Lê Thấu - Mảnh đất Tây Nguyên trong ký ức khó quên

Cuộc sống, con người Tây Nguyên đã cho Lê Thấu nguồn cảm hứng lớn để viết nên tập truyện ký “Trong căn nhà sàn bé nhỏ” và tập truyện “Mặt trời xanh lá cây”.

Vốn là người mơ mộng và thích làm thơ, cảm giác đầu tiên của tôi khi nhìn lên kệ sách cửa hàng phát hành sách Hà Bắc có cuốn “Mặt trời xanh lá cây” (NXB Thanh Niên - 1984) của nhà văn Lê Thấu, tôi bị ám ảnh ngay. Cái tên sách vừa thực vừa ảo day dứt tôi nhiều năm và được "giải mã" khi tôi đặt chân lên mảnh đất Tây Nguyên mà nhà văn đã gắn bó trong những ký ức khó quên của đời anh đồng nhất với người mình yêu dấu: “Tôi muốn giữ mãi hình ảnh đẹp ấy của Mai và cứ muốn tin rằng đã có thời Mai yêu tôi và tuy không đi với tôi đến trọn đời, cũng như mặt trời trên cao nguyên này đôi khi cũng có màu xanh lá cây, thỉnh thoảng Mai cũng nhớ đến tôi, một người đã từng yêu Mai hơn cả bản thân mình, nhưng không hề biết nài nỉ trong tình yêu, lại càng không vì tình yêu mà từ bỏ con đường mình đã chọn” (Mặt trời xanh lá cây).

Lê Thấu - Mảnh đất Tây Nguyên trong ký ức khó quên - 1

Nhà văn, nhà báo Lê Thấu

Tôi cho ý tưởng trên đây là đường dây quán xuyến tập truyện “Trong căn nhà sàn bé nhỏ” (tái bản lần 2, có bổ sung thêm 3 truyện, NXB Thanh Niên). Bảy năm trời ròng rã, nhà văn Lê Thấu đã rời Hà Nội lên vùng đất Tây Nguyên công tác với tình yêu pha nhiều chất lãng mạn, dám phiêu lưu vào vùng đất đầy bí ẩn nhưng không ít cam go, hiểm nguy. Nói không ngoa rằng tâm hồn nhà văn thấm đẫm màu xanh của đại ngàn Tây Nguyên để rồi yêu người, yêu đời trong cái dữ dằn của vùng đất hoang sơ rất nhiều gian khó sau ngày giải phóng: “Tháng này sông Ea Krông không còn đục.

Tuy không chảy xiết như mùa mưa lũ nhưng dòng sông vẫn loang loáng không ngừng đưa phù sa từ thượng nguồn về. Bên kia sông, rừng mênh mông tới tận biên giới. Y Kai đến ngồi bên cạnh tôi. Anh lặng đi ngắm dòng sông quê hương. Tôi chợt nhớ đến mẹ tôi. Mẹ ơi con chắc mẹ sẽ vui khi biết rằng ở nơi ấy, đứa con trai của mẹ đã tìm thấy quê hương và có những người thân yêu” (Ở nơi buồn muôn thuở).

Nước - nguồn sự sống của muôn loài, nảy sinh hoa trái tốt tươi, lúa bông trĩu hạt, ấm no mọi nhà... Cải tạo mảnh đất Tây Nguyên trong nhuần thấm khô cằn luôn là khát vọng của lớp người bước ra từ máu lửa chiến tranh cùng thế hệ trẻ xây dựng vùng kinh tế mới.

Cũng không ít những suy tư, dằn vặt của phó tiến sĩ Tuấn, kỹ sư Lâm, chỉ huy trưởng công trường thuỷ lợi Ma Gầm... trong quan niệm xây dựng công trình thuỷ lợi Chư Sê, trong bồi dưỡng, nâng đỡ lớp trẻ nhưng gắn với nhau trong nhiệt huyết: “...mặt trời trên Tây Nguyên đôi lúc cũng có mầu xanh lá cây và những người làm công tác thuỷ lợi cần phải tạo ra mầu xanh cho mặt trời ngay cả trong mùa khô khốc liệt kéo dài sáu tháng nữa” (Mặt trời xanh lá cây). Và cả cái nguyên nhân của động lực khiến cho Ama Thêm, bí thư Nguyễn nhờ già làng dẫn đi tìm nguồn nước: “Thì ra lâu nay bà con buôn làng cũng giống như con trâu ăn bãi cỏ quen, chỉ biết có cỏ dài, cỏ mật cao, cỏ gianh sắc khía. Như con gà quen ăn dưới sàn nhà, chỉ biết hạt ngô to, hạt thóc nhỏ, chứ đâu như con chim ưng bay cao, nhìn xa,... Tìm được nguồn nước rồi, bí thư Nguyễn, chủ tịch Ama Thêm chỉ huy dân làng đến đắp đập” (Người đi tìm nguồn nước).

Theo tôi, truyện ngắn hay nhất trong tập là Trong căn nhà sàn bé nhỏ (mà nhà văn đặt tên cho cuốn sách). Câu chuyện được xây dựng, phát triển trong mối quan hệ phức tạp của ba nhân vật Ê đê là Y Đoai, Y Đăm và Hờ Yên. Còn Ma Đăm và Y Rít là "nút dẫn" cho sự phát triển của tuyến truyện. Mối tình "câm" Y Đoai và Hơ Yên phát lộ giây lát khi Y Đăm bị tổ công tác bắn chết và cũng chỉ diễn ra giây lát bên con suối trong bóng đêm.

Tác giả hiểu sâu tâm lý nhân vật, khắc họa tính cách Y Đoai cương nghị, từng trải, có sức tập hợp thanh niên nhưng cũng là con người đam mê. Hơ Yên - người phụ nữ mặc cảm về thân phận mình luôn muốn vươn ra đón ngọn gió mới của cách mạng, của hạnh phúc riêng mình, trong phấp phỏng đợi chờ.

Truyện kết có hậu (Y Đoai còn sống, Y Rít đã trốn được về đang ở trên huyện, lão Ma Đăm có dính đến vụ mưu sát đã bị gọi lên huyện thẩm vấn...) nhưng vẫn để lại dư vị trong lòng bạn đọc diễn ra ở buôn Đắc ấy: “Bước qua ngưỡng cửa, cổ (Hơ Yên) ngồi phịch xuống sàn nhà, tựa lưng vào vách nứa, đầu hơi ngửa về phía sau, đôi mắt lim dim mệt mỏi, tai lắng nghe dòng sông quê hương vẫn không thôi dào dạt ở phía xa kia, ngay dưới khu vườn bốn mùa xum xuê cây lá, nơi cô có những kỷ niệm suốt đời không bao giờ có thể quên” (Trong căn nhà sàn bé nhỏ).

Và ở một khía cạnh khác, xóm kinh tế mới mang con số mười ba (con số định mệnh) trong xóm núi diễn ra thật dữ dội khi người ở các nơi khác đến đây lập nghiệp. Lối viết đan xen diễn tiến của các nhân vật Hoàng, Chín, Hoa, má Hoàng... và bộc bạch tâm tư của chị Trâm qua những lá thư khiến cho truyện đa tầng đa nghĩa. Thiên nhiên trong những trang viết của nhà văn (dòng sông Mê Đoá mùa lũ, cảnh lốc bốc nhà Chín Hoa, cảnh Hoàng đi câu cá...) làm cho câu chuyện thêm sinh sắc và chuyển tải ý tưởng của nhà văn trong đường dây phát triển của truyện.

Điều tôi tâm đắc thật sự ở đây là nhà văn dựng lên cuộc đối thoại giữa ông Mười và ông Tín về thói quan liêu của cán bộ và đào tạo cán bộ lớp trẻ trong quan hệ biện chứng này: “Con người làm ra các cuộc cách mạng, đồng thời cách mạng lại tạo ra những lớp người mới. Đôi khi đầu óc khai quốc công thần, cái thói sống lâu lên lão làng, làm đầu óc chúng ta luẩn quẩn những lo toan, suy nghĩ vớ vẩn”... (Xóm núi).

Gấp lại gần hai trăm năm mươi trang sách của Lê Thấu, tôi có cảm nhận thời các anh trong sáng quá, dám xả thân vì nghĩa lớn trong một hoàn cảnh nghiệt ngã, có thái độ lựa chọn trong những tình huống chẳng dễ dàng gì. Bằng lối viết pha đậm chất tản văn báo chí của một nhà báo sắc sảo và sự hiểu biết, thăng hoa của một nhà văn, riêng cuốn Trong căn nhà sàn bé nhỏ nhà văn Lê Thấu đã hóa thân trong các nhân vật với một bút pháp vững vàng, với một tình yêu Tây Nguyên mà nhà văn "mắc nợ" suốt đời, bởi sức toả sáng của "mặt trời xanh lá cây".

Nhà văn, nhà báo Lê Thấu sinh ngày 20/1/1939 tại Hà Nội. Ông là cán bộ giảng dạy tại Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội từ năm 1961-1975. Sau đó ông cùng gia đình vào định cư tại Đắk Lắk, từ năm 1976-1979 ông là Ủy viên thường trực Hội Văn nghệ Đắk Lắk. Năm 1979-1982, ông làm phóng viên thường trú báo Nhân Dân tại Tây Nguyên. Giai đoạn này ông đi nhiều, viết nhiều, gặp gỡ nhiều nhà văn, nhà báo tên tuổi lên thăm Tây Nguyên. Đây cũng là thời điểm ông không ngừng trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ báo chí và viết văn. Cuộc sống, con người Tây Nguyên đã cho ông nguồn cảm hứng lớn để viết nên tập truyện ký “Trong căn nhà sàn bé nhỏ” và tập truyện “Mặt trời xanh lá cây”. Năm 1982, theo phân công công tác, ông cùng gia đình trở ra Hà Nội công tác, sau đó ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Phó Trưởng ban Văn hoá văn nghệ Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Nhân Dân Chủ Nhật, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Y tế, Tổng biên tập Báo Sức khoẻ & Đời sống (Bộ Y tế), Tổng biên tập Tạp chí Sức khỏe cộng đồng.

Từ năm 2020, khi Thời báo Văn học nghệ thuật ra đời, ông cùng với nhà văn Võ Khắc Nghiêm, nhà thơ, kịch tác gia họa sĩ Lê Huy Quang tham gia làm cố vấn cho Tổng biên tập. Trong những ngày đầu đầy khó khăn, nhà văn, nhà báo Lê Thấu đã góp nhiều công sức cho sự phát triển của tờ báo. Ông đã mời nhiều văn nghệ sĩ, nhà báo có uy tín về cộng tác với Thời báo. Ông mất ngày 21/2/2024. Sự ra đi của ông là sự mất mát to lớn cho gia đình và để lại niềm tiếc nuối sâu sắc cho bạn bè, đồng nghiệp.

Nguyễn Thanh Kim

Tin liên quan

Tin mới nhất