Nhớ chân dung Bùi Mạnh Nhị qua “trang sách trang đời”

Cuốn “Trang sách trang đời” của Bùi Mạnh Nhị do nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành năm 2022, gồm 631 trang là tập hợp những bài nghiên cứu, những sáng tác (thơ và văn xuôi) của Bùi Mạnh Nhị, các bài bạn bè viết về anh và một số ảnh lưu giữ những kỉ niệm dấu yêu trên các chặng đường tác giả đã đi qua. Đọc “Trang sách trang đời”, ta thấy hiện lên bức chân dung Bùi Mạnh Nhị - một nhà khoa học với nhiều cống hiến cho ngành giáo dục và ngành Folklore học, một tâm hồn nghệ sĩ, một gương mặt tiêu biểu của thế hệ trí thức Việt Nam sau 1975.

Bùi Mạnh Nhị - một nhà khoa học nghiêm cẩn với nhiều  đóng góp cho ngành giáo dục và ngành Folklore học

Mặc dù rất bận rộn với công việc quản lý nhưng phó giáo sư, tiến sĩ khoa học (PGS. TSKH), nhà giáo ưu tú Bùi Mạnh Nhị vẫn có được một khối lượng công trình nghiên cứu khá lớn. Trong đó có những công trình đặt dấu mốc quan trọng trong lịch sử nghiên cứu của nền văn học dân gian nước nhà.

Nhớ chân dung Bùi Mạnh Nhị qua “trang sách trang đời” - 1

Bùi Mạnh Nhị - một nhà khoa học nghiêm cẩn với nhiều  đóng góp cho ngành giáo dục và ngành Folklore học.

Các công trình chính Bùi Mạnh Nhị đã công bố, gồm: “Sen tháp Mười – ca dao miền Nam về Chủ tịch Hồ Chí Minh” (Bùi Mạnh Nhị, NXB TPHCM, 1980), “Phân tích tác phẩm văn học dân gian trong nhà trường” (Bùi Mạnh Nhị Sở giáo dục tỉnh An Giang xuất bản, 1988), “Ca dao dân ca Nam Bộ” (Bùi Mạnh Nhị, Bảo Định Giang, Nguyễn Tấn Phát, Trần Tấn Vĩnh , NXB. TPHCM, 1984), “Truyện cười dân gian Nam Bộ” (Bùi Mạnh Nhị, Nguyễn Tấn Phát, Trần Vĩnh, NXB TPHCM. 1988), “Văn học dân gian những công trình nghiên cứu”, Bùi Mạnh Nhị chủ biên (NXB GD, 1999), “Văn học dân gian những tác phẩm chọn lọc”- Bùi Mạnh Nhị chủ biên (NXB GD, 1999).

Ngoài ra, anh còn  tham gia biên soạn bộ sách giáo khoa Ngữ Văn  lớp 6, lớp 10 và một số bài viết của anh được đưa vào SGK Tiếng Việt lớp 3, Ngữ Văn lớp 6 tập 1, tập 2.

Không chỉ viết sách, biên soạn, hướng dẫn giảng dạy, nhà nghiên cứu còn có không ít tiểu luận – phê bình và một hệ thống các bài phân tích những tác phẩm văn học dân gian  được  giảng dạy trong nhà trường.

Tuyển tập lần này, anh đã chọn in 19 tiểu luận, 33 bài phân tích tác phẩm ở các thể loại. Cụ thể: Truyền thuyết 6 truyện (Con Rồng cháu Tiên, Thánh Gióng, Sơn Tinh, Thủy Tinh, An dương Vương, Sự tích Hồ Gươm; cổ tích 6 truyện (Sọ Dừa, Thạch Sanh, Em bé thông minh, Tấm Cám,  Cây bút Thần – truyện cổ Trung Hoa, Ông lão đánh cá và con cá vàng - truyện cổ  Nga);  ngụ ngôn 4 truyện (Ếch ngồi đáy giếng, Thầy bói xem voi, Đeo nhạc cho mèo, Chân, tay, tai mắt, miệng); truyện cười 4 truyện (Treo biển, Lợn cưới áo mới, Tam đại con gà, Nhưng nó phải bằng hai mày) và 12 bài phân tích ca dao, dân ca, 1 bài phân tích trích đoạn”Nỗi oan hại chồng” thuộc vở chèo “Quan Âm Thị Kính”.

Qua thực tiễn giảng dạy, nghiên cứu, sau những cuộc điền dã,  năm 1988 anh  tiếp tục được đào tạo một cách bài bản hệ thống ở bậc học cao nhất (TSKH) tại nước Nga - trung tâm khoa học hàng đầu thế giới. Nhờ tinh thần hiếu học và cầu thị, anh đã tiếp thu được không ít  lý thuyết  hiện đại và trang bị cho mình  được  một nền tảng kiến thức sâu, rộng, vững chắc. Với mục đích “tất cả cho học sinh và  sinh viên thân yêu”, các công trình  nghiên cứu của tác giả vừa  đáp ứng  yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn vừa được  tìm hiểu tới tận ngọn nguồn.

Phát huy những thành tựu của các nhà khoa học đi trước, vận dụng những thao tác nghiên cứu đặc thù của văn học dân gian, anh đã có những phát hiện mới mẻ và  tinh tế: chỉ ra sự khác biệt giữa folklore  các dân tộc, sự  khác biệt giữa dân ca  trữ tình Việt Nam với dân ca các nước: Nga, Đức, Ấn Độ; đồng thời đã làm rõ  sự khác biệt về thời gian nghệ thuật giữa hai mảng ca dao dân ca (thơ dân gian) và truyện cổ dân gian (văn xuôi dân gian ): “Thời  gian của thần thoại, truyền thuyết, sử thi anh hùng, cổ tích là quá khứ. Thời gian của bài ca trữ tình dân gian về thực chất là thời gian hiện tại(tr. 47)…”Thời gian và sự kiện trong các câu chuyện họ kể đã lùi về quá khứ, thuộc về một thế giới khác….thời gian trong CDDCTT luôn được hiện tại hóa, luôn mới trong diễn xướng dân gian “(tr.50)…” là thời gian tâm lí “ (tr.51).

Đối  tượng luôn được nhà nghiên cứu tiếp cận  dưới góc nhìn văn hóa và góc nhìn thể loại vì thế. Chính góc nhìn văn hóa đã giúp anh phát hiện ra bức thông điệp “văn hoá chọn người hiền tài” mà ông cha ta đã gửi gắm trong truyền thuyết “Bánh chưng bánh giày”; hát ru là những bài ca hay nhất thế gian.

Và giúp tác giả cắt nghĩa được sự vĩ đại của  Nguyễn Du, Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Lưu Quang Vũ… Nguyễn Bính không bị băng họai trước thời gian bởi ông là người đã làm sống lại hồn xưa đất nước, đã giúp những giá trị văn hóa dân gian quý báu trở nên lấp lánh giữa cuộc sống đương đại.

Còn Nguyễn Du, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên… là những nhà văn hóa với   tư tưởng lớn, đã tạo ra phong cách nghệ thuật riêng: “Viết đề tài nào ông cũng cố gắng  vươn tới sự khái quát và tầm cao triết học”(tr. 166)…Mà “bệ tì là  các tầng văn hóa của cuộc đời và tri thức… Nhờ tư tưởng mà ông phát hiện  cái vĩ đại của dân tộc, thời đại và bi kịch đớn đau của dân tộc kiếp người” (Tr. 167).

Đặt tác phẩm trong cái nhìn thể loại nên trước khi phân tích,  người viết thường làm rõ  đặc trưng thể loại của tác phẩm. Điều đó, giúp bạn đọc (chủ yếu là giáo viên văn) đi đúng định hướng để có thể khai thác tác phẩm một cách khoa học, chuẩn xác, đồng thời phát hiện được chiều sâu mĩ học của hình tượng nghệ thuật.

Chẳng hạn, xuất phát từ đặc điểm “truyền thuyết có cốt lõi là sự thật  lịch sử”, khi phân tích truyền thuyết “Thánh Gióng” nhà nghiên cứu không quên gắn câu chuyện với lễ hội Gióng ở Phù Đổng nơi Ngài sinh ra và Sóc Sơn – nơi sau khi thắng giặc, không màng danh lợi, người anh hùng  làng Gióng đã lặng lẽ bay vào cõi bất tử trong lòng ngưỡng mộ đời đời của dân chúng. Nhờ thế mà hình tượng Thánh Gióng đã  được hiện thực hóa. Mang sức mạnh của cả cộng đồng, Thánh Gióng không có thật nhưng lại thật hơn sự thật ngoài đời.

Không chỉ tiếp cận tác phẩm văn học dân gian dưới góc nhìn văn hóa và thể loại, Bùi Mạnh Nhị  còn đặt chúng  trong mối  quan hệ  chuyên ngành và liên ngành: “Đi vào thi pháp của CD DCTT(ca dao dân ca trữ tình – TTT) nói riêng, folklore nói chung chúng ta không được dừng lại ở một văn bản , mà phải mở rộng ra thi pháp liên văn bản, tức thi pháp truyền thống”(tr. 41). 

Việc soi chiếu những giá trị truyền thống dưới ánh sáng của những  lý thuyết  hiện đại, đã giúp anh đã tìm ra những quy luật, những nét đặc sắc của đối tượng và đã có được những công trình mang hàm lượng khoa học cao như:  “Công thức truyền thống và đặc trưng cấu trúc của ca dao dân ca trữ tình” (tạp chí Văn học, số 1/1998), “Thời gian nghệ thuật trong ca dao dân ca trữ tình”(tạp chí Văn học, số 4/1998). Bài viết “Công thức truyền thống và đặc trưng cấu trúc của ca dao dân ca trữ tình” được coi là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử nghiên cứu ca dao , dân ca nước nhà nên  đã được đưa vào tất cả những công trình nghiên cứu ca dao, dân ca của Việt Nam trong những năm gần đây.

Riêng các công trình dành cho nhà trường về văn học dân gian của tác giả có sức lan tỏa rất lớn. Chúng đã  góp phần định hướng, tháo gỡ không ít khó khăn, giúp các nhà giáo dạy văn có thao tác phân tích các tác phẩm văn học dân gian một cách khoa học, để hiểu sâu sắc giá trị của bộ phận văn học truyền miệng.

Với thế hệ trẻ, những bài viết tâm huyết của  thầy Bùi Mạnh Nhị không chỉ cung cấp những kiến thức bổ ích, quý báu mà còn truyền cảm hứng, nuôi dưỡng tình yêu, niềm tự hào của các em học sinh - sinh viên đối với bộ phận văn học truyền miệng của dân tộc.

Với vùng đất mới Nam bộ, anh là một trong số ít người đã có công khai vỡ và khẳng định nhiều giá trị độc đáo của folklore, cụ thể là ca dao dân ca và truyện cười Nam bộ. Anh còn là cầu nối đưa văn học dân gian nước ngoài vào Việt Nam và cũng là người lần đầu tiên giới thiệu ca dao, dân ca Nam bộ (cũng là dân ca Việt Nam, văn hóa Việt Nam, sức mạnh Việt Nam) ra nước ngoài: “Ngày 30/ 10/ 1995 là Ngày Việt Nam đầu tiên tại Puskin, lần đầu tiên một luận án tiến sĩ về Folklore học đã được bảo vệ ở Nga (và cả Liên xô cũ) bởi một nhà khoa học Việt Nam.Lần đầu tiên trong lịch sử nhà Puskin đã vang lên âm điệu và những từ ngữ ca dao Việt Nam” (tr. 510). 

Có thể nói, qua "Trang sách trang đời” ta thấy một nhà khoa học Bùi Mạnh Nhị nghiêm cẩn với nhiều đóng góp cho ngành Follore học và ngành giáo dục nước nhà.

Bùi Mạnh Nhị - nhà khoa học có tâm hồn nghệ sĩ

Bùi Mạnh Nhị không chỉ là nhà khoa học nhân văn nghiêm cẩn mà còn là một người có tâm hồn nghệ sĩ.

Nhớ chân dung Bùi Mạnh Nhị qua “trang sách trang đời” - 2

Bùi Mạnh Nhị - nhà khoa học có tâm hồn nghệ sĩ.

Chất nghệ sĩ xuất hiện  rất sớm từ khi  anh học lớp chuyên văn của trường Lê Hồng Phong Nam Định, rồi được nuôi dưỡng trong thời gian Nhị là sinh viên  khoa Ngữ Văn Đại học Sư phạm Hà Nội, được tiếp tục phát triển trong những năm thầy Nhị làm công tác  nghiên cứu giảng dạy văn chương ở phương Nam và  trong quá trình  tiếp xúc với các nền văn hóa nhân loại. Có năng khiếu và đam mê thi ca nên từ năm 1975  anh đã có thơ đăng báo và + bài thơ  “Mương con gái” của anh đã được nhận giải thưởng của Hội  Văn nghệ Hà Nội.

Điều thú vị là, thơ của nhà khoa học có tâm hồn nghệ sĩ Bùi Mạnh Nhị  thường có nội dung trữ tình, tao nhã, lãng mạn mà mực thước. Thơ anh thường hướng tới  cái  đẹp, cái độc đáo, sâu lắng của trong tình yêu, âm nhạc, nghệ thuật (những bài ca, tiếng đàn tơ rưng, cây đàn bỏ quên, những bức tranh Đông Hồ chứa đựng bao trầm tích văn hóa của  vùng đất Kinh Bắc); thường đi vào vẻ đẹp vĩnh cửu của thiên nhiên (những vì sao lấp lánh, những chiếc lá non mong manh chưa có màu trên đại ngàn); hay những khoảnh khắc con người phải đối diện với lòng mình (cô đơn trên máy bay, trước ngôi mộ chôn mũ áo của Tiên thi Lý Bạch…). Vì thế, tuy viết không nhiều nhưng lại có phong cách riêng: nhã và sang,  có được sự kết tinh để có  đỉnh cao mà “Vô đề” là một ví dụ.

Rót cho đầy ly cạn

Uống cho cạn ly đầy

Ta uống đừng bảo ta tỉnh

Ta uống chớ nói ta say…

Rót cho đầy vĩnh cửu

Uống cho cạn thoáng qua

Sao em nhìn ta bật khóc

Rượu này có nước mắt pha

Bài thơ vinh dự có mặt trong bộ “Nghìn năm thơ Việt”(1010 – 2010). Rất nhiều người đã thích, đã bình. Bởi đó là bài thơ hay với những câu thơ tài hoa ẩn chứa vẻ đẹp triết mĩ phảng phất hồn thơ Lý Bạch  mà chỉ những tâm hồn nghệ sĩ đích thực mới thăng hoa, xuất thần mà có được. Nó cho thấy tác giả là “Một cây bút thơ tài hoa, thâm trầm, tinh tế” (Văn Giá).

Sự tài hoa, thâm trầm, tinh tế biểu lộ trong quan niệm về con người - một tiểu vũ trụ sống  hòa hợp, gắn bó với thiên nhiên:

Kéo vạt sao vào chăn ngủ

Ghẹo ta khúc khích xuân thì

(Khai bút)

Phòng văn thầy tôi tựa vào giàn hoa

Năm nay Thầy tôi đã già

Hoa chỉ nở riêng cho Thầy mùi hương rất lạ

Và điều này chỉ Thầy tôi nhận ra

Thầy ngồi viết

Bóng hạc in trên vách

Nguyễn Du về

Sương lắc rắc giàn hoa

(Đề tặng phòng văn giáo sư Lê Trí Viễn )

Nho nhã và tinh tế, lãng mạn và phóng khoáng, anh đã  khéo léo hữu hình hóa những cái vô hình:

Anh gom những mong manh chưa vớt được

Thả lên trời thành những vì sao

(Những vì sao và những con sóng)

Mặt khác, thơ anh thường kiệm lời,  sâu sắc, trí tuệ và  giàu tính triết lý với rất nhiều chiêm nghiệm:

Mũ áo một nơi người một nơi

Như thân và chức cũng thế thôi

(Thăm mộ chôn mũ áo làm quan của Lý Bạch )

Cái đẹp dường như luôn là sự gặp gỡ giữa hai cực đối lập :

Lặng im…Lặng im….Mới thành tình yêu

(Tình yêu)

Ngôi sao trông yếu ớt thế kia

Ở chỗ nó cũng rừng rực lửa

Biển to lớn nhường kia

Không làm tan hạt cát vàng bé nhỏ

Mưa ầm ầm giông bão thế kia

Ngấm xuống đât không còn tiếng nữa

Trái tim, bình thường nghe chẳng rõ

Bỗng đập to hơn tiếng biển vỡ quanh người

 (Những bài ca)

Chất thơ lãng mạn, bay bổng, trí tuệ, thâm trầm đã hóa thân vào văn xuôi làm cho những tản văn, chân dung của  nhà khoa học có tâm hồn nghệ sĩ họ Bùi có sức hấp dẫn riêng và có được những chân dung, tản văn thật sự xuất sắc khi viết về: GS. NGND. Lê Trí Viễn, GS.TS. Thứ trưởng Trần Văn Nhung; hay cách uống rượu cùng bạn quý Ngũ Duy Anh, cách thưởng trà cùng Đại Đức Thích Đồng Văn…Có thể nói, chính cảm xúc và sự hiểu biết thấu đáo là hai yếu tố đã giúp cho 12 bức chân dung trong “Trang sách trang đời” đều toát lên cái thần và cái hồn, cái độc, đáo đặc sắc của mỗi nhân vật.

Chân dung GS. NGND. Lê Trí Viễn - hậu duệ của nòi văn hiện lên tao nhã, nghiêm túc trong khoa học và rất say nghề: “người thầy nhỏ, thanh và dáng đi rất trẻ”… “Học trò chúng tôi ai cũng khiếp sức làm việc của thầy”… Thầy “nổi tiếng là người làm việc rất nghiêm…điều hành công việc rất khoa học“. Điểm mạnh nhất ở người thầy nghệ sĩ ấy là cảm thụ … Với thầy giảng văn “Lấy cảm làm đầu. Thầy là nhà nghiên cứu có giọng văn  tài hoa và rất riêng. Thầy viết như nhập đồng”…(tr. 391).

Chân dung GS.TS KH. thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo  Trần Văn Nhung là một bài viết rất chất với cái tít được rút thật diệu nghệ: “Sách thú vị của một người thú vị hay là người thú vị của sách thú vị”. Qua việc tìm hiểu  tư tưởng  và phong cách của nhà giáo dục xuất thân từ một ngành toán học, Bùi Mạnh Nhị đã khái quát được những đặc điểm của đội ngũ  trí thức Việt Nam- trong mỗi nhà khoa học thường có một con người  nghệ sĩ: “ở anh kết hợp một cách thú vị hàng loạt những mặt  tưởng như đối lập nhưng thống nhất hài hòa: chân quê – uyên bác; giản dị - lịch lãm; cổ điển – hiện đại;  con người khoa học, con người quản lý- con người nghệ sĩ; cần cù , chịu khó – ham vui;  khó tính  - cả nể”( tr. 407).

Các tản văn viết về thú  thưởng trà cùng sư Thích Đồng Văn- trụ trì  chùa Viên Các,  thưởng rượu cùng Ngũ Duy Anh, thưởng thơ cùng giáo sư Nhung và bè bạn đã giúp ta thấy rõ hơn một nét thú vị ở con người thú vị Bùi Mạnh Nhị - một nhà khoa học có tâm hồn nghệ sĩ.

Bùi Mạnh Nhị - một gương mặt tiêu biểu của đội ngũ trí thức Việt Nam sau 1975

Bùi Mạnh Nhị là một tấm gương  về tinh thần nỗ lực học tập và hăng say làm việc của thế hệ trí thức Việt Nam sinh ra trong hòa bình (1954), lớn  lên trong chế độ xã hội chủ nghĩa và trưởng thành sau 1975.

