Hiểu thế nào về một bài phê bình hay?

Quan sát chút, ngẫm nghĩ chút, tôi vỡ ra rằng, đọc thơ, đọc truyện ngắn vẫn là hứng thú của phần đông độc giả. Số người đọc tác phẩm lý luận phê bình ít, số người viết lý luận phê bình càng ít hơn. Một trong những lý do khiến đời sống của lý luận phê bình trầm lắng, người đọc và viết lý luận phê bình ít bởi đọc lý luận phê bình khó đọc hơn thơ, truyện ngắn; tác phẩm lý luận phê bình còn khô khan và đôi khi còn hàn lâm, kinh viện, lý thuyết…

Có nhiều nhận định từ phía các nhà quản lý hoạt động văn học nghệ thuật rằng “… những năm gần đây công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật dường như đã có những bước chuyển tích cực, tuy nhiên so với thực tiễn sáng tác vẫn còn rất trầm lắng” mặc dù nhiều người hiểu rõ sứ mệnh của lý luận phê bình văn học, nghệ thuật là lớn lao “đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc định hướng sáng tác và thưởng thức của công chúng”. Bởi thế cho nên, người làm công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật không thể không trăn trở. Làm sao để bớt trầm lắng? làm sao để theo kịp sáng tác? 

Phê bình nói chung và phê bình văn học nói riêng, xưa nay từng được hiểu là có phê (đồng nghĩa với chê) và có bình (đồng nghĩa với đánh giá, nhận xét). Và khi nhìn vào điểm yếu của phê bình văn học hiện nay, thường nhiều người chung một nhận định là “phê bình nặng về khen, về tán dương mà thiếu chê, thiếu chỉ ra tồn tại”. Nhận định đó đúng hay sai? Có lẽ nên hiểu theo cách vừa đúng, vừa sai.

Vâng, phê bình nói chung là có khen có chê. Tuy nhiên, nếu nhìn việc phê bình là cần chê mạnh dạn hơn, cần gia tăng chê thì chưa hẳn đúng. Gần đây, trong một buổi trò chuyện của PGS. TS Nguyễn Đăng Điệp - Nguyên Viện trưởng Viện Văn học với Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ, PGS.TS có khẳng định: Một bài phê bình có thể vừa khen, vừa chê; có thể khen hoàn toàn, cũng có thể chê hoàn toàn. Tất nhiên, việc khen, chê phải có cơ sở khoa học và tác giả của đối tượng được khen hay bị chê, cùng với công chúng đọc bài viết bài phê bình văn học cũng thấy thực sự thỏa đáng.

Hiểu thế nào về một bài phê bình hay? - 1

Ảnh minh họa

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi muốn nói về phê bình văn học. Để có bài phê bình văn học hay, theo tôi, người viết cần trang bị kiến thức về lý luận văn học, về phân tích, nhận định, đánh giá các yếu tố thuộc về nội dung hoặc hình thức của một tác phẩm văn học. Phông kiến thức của người viết phê bình phải rộng, phải am tường kiến thức lý luận, hiểu phong cách tác giả, hoàn cảnh sáng tác tác phẩm và đặc biệt phải hiểu kỹ, hiểu sâu về tác phẩm. Muốn vậy, người viết phê bình phải đọc kỹ, đọc sâu tác phẩm định viết, tìm hiểu giá trị nội tại của tác phẩm và kiến thức bên ngoài tác phẩm. Tất cả các yếu tố thuộc về tác giả, về hoàn cảnh sáng tác… đều phải đọc, đọc chính tác phẩm định “phê bình” và đọc bài phê bình của các tác giả khác để tham khảo, học hỏi.v.v…

Trước nay, chúng ta, phần lớn quen nghĩ theo lối mòn đã là phê bình văn học là phải có chê, chê nhiều (mà không sợ “động chạm” là thành công); cũng quen lối nghĩ phê bình phải “đao to búa lớn”. Thực chất quan niệm đó khá phiến diện và không chính xác. Lối phê bình nhẹ nhàng của Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam tới nay vẫn nguyên giá trị, lối phê bình hóm hỉnh của Trần Đăng Khoa trong Chân dung và đối thoại cũng rất nên học tập. 

Hãy đọc lại đoạn Hoài Thanh viết về Thế Lữ trong Thi nhân Việt Nam

“Luôn trong mấy năm mê theo người này, người khác, tôi không hề ngâm thơ Thế Lữ. Tôi cứ nghĩ lòng trí tôi đã thay đổi không sao có thể thích những vần thơ không cùng tôi thay đổi. Nhưng hôm nay, đọc lại những câu với tôi vẫn còn quen quen, tôi sung sướng biết bao. Tôi đón đọc những câu thơ ấy với cái hân hoan của khách phiêu lưu lúc trở về cố hương gặp lại những người thân yêu cũ. Dầu nhìn nét mặt một hai người, khách không khỏi ngờ ngợ...

Nhưng hề chi! Khách vẫn gửi ở đó cái hương vị những ngày âm thầm qua trong gian nhà nọ... Cả một thời xưa tỉnh dậy trong lòng tôi. Tôi sống lại những đêm bình yên đầy thơ mộng”.

Và, đây là cách Trần Đăng Khoa viết về nhà thơ Tố Hữu trong Chân dung và đối thoại:

“Tố Hữu là một nhà thơ lớn. Nói đúng hơn, ông là nhà thơ lãng mạn cách mạng. Cả cuộc đời ông gắn bó với cách mạng. Thơ với đời là một. Trước sau đều nhất quán. Tố Hữu nhìn cách mạng bằng con mắt lãng mạn của một thi sĩ. Thơ ông dường như chỉ có một giọng. Đó là giọng hát tưng bừng ca ngợi cách mạng. Đọc ông trong bất cứ hoàn cảnh và tâm trạng nào, ta cũng thấy phấn chấn, náo nức như đi trẩy hội. Đến đâu cũng nghe vang tiếng trống, tiếng kèn. Mà thơ ông đâu chỉ có trống phách linh đình như một đám rước, ông còn bắn cả 21 phát đại bác vang trời”.

Đọc hai trích đoạn phê bình trên thấy cái thú của người đọc được những áng văn phê bình đẹp, lời văn lôi cuốn, dẫn dụ người đọc. Đó chính là những cách viết phê bình bậc thầy, thật sự khiến thế hệ cầm bút hậu sinh phải học tập.

Như vậy, phê bình không đồng nghĩa “chê thẳng thắn”, “chê thật lực”, “chê càng nhiều càng có giá trị”… 

Vẫn bài viết về Thế Lữ, cách phê của Hoài Thanh thật sự đáng ngưỡng mộ, đẹp cả ý và lời “Thế Lữ đã băn khoăn trước hai nẻo đường: nẻo về quá khứ với mơ màng, nẻo tới tương lai và thực tế. Đáng lẽ Thế Lữ nên rẽ nẻo thứ hai này. Sau một hồi mộng mị vẩn vơ, thơ Thế Lữ như một luồng gió lạ xui người ta biết say sưa với cái sán lạn của cuộc đời thực tế, biết cười cùng hoa nở chim kêu, biết yêu và biết yêu tình yêu. Thế Lữ đã làm giáo sư dạy khoa tình ái cho cả một thời đại. Nhưng hình như có hồi Thế Lữ đã đi lầm đường. Bởi người ta nói quá nhiều, nên thi nhân tưởng quê hương mình là tiên giới và quên rằng đặc sắc của người chính ở chỗ tả những vẻ đẹp thực của trần gian”.

Như vậy, nhận định đã làm phê bình là phải chê thật lực là sai. Nhận định trên âu cũng xuất phát từ việc phê bình văn học hiện nay chưa có bài viết sâu sắc, chưa đánh giá hết các khía cạnh của nền văn học hoặc mỗi tác phẩm văn học cụ thể. Phần lớn các bài phê bình văn học vẫn có khen nhiều, chê ít. Đây đó có việc chê nhiều sợ mếch lòng người sáng tác; đây đó có chuyện nếu chỉ khen không chê lại bị cho là chưa đúng với nghĩa phê bình văn học. Và, bởi vậy, phải có chê chút để khỏi bị chê! Cứ thế, khiến cho bài phê bình văn học của nhiều tác giả cứ na ná giống nhau (phần trên, chiếm 9/10 dung lượng là khen, còn phần dưới 1/10 là góp ý. Trong góp ý lại hay có câu “Hy vọng tác giả sẽ thành công hơn ở chặng đường tiếp theo hoặc ở bài viết tiếp theo…). Và đã na ná thì dễ bị mờ, nhòe và không đọng lại trong tâm trí người đọc. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc lý luận phê bình chưa tròn sứ mệnh “định hướng hoặc điều chỉnh” đối với dư luận, đối với sáng tác.

