Giải ngộ nhận về nguồn gốc Truyện Kiều

(Arttimes) - Ngày 17 tháng 9 năm 2020, Báo Tuổi trẻ có đăng bài thuật lại ý kiến của ông Lê Nghị và nhóm (từ đây gọi tắt là Lê Nghị) “Thử “giải mã” lại “Truyện Kiều”, trong đó có trình bày nhiều quan điểm ngược hẳn với thành tựu nghiên cứu xưa nay về “Truyện Kiều”, tác phẩm đỉnh cao của văn học cổ điển Việt Nam.

Có những ý kiến gay gắt phê phán việc "nghiên cứu" làm loạn “Truyện Kiều”. GS. Nguyễn Văn Dân thì đề nghị "cấm tiệt, không đăng trên báo những bài như Lê Nghị" để tránh làm nhiễu loạn thông tin... Vấn đề này, chúng tôi thấy cần nhìn nhận lại cho rõ.

Giải ngộ nhận về nguồn gốc Truyện Kiều - 1 Bìa và trang cuối của cuốn "Thông tục Kim Kiều truyện" của Nhật Bản, dòng thứ 3 từ trái qua ghi rõ năm xuất bản: "Bảo Lịch thứ 13, Quý Mùi, Chính nguyệt" (1763, cụ thể là tháng Giêng) (Tư liệu của Đoàn Lê Giang). Những luận điểm lạ về nguồn gốc “Truyện Kiều”

Ý tưởng chung là nhóm tác giả này muốn chứng minh “Truyện Kiều” của Nguyễn Du không phải là sáng tác trên cơ sở cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” của Trung Quốc, mà ngược lại “Truyện Kiều” có trước, sau đó nhóm Thanh Tâm Tài Tử người Việt Nam diễn thành “Kim Vân Kiều truyện”, từ đó truyền sang Trung Quốc thành “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân, lưu ở thư viện Đại Liên (nơi vẫn coi là tìm ra một trong các bản cổ “Kim Vân Kiều truyện” của Trung Quốc), và người Trung Quốc nhận là sáng tác của họ.

Quan điểm này đi ngược lại thành tựu nghiên cứu lâu nay của các học giả Việt Nam và nước ngoài, từ Phạm Quỳnh, Lê Thước, Phan Sĩ Bàng, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Dương Quảng Hàm, Giản Chi và các học giả sau này. Điều này dẫn tới những hệ lụy nghiêm trọng:

- Nó có thể gây mất niềm tin về toàn bộ nền khoa học xã hội nước nhà nghiên cứu về “Truyện Kiều” trước nay;

- Gây hoang mang cho các thầy cô giáo, sinh viên, học sinh đang dạy - học môn Ngữ văn;

- Khiến cho các học giả nước ngoài không hiểu giới học thuật Việt Nam đang ở tình trạng nghiên cứu và tâm lý nào;

- Và cuối cùng người ta tưởng đưa ra kết luận ấy là đề cao Nguyễn Du, nhưng thực ra là hạ thấp ông, vì nếu sự thật ngược lại: “Kim Vân Kiều truyện” có trước, “Truyện Kiều” có sau thì hóa ra “Truyện Kiều” không có giá trị gì?

Dù bài báo có cẩn thận ghi ở cuối rằng: “còn cần thêm nhiều nghiên cứu khác về xuất phát “Truyện Kiều” để tường minh hơn về đại thi hào Nguyễn Du và tác phẩm đã đi vào lòng muôn đời người Việt”, thì dòng chữ ấy vẫn bị chìm vào những kết luận “động trời” của bài viết.

Xem qua các luận điểm của Lê Nghị, những người có quá trình nghiên cứu về “Truyện Kiều” thấy ngay tất cả đều sai.

Ví dụ:

Thứ nhất, ông Lê Nghị viết: “Minh Mạng chỉ đạo các văn thần, gọi tên chung là Thanh Tâm Tài Tử soạn một cuốn bình giảng thơ “Kim Vân Kiều truyện” của Nguyễn Du. Cuốn bình giảng đầu tiên là “Kim Vân Kiều lục””.

Ý tưởng này có 2 chỗ sai:

Một là, “Kim Vân Kiều lục” không phải là cuốn “bình giảng” mà là cuốn truyện viết bằng văn xuôi thuật lại “Truyện Kiều”. Cuốn này Phạm Tú Châu đã dịch ra tiếng Việt và xuất bản năm 2015 (Dịch và nghiên cứu “Kim Vân Kiều lục”, NXB. Khoa học Xã hội);

Hai là, “Minh Mạng chỉ đạo…”- Đó chỉ là lời người viết tự kể chuyện, mà không có chứng cứ văn bản nào.

