Ký ức lính mới        

Sau khi nhập ngũ, chúng tôi được chọn sang Lào làm nhiệm vụ quốc tế. Từ Quảng Trị, chiếc xe đò ọc ạch chở chúng tôi trên chặng đường dài hơn trăm rưỡi cây số. Nhiều đoạn đường uốn lượn quanh co làm xe lắc lư như đang bềnh bồng trên mây. Có đoạn ổ voi, ổ gà làm cho người bật ra khỏi thành ghế, bụi cuốn mù mịt. Đến bản Cha Ki (huyện Sê Pôn - Lào) thì mặt trời cũng vừa gác núi.

Nơi chúng tôi đến là Tiểu đoàn huấn luyện của sư 384. Thế là thành “lính mới”! Ngày đầu tiên, chúng tôi tập trung về hội trường Tiểu đoàn để làm công tác tư tưởng và phổ biến nội qui đơn vị. Công việc trong ngày rồi cũng kết thúc. Chúng tôi ra sông Sê Pôn tắm gội, thay tư trang. Dòng sông Sê Pôn mát rượi, làn nước trong xanh đang lững lờ trôi. Chúng tôi trong bộ quân phục màu cỏ úa thơm mùi vải mới, được đóng thùng gọn gàng tôn thêm vẻ đẹp chỉnh tề, nghiêm trang của người lính. Những ngày tiếp theo, nhóm lính mới vào rừng chặt gỗ, nứa, bứt tranh… làm doanh trại. Sau hơn 10 ngày vật lộn với nắng, gió oi bức trên đất Lào, doanh trại cũng được hoàn thành.

Đơn vị đi vào huấn luyện. Vất vả nhất là tập đội hình đội ngũ. Giữa cái nắng như thiêu như đốt, chúng tôi cứ “một, hai, một…” đều đặn. Có đêm, giấc ngủ đang yên, bỗng tiếng còi báo động vang lên. Tất cả vùng dậy, mắt nhắm mắt mở, dép xỏ lộn chân, ba lô, áo quần nai nịt gọn gàng, sẵn sàng hành quân dã ngoại. Rồi chuyển sang khoa mục xạ kích, lăn lê bò toài.

Một bữa tập trận giả, tôi, cùng Sử và Vương được trung đội phân công làm “quân đỏ”. Sau khi nghe đồng chí trung đội trưởng phân công nhiệm vụ, chúng tôi bí mật nấp vào mô đất có bụi cây che khuất, chờ “quân xanh” đi qua là tổ chức phản công. Trong lúc chờ đợi, ba đứa vô tư kể chuyện nhà, chuyện người yêu cho nhau nghe. Những kỉ niệm cứ ùa về làm cho chúng tôi thêm nhớ nhà.

Một lúc, bụng đói cồn cào, tôi ở lại trông chừng còn hai đứa trốn vào bản mua chuối. Hai đứa đi một chốc, tôi nằm trên vạt cỏ, nghĩ ngợi miên man, rồi giấc ngủ chợt đến lúc nào không biết. Đến khi nghe tiếng còi kết thúc trận đánh, tôi hoảng hốt giật mình tỉnh dậy. Chợt, mấy “tay” cảnh vệ, vai khoác súng, tay đeo băng đỏ đang đi về phía chúng tôi. Thế là ba anh em chúng tôi được đưa về Tiểu đoàn bộ. Ba chúng tôi được các anh chỉ huy tiểu đoàn “lên lớp” một hồi. Lòng chúng tôi thấy hổ thẹn. Dù sao mình cũng là giáo viên, đã từng dạy về đức tính kỉ luật. Nhưng chuyện gì đến nó cũng đến rồi. Chúng tôi nhận khuyết điểm và hứa không tái phạm nữa, âu đây cũng là bài học, là “kỉ niệm” đời lính.