Có câu “Xây dựng được thói quen đã khó, phá vỡ thói quen còn khó hơn”, vậy quan niệm đã thành lối mòn đó làm sao thay đổi một sớm một chiều? Thực tế cho thấy, có tác phẩm mà người đọc khen nhiều hơn chê và ngược lại. Vậy cũng không thể đồng nhất tỷ lệ khen chê đối với một bài phê bình văn học. Nói khác đi, với tác phẩm này có thể khen nhiều chê ít, với tác phẩm  khác có thể khen ít chê nhiều, có tác phẩm thuần túy chỉ là khen ngợi (Đó là những đỉnh cao, những kiệt tác văn học… Ví như Truyện Kiều của Nguyễn Du, Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, thơ Nguyễn Trãi, thơ Hồ Xuân Hương v.v...). 

Thiết nghĩ, một bài phê bình văn học hay cũng được đánh giá trên hai khía cạnh nghệ thuật và nội dung. Tức là mỗi bài phê bình văn học cũng được nhìn nhận như một tác phẩm văn học, như một bài thơ, một truyện ngắn, một tiểu thuyết… Về nghệ thuật cũng cần văn phong sáng sủa, câu chữ gọn gàng; bố cục chặt chẽ, lời văn giản dị, trong sáng, mạch lạc, khúc triết. Nói như cách nói của nhà phê bình văn học Văn Giá là “Mỗi bài phê bình văn học phải trở thành một áng văn”.

Về nội dung cũng cần có sự tập trung làm nổi bật khía cạnh cần bàn luận: khen, chê phải rõ ràng và hợp lý. Phần khen cũng khen cả nghệ thuật và nội dung của tác phẩm được phê bình và phần chê cũng vậy. Tất nhiên, khen và chê đều dựa trên quan điểm mỹ học của thời đại, phải hợp lý, có tính lý luận. “Nói có sách, mách có chứng” chứ không nhận xét chung chung và không đo giá trị bằng độ dài trang viết hoặc cảm tình với người sáng tác v.v... 

Trong Chân dung và đối thoại, bài viết về Tố Hữu, Trần Đăng Khoa kết bài như sau: “Tố Hữu chép rõ từng nét chữ. Hồng Diệu đọc cho ông chép. Thỉnh thoảng, ông lại ngẩng lên, âu yếm chờ Hồng Diệu đọc tiếp. Tôi nhìn ông, ngỡ ngàng. Một nhà thơ lớn, nổi tiếng vào loại bậc nhất của nền thơ đương đại Việt Nam ngồi chép lại thơ mình, chép từ trí nhớ của một độc giả. Thật chẳng có gì sung sướng hơn được nhân dân thuộc thơ mình. Đấy chính là tấm huân chương cao quý nhất mà nhân dân đã trao tặng thi sĩ. Hạnh phúc lớn lao ấy, tạo hoá đâu có ban phát cho nhiều người”.

Vâng, chính bởi tạo hóa đâu có ban phát cho nhiều người nên nhất định người làm công tác phê bình văn học phải chịu khó trau dồi, đọc nhiều, viết nhiều để có thể viết tốt. Học đâu? Có rất nhiều nguồn từ sách vở, từ cuộc sống; học ai? Tôi thường học Hoài Thanh, Xuân Diệu, Trần Đăng Khoa, Chu Văn Sơn, Nguyễn Đăng Điệp, Văn Giá…

Đọc bài phê bình văn học thấy có “chất văn”, lưu loát, liền mạch và cơ sở lý luận sắc bén, quan điểm đánh giá đúng mức; khen chê rõ ràng, khách quan, có cơ sở khoa học, hợp lý hợp tình. Đó, thiết nghĩ, là một bài phê bình hay.

“Khi nhìn vào điểm yếu của phê bình văn học hiện nay, thường nhiều người chung một nhận định là “phê bình nặng về khen, về tán dương mà thiếu chê, thiếu chỉ ra tồn tại”. Nhận định đó đúng hay sai?

Đỗ Nguyên Thương

Chuẩn mực văn chương
Chuẩn mực văn chương

Văn chương là trụ cột của văn học nghệ thuật. Văn học nghệ thuật là trụ cột của nền văn hóa. Đừng để văn chương...

Tin liên quan

Tin mới nhất

TS. Phạm Việt Long, văn nhân nặng lòng với văn hóa dân tộc

TS. Phạm Việt Long, văn nhân nặng lòng với văn hóa dân tộc

Tôi đến tư gia thăm nhà văn, TS. Phạm Việt Long sau ngày cơ quan cũ của ông tổ chức ra mắt “Tín ngưỡng thờ mẫu từ góc nhìn văn hóa”, NXB Dân Trí năm 2024. Ông tặng tôi tập sách, hay nói đúng tầm là công trình nghiên cứu này. Sách dày đến gần 600 trang, bìa cứng, trang trọng.