Nhớ về ngôi nhà 65, nơi ở của nhiều văn nghệ sĩ
(Arttimes) - Tuổi thơ của tôi gắn liền với ngôi nhà thân thương này. Và cho đến nay, gia đình tôi vẫn sống vui vẻ bình yên tại nơi đây. Từ bà nội tôi, bố, mẹ, anh em tôi, các con tôi và nay là các cháu (có đến 5 thế hệ) cùng sống trong một căn phòng nhỏ đầy ắp kỷ niệm.
Đó là ngôi nhà số 65 phố Nguyễn Thái Học, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội - Một địa chỉ quen thuộc với nhiều thế hệ văn nghệ sĩ cả nước và du khách quốc tế. Ngôi nhà này, vốn là một biệt thự cổ của gia đình cụ Cự Lĩnh được xây dựng khoảng những năm 30 của thế kỷ XX.
Sau ngày hòa bình lập lại, năm 1954 là nơi ở và làm việc của nhiều văn nghệ sĩ nền văn nghệ chống Pháp, chống Mỹ và thời kỳ đổi mới như: Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, họa sĩ Nguyễn Sáng, họa sĩ Huỳnh Văn Gấm, nhà văn Vũ Tú Nam, họa sĩ Mai Văn Hiến, họa sĩ Văn Giáo, họa sĩ Song Văn, và thế hệ con cháu các cụ như: họa sĩ-NSƯT Vũ Huy, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, nhà lý luận mỹ thuật Mai Thị Ngọc Oanh...
Cho đến hôm nay, trụ lại ngôi nhà này lâu nhất là gia đình con trai cụ chủ - kỹ sư Đinh Văn Thiêm, rồi đến anh Trần Minh Hạc (con trai trưởng họa sĩ Trần Đông Lương), và gia đình tôi. Từ những ngày thơ ấu cho đến hôm nayđã hơn 60 năm trôi qua, chúng tôi gắn liền cuộc đời mình với ngôi nhà chứa bao nhiêu kỷ niệm. Xin viết lại đôi dòng trước hết để tưởng nhớ các vị tiền bối đã sống, sáng tác và ra đi mãi mãi từ ngôi nhà “thiêng” này; và sau đó là món quà “tuổi thơ” tặng các bạn hàng xóm (nay cũng đã già rồi), để có dịp ôn lại kỷ niệm xưa.
Ngôi nhà 65 là một biệt thự, kiến trúc Đông - Tây, Âu - Á kết hợp, vì nghe nói cụ chủ là thầu khoán xây dựng, đã lập nên dãy nhà phố Hàng Bông - Hàng Gai, bệnh viện Đồn Thủy... nên cụ tích lũy được kinh nghiệm và cả nguyên vật liệu tốt nhất để xây cho gia đình mình ngôi nhà riêng trên nền đất ruộng ở đường Hàng Đẫy (nay là phố Nguyễn Thái Học).
Biệt thự có hàng rào xây, lắp hoa văn tròn, cửa lim 2 cánh mở rộng rãi. Qua khoảng giãn cánh mới đến Nhà - Tôi còn nhớ bên phải hướng đi vào có một cây, gọi là cây “đầu người” vì quả màu xanh giống hình đầu người đội mũ, hoa vàng rất đẹp. Bên trái có một cây na dai năm nào cũng cho quả. Trong sân cụ chủ đã trồng thêm một cây bàng, nó lớn nhanh và cho bóng mát xum xuê, bọn trẻ chúng tôi thường rủ nhau nô đùa chơi dưới gốc bàng vì có bóng mát, nhưng cũng có khi bị sâu róm rơi trúng người, bọn con gái hét toáng lên và chạy té tác. Tôi nhớ tới hình ảnh cụ chủ (lúc đã lòa, không nhìn được) nhưng vẫn ngồi dưới gốc bàng giặt quần áo nâu bằng quả bồ hòn, cụ sát đều cho có bọt và hứng dòng nước máy chảy chậm đến khi giặt xong mới thôi.
Dưới gầm cầu thang đá lên tầng 2, có một cái hầm nhỏ tối om, mát lạnh, bọn trẻ chúng tôi thường rủ nhau vào đó chơi trốn tìm - một trò chơi phiêu lưu mạo hiểm. Một lần do sơ ý tôi đút ngón tay vào khe cửa, một đứa ở ngoài đóng sập mạnh làm dập mất ngón thứ tư tay trái đến nay còn sẹo.
Ngôi nhà số 65 phố Nguyễn Thái Học, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh Tư liệu
Năm 1972, Mỹ ném bom Khâm Thiên, ga Hàng Cỏ... thì cụ Nguyễn Phan Chánh đã lôi các cháu vào hầm này để trú ẩn. Cụ ngồi ôm các cháu trong hầm tới khi còi báo yên tay cụ mới hết run vì lo cho các cháu.
Phải nói là nhà Pháp cổ số 65 Nguyễn Thái Học xây rất bền vững và khoa học, đến nay các cánh cửa bằng gỗ lim vẫn vững chắc, không xô lệch, bậc thang bằng đá, bằng gỗ vẫn y nguyên, mùa hè trong nhà thì mát, mùa đông thì ấm.
Vì biệt thự xây cho một gia đình nên các phòng trên một tầng đều có cửa thông sang nhau. Đến khi chia thành khu tập thể thì mới khóa lại, giữa các hộ gia đình cũng chỉ ngăn bằng cánh cửa đó mà thôi. Sau giải phóng Điện Biên, thành phố Hà Nội phân cho các văn
nghệ sĩ từ chiến khu về hai tòa nhà làm khu tập thể, đó là khách sạn Lục Quốc ở 96 Phố Huế, và ngôi nhà 65 Nguyễn Thái Học. Gia đình tôi được thuê một phòng rộng khoảng 36 m² trên tầng 2. Lúc đó tôi mới 1 tuổi. Phòng kề bên là của gia đình nhà văn Vũ Tú Nam - Thanh Hương (trước đó nhà văn Nguyễn Đình Thi ở, sau dọn đi). Phòng nhỏ bên phải là nhà cụ Nguyễn Phan Chánh - danh họa tranh lụa hàng đầu Việt Nam, chỉ độ 16 m², hai cụ ở với các con trai, con gái rất chật. Đối diện là phòng họa sĩ Huỳnh Văn Gấm, nay gia đình cô Thanh ở (chú Được - chồng cô Thanh là cán bộ hãng Phim truyện Việt Nam đã mất); Và cứ thế mỗi gia đình ở một phòng to, nhỏ khác nhau, sống hòa thuận êm đềm trong những năm tháng cực kỳ khó khăn trước và sau năm 1975 mà các cụ vẫn cho ra thơ, ra nhạc, ra tranh... thế mới tài.
Nói về cái sự khó khăn thì phải nói đến nước và nhà vệ sinh. Cả một khu tập thể 3 tầng với hơn một chục hộ chỉ có duy nhất một vòi nước máy dưới góc sân và một khu vệ sinh 2 buồng phía tít tận phía sau nhà... mọi nhu cầu sinh hoạt của hàng chục con người lớn, bé, già, trẻ lần lượt xếp hàng diễn ra ở đó bất kể là nhà thơ, họa sĩ, hay gì gì đi nữa...
Ngôi nhà còn là điểm hẹn thường xuyên của các văn nghệ sĩ. Trên gác ba có phòng của họa sĩ Nguyễn Sáng, tuy nhỏ chưa đầy 20m², nhưng luôn có các bạn bè đến chơi. Trái lại, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm ở phòng đối diện thì im ỉm làm việc suốt ngày, ít khi thấy ông ra khỏi phòng. Phòng nhà tôi cũng nhiều bạn bè của bố (Nhạc sĩ Đỗ Nhuận) như các nhạc sĩ Văn Cao, Đặng Đình Hưng, Chu Minh, Trọng Bằng, Trần Hải... Sau giải phóng 1975, có các nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập, mỗi lần ra Hà Nội thường ghé chơi. Các cụ thường trải chiếu ra ngồi uống chai rượu nhạt với mấy củ lạc rang, hút thuốc lá Tam Đảo và bàn việc nghề...
Nhà bác Vũ Tú Nam luôn ngăn nắp và ít khi ồn ào. Bên nhà tôi có một cây đàn Piano do Công đoàn lao động Nhật Bản gửi tặng Hội Nhạc sĩ Việt Nam, bố tôi được sử dụng một cây đàn Kawai. Tôi lại đang học Piano tại trường Âm nhạc Việt Nam nên hàng ngày phải tập đàn nhiều giờ, thế mà không hề thấy bác Nam hay người hàng xóm nào kêu ca là ồn, mất trận tự khu phố?
Bác Nam thích nghe nhạc không lời. Mỗi buổi sáng bác thường bật máy cassete bản nhạc của Mozart, Beethoven... có một lần tôi tặng bác một băng nhạc mới phổ thơ, bác nghe bài “Sông Thương tóc dài” thơ Hoàng Nhuận Cầm và khen bài hát hay, bác nghe đi nghe lại nhiều lần.
Ngôi nhà số 65 Nguyễn Thái Học, Hà Nội (ngày nay)
Nhớ về ngôi nhà 65 Nguyễn Thái Học là nhớ đến bạn bè, bọn trẻ chúng tôi (Huy, Giang, Hiền Lan, Sơn, Bình, Oanh, Lan, Thao, Hoa...). Tụi tôi cùng sinh vào một thời khoảng 1955 đến 1964, cùng học một trường cấp I Phan Chu Trinh. Từ nhà đi bộ qua đường một đoạn ngắnlà đến trường. Trường có cây bàng rợp bóng, sân đất rất mịn và mát. Lúc đó còn đường tàu điện chạy qua phố, leng keng nghe rất vui tai. Phố Nguyễn Thái Học bấy giờ rợp bóng cây xanh: xà cừ, long não, bằng lăng... hương thơm thoang thoảng mỗi độ thu về.
Một ngôi nhà với nhiều văn nghệ sĩ “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”, đại biểu Quốc Hội nhiều khóa, Nghệ sĩ Ưu tú... xứng đáng trở thành địa chỉ văn hóa của thủ đô Hà Nội như một số nước đã làm: Trước số nhà nên gắn biển đồng ghi tên các danh nhân, phục chế các phòng ở thành nơi trưng bày lưu giữ các bút tích, kỷ vật của các văn nghệ sĩ... Nơi đây sẽ là một bảo tàng mini ghi nhiều dấu ấn cuộc đời, nơi đã sinh ra những tác phẩm văn học, thi ca, nhạc họa... có giá trị cao trường tồn với xã hội và nhân dân.
Nhớ về tuổi thơ - tôi mơ liền theo bức tranh tương lai của ngôi nhà 65 thân yêu.
Hà Nội, Thu 2020
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân
NoneBình luận