Nhân duyên giữa văn chương với báo chí
Văn chương – báo chí, hai lĩnh vực tưởng chừng đối lập mà giao thoa, bổ trợ, sự kết hợp của văn và báo giúp tác phẩm thăng hoa hơn phục vụ nhu cầu của bạn đọc. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam cũng là một nhà văn làm báo, nhà báo viết văn xuất sắc. Người sử dụng ngòi bút làm vũ khí để đấu tranh chống giặc ngoại xâm, cổ vũ nhân dân hăng hái tham gia cách mạng.
Ở nước ta, những nhà văn làm báo, nhà báo viết văn là chuyện không xa lạ. Theo PGS, TS Nguyễn Ngọc Thiện, từ khi xuất hiện báo chí chữ quốc ngữ ở Việt Nam (từ cuối thế kỷ thứ XIX) rồi báo chí cách mạng Việt Nam ra đời (21/6/1925), đến nay, luôn luôn có sự thâm nhập, tương tác, giao thoa quan hệ giữa hai chủ thể nhà báo văn nghệ và nhà văn. Chỉ tính từ đầu thế kỷ XX đến nay, khi báo chí và văn học Việt Nam bước vào quỹ đạo hiện đại, hội nhập với thế giới văn minh, đã xuất hiện những nhà văn – nhà báo tiêu biểu chẳng hạn: Huỳnh Thúc Kháng, Hồ Chí Minh, Hải Triều, Trường Chinh, Hoài Thanh, Đặng Thai Mai, Sóng Hồng, Xuân Thuỷ, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Đình Thi, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Đình Thi, Hữu Thỉnh, Ma Văn Kháng… cho đến sau này vẫn rất nhiều những nhà văn hoạt động trong lĩnh vực báo chí gây tiếng vang.
Nhà thơ Đinh Quang Tốn cho rằng, không chỉ ở Việt Nam, lịch sử văn chương và báo chí thế giới, nhiều nhà báo nổi tiếng cũng là những nhà văn lớn: Hemingway (Mỹ), Erenbung (Nga), G. Phu-xich (Séc), Lỗ Tấn (Trung Hoa)...
Thể loại báo chí nào nào cũng cần có chất văn nâng cánh
Theo nhà thơ Đinh Quang Tốn, văn chương và báo chí là hai lĩnh vực của văn hoá đều có giá trị trong đời sống tinh thần của con người. Tất nhiên mỗi lĩnh vực có đặc thù riêng, có tác động riêng, có giá trị riêng. Báo chí thì đòi hỏi sự trung thực, nhanh nhạy, chuẩn xác, mang tính thời sự cao. Văn chương cũng đòi hỏi sự trung thực nhưng được thông qua hình tượng nghệ thuật. Tính thời sự của văn chương là vấn đề do tác phẩm đặt ra, chứ không phải bằng sự kiện và con người trực tiếp (ngoại trừ thể loại ký, phóng sự).
Nhà thơ, Nhà phê bình văn học, Đại tá Đinh Quang Tốn, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Công an nhân dân.
“Báo chí và văn chương gắn bó chặt chẽ với nhau. Một bài báo mà có chất văn thì tăng sức hấp dẫn, lôi cuốn bạn đọc và có tác động gây xúc động trái tim mọi người. Báo chí có nhiều thể loại, nhưng thể loại nào cũng cần có chất văn nâng cánh. Tất nhiên mỗi thể loại tin tức, phóng sự, chính luận... cần có chất văn khác nhau. Nếu không có chất văn thì những bài báo chỉ là thông tin khô khan, chuyển tải những thông điệp trần trụi, những ý tưởng cứng nhắc... có tác động rất hạn chế.
Cá nhân tôi cũng hoạt động trong cả hai lĩnh vực, vừa làm thơ vừa viết báo. Những bài báo của tôi về đời sống nhà văn và tác phẩm văn chương, sau khi đăng báo tôi tập hợp in thành sách, tập “Tản mạn nghiệp văn” đã được Hội Nhà văn Việt Nam trao Giải thưởng hàng năm của Hội năm 2009. Vậy là, trong tôi đã có một sự kết hợp tự nhiên giữa văn chương và báo chí”. Nhà thơ Đinh Quang Tốn chia sẻ.
Nhà văn thuận lợi nhất khi làm báo văn nghệ
Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, cơ quan báo chí chuyên về văn nghệ có 7 đời Tổng biên tập, thì đều do các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình đứng đầu: Bằng Việt, Vũ Duy Thông, Hồ Phương, Phượng Vũ, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Ngọc Thiện, Hoàng Dự, trong đó có 3 người được trao tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Nhà văn, nhà lý luận phê bình, PGS, TS Nguyễn Ngọc Thiện giữ chức vụ Tổng biên tập trong 15 năm (2006-2021).
Nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, PGS, TS Nguyễn Ngọc Thiện, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ
PGS, TS Nguyễn Ngọc Thiện lý giải nguyên nhân những nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình khi kiêm nhiệm làm nhà báo văn học nghệ thuật lại có nhiều lợi thế để phát huy sở trường của mình như vậy là do mấy khía cạnh chủ yếu sau:
“Ngôn ngữ sử dụng: Tiếng Việt trong văn học và báo chí đều đòi hỏi sự trong sáng, chuẩn mực, đẹp đẽ, gần gũi với đời sống con người, khiến người đọc có hứng thú.
Về tư duy sáng tạo, văn chương (trong đó có văn chương phi hư cấu như tiểu luận, phê bình, nghiên cứu, hồi ký, phóng sự, bút ký văn học) với báo chí đều đòi hỏi một tư duy hướng về đời sống hàng ngày, khám phá bản chất của hiện thực về con người, như nó đã có, đã hiện diện.
Nghiệp vụ, văn bản tác phẩm trình bày: Báo giấy, báo nói, báo hình, báo điện tử cũng như tác phẩm văn chương đều đòi hỏi sự trình bày văn bản “nhà nghề”, huy động tối đa năng lực thưởng thức và thị thiếu công chúng hướng về Chân, Thiện, Mỹ, tức: Thật – Hay, Tốt – Đẹp.
Về phong cách và sự độc đáo của cá tính sáng tạo, góc nhìn, bút pháp thể hiện: Cả báo chí và văn học đều đề cao sự thể hiện phong cách độc đáo, bản lĩnh của người viết sao cho để đời tác phẩm của mình, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hiện đại, hoàn thiện nhân cách, giúp con người phát triển hài hòa, toàn diện trong xã hội văn minh”.
Ông khẳng định, nhà văn khi làm báo văn nghệ có thuận lợi trong việc đồng cảm để thẩm định, tiếp nhận, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật trên báo chí văn học nghệ thuật, sáng tạo các tác phẩm văn học (hư cấu và phi hư cấu) gửi đăng báo chí. Nhà văn khi làm báo là hiện thân, sứ giả hiện hữu để tác phẩm báo chí đạt các tiêu chuẩn: đúng, hay, đẹp, đặc sắc như Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Trường Chinh đã khuyến nghị.
Viết văn và viết báo đều là sự rèn luyện ngòi bút
Từ trải nghiệm thực tế làm văn, viết báo đã 30 năm cho đến nay, nhà văn Phùng Văn Khai cho rằng văn chương và báo chí luôn bổ trợ cho nhau, cùng góp phần làm lên chất lượng của tác phẩm. Viết văn và viết báo đều là sự rèn luyện ngòi bút.
Nhà văn Phùng Văn Khai chia sẻ: “Tôi đến với nghiệp văn bút đã tròn 30 năm. Tháng 2 năm 1994, khi nhập ngũ vào Quân đoàn 2 đã viết những mẩu tin, bài báo ngắn, chuyện kể Đại đội, truyện ngắn đầu tiên in trên báo Quân đội nhân dân. Tiếp đó được điều động về làm phóng viên truyền hình Quân đội nhân dân. Đến năm 2006 được điều động sang Tạp chí Văn nghệ quân đội một mạch đến bây giờ. Tôi cho rằng văn chương và báo chí luôn bổ trợ cho nhau, cùng góp phần làm lên chất lượng của tác phẩm. Ai đó nói văn chương và báo chí đối nghịch tôi cho rằng chưa thỏa đáng. Chúng ta đã có những bậc thầy nổi trội cả về tác phẩm văn chương và tác phẩm báo chí như Tản Đà, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng, Nguyễn Khải, Lê Lựu, Trần Đăng Khoa,… Ở nước ngoài là những đấng bậc như Kim Dung, Hemingway, nói như vậy để thấy, đã là người tài năng, ranh giới văn chương và báo chí chưa bao giờ là lực cản với các tác phẩm của họ.
Nhà văn, Thượng tá Phùng Văn Khai, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội.
Thi thoảng chúng ta vẫn bắt gặp có người than tôi không viết báo vì phải viết văn để không hỏng ngòi bút. Lại có anh chị nhà báo coi nhẹ văn chương không động bút tới sợ câu chữ lùa thùa dây cà dây muống phương hại tới nghiệp báo của mình. Rốt cuộc, hai đối tượng trên cũng chỉ ở mức trung bình. Nhưng chúng ta cũng không nên trách gì họ.