Sau hai tháng huấn luyện tích cực, vất vả ngày bắn đạn thật cũng đến. Đơn vị chuẩn bị bia, cơm nắm, súng đạn… đi bộ chục cây số mới đến trường bắn. Đêm trước ngày biên chế về đơn vị mới là một đêm liên hoan văn nghệ do Đội tuyên văn Sư đoàn bộ biểu diễn. Các tiết mục đặc sắc được các diễn viên thể hiện hoành tráng. Tiếng hát ngân nga hòa quyện trong tiếng trống, tiếng đàn làm rộn rã cả một góc rừng. Rồi ngày chia tay biên chế về các đơn vị mới, ai nấy đều bùi ngùi xúc động. Những câu chào, những lời hẹn gặp lại lắng động, cay cay trên đôi mắt.

Ký ức lính mới         - 1

Ảnh minh họa 

*

Tôi được biên chế về Đại đội 1, Tiểu đoàn 38, Trung đoàn 509. Đại đội tôi là đại đội làm cầu, đóng ở gần Bản Đông. Công việc chủ yếu là chặt gỗ, cưa ván, ghép cốp pha, đổ trụ và mặt cầu. Một thời gian, cuộc sống, công việc cũng quen dần. Sau hai tháng làm việc, tôi được đề bạt làm Tiểu đội phó. Trong lòng tôi trào dâng niềm vui khó tả.

Từ khi làm Tiểu đội phó, công việc phải gương mẫu hơn. Tiểu đội trưởng về phép, tôi phải tạm thời thay quản lý tiểu đội. Ở tiểu đội tôi có mấy cậu tân binh trẻ (tuy cùng đợt nhập ngũ, nhưng tôi lớn tuổi hơn) được phân công đốn gỗ về cưa cốp pha. Những cây gỗ lớn bằng hai người ôm nên chặt cả tuần mới đổ. Công việc nặng nhọc, vất vả, cơm ăn không đủ sức trai nên lúc nào cũng thấy đói. Một hôm nghỉ giải lao, anh em tiểu đội mời tôi ăn sung luộc. Tôi ăn cùng với họ. Nào ngờ, phía trên nồi là sung, còn phía dưới là chuối xanh. Tôi hỏi thì mấy anh em bảo là xin dân bản. Với bản tính thật thà, tôi tin.

Một hôm, trưởng bản dẫn mấy người dân đến gặp và  báo với Ban Chỉ huy Đại đội là họ mất chuối, khi đó tôi mới vỡ lẽ ra mọi điều. Ban Chỉ huy Đại đội họp để kiểm điểm, tìm hiểu sự việc. Tôi kể lại hết sự tình. Đại đội trưởng mặt bừng bừng, nổi nóng, quát: “Cậu làm ăn thế à? Tại sao không báo với đại đội để uốn nắn tư tưởng và việc làm của anh em?”. Tôi  nhận khuyết điểm trước đại đội và xin tha cho anh em trong tiểu đội, rút kinh nghiệm là chính.

Tôi cùng Ban Chỉ huy Đại đội vào xin lỗi dân bản. Nếu họ làm to chuyện thì chắc ảnh hưởng đến tình quốc tế giữa hai nước Việt - Lào. Nhưng dân bản họ thật thà và mến bộ đội lắm. Họ tha lỗi cho chúng tôi, còn gửi về cho đơn vị vài buồng chuối, mấy chục quả đu đủ.

Công việc đổ cầu ngày càng cấp bách vì chuẩn bị sang mùa mưa. Nếu không đổ trụ kịp thì lũ sẽ cuốn trôi hết cốp pha. Nhưng tiến độ cũng không khá lên. Một phần anh em mệt mỏi, một phần trời đang chuyển mùa nên sốt rét nhiều. Mỗi ngày có hai ba đồng chí ngã bệnh. Cháo bệnh nhân không có gì ngoài thịt hộp, ăn mãi cũng ngán. Bệnh nhân thèm rau, đang mùa khô nên rau khó kiếm. Vậy là phải vào bản mua bán, trao đổi với dân.  Thương nhất là mấy cô lính nữ, hết sốt lại thèm của chua. Lại vào bản xin xoài, xin dứa cho các cô.