Nhớ chân dung Bùi Mạnh Nhị qua “trang sách trang đời” - 3

Cuốn sách "Trang sách trang đời" của Bùi Mạnh Nhị

Tôi có may mắn được học cùng anh bốn năm tại khoa Ngữ  Văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội khóa 1973 – 1977. Sinh viên Văn khoa có nhiều bạn  tài hoa nhưng tài hoa thường tài tử. Riêng Nhị có tiếng  là học giỏi song rất nghiêm túc, chỉn chu. Là cán bộ phụ trách học tập của lớp suốt 4 năm liền, anh chăm  đi thư viện đọc sách nhưng không chỉ là con mọt sách mà rất năng động: tích cực tham gia các câu lạc bộ, thường xuyên làm thơ, viết bài đăng báo, say mê nghiên cứu khoa học, mở rộng quan hệ  với những bạn bè nghệ sĩ: Trần Hòa Bình, Châu La Việt, Vũ Bình Lục, Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Chí Bền…

Ra trường, anh sẵn sàng đến với vùng đất mới Nam bộ, hăng hái  đi điền dã để thu thập tư liệu quý báu về văn học dân gian. Với  tinh thần “học nhi bất yếm, giáo nhân bất quyện”, anh đã nỗ lực học tập không ngừng để lấy bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ, Tiến sĩ khoa học. Trong số 359 cựu sinh viên k23, chỉ mình anh vinh dự có tấm bằng TSKH và cũng là người thành đạt nhất: là Bí thư Đảng ủy – Hiệu trưởng  trường đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh hai khóa( từ 1999 – 2007), là vụ trưởng vụ Tổ chức cán bộ Bộ Giáo dục đào tạo, Thư ký hội đồng chức danh nhà nước… Mà theo nhiều bạn cùng học bên Nga, Nhị là người học thật.

Xuất hiện trong bộ phim, “K23 yêu dấu của chúng tôi- ngày ấy bây giờ”, anh tâm sự  rằng: “Làm việc gì cũng phải tận tâm, say mê. Không say mê không thành công. Đã không làm thì thôi đã làm thì phải làm hết mình, vô tư vì học sinh, sinh viên thân yêu.Trong công việc phải luôn sáng tạo.Công việc gì cũng có cái  khó nhưng khó khăn sẽ tạo cơ hội để thành công”.

Với sự cố gắng không ngừng, anh có được một vốn kiến thức (cả lý luận và thực tiễn)sâu rộng và một phong thái lịch lãm, ung dung và lối ứng xử tinh tế, khéo léo, ân tình: ân tình với cha mẹ, gia đình, với thầy cô,  bè bạn…

Hành trình học tập và công tác của anh cũng giống thế hệ chúng tôi nhưng anh luôn là người đứng đầu, là niềm tự hào của khóa 23. Vượt lên trên chính mình, Bùi Mạnh Nhị đã trở thành một trí thức tinh hoa - một gương mặt tiêu biểu cho thế hệ trí thức Việt Nam sau 1975.

PGS. TS. Trần Thị Trâm

Tin liên quan

Tin mới nhất

Người Trung Quốc ùn ùn về quê ăn Tết

Người Trung Quốc ùn ùn về quê ăn Tết

Trong bối cảnh Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, người Trung Quốc chen chúc trên ô tô, tàu hỏa và máy bay để về quê ăn Tết, chính thức khởi động mùa Xuân Vận - cuộc di cư thường niên lớn nhất thế giới của loài người.

Honda City và các đối thủ: Thiết kế nào vừa lòng người Việt nhất?

Honda City và các đối thủ: Thiết kế nào vừa lòng người Việt nhất?

Phân khúc sedan hạng B tại Việt Nam luôn nóng bỏng với những cái tên như Honda City, Toyota Vios, Hyundai Accent, Mazda2 và Kia Soluto. Mỗi mẫu xe mang phong cách thiết kế riêng, từ sự sắc sảo, thể thao của City đến vẻ bền bỉ của Vios hay thời thượng của Accent. Vậy đâu là thiết kế chinh phục người Việt nhất?

Những SUV đáng chú ý sẽ ra mắt trong năm 2025

Những SUV đáng chú ý sẽ ra mắt trong năm 2025

Khi mà thị trường ô tô ngày càng phát triển, các thương hiệu lớn đang chuẩn bị cho ra mắt những mẫu xe mới với thiết kế và công nghệ tiên tiến nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.