Chuyện lưu giữ sách báo của nhà văn Hoài An

(Arttimes) - Nhà văn Hoài An từng là phóng viên báo Quân đội Nhân dân (QĐND) những năm báo mới thành lập. Cụ đã lưu giữ được cả báo Vệ quốc quân, Quân du kích từ năm 1947 đến năm 1950, báo QĐND từ năm 1950 - 1954, Tạp chí Văn nghệ quân đội từ năm 1957. Sau này, khi cụ mất, gia đình đã tặng lại cho báo QĐND và Tạp chí Văn nghệ quân đội toàn bộ những số báo đó được đóng thành quyển bìa cứng, còn giữ được nguyên vẹn như khi mới xuất bản.

Năm 2007, nhân dịp báo QĐND kỷ niệm 57 năm ra số báo đầu tiên, Đại tá nhà văn, nhà báo Nguyễn Như Phong gặp tôi và anh cho biết: Gia đình anh đang lưu giữ được tất cả những số báo báo Vệ quốc quân, Quân du kích và những số báo QĐND từ năm 1950 -1954. Gia đình có tâm nguyện tặng lại số báo đó cho báo QĐND để tiện bảo quản và làm tư liệu lâu dài. Tôi trao đổi lại với Ban biên tập và mấy hôm sau, anh Nguyễn Như Phong đã mang tới báo những ấn phẩm được gia đình lưu giữ và bảo quản hơn nửa thế kỷ ấy. Ban biên tập báo QĐND thật bất ngờ khi tiếp nhận những ấn phẩm báo chí này khi thấy chúng còn nguyên vẹn bởi được bảo quản rất chu đáo. Báo được đóng bìa cứng màu xanh, bìa có in chữ nhũ trắng, ghi rõ khoảng thời gian báo được xuất bản. Báo Vệ quốc quân (tiền thân của báo QĐND) khổ 30x40 ghi 19471950 và báo QĐND khổ 30x42 ghi 1950-1954… Những tờ báo này ngày đó chỉ xuất bản mỗi tháng 2-3 số, những số báo đặc biệt mới in được 2 màu, ít ảnh mà chủ yếu là tranh minh hoạ. Đại tá Lê Phúc Nguyên, khi đó vừa được bổ nhiệm chức vụ Tổng biên tập báo QĐND tiếp nhận các ấn phẩm và cám ơn gia đình Đại tá Nguyễn Như Phong đã có công lưu giữ và bổ sung cho báo QĐND nguồn tư liệu quý.

Chuyện lưu giữ sách báo của nhà văn Hoài An - 1 Nhà văn Hoài An 

Năm 2014, anh Nguyễn Như Phong cũng trao tặng những cuốn Tạp chí Văn nghệ quân đội xuất bản từ năm 1957, được đóng bìa cứng như vậy cho Ban biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội. Đại tá nhà văn Ngô Vĩnh Bình và nhà văn Nguyễn Bình Phương đã tiếp nhận số ấn phẩm thời kỳ đầu ấy. Lưu giữ sách báo thì có nhiều gia đình làm được nhưng mỗi người có một điều kiện và cách làm riêng. Số báo mà cụ Hoài An lưu giữ được in ấn, phát hành trong điều kiện đất nước còn kháng chiến chống Pháp. Vậy nhà văn Hoài An và gia đình đã làm thế nào để bảo quản được số báo ấy? Trong câu chuyện với Ban biên tập báo QĐND, Đại tá Nguyễn Như Phong kể lại cách mà cụ thân sinh anh - Nhà văn Hoài An đã làm để sau hơn nửa thế kỷ vẫn còn nguyên vẹn như vậy. Nhà văn Nguyễn Hoài An (1925-2001) quê ở thôn Bài Lâm Thượng, xã Hồng Quang, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). Cụ tham gia cách mạng từ 19/8/1945. Năm 1946, gia nhập quân đội, là chiến sĩ thuộc Trung đoàn Thủ đô. Từ năm 1948, cụ bắt đầu viết báo và là cộng tác viên của báo Quân Du kích. Năm 1952, cụ là phóng viên bản tin Đại đoàn Quân tiên phong (Sư đoàn 308). Tháng 4 năm 1954, cụ được cấp trên điều động về làm phóng viên báo QĐND đến tháng 6 năm 1958. Sau đó, cụ chuyển sang công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam. Từ năm 1967 cho đến khi nghỉ hưu, cụ là Trưởng ban Văn xuôi của báo Văn Nghệ. Thời chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, khi tuổi đã cao, cụ Hoài An vẫn cùng anh em văn nghệ sĩ có mặt ở chiến tuyến Lạng Sơn để thu thập tư liệu sáng tác. Nhà văn Nguyễn Như Phong kể rằng, khi anh chừng 8-9 tuổi, mấy anh chị em nhà anh đã thích đọc sách báo. Cụ Hoài An có rất nhiều sách, báo. Cụ có một cái hòm gỗ to.

Nhiều loại sách, báo được cụ cất giữ trong cái hòm gỗ ấy. Và đáng chú ý là cụ rất cẩn thận, lót lá chuối khô ở đáy và 4 xung quanh hòm để chống ẩm. Mỗi năm mấy lần, có nắng to là cụ lại mang những sách, báo đó ra sân phơi, tránh được ẩm mốc. Một chút bụi vương vào cũng được cụ lau chùi sạch sẽ ngay. Và sau đó, cụ mang số báo Vệ quốc quân, Quân du kích, báo QĐND và Tạp chí Văn nghệ quân đội đi thuê đóng thành quyển bìa cứng. Cho đến bây giờ, tôi không biết có ai lưu giữ được báo chí quân đội như cụ Hoài An hay không. Bởi năm 1954 cụ An mới về báo QĐND mà cụ đã có ý tưởng lưu giữ báo từ năm 1947 (tờ Vệ quốc quân), khi cụ 22 tuổi, là chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô. Anh Phong cho biết, từ khi còn niên thiếu, anh đã đọc những ấn phẩm báo QĐND và ấn tượng nhất với bài xã luận trong số báo đầu tiên ra mắt ngày 20/10/1950. Đó là bài xã luận Có! trên góc phải của trang 2. Tuy ngày ấy chưa hiểu hết nội dung, ý nghĩa của bài xã luận nhưng một số câu chữ đã ăn sâu vào tiềm thức của anh cho tới tận bây giờ. Những năm làm lính công binh bên mặt trận Lào, anh đã có những tác phẩm 

văn học và báo chí gửi về, đăng tải trên một số tờ báo trong nước. Và sau này trở thành nhà văn, nhà báo rồi, anh không chỉ là bạn đọc, bạn nghe đài mà còn là cộng tác viên của báo QĐND và Chương trình Phát thanh QĐND. Từ khi làm phóng viên báo Công binh (1980-1982), nhà văn Nguyễn Như Phong là một trong những cộng tác viên tích cực của mục “chuyện kể ở đại đội”. Qua công việc chuyên môn mà tôi và anh Phong quen biết nhau từ năm 1980. Nhiều lần tâm sự với Nguyễn Như Phong và sau này làm việc với mấy anh em anh thì tôi thấy các anh chị có ảnh hưởng một phần từ cụ Hoài An. Đó là tác phong cụ thể, tỉ mỉ, chu đáo, nghiêm túc với công việc; đặc biệt là lòng yêu nghề, say nghề. Cụ Hoài An đã là người “tiếp lửa” truyền thống cho con cháu mình. Cụ có con trai đầu là nhà báo Thanh Tùng, nổi tiếng một thời trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam với chương trình Dành cho người cao tuổi. Mỗi lần nhà báo Thanh Tùng “hầu chuyện các cụ” thì không chỉ người già mà nhiều người trẻ cũng thấy hấp dẫn. Anh Phong nhớ lại thời chiến tranh chống Mỹ, các nhà văn nổi tiếng sơ tán về Ứng Hoà quê anh. Buổi sáng, anh thường được nhà văn Nguyễn Tuân giao cho đun nước pha trà hầu các cụ. Mà đun nước là phải sôi ùng ục một lúc, rót xuống nền đất có tiếng kêu lộp bộp thì mới được súc ấm pha trà. Anh chịu khó lắng nghe và quan sát, học hỏi được từ các cụ và bố mình nhiều điều bổ ích.

Công tác ở báo An ninh thế giới, rồi Phó tổng biên tập báo Công an nhân dân, Tổng biên tập báo Năng lượng Mới, anh nổi tiếng với nhiều phóng sự, điều tra, kịch bản phim truyện, phim hình sự dài kỳ. Nguyễn Như Phong cũng là một trong số ít nhà báo từng có 10 lần đoạt giải thưởng báo chí quốc gia. Đến nay, gia đình cụ Hoài An đã có ba thế hệ viết văn, làm báo. Hiện tại, 3 tập báo mà gia đình cụ Hoài An tặng, được lưu trữ tại thư viện của báo QĐND. Mỗi lần đến thư viện báo QĐND để tra cứu, tìm đọc tư liệu, các thế hệ phóng viên sau này rất biết ơn các cụ làm báo lão thành trước đây, trong đó có nhà văn Hoài An còn lưu lại những số báo ra đời trên dưới 70 năm trước mà vẫn còn nguyên vẹn. Một thời gian khổ, khó khăn, thiếu thốn trăm bề giữa bom đạn chiến tranh mà các cụ vẫn làm được những tờ báo như thế, đặc biệt là 33 số báo được in ấn phát hành ngay tại mặt trận Điện Biên Phủ. 

Bùi Đức Toàn   

None

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhớ lại những thông điệp hòa bình Hà Nội - Washington 1968 - 1973

Nhớ lại những thông điệp hòa bình Hà Nội - Washington 1968 - 1973

Năm 1968, năm mở đầu Hội nghị Paris đàm phán về việc kết thúc chiến tranh Việt Nam, tôi được trực tiếp theo dõi và chụp ảnh các diễn biến quân sự, chính trị, ngoại giao phức tạp của giai đoạn “đánh và đàm” từ năm 1968 đến đầu xuân năm 1973 ở miền Bắc.