Bùi Huy Tín, từ doanh nhân đến danh nhân

Nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc - cựu giảng viên lịch sử các trường Đại học Sư phạm Huế và Thành phố Hồ Chí Minh, vừa tổ chức ra mắt cuốn sách tại Huế, nơi tròn 60 năm trước (năm 1963) doanh nhân Bùi Huy Tín (1875 - 1963) đã lặng lẽ yên nghỉ sau hơn tám thập kỷ “tung hoành” trên nhiều vùng đất suốt hai miền Trung và Bắc Việt Nam. Một cuộc đời thật đặc biệt - ngay từ tuổi ấu thơ.

Mở đầu sách, tác giả đã dẫn một đoạn trong hồi ký của nhà văn Bùi Bích Hà (1938 - 2021) ái nữ của cụ Bùi Huy Tín kể lại cảnh sau một trận càn ở Bãi Sậy (Hưng Yên), có một “thằng bé mất cha mẹ chạy giặc Pháp, loanh quanh qua những ruộng mía cao gấp mấy lần, nó được một ông đại úy đoàn quân xâm lược bắt về nuôi vì thấy nó khôi ngô, đĩnh ngộ. Mãn hạn, ông về nước, giao lại cho một đồng ngũ kế nhiệm…”.

Trong hai cuộc chiến vừa qua, trẻ em Việt bị đối phương bắt nuôi không ít, nhưng trường hợp Bùi Huy Tín không chỉ là đặc biệt mà còn là tín hiệu báo trước cậu bé sẽ trở thành một nhân vật yêu nước có phẩm cách vượt trội, có nhiều đóng góp cho Việt Nam. Có thể nói như vậy, vì khi viên đại úy kế nhiệm mãn hạn đã làm giấy tờ đem cậu bé 12 - 13 tuổi về Pháp cho ăn học thì thật bất ngờ “sáng sớm tàu nhổ neo, thằng bé lẻn trốn lên bờ, ở lại”!

Bùi Huy Tín không viết hồi ký, nhưng căn cứ vào những đóng góp của ông cho đất nước về sau, chúng ta có thể suy ra là ngay từ tuổi thiến niên, sau 6 năm ở trong trại lính quân đội Pháp, ông đã chọn con đường là sống và phụng sự quê hương Việt Nam. 13 tuổi, nhờ thông thạo tiếng Pháp, cậu bé mồ côi họ Bùi sống tự lập bằng tiền công giúp việc cho một doanh nhân người Pháp, rồi tự học thi vào vào trường Thông ngôn.

“Cần cù ham học hỏi và nhất là tính thật thà, ngay thẳng, chàng thanh niên họ Bùi chiếm được sự tin cậy và cảm tình của các ông chủ mỏ, các nhà thầu khoán mà cậu giúp việc (…) Nhờ đó, Bùi Huy Tín học được cung cách làm việc, quản lý và phương thức kinh doanh…”.

Bùi Huy Tín, từ doanh nhân đến danh nhân - 1

Bìa biên khảo “Bùi Huy Tín với Thực nghiệp dân báo & Tràng An báo”

Theo Trần Viết Ngạc, vượt qua 7 năm tự học và làm thuê hẳn là không thiếu gian khó, cậu bé mồ côi cả cha lẫn mẹ đã bắt đầu vươn lên làm chủ: “Ở tuổi 20, ông đã được chia cho những gói thầu nhỏ như thầu cá Hồ Tây theo mùa (…). Vào tuổi 25 - 26, ông đã trưởng thành và là một nhà thầu uy tín. Năm 1902 đến 1906, ông đã thực hiện công trình xây dựng hạ tầng cơ sở tuyến đường sắt Việt Trì - Lào Cai. Từ năm 1907 đến 1910, xây dựng hạ tầng cơ sở đường sắt Sài Gòn - Nha Trang, Phan Rang - Đà Lạt…”.

Khó kể hết công trình lớn mà doanh nhân trẻ Bùi Huy Tín tham gia xây dựng hồi đầu thế kỷ XX; điều đặc biệt là ông không chỉ góp sức làm những công trình quy mô lớn, rất khó khăn như đường sắt Phan Rang - Đà Lạt, Vinh - Đông Hà (1914 - 1918) mà còn mở rộng sang nhiều địa hạt khác (mà ngày nay chúng ta gọi là kinh doanh đa ngành); nhiều khu đồn điền lớn hàng trăm ngàn mẫu tây được mở ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, rồi nhà máy nước Quảng Nam…

Đặc biệt hơn nữa là ông “nhảy” sang cả địa hạt văn hoá - báo chí mà nhiều doanh nhân khác cho rằng khó tạo ra lợi nhuận vì thời đó còn ít khách hàng lĩnh vực này. Vậy nhưng ông mở nhà in Đắc Lập - nhà in đầu tiên ở Huế, chịu lỗ 25% 3 năm đầu và chủ trương hai tờ báo lớn ở hai miền Bắc và Trung: “Thực nghiệp dân báo” và “Tràng An báo”...

Phải dùng từ “kinh ngạc” trước sự nghiệp của doanh nhân Bùi Huy Tín từ  hơn một thế kỷ trước, trong hoàn cảnh một nước thuộc địa, không chỉ làm giàu cho mình mà luôn nhắm tới mục đích ích quốc lợi dân.

Nhà sử học Dương Trung Quốc, trong “Lời giới thiệu” cuốn sách, sau khi nhắc câu ngạn ngữ xếp Bùi Huy Tín vào tốp người giàu có nhất ở Bắc Kỳ “Nhất Bưởi, nhì Thu, tam Phu, tứ Tín” (Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Hữu Thu, Hoàng Trọng Phu và Bùi Huy Tín) đã viết: “Những ai nghiên cứu giai đoạn lịch sử này cũng đều phải thừa nhận rằng hiểu biết về nhân vật lịch sử cũng như hai tờ báo, hai nguồn sử liệu quý này cho đến nay còn sơ sài, với nhiều khoảng trống về trí thức và tư liệu”.

Những giá trị để lại về hai tờ báo do Bùi Huy Tín đầu tư mà nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc đã dành hơn 2/3 cuốn sách cung cấp cho bạn đọc tư liệu khá chi tiết sẽ xin bàn thêm ở phần sau; ở đây xin được nhấn mạnh phẩm chất nhà kinh doanh khi tham gia hoặc chủ trương nhiều công trình lớn đã dẫn trên đây: khác hẳn với loại nhà giàu trọc phú và chỉ chạy theo lợi nhuận, Bùi Huy Tín mở công trình đồng thời lo cải thiện đời sống dân chúng trong vùng. Trần Viết Ngạc viết:

“… Để phục hồi ruộng đất hoang hóa, ông bỏ tiền ra lập đồn điền, xây dựng làng mạc, lập trường học, chợ búa…”. Và ông dẫn chứng: Khi ông lập đồn điền Yên Lập 500 mẫu tây (Hương Khê - Hà Tĩnh), ông cho xây một trường học và ngôi chợ lớn; khi lập đồn điền Thạch Xá rộng 1.000 mẫu tây dọc sông Kiến Giang (Quảng Bình) ông đồng thời lập làng Động Hải gồm 300 dân, lập một trại Phong (Trại Cùi); tại Huế, ông tham gia xây dựng một phần Trường Quốc học, Nhà Thương Huế và đã hỗ trợ cho hoạt động “Nữ công học hội” do bà Đạm Phương (thân mẫu nhà nghiên cứu Hải Triều) sáng lập…

Việc mở nhà in ở Huế, bất chấp trước đó đã có nhiều người trù tính, “nhưng ai tính cũng thấy hồi đó không đủ công việc nên lại thôi” (ông Bùi Huy Tín, trong dịp kỷ niệm “Nhị thập chu niên Đắc Lập ấn quán” - 20 năm khai  trương nhà in, đã viết như thế trên báo “Tràng An” năm 1939); vậy mà ông lại đứng ra đảm nhiệm, điều đó còn cho biết thêm doanh nhân họ Bùi kinh doanh chịu lỗ vì một mục đích cao cả hơn.

Cũng chính trong bài báo vừa dẫn, Bùi Huy Tín đã viết: “Nhà in Đắc Lập ra đời ở kinh đô cũng bởi một duyên cớ. Tháng Aout 1919, gặp lúc phong trào tranh thương với người Hoa kiều… xướng lên từ Nam Kỳ dần dần lan khắp cả nước (…) Phải biết rằng tôi lập nhà in ở tại kinh đô này chỉ vì sự mở mang và vì nghĩa vụ đoàn thể  của đồng bào trong buổi tranh thương…”.

Chỉ có tình yêu đất nước và danh dự người Việt không để người Hoa chiếm thị trường, ông mới thuận theo lời mời của các nhà thương mại ở Bắc và ở Huế mời ông vào Huế lập nhà in, để rồi sau 3 năm bị lỗ, ông đã mua lại toàn bộ cổ phần những ai sợ thua lỗ rút ra với giá gốc, chứ không trừ khoản lỗ 25%. Đó là chưa nói đến vai trò nhà in hồi đó bao gồm cả xuất bản, cả mạng lưới phát hành rất rộng, đã góp phần quan trọng nâng cao dân trí, phát triển các hoạt động văn hoá ở nhiều tinh miền Trung.

Chính vì thế, tiến sĩ sử học Nguyễn Khắc Thái, khi kết luận bài viết khá công phu về những dấu ấn của Bùi Huy Tín trên đất Quảng Bình, đã kết luận: “… Khác với các nhà đầu tư khác, ông luôn đặt lợi ích của mình song hành với lợi ích cộng đồng… không xâm phạm sở hữu tài nguyên của người dân mà còn tạo cho người dân quanh vùng có cơ hội phát triển, điều đó thể hiện tinh thần nhân văn cao cả trong đầu tư phát triển kinh tế…”.

Tác giả cuốn sách cũng như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong phát biểu tại buổi ra mắt công trình của Trần Viết Ngạc đã nhấn mạnh bối cảnh xã hội những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi các nhà tư bản Pháp đẩy mạnh khai thác thuộc địa, xây dựng nhiều công trinh lớn, rất cần lớp người có thể làm thư ký, thông ngôn và sự hợp tác của tư bản bản xứ. Có thể nói đó là “cơ hội vàng” cho lớp tư sản dân tộc xuất hiện. “Nhờ đó, Bùi Huy Tín đã học được cung cách làm việc, quản lý và phương thức kinh doanh”.

Có lẽ cần nói thêm: Bùi Huy Tín đã sớm nhận biết bên cạnh bọn cầm quyền thực dân, những doanh nhân người Pháp đều là “con đẻ” của cuộc cách mạng tư sản Pháp 1789, ít nhiều cũng mang trong mình phẩm cách tốt đẹp được hình thành dưới lá cờ “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”; do đó, ông không chỉ học họ cách thức kinh doanh mà còn tiếp thu những bài học mang giá trị văn hoá, tính nhân văn trong quá trình hợp tác với họ. Chỉ nêu Nhà hát Lớn Hà Nội với không ít kiến trúc Pháp hiện vẫn là điểm sáng về kiến trúc ở nhiều thành phố là đã thấy không phải di sản Pháp để lại là thứ bỏ đi! Thật may là hơn một thế kỷ trước, đã có một Bùi Huy Tín nhận ra điều đó trong khi lòng vẫn sục sôi tinh thần yêu  nước theo cách của ông…

Bùi Huy Tín, từ doanh nhân đến danh nhân - 2

Doanh nhân Bùi Huy Tín

***

Công trình của Trần Viết Ngạc dành phần lớn số trang cho hai tờ báo do Bùi Huy Tín làm chủ nhiệm: “Thực nghiệp dân báo” do Bùi Huy Tin đồng sáng lập với nhà tư sản Nguyễn Hữu Thu (một trong bốn người giàu nhất Bắc Kỳ mà câu ngạn ngữ đã dẫn ở trên có nhắc đến) xuất bản từ năm 1920 đến 1935; “Tràng An báo” và phiên bản tiếng Pháp “La Gazeette de Hué” xuất bản tại Huế từ 1/3/1935 đến 11/6/1942.