Thứ hai, việc Minh Mạng xem và đổi tên “Đoạn trường tân thanh”  (tức “Truyện Kiều” thành “Kim Vân Kiều truyện” thì học giả Trần Văn Giáp đã nói từ lâu. Nhưng lạ một cái là khi trích đoạn này trong bản “Kim Vân Kiều truyện” Hán Nôm cổ (ký hiệu B60), Lê Nghị đã cắt xén một cách khó hiểu chỗ bất lợi cho mình. Xin chép lại đầy đủ:

“Sách “Kim Vân Kiều truyện” vốn là sách “Thanh Tâm Tài Nhân lục” của Bắc quốc, Nguyễn Du ở Tiên Điền diễn ra quốc âm, đặt tên là “Kim Vân Kiều truyện”, được vua Minh Mạng đọc và (cho) (đổi) (tên) (làm) “Đoạn trường tân thanh”” (Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập 2, NXB. Khoa học Xã hội, 1990, tr.134).

Những ghi nhận ấy của sách Hán Nôm cổ cùng với quá trình nghiên cứu của các học giả 100 năm nay tưởng cũng đã đủ để kết luận: “Kim Vân Kiều truyện” của Trung Quốc có trước, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du được sáng tác trên cốt truyện ấy có sau, nhưng trở thành kiệt tác của văn học thế giới.

Tuy nhiên Lê Nghị tung ra luận điểm rằng “Kim Vân Kiều truyện” của Trung Quốc lưu ở Thư viện Đại Liên là sách giả. Đối với giới nghiên cứu chuyên nghiệp thì những kết luận như vậy là không có cơ sở, nhưng để cho rõ ràng, tôi xin đi đường vòng, không dùng tư liệu Trung Quốc nữa mà dùng tư liệu Nhật Bản.

“Kim Vân Kiều truyện” có ở Nhật Bản từ trước khi Nguyễn Du ra đời

“Truyện Kiều” của Nguyễn Du đã được dịch ra tiếng Nhật từ khá sớm, người dịch là nhà văn nổi tiếng Komatsu Kiyoshi. Người Nhật đặc biệt yêu thích “Truyện Kiều” qua bản dịch này, trong vòng 6 năm nó được tái bản đến 3 lần (Toho hakkosho, 1942; Toho shoten, 1943; Kaikosha xuất bản, 1948). Nhờ thế các học giả Nhật Bản mới chú ý tìm xem có “Kim Vân Kiều truyện” của Trung Quốc truyền đến Nhật Bản không. Họ phát hiện ra ở Nhật có các bản dịch, phóng tác “Kim Vân Kiều truyện” khá phong phú.

Người đầu tiên đề cập đến vấn đề này là GS.Hatakenaka Toshiro (1907-1998) ở Đại học Ngoại ngữ Osaka. Năm 1959, Giáo sư Hatakenaka đã trình bày bài “Kim Vân Kiều và văn học thời Edo”, sau đó đăng trên tạp chí Văn học so sánh của Hội Văn học so sánh Nhật Bản (số 3, tháng 9-1960, tr.37-54) với nhan đề “Kim Vân Kiều khảo”. Năm 1972, ông trở lại vấn đề này với bài viết: “Về Kim Vân Kiều” đăng trên tạp chí Đại học Ngoại ngữ Osaka (số 27, ngày 25-01-1972, tr.11-21). Bài viết được đưa vào sách “Kim Vân Kiều của Nguyễn Du”, Takeuchi Yonosuke dịch (Kodansha xuất bản, 1975). Đoạn đầu bài nghiên cứu viết:

“Bản “Kim Kiều truyện” dịch sang tiếng Nhật thành “Tú tượng thông tục Kim Kiều truyện” (“Kim Kiều truyện thông tục” có tranh minh họa) được xuất bản vào năm Bảo Lịch 13 (1763). So với niên đại nguyên bản được thuyền buôn đưa sang (1754, nói ở trên) thì khá sớm. Bản này được lưu giữ ở Thư viện Đại học Tenri, gồm 7 sách, 5 quyển, 20 hồi. Cuối sách 7 có ghi: “Tháng Giêng, năm Quý Mùi, Bảo Lịch thứ 13 (1763) (…) Người dịch sách này là Nishida Korenori người vùng Omi mất năm Minh Hòa thứ hai (1765)”.

