Ngô Xuân Khôi & “Tạm biệt chim én xưa”

Có một lần ra Hà nội, tôi gọi điện thoại mời Họa sĩ Ngô Xuân Khôi ra cà phê ở Paris Delly. Tôi muốn gặp anh, cảm ơn anh vì bức minh họa của anh cho truyện ngắn "Tháng ba hoa xoan nở" trên báo Văn nghệ công an rất đẹp. Và cũng muốn làm quen với anh, với nhiều họa phẩm bìa sách , và nhiều tranh vẽ râm ran trong giới nhà sưu tầm...

Tôi rất thích thế giới hội họa, nhưng thú thực không được giao du nhiều. Ngày xưa có các ông bạn (và ông anh) Lê Huy Quang, Đặng Huy Quyển, Phạm Mai Châu, Nguyễn Hưng. Rồi sau này là Đoàn Mẫn, cháu ruột của nhạc sỹ Doãn Nho, mà nhiều năm chúng tôi gắn bó khi cùng làm ở báo Thanh niên. Rồi Thành Chương, một người lính, một cá tính, một tài năng siêu việt, rồi qua Trương Nhuận lại thân quen  người lính xe tăng Lê Trí Dũng... Rồi  Văn Sáng, một tài hoa, một lãng tử chân chính, mà bạn tôi, Lê Huy Hòa, giám đốc NXB Lao Động luôn dở mếu dở cười chầu chực thâu đêm suốt sáng ở nhà Sáng vì những bìa sách anh đã hẹn mà chưa thực hiện (Mà khi đã vẽ thì vẽ rất đẹp.) Tôi cũng đã được ba bốn lần Văn Sáng vẽ bìa. Nhưng chầu chực và hầu ông này để được một cái bìa cũng" sốt ruột"lắm! Sáng nó cũng là một người lính.

Với họa sĩ Ngô Xuân Khôi, tôi được nghe tên anh, được chiêm ngưỡng nhiều bìa sách của anh (tôi có thú vui ra nhà sách mỗi tuần, nhiều khi chỉ để ngắm sách). Một thống kê cho hay Khôi vẽ bìa sách đã 25 năm nay, tổng cộng 1450 bìa. Kinh. Mà trong đó có nhiều  bìa nổi tiếng  như các cuốn “Hồ Quý Ly’’, “Đội gạo lên chùa’’, “Mẫu Thượng Ngàn’’, “Miền hoang tưởng’’ của Nguyễn Xuân Khánh… hay “Một nhan sắc đàn bà’’, “Bến bờ’’ của Ma Văn Kháng.

Nhấm nháp cà phê và trò chuyện với Khôi thật dễ chịu. Anh bằng tuổi Đoàn Mẫn, cùng sinh năm 1961, không biết có học cùng khóa ở Đại học mỹ thuật Yết Kiêu không (các bố này học ở phố Yết Kiêu nên cũng kiêu sa lắm). Với tôi anh càng gần gũi vì cũng là người xứ Nghệ, hai nữa cũng nhiều năm là lính, cũng lính tuyên huấn sư đoàn. Nên chuyện hai anh em cũng “hợp cạ” lắm. Tôi cứ nghĩ sau này có dịp, thể nào cũng mời người lính binh đoàn 318 này làm bìa sách. Vì tôi cũng chỉ chuyên viết sách về người lính….

Rồi sau đó, tôi được trưởng phòng biên tập NXB Phụ nữ là Ánh Ngân cho hay bản thảo"Tạm biệt chim én xưa "của tôi sẽ do họa sĩ Ngô Xuân Khôi vẽ bìa. Tôi vui và xúc động. Vì nếu là Ngô Xuân Khôi thì tuyệt vời, bởi tôi đã từng được anh minh họa cho những truyện ngắn. Và nay lại là người làm bìa cho tập sách về những người lính của mình. Tôi tin trong lồng ngực Ngô Xuân Khôi, bao giờ cũng là một trái tim người lính!

Tạm biệt chim én xưa...

Ngô Xuân Khôi ơi, năm ấy nhỉ có những chàng trai cô gái ra đi, “Xóm dưới làng trên, con trai con gái/ Xôi nắm cơm đùm, ríu rít theo nhau/Súng nhỏ súng to, chiến trường chật chội/ Tiếng cười hăm hở, đầy sông đầy cầu” (Chính Hữu). Họ như những bầy chim én mang lại sắc xuân cho bầu trời xanh, mang lại mùa xuân cho những cánh rừng. Có người trở về và có nhiều người đã về trên núi cao như bài hát của anh Trần Tiến (Mà người con gái đã về trên núi cao). 

Khôi ơi, cũng những năm tháng ấy, có bao người nghệ sỹ trẻ như bầy chim én ra đi. “Nhớ nhớ cái hôn đầu tiên anh chưa dành cho em, mà hôn lên đôi mắt người bạn đã hy sinh” (Trần Tiến). “Ơi cô gái Trường Sơn, bao đêm em đi mở đường”. Anh đang áp mặt xuống cỏ hát cho em nghe đây, dưới lòng đất ấy, em có nghe rõ không?” (Văn Dung). Và em nữa, cô ca sĩ với chiếc khăn màu lửa cháy trên vai, em đi dọc Vàm cỏ Đông tìm những người lính ấy để hát cho họ nghe, nhưng tất cả đã không còn nữa, và Vàm cỏ kia con nước thêm lớn dòng nước mắt, tiếng bìm bịp kêu thêm khắc khoải vì thương nhớ em….

Những bầy chim én của quê ta. Những đoàn quân ra trận. Chiến tranh và  khói lửa... Trong đó có anh, có Khôi, và cả một thế hệ những người lính. 

Ngô Xuân Khôi & “Tạm biệt chim én xưa” - 1

Tạm biệt chim én xưa.

Tạm biệt tuổi thanh xuân của chúng ta không bao giờ trở lại.

Nhưng nó là mãi mãi, trong bầu trời xanh, trong những cánh rừng, trong những dòng sông và những cánh đồng, trong tất cả những gì mà ta thầm gọi là Tổ quốc!

Châu La Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống  văn hóa, văn minh đô thị

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống văn hóa, văn minh đô thị

Hội thảo khoa học diễn ra ngày 25/07/2024 tại TP.HCM do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam – Asean TP.HCM tổ chức mang chủ đề "Giải pháp phát huy giá trị đa văn hóa và tiềm năng của các gia đình có yếu tố nước ngoài tại TP.HCM góp phần xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị” đã đặt ra nhi

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), đồng thời Lễ truy điệu cũng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Ủy vi