Một “Hàng không mẫu hạm tiểu thuyết” đổ bộ vào nền văn học đương đại Việt Nam
(Arttimes) - Tôi nghĩ rằng, tiểu thuyết Cõi nhân gian của Nguyễn Phúc Lộc Thành giống như một bộ Tấn trò đời của người Việt ở những thập niên cuối thế kỷ XX gối đầu sang thế kỷ XXI.
Tôi vừa nhận được bộ trường thiên tiểu thuyết 8 tập Cõi nhân gian của nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành sinh năm 1964 tại Hà Nội, anh từng đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn Hội Văn học nghệ thuật của người Việt tại Liên Xô năm 1990, sau đó anh về nước, theo học và tốt nghiệp khoá 5 trường viết văn Nguyễn Du (1993-1997).

Sở dĩ tôi gọi đây là một "Hàng không mẫu hạm tiểu thuyết" đổ bộ vào nền văn học đương đại Việt Nam vì cuốn sách này có tới 8 tập với 159 chương và 2600 trang, in khổ 16x24.
Khi mới vào học viết văn Nguyễn Du, nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành đã nổi tiếng với tiểu thuyết Cõi nhân gian in năm 1994 đã từng vào chung khảo giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994 (sau này là tập 1 trong bộ tiểu thuyết vừa in của anh). Năm 1996, Nguyễn Phúc Lộc Thành in tập truyện ngắn Táo vàng tục luỵ.
Sau khi ra trường, Nguyễn Phúc Lộc Thành vẫn lặng lẽ viết nhưng không hề in và dành toàn bộ tâm sức cho công việc của một doanh nhân. Sau 22 năm, anh trở lại văn đàn với 5 tác phẩm in trong năm 2018, gồm Tuyển văn Nguyễn Phúc Lộc Thành và 4 tập thơ: Giấc mơ sông Thương (108 bài lục bát); Chiều (36 bài lục bát về chiều); Chân quê (36 bài lục bát về quê hương) và Giấc mơ sông Thương (36 bài lục bát về sông Thương). Đáng chú ý, tập thơ Giấc mơ sông Thương của anh đã vào chung khảo Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2018 và được đánh giá là một giọng thơ lục bát mới khá đặc biệt.
Đến đầu năm 2022 này, bộ tiểu thuyết 8 tập Cõi nhân gian của anh vừa trình làng, cho thấy sức lao động nghệ thuật đáng trân trọng của một nhà văn khi anh cho biết đã viết liên tục mỗi ngày 14 giờ trong suốt 5 tháng liền thời Covid-19 để hoàn thành bộ sách để đời này.
Tôi đọc cuốn tiểu thuyết này vì sức lôi cuốn đầy hấp dẫn của nó qua từng chương với những tình tiết, cảnh huống rất bất ngờ khiến người đọc như rơi vào "bát trận đồ" của những câu chuyện có chất vụ án hình sự nhưng lại thấm đẫm hơi thở nhọc nhằn của kiếp sống nhân sinh muốn vượt lên những phận đời khắc nghiệt trong u tối.
Cõi nhân gian với nhiều nhân vật tiểu thuyết khá đặc sắc được tác giả dụng công khắc hoạ với những tính cách khá dữ dội và nổi trội. Đọc tiểu thuyết này ta dễ bị ngợp trong dòng chảy đời sống đang quặn xiết với nhiều nghịch cảnh và sự thăng trầm của các số phận cứ chồng chéo, đan xen vào nhau một cách hữu cơ, máu thịt nhằm lột tả những nỗi thống khổ cùng niềm vui sống mong manh, bất trắc của con người dưới đáy xã hội và ở những giai tầng đời sống phiêu lưu khác.
Mạch tiểu thuyết gồm khá nhiều nhân vật trong các câu chuyện được nối kết với nhân vật trung tâm như một liên – hoàn – truyện, tác giả dắt người đọc đi từ chương này sang chương khác bằng mê lộ của những sự đột biến, bất ngờ với giọng kể giầu chất trinh thám trong một bức tranh xã hội dữ dội của hiện thực phê phán đang muốn phanh phui, muốn lột trần cách hành xử của con người trong những nẻo đời tối tăm, bất hạnh.
Trong Cõi nhân gian, Nguyễn Phúc Lộc Thành chủ định dùng thủ pháp đối thoại để các nhân vật thể hiện bản ngã, cá tính, hành vi của mình trong các việc họ làm, trong mọi tình huống đối nhân xử thế, nên trục dọc của tiểu thuyết có tới cả ngàn trang đối thoại khá sinh động để khắc họa đời sống xã hội ở cả “tầng đáy” và ở “tầng trên” trong những câu chuyện ân - oán - sinh - diệt - nhân - quả với những phận người cứ đan vặn, xoắn chặt vào nhau trong cuộc người mưu sinh nhiều khổ đau, nghiệt ngã.
Trong tiểu thuyết Cõi nhân gian, tác giả không ham miêu tả nhiều, nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành để cho nhân vật của mình đối thoại với nhau cùng với hành động của họ để làm nên những chân - dung - người rất sống động, không ai giống ai.
Trong tiểu thuyết đượng đại Việt Nam, có lẽ Nguyễn Phúc Lộc Thành là một tác giả đã dựng được chân dung văn phong đối thoại mang dấu ấn sáng tạo của riêng anh khi dùng đối thoại để khắc họa nhân vật. Tôi nghĩ, phải chăng văn phong này có sự ảnh hưởng của tiểu thuyết gia vĩ đại người Mỹ Ernest Hemingway (Giải Nobel Văn học năm 1954) khi ông là nhà văn bậc thầy, cách đây nửa thế kỷ đã nổi tiếng với trường phái văn phong đối thoại độc đáo, đặc biệt trong tiểu thuyết.
Với vốn sống dày dặn cùng vốn trải nghiệm thăng trầm qua nhiều năm, lối kể chuyện của Nguyễn Phúc Lộc Thành trong Cõi nhân gian có sức ám gợi, lôi cuốn mê man từ cảnh đời này sang cảnh đời khác, từ câu chuyện này sang câu chuyện khác với “chất keo” dính kết là giọng văn hồn nhiên mà sắc lạnh, chân thực mà rung động, phóng túng mà mê hoặc, bi hài mà thú vị. Ngay cả khi nhà văn viết đến chương cuối cùng của tiểu thuyết Cõi nhân gian với việc cơ quan điều tra khám phá một vụ trọng án đốt nhà, giết người liên quan đến việc tự sát của một quan chức của một thành phố thì độc giả vẫn ngỡ rằng, cuốn tiểu thuyết vẫn chưa khép lại và tác giả vẫn có thể viết thêm vài tập nữa với những mạch chuyện đã được khai thông qua suốt 2600 trang tiểu thuyết khá hấp dẫn.
Với sức sáng tạo đầy nhiệt huyết của mình qua tiểu thuyết trường thiên Cõi nhân gian, Nguyễn Phúc Lộc Thành cho thấy sự lao động nghệ thuật nghiêm túc và bền bỉ của nhà văn luôn là nền tảng căn cốt làm nên giá trị cho mọi tác phẩm văn học. Trở lại với văn chương sau hơn hai thập kỷ im lặng, nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành đã có những thành công không muộn, đang gây tiếng vang trên văn đàn với 8 tập của cuốn tiểu thuyết dày dặn Cõi nhân gian, xin chúc mừng đứa con tinh thần của tiểu thuyết gia vừa hồi sinh.
Bình luận