Những thông tin này tôi đã giới thiệu từ 25 năm trước trên Tạp chí Kiến thức ngày nay số Xuân 1996 và sau đó trên tạp chí Nghiên cứu văn học số 12 năm 1999. Năm 2003 tôi đến Thư viện Đại học Tenri (gần Nara) để nhìn tận mắt, sờ tận tay bản dịch “Thông tục Kim Kiều truyện” và xin sao chụp lại (318 trang, khổ 28 cm x 36 cm, 20 tranh minh họa). Tôi được biết GS.Trần Đình Sử cũng có cuốn này từ năm 1996 khi ông đi Nhật.

Gần đây, nhà nghiên cứu Vương Trung Hiếu cũng đã tìm được những tư liệu mới nhất về “Kim Vân Kiều truyện” ở Nhật Bản. Ông đã giới thiệu bài “Ảnh hưởng của tiểu thuyết tài tử giai nhân Trung Quốc - Trường hợp Bakin của GS.Isobe Yuko” (trích từ Kỷ yếu của Đại học Takaoka, quyển thứ 18, xuất bản 2003 tại Nhật Bản). GS.Isobe Yuko cho biết:

“Kim Vân Kiều truyện” của Trung Quốc du nhập vào Nhật Bản trong thời kỳ Edo (1603 - 1868), từ đó về sau có nhiều bản dịch truyện này sang tiếng Nhật. Năm 1763, xuất hiện bản dịch “Thông tục Kim Kiều truyện” của Nishida Korenori, được xem là bản dịch “Kim Vân Kiều truyện” của Trung Quốc sớm nhất (Nguồn gốc “Truyện Kiều” trang Facebook Vương Trung Hiếu 18/9/2020).

Với tư liệu rõ ràng như thế về năm xuất hiện bản dịch “Kim Vân Kiều truyện” của Nhật Bản, vấn đề “Kim Vân Kiều truyện” có trước, “Truyện Kiều” sáng tạo lại, chuyển thể thành truyện thơ từ tác phẩm này coi như đã rõ.

Trong văn học cổ điển thế giới, sự lưu chuyển cốt truyện là việc rất bình thường: từ bi kịch về “Hoàng tử Hamlet” của F.Belleforest, Th.Kyd; từ kịch “Những năm tuổi trẻ của Cid” của Castro qua ngòi bút thiên tài của W.Shakespeare, P.Corneille, mà thành kiệt tác “Hamlet”, “Le Cid”.

Vì thế không vì yêu quý Nguyễn Du mà cố tình “cưỡng tình đoạt lý” chứng minh “Truyện Kiều” có trước và tạo ra “Kim Vân Kiều truyện” của Trung Quốc. Dù có kế thừa tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc, “Truyện Kiều” vẫn là một kiệt tác đỉnh cao của văn học Việt Nam và của văn học Đông Á, đó là điều mà “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân không làm được.

Đoàn Lê Giang  None

Tin liên quan

Tin mới nhất

Một năm đầy biến động, những người đầu tư vàng lãi bao nhiêu?

Một năm đầy biến động, những người đầu tư vàng lãi bao nhiêu?

Với mức tăng 27% trong năm 2024, vàng trở thành một trong những tài sản đáng chú ý nhất của thị trường kim loại. Đà tăng trưởng này được thúc đẩy bởi các chính sách tiền tệ nới lỏng tại Mỹ, các rủi ro địa chính trị kéo dài và làn sóng mua vào từ các ngân hàng trung ương. Trong khi đó, các kim loại cơ bản có một năm đầy biến động, với quặng sắt và lithium giảm mạnh.

Những ý kiến thẳng thắn tâm huyết trong Hội nghị Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt các văn nghệ sĩ

Những ý kiến thẳng thắn tâm huyết trong Hội nghị Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt các văn nghệ sĩ

Chiều ngày 30/12, tại Hội nghị Gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ được tổ chức tại Hà Nội, Tổng bí Thư Tô Lâm chủ trì cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà, các Ban, Bộ, ngành gặp gỡ, lắng nghe những ý kiến trao đổi, chia sẻ thẳng thắn của các văn nghệ sĩ với mục tiêu tìm ra những giải pháp qua đó góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Phát triển năng lượng tái tạo ở nông thôn: Từ triển vọng đến thực tiễn

Phát triển năng lượng tái tạo ở nông thôn: Từ triển vọng đến thực tiễn

Các dự báo cho thấy nhu cầu năng lượng cho sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 4-5%/năm trong giai đoạn từ nay đến 2030. Điều này cho thấy tính cấp bách trong việc có các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo ở khu vực nông thôn, góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới phát triển bền vững và cải thiện điều kiện sống cho người dân.