Lý lẽ của con tim....

(Ấn tượng đọc Tình yêu vĩnh cửu, tiểu thuyết của Trần Thiên Hương, Nxb Hội Nhà văn, 2022)

Tiểu thuyết không chết

Vào những năm 50-60 thế kỷ XX, văn giới châu Âu tranh luận sôi nổi về hiện trạng đáng lo ngại “tiểu thuyết đã chết” (!?). Các ý kiến thú vị xung quanh chủ đề này được tập hợp, in trong cuốn sách Số phận của tiểu thuyết (Nxb Tác phẩm mới, 1983). Tuy vậy, những người theo chủ nghĩa lạc quan thì không bị mê hoặc bởi tín niệm “tiểu thuyết đã chết”. Hiển nhiên, còn sự sống thì còn văn chương, còn tiểu thuyết. Văn hào Nga thế kỷ XX M. Sholokhov (Nobel văn chương, 1965), tác giả tuyệt phẩm Sông Đông êm đềm đã có một kiến giải thú vị về sinh mệnh của tiểu thuyết: “Không cần thiết nói về cái chết của tiểu thuyết. Cũng như người nông dân không bao giờ đặt ra câu hỏi có nên lao động cật lực và gieo trồng trên mảnh đất của mình hay không. Câu hỏi sát sườn đặt ra với người nông dân là mùa màng sắp tới có bội thu hay không?”.

Lý lẽ của con tim.... - 1

Bìa cuốn tiểu thuyết "Tình yêu vĩnh cửu"

Hội Nhà văn Việt Nam có sáng kiến nghề nghiệp khi tổ chức 5 cuộc thi tiểu thuyết kéo dài trong khoảng 20 năm (1998-2019). Đã có gần 1000 tác phẩm dự thi (trong dạng thức bản thảo hay đã in thành sách). Những cuộc thi này đã kê cao nền văn học nói chung, nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại nói riêng. Trong buổi tổng kết công tác 2022, đề ra phương hướng 2023 và các năm tới của Thời báo Văn học nghệ thuật (VHNT), Nhà văn - Tổng biên tập Hoàng Dự đã thông báo đề án tổ chức Cuộc thi tiểu thuyết 2023-2025 của Thời báo VHNT (trước đó, BCH Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ X, 2020-2025, ban đầu đã công bố tạm dừng cuộc thi tiểu thuyết; nhưng trong kế hoạch công tác năm 2023, đã tái phát động cuộc thi tiểu thuyết, coi như một đầu việc quan trọng có ý nghĩa nghề nghiệp của Hội). Sự kiện này có tính căn cơ trong hoạt động của một tờ báo tuổi đời còn rất trẻ (ra mắt vào giữa 2020). Có thể coi đó là một bước đi táo bạo, thông minh và hứa hẹn thành công của Thời báo VHNT (Cơ quan của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam).

Nhân đọc Tình yêu vĩnh cửu của Trần Thiên Hương, không riêng tôi, xác tín một niềm tin có căn cứ “tiểu thuyết không chết”, cũng như không có câu chuyện “văn chương lâm nguy”. Đây là một trong số tiểu thuyết trội bật trên văn đàn năm 2022 cùng với Hương của Nguyễn Thụy Kha, Câu chuyện của Nàng Thê của Võ Thị Xuân Hà, Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt của Đoàn Tuấn, Vùng biên không yên tĩnh của Thương Hà, Thiên thu huyết lệ của Nguyễn Trọng Tân.

Tình yêu không biên giới

Vấn đề “tính người” (nhân tính) như là cảm hứng chủ đạo, làm nền tảng tư tưởng - tình cảm để tác giả kể những câu chuyện tình yêu không biên giới giữa một cô gái Việt Nam (phóng viên Julie Kiều Trang) và một thanh niên Pháp (Jonathan). Tình yêu đang lên hương thì Jonathan mất trong một vụ tai nạn tàu biển. Sau này Kiều Trang thực sự tìm được “một nửa” của mình khi gặp Trương An (Chiêu) - con nuôi và là con rể Đề Thám (lãnh tụ khởi nghĩa Yên Thế), cũng vẫn là mối tình không biên giới giữa một tiểu thư con nhà lành với một hiệp sĩ giang hồ lữ thứ, ôm mộng lớn. Khi biết Trương An đã có vợ con nhưng Kiều Trang vẫn không lấy đó làm câu nệ. Hành xử của cô là theo sự mách bảo của con tim, hai người đã có một đứa con trai như là kết quả sự dâng hiến vô tư, vì tình yêu vĩnh cửu.

Lý lẽ của con tim.... - 2

Tác giả Trần Thiên Hương.

Tình yêu là quy luật của riêng con tim, nó có lý lẽ của riêng con tim. Nói như thi sĩ Xuân Diệu “Vì tim không thể không yêu người nào”, dẫu cho đôi khi  “Yêu là chết trong lòng một ít”. Tình yêu vĩnh cửu như sợi chỉ đỏ xuyên suốt không gian - thời gian hiện sinh của nhiều thế hệ. Nếu lớp trước là “tiền nhân” thì lớp kế sau là “truyền nhân” (bên phái nam có các quý ông Trương An - Nguyễn Đình An - Bảo Toàn, bên phái nữ có các quý bà Kiều Anh - Ái Liên - Nguyên Anh). Họ là nhân chứng của lịch sử Việt Nam gần trọn thế kỷ XX. Mỗi nhân vật là một trình hiện nghệ thuật của thời đại đặc biệt khi “Chiến tranh, nhiều khi không còn ranh giới giữa “địch và ta” mà đã ngời sáng lên tình người cao đẹp” (tr. 398).

Đứng về “phe nước mắt” là cấu tứ của tác phẩm. Các nhân vật nữ trong tiểu thuyết từ Tam phu nhân (vợ của Hoàng Hoa Thám), vốn được coi như một kiệt hiệt, con cháu Bà Trưng Bà Triệu, đã dám xả thân vì nghĩa lớn của chồng, dám hy sinh bản thân cứu mạng con gái, đến Kiều Trang, Ái Liên, Trâm Anh, Nguyên Anh... Tất cả những nhân vật nữ đều là những tấm gương liệt nữ. Một nửa thế giới là phụ nữ. Đó không phải là một cách nói chữ, mà là một thực tế trong lịch sử loài người (nhân loại đạt mốc 8 tỷ người vào năm 2022, có đến 49 phần trăm là phụ nữ).

Nhân vật nữ của Tình yêu vĩnh cửu không hẳn được tô đậm phẩm chất “tề gia nội trợ”, hay “nữ nhi thường tình”, mà thường vượt khung khổ với ý chí “Giơ tay với thử trời cao thấp/ Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài” như nữ sĩ Hồ Xuân Hương - Bà chúa thơ Nôm - đã hài hước “chữa thẹn”. Bà Hoàng Thị Thế (con gái của Đề Thám) về sau đã giúp cho Nguyễn Đình An (con trai của Trương An - Julie Kiều Trang) những điều kiện tối ưu để chui sâu, leo cao vào bộ máy của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, góp công sức vào sự nghiệp chung trong sứ mệnh của một nhà tình báo tài năng. Những nhân vật được tác giả yêu mến đều có chung nền tảng tư tưởng - tình cảm yêu nước, tinh thần “dĩ công vi thượng”, đề cao dân tộc tính.

Số phận nhân vật chính/ trung tâm Trương An, Julie Kiều Trang  (Phần I) và Nguyễn Đình An, Ái Liên (Phần II) cũng như các nhân vật khác (Bảo Toàn , Trâm Anh, Nguyên Anh,...), gợi suy nghĩ về một vấn đề cốt lõi của khái niệm văn hóa - đó là sự khác biệt, đó là bản sắc không lặp lại, đó là sự chấp nhận tính “tương đồng dị biệt” trong đời sống tinh thần của con người thuộc nhiều xuất xứ, chính kiến khác nhau. Họ tồn tại hợp lẽ tự nhiên theo quy luật “cộng sinh”, “chúng sinh” và “hiện sinh”.

Sắc màu thẩm mỹ tiểu thuyết

Sử thi - tâm lý - trữ tình là nét ưu trội của Tình yêu vĩnh cửu. Tiểu thuyết có tầm bao quát một không gian - thời gian nghệ thuật ở tầm vĩ mô. Các biến cố, sự kiện lịch sử làm nền kéo dài từ cuối thế kỷ 19 (sau cái chết của Phan Đình Phùng, lãnh tụ phong trào Cần Vương, 1895) đến mốc 1975 và sau đó khi đất nước giải phóng và thống nhất toàn vẹn non sông. Các nhân vật hoạt động trong một không gian mở trên lãnh thổ Việt Nam và ngoài biên giới. Đặc điểm đó tạo nên tính “sử thi” như là nền tảng của câu chuyện tình nhiều thế hệ, nhiều giai tầng thời hiện đại. Nhưng nếu nhà tiểu thuyết chỉ chăm chú miêu tả cái nền, dù rộng và cao, nhưng thiếu đi chiều sâu tâm lý và chất say, bay của trữ tình thì hoặc rơi vào nệ thực, tư liệu hóa, sử hóa văn chương. Vì “Văn học là nhân học”. Tác giả đã giao kèo với độc giả một tín điều: “Ẩn trong mỗi con người có vô số điều kỳ lạ, phức tạp và thậm chí mâu thuẫn nhau” (tr. 221). Nói cách khác, mỗi con người là một “tiểu vũ trụ” trong một thế giới “đại vũ trụ”. Văn chương đích thực hướng tới khám phá con người cả trên ba bình diện “tập thể”, “cá thể”, “bản thể”. Chiến lược nghệ thuật này, tôi nghĩ, tác giả đã thực hiện cơ bản thành công trong tác phẩm của mình.

Trang nhã, tinh tế như là cốt cách văn phong tác phẩm. Một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn người đọc nhờ vào kể câu chuyện hay, đôi khi lạ. Đã đành. Nhưng “Văn chương là nghệ thuật ngôn từ” được coi như một tiên đề trong toán học. Văn phong của Tình yêu vĩnh cửu hài hòa giữa “tự sự”- “tâm lý”- “trữ tình”, như là gốc rễ thân cành và như là lá hoa nụ mầm. Viết về “tình yêu vĩnh cửu” dĩ nhiên là có cả chuyện tình yêu và tình dục như là hai mặt của một tờ giấy. Nhưng tuyệt nhiên không câu khách, sa đà vào “mê lộ”, “mê cung”, “mê loạn” (lỗi thường thấy ở một số cây bút nữ hiện nay muốn tạo ra một thứ văn “hot”). Một lối văn có nhịp điệu (rythme) phù hợp với tính chất gia tốc thời đại chứa đựng nhiều biến cố lớn lao, bất ngờ, không có tiền lệ, như là sắc thái thẩm mỹ biệt sắc của Tình yêu vĩnh cửu.

 Dư âm

“Con đường đau khổ” như là mô típ chủ đề có tính căn cơ của tác phẩm. Mỗi con người là một số phận gắn với một kiếp người. Muốn đạt thấu tới chân lý thì không thể không trải qua lửa đỏ và nước lạnh. Không thể đi trên con đường chỉ trải đầy hoa thơm quả ngọt, trái lại chứa chất vinh quang và cay đắng kề nhau. Đó hẳn là một con đường đau khổ. Mỗi nhân vật trong Tình yêu vĩnh cửu, theo tôi, đều ứng với câu thơ của nhà thơ Nga hiện đại E. Evtushenko “chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời”. Tột cùng văn hóa là con người. Đó là tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm như lời Linh mục Velasco: “Sinh mệnh con người là quý, bất cứ ai chống lại quyền được sống của con người là trái với ý Chúa chắc chắn “ (tr. 118).

Nếu còn một điều gì “lăn tăn” sau khi đọc Tình yêu vĩnh cửu thì chính là sự chưa thật chặt chẽ về kết cấu tác phẩm. Bởi tác giả có mộng ôm trùm một thời đại kéo dài hai thế kỷ (tính chất vĩ mô) nên xảy ra tình trạng giữa hai phần I & II (Khi chim én bay về - Tình yêu vĩnh cửu) chất keo dính kết không phải lúc nào cùng đạt tới độ kết chuẩn chỉnh, đã xảy ra tình trạng “lỏng và tuột”.

Nói công bằng, Phần I chặt chẽ hơn, cô đúc hơn nên đã tạo ra được một “cú đấm nghệ thuật” hữu hiệu tạo nhiều hấp lực, Phần II có tình trạng bị “tán” khi “cú đấm” đã chuyển sang thế của bàn tay xòe ra năm ngón. Rõ ràng là, “mối hàn nối” giữa hai phần còn lộ, có thể tạo ra vết nứt của một tổng thể/chỉnh thể nghệ thuật - tiểu thuyết, do vượt quá tầm kiểm soát của phép tỉnh lược. Tôi hình dung tác giả như bậc làm cha mẹ trong một nhà đông con, gia cảnh khó khăn, nhưng lòng thương yêu là vô hạn, nên dầu của nả hạn hẹp đành sẵn sàng chia đều cho mỗi con cái. Từ đó sinh ra chủ nghĩa bình quân, một phép hành xử đẹp nhưng chỉ có ý nghĩa trong một bối cảnh nhất định.

Người ta nói vì hai chữ “nếu như” lịch sử có thể còn thay đổi, huống hồ văn chương. Cổ nhân nói “Có hoa mừng hoa. Có nụ mừng nụ”. Đọc và ngẫm kỹ Tình yêu vĩnh cửu, tôi lại nhận thấy trong thiên tiểu thuyết hấp dẫn này quả thực có cả hoa, có cả nụ. Tôi tin tưởng nhiều người đọc xong, đều suy nghiệm như thế./.

                                               

Bùi Việt Thắng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Hải Phòng được chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Hải Phòng được chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Chiều 28/3 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Namvà UBND thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức Họp báo Chương trình Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 (Vietnam Connect Forum). Đồng chủ trì buổi họp báo có các đại biểu: Nguyễn Như Hiếu - Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao; Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; Đào Quang Bính - Tổng Thư ký T