Viết văn và viết báo đều là sự rèn luyện ngòi bút. Một ngòi bút nếu không được rèn luyện sẽ sớm là một ngòi bút hỏng, các tác phẩm của anh ta sẽ quanh quẩn và khiến bạn đọc chán nản, thực không có ích.
Một nhà văn ngại viết báo, ít viết báo, thậm chí không viết bài báo nào cũng chẳng sao. Nó giống như anh nhà báo không viết văn vậy. Họ cứ bình tâm chuyên chú vào lĩnh vực của mình cũng tốt chứ. Miễn là có được những sản phẩm hay, những thương phẩm dành tặng bạn đọc.
Nhưng những người như vậy rất ít, nhất là trong cuộc sống hiện đại hôm nay. Anh nhà văn đồng thời phải là một nhà báo, phải tương tác truyền thông, phải viết ra những sản phẩm báo chí ở khu vực mà mình thông thuộc cũng là trách nhiệm ngòi bút của mình. Anh nhà văn hôm nay không viết báo là anh thiệt nhiều hơn lợi, giống như người bị cách ly khỏi đời sống sôi động, khó có thể có tác phẩm văn chương hay.
Cũng như vậy, anh nhà báo viết được bút kí, truyện ngắn, thơ, tiểu thuyết chắc chắn sẽ có các tác phẩm báo chí tốt, có văn phong khác đồng nghiệp, có tác phẩm báo chí không khô cứng, khuôn sáo. Và, cái đích cuối cùng là bạn đọc được hưởng lợi. Đó là sự bổ trợ, giao thoa và thăng hoa giữa nghề văn và nghề báo.
Cá nhân tôi cũng vậy. Tôi viết văn và viết báo đan xen như cơm ăn nước uống hàng ngày không ngưng nghỉ. Bảo bên nào hơn bên nào cá nhân không dám định đoạt song sự thèm viết đều như nhau. Hoàn toàn có thể đang viết văn có tòa soạn đặt bài báo sẽ chuyển bút viết ngay. Đang viết báo cần thiết gác lại viết tiếp chương tiểu thuyết cũng là chuyện thường ngày. Tôi đều tìm thấy niềm vui trong nghiệp viết.
Tôi cho rằng, vấn đề viết cho hay, sinh động và có ích thì văn hay báo cũng đều chịu sức ép như nhau. Chớ có cậy là nhà văn viết tràng giang đại hải những điều thỏa thích theo ý mình, cậy vào chữ nghĩa xủng xoảng mà bắt bí người đọc là hết sức không nên. Cũng không được cậy mình là nhà báo nắm nhiều số liệu, biết các chiêu trò cài cắm, được rỉ tai thâm cung bí sử mà viết ra những bài đao to búa lớn dâm dọa các khu vực nhằm câu like, câu view. Như thế thật hết sức không nên”.
Những bài báo mang đậm chất văn sẽ là một ưu điểm để giữ độc giả
Theo nhà thơ Đinh Quang Tốn, sự cạnh tranh của mạng xã hội trong thời đại công nghệ số tạo sức ép với báo chí là sự thật rõ ràng, các cơ quan báo chí hiện nay cũng sử dụng mạng xã hội để lan tỏa những tác phẩm của mình. Nhưng mạng xã hội ngoài ưu điểm về tốc độ và hiệu suất thông tin, đa phương tiện hấp dẫn người dùng thì cũng có những hạn chế rất lớn. Đó là mức độ chuẩn xác của thông tin, trình độ không đồng đều và góc nhìn hạn chế của mỗi cá nhân người viết, người sáng tạo... tạo nên sự nhiễu loạn, làm giảm sút niềm tin của người đọc.
Vì thế, những bài báo mang đậm chất văn sẽ là một ưu điểm để giữ độc giả. Những bài báo này thường của những nhà văn điềm tĩnh, tin vào chính kiến từ góc nhìn của mình với một phong cách riêng, và sức nặng của nghệ thuật... Những bài báo đậm chất văn có một lượng độc giả riêng bền vững, trong thời điểm hiện nay thường ở lứa tuổi trung niên và cao tuổi. Đừng sợ báo chí đậm chất văn không có độc giả. Nó giống như sự thay đổi của thơ ca hiện nay đủ mọi kiểu từ hiện đại đến hậu hiện đại..., nhưng thơ lục bát hay vẫn có một lượng độc giả rất lớn.
"Người trên đường đời" là cuốn sách mới nhất của nhà văn, nhà báo Hồ Quang Lợi, cuốn sách viết về những con người...
Bình luận