Khám phá những làng nghề thủ công truyền thống qua bộ sách "Vang danh nghề cổ"

Chào mừng Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam 2025, ngày 19/4, tại Phố sách Hà Nội, Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp với Dự án Sách Nhà Mình tổ chức buổi giao lưu ra mắt bộ “Vang danh nghề cổ - Khám phá những làng nghề thủ công truyền thống của Việt Nam”.

Khám phá những làng nghề thủ công truyền thống qua bộ sách "Vang danh nghề cổ" - 1

Sự kiện giao lưu ra mắt bộ “Vang danh nghề cổ - Khám phá những làng nghề thủ công truyền thống của Việt Nam”. Ảnh: Huyền Thương

Bảo tồn tinh hoa nghề cổ qua những trang sách

Suốt chiều lịch sử văn hoá Việt Nam, cha ông ta đã cùng nhau gây dựng nhiều làng nghề truyền thống đặc trưng của từng vùng miền trên Tổ quốc. Những nghề cổ ấy vẫn còn được gìn giữ cho tới tận ngày nay, không chỉ gây dấu ấn tại quê hương mà còn vươn xa tới nhiều quốc gia trên thế giới.

Với mong muốn bảo tồn tinh hoa nghề cổ, “truyền lửa” cho thế hệ tương lai, nhóm tác giả của bộ sách Vang danh nghề cổ đã ấp ủ dự án này trong nhiều năm.

Khám phá những làng nghề thủ công truyền thống qua bộ sách "Vang danh nghề cổ" - 2

Tại chương trình, nhóm tác giả Phương Bùi, Thành Nguyễn, nhóm hoạ sĩ NGART đã chia sẻ về cảm hứng, hành trình tìm kiếm tư liệu nội dung và những câu chuyện thú vị xoay quanh quá trình sáng tác. Ảnh: Huyền Thương

Tác giả Thành Nguyễn chia sẻ, để thực hiện bộ sách, nhóm tác giả và nhóm họa sĩ đã dành nhiều thời gian đi thực địa khắp các làng nghề để gặp gỡ, trao đổi với các nghệ nhân và người dân địa phương, cũng như tham khảo nhiều nguồn tư liệu, đặc biệt là đối chiếu thông tin từ Tổng tập làng nghề Việt Nam.

Tác giả Phương Bùi cho biết, trong quá trình thực hiện bộ sách, điều khiến chị và ê kíp cảm thấy khó khăn nhất là cách truyền tải những kiến thức khá trừu tượng về làng nghề, về di sản cho trẻ nhỏ, để không chỉ cung cấp cho độc giả quy trình làm ra sản phẩm của làng nghề, mà còn giúp độc giả biết được sự tài hoa của nghệ nhân của nước mình, hiểu được văn hóa, tín ngưỡng và tập tục của vùng đất đó.

Với mục tiêu tiếp cận lứa tuổi nhỏ, Nhà xuất bản Kim Đồng đã cùng phối hợp với đội ngũ tác giả, họa sĩ đầu tư vào minh họa, những trang sách với tranh vẽ màu sống động, mang đậm dấu ấn văn hoá cổ truyền nhưng vẫn trẻ trung, gần gũi với lứa tuổi tiểu học.

Theo đại diện nhóm họa sĩ NGART, khi bắt tay vào việc minh họa cho bộ sách, nhóm họa sĩ mong muốn mang tới cho các bạn nhỏ những thông tin chính xác về làng nghề qua việc phản ánh trung thực về quang cảnh, kiến trúc của làng nghề, về công cụ làm việc và trang phục của những con người ở đó.

Tuy nhiên, các họa sĩ không làm cho bộ sách giống như một quyển sách giáo khoa, mà muốn các độc giả nhỏ tuổi có thể vừa học, vừa chơi và cảm thấy hứng thú với những hình ảnh có phần đáng yêu, ngộ nghĩnh.

Nhóm cho biết, sẽ tiếp tục theo đuổi dự án sách này dài hơi, để tiếp tục giới thiệu thêm nhiều làng nghề truyền thống của đất nước.

Tìm hiểu về những nghề cổ đã lưu danh sử sách

Văn hóa là quyền lực mềm, là sức mạnh nội sinh của mỗi quốc gia, dân tộc. Trong thời đại công nghệ phát triển và hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, việc giúp trẻ em hiểu và trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Bộ sách Vang danh nghề cổ giới thiệu tới các bạn đọc nhỏ tuổi về những nghề cổ đã lưu danh sử sách, giúp các em thêm yêu quý bề dày lịch sử văn hoá dân tộc.

Bộ sách đưa các em nhỏ trở về với những giá trị văn hóa lâu đời một cách sinh động và đầy hấp dẫn qua hành trình của cô bé An – nhân vật chính trong mỗi tập, giúp các em dễ dàng đồng cảm và học hỏi qua những chuyến đi khám phá khắp mọi miền đất nước.

Khám phá những làng nghề thủ công truyền thống qua bộ sách "Vang danh nghề cổ" - 3

Bộ sách “Vang danh nghề cổ. Ảnh: NXB Kim Đồng

Với văn phong giản dị, dễ hiểu cùng lối kể chuyện cuốn hút, bộ sách hiện đã phát hành 10 tập, mỗi tập là những lát cắt sống động về lịch sử hình thành phát triển và quy trình độc đáo của từng làng nghề như: làm giấy dó, làm gốm, đúc đồng, làm lụa, làm trống: Chạm bạc Đồng Xâm - Gìn giữ tinh hoa, Làng mộc Chàng Sơn - Nét chạm của thời gian, Nước mắm Phú Quốc - Vị ngon đảo ngọc, Làng rèn Vân Chàng - Lửa rèn còn mãi, Lãnh Mỹ A - Huyền thoại lụa, Làng gốm Bàu Trúc - Đất vàng trên cánh đồng thiêng, Thúng chai Phú Mĩ - Vươn khơi bám biển, Trống Đọi Tam - Rền vang tiếng sấm, Giấy dó bản Sưng - Vẻ đẹp bình dị, Phường đúc Huế - Kiệt tác di sản.

Không chỉ là một bộ tranh truyện, Vang danh nghề cổ còn là bộ công cụ giáo dục trực quan, góp phần giúp độc giả nhỏ tuổi nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa làng nghề trong đời sống hiện đại, và nêu cao tinh thần giữ gìn bản sắc dân tộc.

Mỗi trang sách góp phần giúp độc giả trẻ hiểu rằng, giữ gìn nghề cổ không chỉ là giữ một nghề mưu sinh, mà là bảo tồn cả một kho tàng lịch sử, thẩm mỹ và tinh thần Việt Nam.

Trong khuôn khổ chương trình, ngoài phần giao lưu, khán giả còn có cơ hội tham gia các trò chơi tương tác để tìm hiểu về những làng nghề thú vị, được giới thiệu trong bộ sách Vang danh nghề cổ.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

“Suối Cọp” của Hữu Ước - thành công mới của tiểu thuyết  về đề tài lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam

“Suối Cọp” của Hữu Ước - thành công mới của tiểu thuyết về đề tài lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam

Tiểu thuyết “Suối Cọp” của nhà văn Hữu Ước được xuất bản lần đầu năm 2022, lần tái bản gần đây nhất là vào tháng 4 năm 2024, do nhà xuất bản Hội Nhà văn thực hiện. Tiểu thuyết gây tiếng vang lớn, được nhiều người tìm đọc, tiểu thuyết cũng được dịch ra tiếng nước ngoài, xuất bản tại Hungary, Mỹ và Thụy Điển…

Hội thảo khoa học quốc gia về 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước

Hội thảo khoa học quốc gia về 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước

Ngày 18/4, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) - Những vấn đề đặt ra và địn