các nhà lý luận phê bình, trong đó có PGS – TS Nguyễn Văn Dân.

“Quá trình nghiên cứu của tôi thì đây không phải lần đầu tiên tôi được giải thưởng của Hội Nhà văn. Năm 2000 tôi đã nhận giải thưởng Hội Nhà văn cho một cuốn sách lý luận phê bình. Năm 2015 tôi nhận giải thưởng của Hội và cả Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Đây là lần thứ ba, cũng là niềm vui, đánh dấu lần được giải thưởng ở tuổi 70 của tôi, gần như là thời điểm cuối chặng. Cuốn sách này thực ra nó là một tập tiểu luận các bài viết mười năm trở lại đây viết về những vấn đề liên quan đến văn hóa và văn học, tôi tập hợp lại dưới một chủ đề chung là văn hóa, văn học dưới góc nhìn liên không gian, tức là tôi đặt văn hóa văn học trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, loài người đang phát triển theo xu hướng hội nhập. Đó là vấn đề mới, phù hợp với tình hình mọi vấn đề đều phải nhìn nhận dưới góc độ toàn cầu hóa”. - PGS-TS Nguyễn Văn Dân cho biết.

Kết hợp với hoạt động trao giải Văn học thường niên, Hội Nhà văn Việt Nam cũng công bố và trao giải cuộc thi Tiểu thuyết lần thứ năm. Bên cạnh việc xem xét và thống nhất giới thiệu tập thơ “Nghe mưa” của nhà thơ Hà Phạm Phú để dự xét giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Ban chấp hành cũng tổ chức lễ kết nạp Hội viên mới.

Nhà thơ trẻ Nguyễn Việt Anh, tân Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam có đôi điều chia sẻ về vinh dự này: "Chính thức trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thì tâm trạng của tôi rất phấn khởi. Tuy nhiên, sự phấn khởi này vẫn nằm trong chừng mực của sự điềm tĩnh, bình thản của một tác giả đã có quá trình cầm bút tương đối.

Thực ra việc trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hay chưa trở thành Hội viên thì không ảnh hưởng nhiều đến sáng tác của riêng cá nhân tôi bởi vì với tôi việc luôn luôn tìm tòi sáng tạo bám sát với đời sống xã hội để có những tác phẩm có giá trị cống hiến cho người đọc, cho xã hội thì luôn luôn là tâm lý thường trực của người cầm bút rồi. Chỉ có điều khi mà được chính thức trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thì tác động ít nhiều đến tinh thần, trách nhiệm của người cầm bút, người làm công tác sáng tác văn học như chúng tôi”.

Một mùa giải nói lên phần nào những kết quả văn chương đáng kể gặt hái được trong năm. Điều ghi nhận nhất là giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm nay đã thể hiện được tiêu chí tìm tòi tôn vinh với những giá trị văn học lặng lẽ, khuất lấp nhưng xứng đáng và cần thiết với đời sống hôm nay.

Giải thưởng văn học Hội Nhà văn 2020 cho tập thơ "Bên trời" của nhà thơ Trần Kim Hoa, tập hồi ký "Gánh gánh gồng gồng" của nhà văn Xuân Phượng (Nguyễn Thị Xuân Phượng). 

Hạng mục lý luận phê bình, Giải thưởng văn học Hội Nhà văn 2020 được trao cho tập lý luận phê bình "Văn hoá - văn học dưới góc nhìn liên không gian" của tác giả Nguyễn Văn Dân. 

Hạng mục Văn học dịch được trao cho Tác phẩm "Lời nguyện cầu Chernobyl", tác giả Svetlana Alexievich, qua bản dịch của của Phạm Ngọc Thạch và Nguyễn Bích Lan.                    

Tác phẩm "Từ Dụ Thái Hậu", tác giả Trần Thùy Mai, đã đoạt giải nhất cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 (2016-2019).

Năm giải nhì thuộc về các tác phẩm "Mệnh đế vương", tác giả Trương Thị Thanh Hiền; "Trong vô tận", tác giả Vĩnh Quyền; "Quay đầu lại là bờ", tác giả Hữu Phương; "Thị Lộ chính danh", tác giả Võ Khắc Nghiêm; "Gió xanh", tác giả Chu Lai.

Bảy giải ba được trao cho các tác phẩm "Và khép rồi lại mở", tác giả Vũ Từ Trang; "Vùng xoáy", tác giả Vũ Quốc Khánh; "Vỡ vụn", "Cuộc vuông tròn", tác giả Nguyễn Bắc Sơn; "Gió bụi đầy trời", tác giả Thiên Sơn; "Sông Luộc ở phương nam", tác giả Khôi Vũ; "Gió Thượng Phùng", tác giả Võ Bá Cường; "Chim bằng và Nghé hoa", tác giả Bùi Việt Sỹ.

Theo VOV None

Tin liên quan

Tin mới nhất