Nhìn đời qua những tâm tình “gởi” con

“Một nhà triết học cổ đại nói rằng không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông, ý nói sự vật mỗi giờ mỗi thay đổi. Tôi tin rằng có thể trở lại tắm trên dòng sông ấy, cùng làn nước ấy, bằng ký ức...”

Là một bác sĩ có thâm niên tại Canada, nhưng Nguyễn Đức Tùng còn được văn giới trong nước biết tới như một người làm phê bình văn học, đặc biệt là nghiên cứu, phê bình thơ ca, sáng tác thơ và dịch thuật.

“Thư gởi con trai” là tác phẩm mới nhất của ông vừa được ra mắt độc giả Việt Nam. Bằng những câu chuyện thủ thỉ với con, về mọi việc diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, tác giả đã đưa vào đó những suy nghĩ, chiêm nghiệm của một người đàn ông từng trải, một người cha muốn con mình “nghĩ khác đi”, “cảm xúc khác đi”, và trên hết là hiểu “không có gì trên đời là vĩnh viễn”, để con biết trân trọng, yêu thương những gì còn có trong tầm tay.

Nhìn đời qua những tâm tình “gởi” con - 1

Tác phẩm "Thư gởi con trai" của tác giả Nguyễn Đức Tùng

Cuốn sách được viết bởi một người Việt xa xứ đã lâu, một người Việt có tâm hồn của một thi sĩ và cái nhìn chiêm nghiệm của một bác sĩ, mỗi dòng mỗi chữ viết về ngôn ngữ mẹ đẻ, về kí ức tuổi thơ, về hai tiếng “Việt Nam”, đều thấm đẫm yêu thương. Văn viết chậm rãi, nhẹ nhàng nhưng lại là những khoảng lặng đáng quý để ai cũng có dịp được nhìn lại, được lắng nghe mình và lắng nghe cuộc sống.

Ngày 9/3, tại Phố sách 19 tháng 12 (Hà Nội), NXB Phụ nữ giới thiệu tác phẩm “Thư gởi con trai”. Nhân dịp này, phóng viên Thời báo Văn học nghệ thuật đã có dịp trò chuyện với nhà nghiên cứu, phê bình văn học Nguyễn Đức Tùng.

- Qua những câu chuyện thủ thỉ cùng con, cuốn sách còn là nơi ký gửi chiêm nghiệm của một người đàn ông từng trải trước nhân tình thế thái?

Tác giả Nguyễn Đức Tùng: “Thư gởi con trai” là những bài viết ngắn, được viết rải rác trong nhiều năm. Sau khi được đội ngũ Nhà xuất bản Phụ nữ khuyến khích, tôi tập hợp lại thành một cuốn sách hoàn chỉnh. Nhân vật trong cuốn sách mới đầu là một cậu bé nhỏ tuổi. Cậu bé ấy ngày một lớn lên, khác đi, người viết cũng ngày một lớn lên và già đi. Không có gì trên đời là vĩnh viễn. Chúng ta có một mùa để sống, một mùa để yêu thương, một mùa để nhớ lại.

Mỗi bức thư kể câu chuyện đơn giản thường ngày nhưng đều có những khoảng lặng đáng suy ngẫm, nhưng đó không phải những bài giảng luân lý hay lời khuyên đạo đức. Chúng chỉ kể lại những kinh nghiệm, những cảm xúc, những suy nghĩ. Nếu các con tìm thấy ở đó bài học của ký ức, những kết luận về lối sống, thì đó là lời khuyên của chính những câu chuyện ấy, những cuộc đời ấy, tình huống ấy.

Nhìn đời qua những tâm tình “gởi” con - 2

Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Nguyễn Đức Tùng. Ảnh: Phạm Hằng 

Cuộc đời là một dòng chảy, một hành trình. Chúng ta có biết bao nhiêu điều để kể lại. Chúng ta kể chuyện để sống, để tưởng nhớ, để tỏ lòng yêu mến, để học hỏi hay truyền lại cho người khác những kinh nghiệm của mình. Câu chuyện đó không nhất thiết phải là cuốn tiểu thuyết lãng mạn hay cuốn phim hành động với nhiều chi tiết gay cấn, có tiếng súng nổ, cái chết bí ẩn ly kỳ. Câu chuyện có khi chỉ là khoảnh khắc bồi hồi, sự rung động sâu xa.

Những câu chuyện kể đem lại phương thuốc hữu hiệu an ủi con người lúc lâm nguy, chiếu sáng lòng tin của họ. Thế giới mà chúng ta đang sống không chỉ được cấu tạo nên bởi các tế bào, các phân tử di truyền, mà còn được tạo nên bởi những câu chuyện và lời kể chuyện của một người, người duy nhất trong đời mỗi chúng ta, không ai thay thế được.

- Nhan đề “Thư gởi con trai” có phần bó hẹp đối tượng độc giả? Những bậc làm cha, làm mẹ sẽ tiếp cận cuốn sách từ góc độ nào, thưa ông?

Tác giả Nguyễn Đức Tùng: Gọi là “Thư gởi con trai”, nhưng 80 lá thư trong tập sách là 80 lá thư mà ai cũng cần được đọc. Các bạn nhỏ đọc để cảm nhận được tình yêu thương vô bờ mà bố mẹ dành cho mình, để học cách “nghĩ khác đi” trước khi đòi mua một món đồ đắt tiền để khoác lên mình cho bằng bạn, bằng bè…

Những người làm cha, làm mẹ đọc để thêm trân trọng “món quà của thượng đế” là những đứa con. Bất cứ cha mẹ nào khi nghĩ đến con, không phải chỉ nghĩ đến lời cảm ơn của chúng dành cho mình, mà còn nghĩ đến lòng biết ơn của họ đối với con cái. Nhờ trẻ con mà chúng ta lớn lên, nhờ có chúng mà chúng ta được hạnh phúc làm người đi trước, che chở, chỉ đường.

Nhờ có lời nhắc của con, hôm ấy ta về nhà sớm, và có một buổi tối cả nhà cười phá lên trước cái tivi vui nhộn, những câu hỏi hóc búa. Những cha mẹ đi làm việc thỉnh thoảng nên nhận được lời nhắc về nhà sớm như vậy, vì tuổi thơ chóng qua, khi bạn thu xếp được thì giờ thì bọn trẻ đã lớn, không cần chúng ta nữa.

Hay mỗi khi có chuyện buồn, lo âu, thất vọng về người khác hay về chính mình, khuôn mặt tươi vui của con hiện ra trong trí tưởng làm lòng ta dịu lại. Con há chẳng phải là món quà của thượng đế hay sao? Tôi gởi đến các con lời cảm ơn của người có được may mắn làm bổn phận của cha mẹ, dẫn các con đi qua một đoạn đường ngắn mà lòng đầy hy vọng. Kỷ niệm ấy, niềm hy vọng ấy là tia mặt trời ấm áp chiếu rọi cuối ngày của mỗi người.

- 80 lá thư trong cuốn sách, ngoài những câu chuyện từ xứ sở lá phong xinh đẹp, tác giả vẫn dành riêng một chương nhắc nhớ về “Cội nguồn”, dù đã xa xứ nhiều năm. Phải chăng, chính những điều được nhen nhóm, nuôi lớn từ nguồn cội đã đúc kết nên bài học đường đời "gởi" lại cho con?

Tác giả Nguyễn Đức Tùng: Chúng ta càng lớn lên càng già đi, càng phải trẻ lại, như một người đi xa tìm cách trở về. Ký ức còn là lòng biết ơn. Một nhà triết học cổ đại nói rằng không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông, ý nói sự vật mỗi giờ mỗi thay đổi. Tôi tin rằng có thể trở lại tắm trên dòng sông ấy, cùng làn nước ấy, bằng ký ức.

Sự tiếp diễn của xã hội, sự luân lưu của lòng biết ơn lẫn nhau của nhân loại, vốn nương tựa vào nhau, nhìn ra tính toàn vẹn của đời sống, nhờ thế mà trong mỗi chiếc thau đồng rửa mặt của chúng ta nơi đứa con đi xa mới trở về nhà cúi mặt xuống đều chiếu sáng một vầng trăng...

- Xin cảm ơn những chia sẻ của tác giả!

Tác giả Nguyễn Đức Tùng sinh tại Quảng Trị, lớn lên đi học tại Quảng trị và Huế, hiện đang định cư tại Canada. Tốt nghiệp Y khoa tại Đại học McMaster, Bác sĩ Nội trú Đại học Toronto, Bác sĩ Thường trú Đại học UBC, là bác sĩ ở Canada. Ông làm thơ, dịch thuật, viết truyện, viết phê bình.

Tác phẩm đã in: Thơ đến từ đâu (NXB Lao động, 2009), Đối thoại văn chương (NXB Tri thức 2012); Thơ cần thiết cho ai (NXB Hội Nhà văn, 2015), Cuộc đời yêu dấu (Alice Munro, dịch, NXB Trẻ, 2017)…

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất