Sắc thái thẩm mỹ biệt sắc của "Tình yêu vĩnh cửu"

Sáng 11/3, tại Hà Nội, Thời báo Văn học nghệ thuật tổ chức buổi tọa đàm giới thiệu cuốn tiểu thuyết “Tình yêu vĩnh cửu” của tác giả Trần Thiên Hương - một giọng văn thanh lịch, hồn hậu đến từ mảnh đất Quảng Nam thân yêu.

Ngoài sự có mặt của nhà văn Trần Thiên Hương cùng gia đình, tọa đàm còn có sự tham dự của các văn nghệ sĩ, nhà báo trong vai trò diễn giả gồm: Nhà báo, nhà biên kịch điện ảnh Đỗ Quảng - cố vấn đặc biệt của Thời báo Văn học nghệ thuật; Nhà văn, Nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng; Nhà văn, Nhà lý luận phê bình Bích Thu; Nhà văn Lê Hoài Nam; Nhà văn, Dịch giả Kiều Bích Hậu; Nhà văn Nguyễn Đắc Như.

Sắc thái thẩm mỹ biệt sắc của "Tình yêu vĩnh cửu" - 1

Toàn cảnh tọa đàm 

Về phía Thời báo Văn học nghệ thuật, có sự tham dự của: Nhà văn, nhà báo Hoàng Dự, Tổng Biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật; Nhà báo Hoàng Thanh Xuân, Phó Tổng biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật cùng các văn nghệ sĩ là cộng tác viên thường xuyên của Thời báo và đông đủ các cán bộ, nhân viên, phóng viên toà soạn.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, nhà văn, nhà báo Hoàng Dự - Tổng biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật cho biết, đây là lần đầu tiên Thời báo tổ chức giới thiệu một tác phẩm văn học: “Chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là một buổi toạ đàm độc đáo, là cánh cửa mở ra một cơ hội để những người viết văn, giới nghiên cứu phê bình lý luận, báo chí và độc giả cùng gặp gỡ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sáng tác và gắn kết mối quan hệ tốt đẹp giữa tác giả và bạn bè”.

Sắc thái thẩm mỹ biệt sắc của "Tình yêu vĩnh cửu" - 2

Tổng biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật dành tặng những bó hoa tươi thắm cho tác giả và hai người đồng hành thân thiết của bà - ông Văn Bá Linh (phu quân tác giả) và nhà văn H.Man

Điều vĩ đại xuất phát từ tình yêu

Tiểu thuyết “Tình yêu vĩnh cửu” của tác giả Trần Thiên Hương là câu chuyện dài về tình yêu và số phận. Nhân vật cốt lõi của tiểu thuyết là Kiều Trang - xuyên suốt chiều dài của ba thế hệ trong gia đình - người đã sống, trải nghiệm, chứng kiến và cảm nhận về tình yêu và số phận của những người thân qua từng chặng đường cách mạng vĩ đại của đất nước.

Sắc thái thẩm mỹ biệt sắc của "Tình yêu vĩnh cửu" - 3

Tiểu thuyết Tình yêu vĩnh cửu của tác giả Trần Thiên Hương 

Chuyện xảy ra trong một gia đình Thông phán quan chức người Việt thời thuộc Pháp sống ở Hà Nội, theo dòng chảy thời gian, sự phát triển của 4 thế hệ liên tiếp gia tộc này luôn gắn chặt với những đổi thay thăng trầm của đất nước. Biết bao thành công, thất bại, vinh hoa, khổ nạn... nhưng với truyền thống yêu nước nồng nàn thừa truyền từ dòng máu người dân đất Việt mà hầu như tất cả những con người sinh ra trong dòng tộc này, dù làm công việc gì, ở đâu và thời khắc nào thì họ đều thể hiện được đức tính cao quý đó.

Không gian tiểu thuyết được mở rộng ra rất nhiều địa danh trên mảnh đất hình chữ S rồi vươn ra cả một số quốc gia khác. Các sự kiện lớn lao xảy ra đã được kể ra như khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám, cuộc kháng chiến trường kỳ kết thúc là trận chiến thắng lợi Điện Biên, chuỗi năm tháng cầm quyền của chế độ Ngô Đình Diệm và những cuộc đảo chính của phe chống đối, cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc diễn ra ở cả hai miền đất nước... Thông qua những sự kiện đó là sự xuất hiện của các nhân vật lịch sử bằng xương bằng thịt: Hoàng Hoa Thám, toàn quyền Paul Doumer, bà Hoàng thị Thế con gái Hoàng Hoa Thám sau trở thành con nuôi Paul Doumer, Ngô Đình Diệm...

Sắc thái thẩm mỹ biệt sắc của "Tình yêu vĩnh cửu" - 4

Tác giả Trần Thiên Hương (thứ ba từ trái sang) tại tọa đàm

Theo nhà văn Nguyễn Đắc Như, sự xuất hiện của các nhân vật lịch sử trong tiểu thuyết “Tình yêu vĩnh cửu” dù chỉ thoáng qua nhưng đã điểm xuyết cho những câu chuyện kể thêm phần hấp dẫn. Những câu chuyện tình tay đôi, tay ba diễn ra dù trong thế hệ thứ nhất, thứ hai, hoặc thứ ba, thứ tư thì đều được kể ra một cách mộc mạc giản dị nhưng không kém phần hấp dẫn, khiến người đọc có lúc cảm nhận như đây là một bộ sưu tầm về những mối tình cũng như là cách tỏ tình, cách yêu đương của các thế hệ người Việt khác nhau.