Phương tiện kĩ thuật hồi ấy lại quá thô sơ, lạc hậu. Ban Chỉ huy Đại đội đề xuất cải tiến công cụ lao động, động viên vật chất, tinh thần cho anh em chiến sĩ. Để sửa lại mấy chiếc xe cải tiến cũ kỹ, anh em thợ cùng đi phá xe tăng địch bị cháy nằm đầy bãi ở Bản Đông, xe vận tải cháy lấy một số vòng bi về lắp xe ba gác. Làm guồng tời chuyển cát, sạn thay cho việc xúc bằng xẻng. Nhờ cải tiến, tu sửa công cụ nên năng suất đổ bê tông tăng lên rõ rệt. Đại đội chúng tôi luôn đạt và vượt kế hoạch của tiểu đoàn giao cho. Công việc đổ bê tông kết thúc thì mùa mưa cũng sắp đến. Đại đội tôi được Tiểu đoàn khen về tinh thần vượt khó, chịu đựng gian khổ của các chiến sĩ, biết cải tiến công cụ đã vượt năng suất lao động. Đảm bảo tiến độ trước mùa mưa lũ.

Đại đội tổ chức mừng công. Hai con lợn được nuôi quân chăm sóc tốt cũng đủ lớn để cho đơn vị có một bữa vui vẻ. Trước buổi liên hoan, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Chính trị đồng chí! Có được niềm vui hôm nay là nhờ sự đoàn kết, chung lưng gánh vác của viên đại đội tuyên bố dõng dạc: “Kính thưa các cán bộ, chiến sĩ đại đội  chúng ta đã vượt qua được vất vả của thời tiết nắng nóng, thiếu thốn vật chất để đưa lại thành tích này. Buổi liên hoan hôm nay coi như là một cuộc họp, thay mặt Ban Chỉ huy Đại đội tuyên dương tất cả các đồng chí đã mang thành tích về cho Đại đội chúng ta”. Tiếng vỗ tay rào rào. Anh nói tiếp:

“Trong niềm vui này, tôi xin thông báo cho các đồng chí, đơn vị chúng ta sẽ có hai sự kiện quan trọng”. Rồi không để cho mọi người kịp phán đoán, anh tuyên bố: “Sự kiện thứ nhất là đồng chí Đại đội trưởng đã được Đảng ủy ra Nghị quyết chuẩn y kết nạp đảng viên, và sự kiện thứ hai…”. Để tăng phần hấp dẫn, chính trị viên dừng lại giây lát. “Sự kiện thứ hai là… đồng chí Đại được phong quân hàm hạ sĩ trước niên hạn và điều động về công tác tại bộ phận hậu cần của Tiểu đoàn bộ”. Tiếng vỗ tay xen lẫn tiếng chúc mừng vui vẻ, rộn ràng. Sau buổi liên hoan, đơn vị tổ chức giao lưu văn nghệ. Những bài hát về Trường Sơn vang lên. Tiếng hát ngân nga dội vào vách đá nghe vui tai.

Tôi được phong quân hàm hạ sĩ trước niên hạn và điều động về công tác tại bộ phận hậu cần của Tiểu đoàn bộ. Lòng tôi vô cùng phấn khởi. Ngày chia tay về đơn vị mới thật bùi ngùi, xúc động. Những cái bắt tay, những lời chúc, câu chào sao thân thiết đến thế. Tôi lại trở thành “lính mới” của tiểu đoàn bộ.

*

Vậy mà đã mấy chục năm đã trôi qua. Kỉ niệm về người “lính mới” năm nào còn mãi đọng trong kí ức tôi. Không biết thủ trưởng của tôi, những đồng đội của tôi khi đọc được những dòng hồi ức này có còn nhớ đến một thời đã từng là chiến sĩ của Đại đội 1, Tiểu đoàn 38, còn nhớ đến Đại đội luôn dẫn đầu về năng suất lao động để cho những nhịp cầu nối liền tình hữu nghị hai nước Việt - Lào mãi mãi bền vững.

Nguyễn Đại Duẫn

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống  văn hóa, văn minh đô thị

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống văn hóa, văn minh đô thị

Hội thảo khoa học diễn ra ngày 25/07/2024 tại TP.HCM do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam – Asean TP.HCM tổ chức mang chủ đề "Giải pháp phát huy giá trị đa văn hóa và tiềm năng của các gia đình có yếu tố nước ngoài tại TP.HCM góp phần xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị” đã đặt ra nhi

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), đồng thời Lễ truy điệu cũng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Ủy vi