Tác giả đã công phu nghiên cứu từ bộ Lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Hà Nội và với sự giúp đỡ của bạn hữu, ông đã tiếp cận được các nguồn tư liệu ở Thư viện Quốc gia Pháp (BnF); nhờ đó, ông đã cung cấp cho bạn đọc nhiều tư liệu quý, danh mục nội dung hàng trăm số báo mà quan trọng nhất là về ba sự kiện lớn của Việt Nam thời gian đó (Phong trào đòi trả tự do cho Phan Bội Châu - Lễ tang Phan Châu Trinh và cuộc Khởi nghĩa Yên Bái).

Lại phải dùng từ “kinh ngạc” khi đọc nội dung các bài báo về 3 sự kiện chính trị chấn động suốt từ Nam chí Bắc, ngang nhiên bày tỏ lòng yêu nước và sự kính trọng đối với hai cụ Phan và các chiến sĩ cách mạng, trong một chế độ thuộc địa. Chỉ kể về số lượng, Trần Viết Ngạc cho biết: “Trong hai tháng rưỡi, từ ngày chính quyền đưa nhà ái quốc ra tòa Đề hình, 23/1/1925 đến ngày 7/2/1926, 34 số báo Thực nghiệp đăng tin tức tòa án, phản ánh dư luận trong toàn quốc cùng các bài xã luận của độc giả, của đồng nghiệp, Thực nghiệp đã trở thành tờ báo quan trọng nhất, đóng góp nhiều nhất cho phong trào đòi trả tự do cho Phan Bội Châu. Chỉ riêng bài tường thuật của Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân đăng liên tiếp trong 4 số báo với gần 13 cột báo, khoảng 5.500 chữ, có thể là một kỷ lục của làng báo nước ta phản ánh một sự kiện đang tiếp diễn…”.

Hơn thế, “Thực nghiệp đã phát hành “Tập án Phan Bội Châu”, in đến 4 lần, mỗi lần 5000 bản, tổng cộng 20.000 bản, phát hành trên toàn quốc, sang cả thủ đô Vientian của Lào”. 

Với Lễ tang cụ Phan Châu Trinh và cuộc khởi nghĩa Yên Bái, hai tờ báo đã dẫn cũng đã đưa tin dày đặc, kịp thời và trung thực như thể. Từ đó, Trần Viết Ngạc viết:

“Có thể nói Thực nghiệp Dân báo đã làm được một công việc lớn là vinh danh các người con hào hùng của dân tộc, khắc sâu hình ảnh của họ trong lòng độc giả… trong một hoàn cảnh dân tộc đang bị cai trị một cách hà khắc…”.

Không thể trích dẫn nhiều hơn nội dung hai tờ báo thể hiện tinh thần yêu nước như trên; chỉ cần nói thêm là tờ “Tràng An” ra đời vào lúc báo “Tiếng Dân” của cụ Huỳnh Thúc Kháng đã hoàn thành nhiệm vụ khi “lịch sử trải qua một chặng đường khác” (Hải Triều viết trên  báo Đông Phương ngày 18/11/1933) với chủ bút là Phan Khôi và các cây bút chủ lực là những tên tuổi như Hoài Thanh, Nam Trân, Trần Thanh Mại, Thanh Tịnh, Lưu Trọng Lư, Lê Tràng Kiều…

Cũng nên nhắc lại, nhà phê bình Hoài Thanh đã trưởng thành từ nhà như Đắc Lập và báo “Tràng An”. Niên biêu (trong sách “Hoài Thanh về tác gia  và tác phẩm” - NXB Giáo dục, 2007) có ghi: Năm 1931, sau khi bị bắt, bị giải về quê Nghi Lộc, ông vào Huế làm người chữa morat trong nhà in Đắc Lập và từ 1935, liên tục viết cho báo “Tràng An”… Tác giả cuốn sách cũng cho biết, “khi Tràng An chào đời ở Huế, ông già Bến Ngự gửi đến “người em ruột thịt” của Tiếng Dân, kém chị 8 tuổi, với mong ước sẽ cùng nhau gánh vác, nuôi dưỡng tinh thần dân tộc (…) “Tràng An, tràng an, tràng an hoài / Như núi đứng vững, như sông dài…”.

Chỉ nhắc tên chủ bút và người cộng tác, chúng ta đã có thể hiểu phẩm cách và lòng yêu nước của chủ nhiệm Bùi Huy Tín. Ông cũng đã có lần nói rõ: “Tôi làm chủ nhiệm Tràng An thì dẫu ông Phan Khôi làm chủ bút, trách nhiệm tờ báo vẫn về phần tôi chịu. (…) Nói một cách khác, thái độ của ông Phan Khôi trên báo Tràng An tức là thái độ của báo “Tràng An” và thái độ của tôi vậy” (Báo ngày 7/2/1936). Có lẽ chúng ta từng nghe câu ngạn ngữ Anh: “Hãy cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ chỉ cho anh biết, anh là người như thế nào”. Nói một cách đơn giản: Phải là người có phẩm hạnh và chính kiến thế nào mới có thể làm bạn với những tên tuổi như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Hoài Thanh, Phan Khôi…

Vậy nên theo tôi, Bùi Huy Tín không chỉ là doanh nhân mà xứng đáng là danh nhân. Nhà sử học Dương Trung Quốc, trong “Lời giới thiệu” đã dẫn cũng khẳng định, nhờ đọc cuốn sách “có hiểu biết khác hơn trước, đúng hơn trước và trân trọng hơn trước khi đọc đối với nhân vật Bùi Huy Tín…”. Còn nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc, kết thúc buổi ra mắt cuốn sách đã đề nghị “Thành phố Huế nên có một con đường mang tên cụ Bùi Huy Tín”! Điều đó là rất xứng đáng. Và không chỉ ở Huế, những địa phương từng có những công trình lớn do Bùi Huy Tín khai mở (như Quảng Bình, Hà Tĩnh…) cũng nên có đường mang tên ông…

Cụ Bùi Huy Tín đã yên nghỉ tròn một lục thập hoa giáp (60 năm trước) chẳng cần chi danh và lợi - do những biến động thời cuộc sau 1945, rồi 1954, “tỷ phú” Bùi Huy Tín về cuối đời gần như trắng tay, yên phận lo Phật sự và lặng lẽ nằm xuống trong khu nghĩa trang chùa Tập Thiện; và khéo thay, đây là đất khu vực phường Trường An - tên tờ báo lừng danh một thuở ở Huế - nhưng khi mà doanh nhân đang là lực lượng quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước thì tấm gương một doanh nhân như Bùi Huy Tín cần được nhiều người biết đến. PGS.TS Bửu Nam cũng đã viết ở cuối cuốn sách: “Độc giả cũng có thể nghĩ tiếp về vai trò của doanh nhân trong thời kỳ hiện nay…”.

Nguyễn Khắc Phê

Tin liên quan

Tin mới nhất

Sức khỏe cộng đồng - Hành trình chữa lành cùng lương y Hoàng Nhân Trung

Sức khỏe cộng đồng - Hành trình chữa lành cùng lương y Hoàng Nhân Trung

Lương y Huỳnh Khắc Trung – người trực tiếp hướng dẫn chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng với tiêu chí phụng sự “Sáng y đức, giỏi y thuật” và tinh thần y học chủ động, cơ chế tự chữa lành. Trải nghiệm liệu trình cá nhân hóa tại Phòng khám Đông y Tuệ Hy (179B Cách Mạng Tháng 8, P.5, Q.3).