Ngân Giang với bài Trưng nữ vương

Độc giả lớp trước chắc nhiều người đọc thơ Ngân Giang. Nhưng sao tác giả Thi nhân Việt Nam lại “bỏ sót” bà. Thật đáng tiếc!

Đọc xong bài Trưng nữ vương tôi sững sờ giây lát. Tôi không nghĩ rằng một bà lão lưng còng má hóp, mắt hom hem, tự cợt mình sau những ngày chuyển nhà về bãi Nghĩa Dũng:

Mười năm quét lá bên sông

Hình hài để lại cái còng trên lưng

Không thể ngờ một bà lão như thế, lại để cho đời một áng thơ xiết bao rung động. Ngay từ khổ thơ đầu đã gây được ấn tượng sâu sắc:

Thù hận bao lần chau khóe hạnh

Một trời loáng thoáng bóng sao rơi

Dồn sương vó ngựa xa non thẳm

Gạt gió chìm bằng vượt dặm khơi

Tác giả viết bài thơ này với bút pháp ước lệ, phảng phất chất thơ Đường. Nhưng phải hiểu rằng bài thơ ra đời đã nửa thế kỷ. Và ngày ấy, thơ cũ thơ mới còn đang giao tranh dữ dội. Đọc lại văn xuôi, văn vần thời đó, ngồn ngộn từ Hán hoặc Hán - Việt với lời văn biền ngẫu, mới thấy viết được những câu thơ trên là quý, là cách tân ngôn ngữ.

Chỉ riêng hai câu ba, bốn cũng đủ cho ta thấy tài sử dụng ngôn ngữ của Ngân Giang. Những từ ngữ dung dị như “loáng thoáng” và “dồn sương” đã được tạo một cách rất tài tình và đúng chỗ, khiến câu thơ được xếp vào hàng tuyệt bút.

Sẽ rất thiếu sót, nếu tôi quên nói tới một hạt ngọc nữa trong bài này. Hạt ngọc ấy nằm trong hai câu viết với bút pháp ước lệ khá cao, và tuân theo luật đối xứng chặt chẽ. Đó là hai câu bảy và tám:

Bốn phương gió bãi lùa chân ngựa

Tám nẻo mưa ngàn táp đóa mai

Rõ ràng tác giả đã phác họa cho thấy cảnh người chiến sĩ, phải ngụp lặn trong không khí khắc nghiệt của chiến trường. Chữ “lùa” trong tổ hợp từ “gió bãi lùa” của câu "Bốn phương gió bãi lùa chân ngựa” phải được đặt ngang tầm với chữ “bổ” trong tổ hợp từ “búa bổ mòn” của câu "Sương như búa bổ mòn gốc liễu”, do Đoàn Thị Điểm chuyển dịch bản "Chinh phụ ngâm”.

Ngân Giang với bài Trưng nữ vương - 1

Minh họa (Việt Sử Kiêu Hùng)

“Lùa” là một từ hết sức thông dụng trong dân dã. Nó không có gì là mới. Nhưng lại hoàn toàn sáng tạo nơi người sử dụng nó. Cũng như Nguyễn Tuân khi nói về gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Ông viết... “Cái hương hỏa ngôn ngữ...”. Tức là ông đã biến cái của chung vô tận, thành một cái kho báu thuộc về tài sản quốc gia, phải được lưu giữ truyền đời một cách thiêng liêng và sáng tạo.

Thật ra trong cuộc đời người viết, sáng tạo hình tượng là lẽ đương nhiên, nhưng sáng tạo ra được ngôn ngữ mới, đâu phải chuyện dễ. Chính là nghệ sĩ thổi hồn mình vào trong các vốn từ đã sẵn có trong dân gian.

Bài thơ chỉ vẻn vẹn có hai chục câu, thì mười bốn câu liên tiếp, tác giả viết với bút pháp ước lệ của văn chương ngày ấy. Nhưng sang tới câu mười lăm, mười sáu, bài thơ trỗi lên một tâm lý hiện đại:

Cờ tang điểm tướng nghiêm hàng trận

Gót ngọc gieo hoa ngát mấy trời...

Nẻo rẽ này dẫn dắt bài thơ vươn tới kết thúc ảo diệu của một tay thi bá.

Bốn câu kết, tác giả tách riêng thành một khổ;

Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa

Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi

Chàng ơi điện ngọc bơ vơ quá

Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi

Toàn bộ kết thúc nói lên tâm trạng cô đơn của một bà vua góa. Mặc dù nó vẫn giữ được nét hào hùng của bút pháp anh hùng ca. Ngân Giang đã làm toát lên cái “nhẫn” của Trưng Trắc, chứ không phải là cái “nhẫn” của Lữ Hậu hoặc Tây thái hậu. Bài thơ nhất quán về mặt tâm trạng, như đoạn trên tác giả đã viết:

Máu đỏ cốt xong thù vạn cổ

Ngai vàng đâu tính chuyện tương lai

Vì mục đích cuộc tranh đấu nhằm trả thù nhà, đền nợ nước, chứ đâu có nhằm ngôi cao, lộc trọng. Bởi vậy, khi tang tóc ập tới, tránh sao khỏi cảnh nhi nữ thường tình.

Chàng ơi điện ngọc bơ vơ quá

Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi

Ngân Giang cực tài khi tả cái bi trong cái hùng của tâm trạng Trưng Trắc. Phi phụ nữ không lột tả nổi tâm trạng này. Nó chính là cái phút Trưng Trắc làm nên lịch sử, cũng chính là phút quyết định nhân cách thuần ái của người phụ nữ Việt Nam mà Trưng Trắc là tiêu biểu.

Chảy trong cơ thể mình dòng máu dân tộc, Ngân Giang làm chiếc cầu nối - đẩy tâm trạng của một bà vua quá vãng từ non hai chục thế kỷ hòa cùng tâm lý hiện đại. Chiếc cầu tâm lý quá dài ấy đã mấy ai bắc nổi!

Trong lịch sử những bài thơ khóc vợ, khóc chồng và khócbạn, người ta thường nhắc tới Hồ Xuân Hương khóc ông phủ Vĩnh Tường. Lời lẽ mộc mạc mà chân tình, không bỡn cợt như khỉ bà khóc ông Tổng Cóc:

Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ơi

Cái nợ ba xuân đã trả rồi...

Và Nguyễn Khuyến khóc Dương Khuê cũng là một áng văn trác việt - một tình cảm hiếm có trong văn chương.

Còn Ngân Giang thác lời Trưng Nữ vương khóc Thi Sách, mà không tỏ ra khóc mướn thì thật có một không hai. Lời thơ xót đau bình dị, nhưng không yếu đuối, không rơi vào kể lể. Đoan trang mà không kiểu cách. Rất đàn bà mà cũng rất vua. Ngờ rằng Ngân Giang mượn nỗi đau của hai mươi thế kỷ khóc cho chính mình và cho cả thế hệ của bà.

Một khía cạnh khác của bài thơ người đọc nhận thấy mà cũng chưa hẳn là chủ đề mà tác giả muốn nhắn gủi. Đó là tư tưởng không thích chiến tranh. Nhưng lại là một tâm trạng nhất quán trong tư tưởng Ngân Giang, Thật ra nó cũng phù hợp với tấm lòng ưu ái của tâm hồn bà.

Trong Mùa thương nhớ Ngân Giang thốt lên:

Dừng bước nơi đây ngày lại tháng

Gái thời ly loạn oán can qua

Hoặc trong bài Thu về viết theo thể phú. Đoạn nói về Trưng Nữ vương, Ngân Giang dằn lòng viết:

Chém tướng giặc đuổi quân về ải Bắc

Mặc áo tang rơi lệ ngự ngai vàng

Trở lại đoạn kết của bài thơ.

Nói về chiến thắng, tác giả chỉ buông bút viết có mỗi một câu: Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa.

Bà không ham mải khai thác khía cạnh giao tranh. Tuy chỉ một câu, nhưng lại nói được quá nhiều. Tức là chiến công của quân mình quá lớn. Kẻ thù thua khá đậm. Đậm đến thành ấn tượng. Tưởng như cứ mỗi lần quan, quân nhà Hán nghĩ đến là rùng mình sởn gáy. Ngay đến ngựa chiến cũng kinh hoàng khi lạc tới đất này.

Tiếp sau thất bại của kẻ chiến bại, là thất bại (tức sự mất mát) của người chiến thắng: Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi.

Cao hơn nữa là sự cô đơn về tầm trạng, sự bơ vơ đơn chiếc trong cảnh góa bụa bên chiếc ngai vàng buốt giá.

Chàng ơi điện ngọc bơ vơ quá

Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi.

Chiến tranh là tàn phá, là kinh hoàng, là xót đau mất mát, nó không cần thiết cho bất cứ một người lương thiện nào trên Trái đất. Có lẽ hòa bình và hạnh phúc chung cho nhân loại, cũng là chủ đề mà nhà thơ hướng tới.

Nghệ thuật của thơ ca là nghệ thuật của cấu tứ, nghệ thuật của ngôn ngữ và hình tượng. Trong bài Trưng Nữ vương của nữ sĩ Ngân Giang, hội đủ ba yếu tố này. Vì vậy nó là một bài thơ hay, và tôi thích. Xin trân trọng chép lại toàn bài để độc giả có cơ hội thưởng thức và phẩm bình theo sở thích.

TRƯNG NỮ VƯƠNG

Thù hận bao lần chau khóe hạnh

Một trời loáng thoáng bóng sao rơi

Dồn sương vó ngựa xa non thẳm

Gạt gió chim bằng vượt dặm khơi

Ngang dọc non sông đường kiếm mã

Huy hoàng cung điện nếp cân đai

Bốn phương gió bãi lùa chân ngựa

Tám nẻo mưa ngàn táp đóa mai

Máu đỏ cốt xong thù vạn cổ

Ngai vàng đâu tính chuyện tương lai

Hồn người chín suối cười an ủi

Lệ nến năm canh rỏ ngậm ngùi

Lạc tướng quên đâu lời tuyệt hận

Non hồng quét sạch bụi trần ai

Cờ tang điểm tưởng nghiêm hàng trận

Gót ngọc gieo hoa ngát mấy trời

Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa

Giáp vàng, khăn trỏ lạnh đầu voi

Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá

Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi.

Hoàng Quốc Hải

Tin liên quan

Tin mới nhất