“Có thể nói đây là một cuốn tiểu thuyết khá đặc sắc, lượng thông tin rất dồi dào, các sự kiện lịch sử điển hình gắn với ý đồ hư cấu của tiểu thuyết thông qua thủ pháp đồng hiện của văn học đã thể hiện một cách khá nhuần nhuyễn và hài hòa, tạo được sự hấp dẫn và lôi cuốn với người đọc”, nhà văn Nguyễn Đắc Như nói.

Là một trong những độc giả đầu tiên cầm trên tay cuốn tiểu thuyết Tình yêu vĩnh cửu của nhà văn Trần Thiên Hương, nhà văn Lê Hoài Nam cho biết cuốn tiểu thuyết dày tới 580 trang nhưng ông đã bị cuốn hút từ trang đầu đến trang cuối. Thông điệp chính xuyên suốt tác phẩm không chỉ dừng lại ở những mối tình trong một gia tộc mà những mối tình ấy đã thăng hoa kết thành tình yêu đất nước, giống nòi, với những trang văn được tắm trong ánh sáng văn hóa, lan tỏa giá trị nhân văn.

Sắc thái thẩm mỹ biệt sắc của "Tình yêu vĩnh cửu" - 5

Nhà văn Lê Hoài Nam tại tọa đàm 

Nhà văn Lê Hoài Nam cảm nhận, những trang văn còn cung cấp một vốn kiến văn khá sâu rộng về lịch sử - văn hóa Việt Nam, lịch sử văn hóa châu Âu nói chung, lịch sử - văn hóa Pháp nói riêng, không phải bằng sự sao chép mà bằng nhãn quan và ngôn ngữ nghệ thuật rất phong phú, có sức lay động tâm thức bạn đọc.

Sắc thái thẩm mỹ biệt sắc của Tình yêu vĩnh cửu

Nói về Tình yêu vĩnh cửu, nhà văn, nhà lý luận phê bình văn học Bùi Việt Thắng thấy rằng văn phong của cuốn tiểu thuyết hài hòa giữa tự sự - tâm lý - trữ tình, như là gốc rễ thân cành và như là lá hoa nụ mầm. Một lối văn có nhịp điệu phù hợp với tính chất gia tốc thời đại chứa đựng nhiều biến cố lớn lao, bất ngờ, không có tiền lệ, như là sắc thái thẩm mỹ biệt sắc của Tình yêu vĩnh cửu.

“Đọc và ngẫm kỹ Tình yêu vĩnh cửu, tôi lại nhận thấy trong thiên tiểu thuyết hấp dẫn này quả thực có cả hoa, có cả nụ. Tôi tin tưởng nhiều người đọc xong, đều suy nghiệm như thế”, nhà văn, nhà lý luận phê bình văn học Bùi Việt Thắng nói.

Sắc thái thẩm mỹ biệt sắc của "Tình yêu vĩnh cửu" - 6

Nhà văn, nhà lý luận phê bình văn học Bùi Việt Thắng tại tọa đàm 

Nhiều độc giả thoạt đầu mới nhìn trang bìa với bông hồng và tựa đề Tình yêu vĩnh cửu những tưởng đơn thuần là câu chuyện về tình yêu đôi lứa hay cũng gần với kiểu tiểu thuyết ngôn tình. Nhưng khi gấp lại trang cuối cùng của cuốn tiểu thuyết, nhà phê bình văn học Bích Thu bất ngờ với những trang viết vừa êm dịu vừa dữ dội, bên những trường đoạn khiến người đọc như có cảm giác nghẹt thở là những trường đoạn bung nở, thăng hoa.

“Dễ nhận ra ở đây sự hòa quyện tình yêu lứa đôi với tình yêu quê hương, đất nước, số phận cá nhân với cộng đồng nhưng điều đáng nói là cảm hứng sử thi không lấn át cảm hứng thế sự, với sự đan xen các yếu tố lịch sử, thế sự, đời tư, văn hóa, tâm linh đã tạo nên màu sắc hiện đại trên nền thi pháp tiểu thuyết truyền thống”, nhà phê bình văn học Bích Thu cảm nhận.

Sắc thái thẩm mỹ biệt sắc của "Tình yêu vĩnh cửu" - 7

Các văn nghệ sĩ, nhà báo tham dự tọa đàm 

Trước những ý kiến tâm huyết và trách nhiệm của các nhà văn, nhà phê bình, tác giả Trần Thiên Hương xúc động cho biết, đây là sự yêu quý, khích lệ to lớn với tác giả, tạo động lực để nhà văn tiếp tục giữ lửa đam mê sáng tạo, là những bài học quý giá để tiếp tục thực hiện các tác phẩm trong tương lai.

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất