Nguyễn Bính và bài thơ "Trường huyện"

Học trò trường huyện ngày năm ấy

Anh tuổi bằng em lớp tuổi thơ

Những buổi học về không có nón

Đội đầu chung một lá sen tơ

Lá sen vương phấn hương sen ngát

Ấp ủ hai ta chút nhụy hờ

Lũ bướm tưởng hoa cài mái tóc

Theo về tận cửa mới tan mơ

Em đi phố huyện tiêu điều lắm

Trường huyện giờ xây kiểu khác rồi

Mà đến hôm nay anh mới biết

Tình ta như chuyện bướm xưa thôi.

                                                                     (Nguyễn Bính)

Bạn trẻ nào sinh ra rồi lớn lên và cả đời chỉ sống ở thành phố hẳn là không thể cảm nhận được hết vẻ đẹp của bài thơ này. Nói vậy cũng đồng nghĩa với bạn từng ở nông thôn, lại có dịp học ở trường huyện thuở thơ ấu sẽ không khỏi bâng khuâng, xao xuyến khi đọc bài thơ “Trường huyện” của Nguyễn Bính (1918 - 1966). Bài thơ ra đời năm 1938 khi tác giả mới 20 tuổi.

Tan học, đám trẻ nhỏ thường rủ nhau về từng tốp, từng đám. Vậy mà có hai bạn khác giới kia lại đi cùng nhau, không có bạn thứ ba. Vì đều “không có nón” nên đôi bạn đã ngắt “lá sen tơ” để đội. Lại chỉ ngắt một lá, vì sao? Ngắt một mới “đội chung” được. Nếu ngắt hai, mỗi người một lá thì còn gì để nói, cũng làm sao thành bài thơ? Và sao lại ngắt lá sen mà không là lá khác, như lá chuối chẳng hạn? Xin nhớ là “lá sen tơ” tức lá còn non, mới có hương thơm, chứ lá già, không thể có.

Ai cũng biết sen là biểu tượng của sự trong trắng, thanh khiết, không bao giờ bị “đồng hóa” bởi xung quanh, sống cạnh bùn mà chẳng bao giờ “hôi tanh mùi bùn”. Nhưng điều này mới là quan trọng, mới là cái cần nói trong bài thơ: Phải là lá sen mới có thể: “Lá sen vương phấn, hoa sen ngát”. “Vấn đề” bắt đầu từ đây. Nếu đội chung cái lá sen chỉ để thuần túy che nắng, mưa (nắng thì đúng hơn), đâu cần bàn đến cái “phấn” vương trên lá và cái “ngát” của “hương sen” làm chi? Một chút tình cảm thoang thoảng mang màu sắc giới tính của đôi bạn nam nữ còn nhỏ tuổi, trong sáng, thánh thiện lắm, chưa định hình cái gì, nhưng rõ ràng là khác lạ so với tình cảm bạn cùng giới được nhà thơ phô diễn bằng hai câu thật tài tình:

Lá sen vương phấn hương sen ngát

Ấp ủ đôi ta chút nhụy hờ

Tất cả dồn vào một chữ “hờ”. Một cái gì không bền vững, không chắc chắn. Đúng vậy, tình cảm của trẻ con mà, đã ra hình, ra dáng gì đâu. Chúng chưa thực sự có ý thức gì, chỉ biết ở bên nhau là thích thú. Cái lá sen kia rõ là không thể rộng hơn chiếc nón. Muốn che cả hai mái đầu xanh để tránh nắng, (mưa), chỉ có cách phải sát lại, chụm đầu gần lại nhau. Nhưng hình ảnh đó cũng chỉ thoảng qua, chỉ “hờ”. Cho nên cái lũ bướm tai quái, tinh nghịch kia “theo về tận cửa mới tan mơ”. Bướm thì tan giấc mơ vì tưởng lá sen là “hoa gài mái tóc”, còn sự xao xuyến tự nhiên của đôi bạn nhỏ chỉ là “chút nhụy hờ”. Chính vì “hờ” nên mới “tan”.

Nguyễn Bính và bài thơ "Trường huyện" - 1

Nhà thơ Nguyễn Bính 

Nuối tiếc và bâng khuâng. Càng rõ cảm giác này khi xuất hiện ở khổ thơ cuối cùng. Trường huyện - cái nơi ngày xưa ta cùng học giờ đã “xây kiểu khác rồi”. Nghĩa là đã thay đổi, đã khác xưa. Nếu “xây kiểu khác”, hẳn là phải bề thế, khang trang hơn. Vậy tại sao lại làm cho “phố huyện tiêu điều lắm”? Phải chăng vì “em đi” khỏi nơi đó rồi nên cảnh vật mới tiêu điều? Đây chính là “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?”.

Chút hương vị mang màu sắc tình yêu đầu đời - nếu có thể gọi được như thế - của ai cũng đẹp, lãng mạn. Nhưng có ai nuôi dưỡng được đến trọn đời đâu. Vậy nên nhà thơ mới phải thốt lên đầy nuối tiếc: “Tình ta như chuyện bướm kia thôi”.

Một bài thơ vừa có chút buồn, lại bâng khuâng, mơ mộng, đầy lãng mạn. Ai từng học ở những trường huyện, hẳn không thể không yêu thích bài thơ rất đẹp, rất lãng mạn này. Giờ đây, tôi đã sống gần trọn cuộc đời, đã xa rất lâu cái tuổi hoa niên chụm đầu cùng trú nắng trong chiếc “lá sen tơ” mà mỗi khi đọc lại bài thơ, vẫn thấy bâng khuâng, man mác như sống lại thuở xa xưa ấy.

Bài thơ này, lúc đầu, Nguyễn Bính đặt tên là “Bươm bướm ngày xưa” và có 7 khổ gồm 28 câu. Khi đưa in lần đầu tiên trong tập “Hương cố nhân” (năm 1941), ông đã cắt bớt 4 khổ để chỉ còn 3 với 12 câu như chúng ta đã thấy ở trên. Có lẽ ông cho rằng để như trước dài, loãng, cắt bớt sẽ cô đọng, hàm súc hơn. Như vậy, ta thấy Nguyễn Bính là người rất khó tính trong sáng tác. Ông luôn tự tiết chế để tác phẩm đạt được chất lượng tốt nhất. Ở văn bản cũ, trước khi cắt bớt, mở đầu, ông viết: “Trường huyện ngày xưa ở bên sông/Mỗi khi hoa phượng nở rực hồng/Áo trắng đôi bờ ai thấp thoáng/Để tiếng ve sầu gọi mênh mông…”.

Sau câu cuối cùng của bản đã sửa (“Tình ta như chuyện bướm kia thôi”), ông còn viết một đoạn khá dài mới dẫn đến câu kết: “Thuở ấy trong anh còn nhớ mãi/Thơm ngát hương quê những trái bàng/Mỗi buổi trưa về anh thường hái/Tặng em cuối lớp mỗi thu sang…”. Còn mấy khổ nữa mới hết bài. Kể ra, những đoạn thơ được tác giả lược bỏ cũng không phải là nhạt, cũng gợi được những cảm xúc bồi hồi nhất định. Nhưng đúng là chỉ để lại 3 khổ như nhiều người đã biết vẫn cô đọng, hàm xúc hơn mà lại không thiếu đi ý tứ của tác giả.

Nguyễn Bính có người con gái ruột là Nguyễn Bính Hồng Cầu rất am hiểu về thơ ca và trân trọng mọi di cảo của cha. Cô là người đã biên tập cuốn “Nguyễn Bính toàn tập” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2017 và cho biết: Đã lấy bài “Trường huyện” từ tập “Nước giếng thơi” do chính cha cô lựa chọn xuất bản năm 1957 tại Hà Nội. Cô chỉ biết bản này. Ngoài ra không biết có dị bản nào khác. Cô đề nghị mọi người hãy tôn trọng sự lựa chọn của chính tác giả để chỉ sử dụng bản có 3 khổ gồm 12 câu như mọi người lâu nay vẫn biết.

Một chi tiết nữa: Có bản in là “vương vấn” trong câu “Lá sen vương phấn hương sen ngát”. Đó là sự nhầm lẫn. Và cũng có thể ở bản 7 khổ ban đầu, Nguyễn Bính viết như vậy nhưng về sau đã sửa “vương vấn” thành “vương phấn”. Trong tập thơ “Nước giếng thơi” và “Nguyễn Bính tuyển tập” cũng là “vương phấn” chứ không phải “vương vấn”. Rõ ràng, “vương phấn” hay hơn.

Nguyễn Bính sinh năm 1918, quê ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, có tên khai sinh là Nguyễn Trọng Bính. Được 3 tháng tuổi, mồ côi mẹ khi đó người mẹ mới có 24 tuổi. Đến năm 14 tuổi, ông lên Hà Nội tìm cách làm ăn, sinh sống. Rồi sau đó phiêu bạt vào tận Nam Bộ. Ông sớm nổi tiếng trong phong trào Thơ mới (1933 - 1945) với phong cách riêng độc đáo, không thể lẫn lộn với bất cứ ai. Đó là một giọng thơ chân chất, dân gian, gần gũi với ca dao, đồng quê.

Ông có bài thơ cực kỳ nổi tiếng là “Lỡ bước sang ngang” viết từ trước năm 1945 được hầu hết người nhà quê thuộc lòng tuy khá dài với thể lục bát cứ như ca dao: “Em ơi! Em ở lại nhà/Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương/Mẹ già một nắng hai sương/Chị đi một bước trăm đường xót xa...”. Đây là lời người chị dặn lại người em gái trước lúc mình lên xe hoa về nhà chồng trong cuộc hôn nhân “Cũng liều nhắm mắt đưa chân/Thử xem con tạo xoay vần ra sao”. Bài thơ ai oán, buồn thê thảm, có lẽ đánh trúng vào nỗi lòng của rất nhiều phụ nữ đi lấy chồng trong xã hội cũ nên được nhiều chị em thích, thuộc. Ngoài ra, ông còn có nhiều bài thơ rất nổi tiếng khác cũng nhất quán về phong cách như “Chân quê”, “Giậu mùng tơi”, “Ghen”, “Mưa xuân”, “Tương tư”, “Những bóng người trên sân ga”, “Cô hái mơ”, “Cô lái đò”, “Viếng hồn trinh nữ”...

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông hoạt động tuyên truyền kháng chiến có hiệu quả nên từng bị chính quyền Ngụy ở miền Nam treo thưởng rất lớn cho ai dụ được ông về với họ. Cũng từ mảnh đất Nam Bộ này, ông có bài thơ “Tiểu đoàn 307” được Nguyễn Hữu Trí phổ thành bài hát rất nổi tiếng.

Sau năm 1954, Nguyễn Bính tập kết ra Bắc, để lại người vợ rất đỗi yêu thương là Hồng Châu. Ông viết hai bài thơ thật hay là “Gửi vợ miền Nam” và “Đêm sao sáng”, ai đọc cũng rất cảm động. Người vợ này hoạt động cách mạng, được cố Tổng Bí thư Lê Duẩn tác thành để nên duyên với Nguyễn Bính.

Đêm giao thừa năm 1966, Nguyễn Bính qua đời tại nhà một người bạn ở nơi sơ tán, thọ 48 tuổi.

Thơ Nguyễn Bính rất đẹp, lãng mạn. Nhưng cuộc đời ông lại quá truân chuyên, long đong, lận đận. Ông tự nói về mình: “Còn tôi sống sót là may/Mẹ hiền mất sớm, giời đày làm thơ”. Ông tài hoa, đào hoa. Sau người vợ đầu tiên Hồng Châu như đã nói, ông có thêm nhiều vợ sau khi trở ra Bắc tập kết. Nhưng không gắn bó với ai lâu.

Người con gái đầu tiên tên Hồng Cầu rất am hiểu thơ, văn và mọi di cảo của cha đã kỳ công xây dựng Nhà tưởng niệm cho cha tại phường 11, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.

“Trường huyện” là bài thơ ông làm từ rất sớm, lúc mới đến với thơ nhưng nhanh chóng nổi tiếng, được nhiều thế hệ bạn đọc thuộc, coi như kỷ niệm của bản thân mình trong đời cắp sách đến trường thuở hoa niên.

Nguyễn Đình San

Tin liên quan

Tin mới nhất