Những chuyến đi trên đất nước “triệu voi” - Bài 4: Những đêm đi gác

Đêm trăng còn sáng nhưng có lúc mờ mờ, đứng một mình giữa núi rừng mênh mông, tay ôm cây súng vào lòng, nhìn xung quanh không chớp mắt. Lúc này hiệp định Paris đã ký kết, Mỹ ngừng ném bom trên toàn bộ chiến trường Đông Dương, xe ô tô của bộ đội Trường Sơn ta chạy ban ngày, đêm nghỉ hết. Bầu trời ban đêm trên núi rừng bao la chỉ có tiếng chim kêu, vượn hú và tiếng côn trùng. Thỉ thoảng, vọng lên tiếng con chim "bắt cô trói cột, bắt cô trói cột", lát sau lại nghe "hai cô một cột, hai cô một cột", rồi tiếng con tắc kè kêu "tắc kè, tắc kè", lúc đầu to, sau nhỏ dần. Tự nhiên, thấy một vật đen bay sạt qua mặt, tôi giật mình giương súng lên...

Bài 1: Vượt Trường Sơn sang Lào

Bài 2: Khảo sát đường kín

Bài 3: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa" trên đường Tây Trường Sơn

Để lật cánh đường dây 559 từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn trên đất Lào, từ tháng 1 năm 1961, quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với bộ đội Pa Thét Lào tiến công địch, giải phóng Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, khu vực đường số 8, đường số 12. Cuối tháng 4 năm 1961, liên quân Việt - Lào tiến công địch trên đường số 9, giải phóng một loạt căn cứ quan trọng Sê Pôn, Mường Phìn, Mường Pha Lan.

Với thắng lợi liên tiếp của liên quân Việt - Lào, một vùng giải phóng rộng lớn từ Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng xuống Khăm Muộn, Xa Va Na Khét, nối thông với vùng giải phóng Hạ Lào và miền Nam Việt Nam tạo điều kiện cho Đoàn 559 lật cánh sang Tây Trường Sơn.

Ngày 16 tháng 4 năm 1961, Đoàn 559 khẩn trương “lật cánh” sang Tây Trường Sơn. Bộ đội Trường Sơn phối hợp cùng Quân tình nguyện Việt Nam và Quân đội Pathet Lào phối hợp chiến đấu giải phóng tiếp nhiều vùng đất ở các tỉnh Nam Lào tạo điều kiện cho mạng đường Trường Sơn phát triển cả chiều sâu và chiểu rộng.

Sau khi đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ, đến đầu những năm 70, vùng giải phóng của Pa Thét Lào đã được mở rộng đến 4/5 lãnh thổ. Từ thắng lợi này, cùng với ảnh hưởng của việc kí kết Hiệp định Paris về Việt Nam (1-1973), các phái ở Lào đã thỏa thuận kí Hiệp định Viêng Chăn (21-2-1973), lập lại hòa bình, thực hiện hòa hợp dân tộc Lào.

Những chuyến đi trên đất nước “triệu voi” - Bài 4: Những đêm đi gác - 1

Bộ đội Việt Nam tại chiến trường Lào năm 1972 (ảnh tư liệu)

Sau khi ký hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lập lại hoà bình ở Việt Nam, các Sư đoàn thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn chuyển sang phía đông để xây dựng đường cơ bản. Bên Tây Trường Sơn chỉ còn Sư đoàn Công binh 472 và Sư đoàn Bộ binh 968. Lúc này, ta đã tiến công Pắc Xòong, giải phóng hoàn toàn cao nguyên Bô lô ven. Trên đường 9, ta tiến công mường Pha lan, trên đường 23, ta đánh bại cuộc tiến công của địch nhằm tái chiếm thị xã Sa La Van. Sở chỉ huy Sư đoàn 472 đóng ở bắc đường 9, cách Mường Phìn hơn chục ki lô mét về phía đông bắc.

Chiều ngày 17 tháng 2, toàn Sư đoàn báo động sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng đánh bại âm mưu của địch có thể dùng lực lượng luồn lách đường bộ hoặc đồ bộ đường không lấn chiếm vùng giải phóng của Bạn để cắm cờ trước khi ký hiệp định Viêng Chăn. Các cơ quan, đơn vị trong toàn sư đoàn được giao nhiệm vụ bảo vệ vững chắc vùng giải phóng, không để địch lấn chiếm cắm cờ. Mỗi cơ quan, đơn vị được phân công bảo vệ từng mục tiêu vụ thể.

Phòng Tham mưu Công binh Sư đoàn 472 được giao nhiệm vụ canh gác, bảo vệ lá cờ trên cao điểm cách Sở chỉ huy Sư đoàn gần một ki lô mét về phía đông bắc. Toàn Phòng được cấp súng AK và đủ cơ số đạn, lựu đạn. Tổ thống kê do hạ sĩ Hoàng Kiền làm tổ trưởng cùng 3 nhân viên, thay nhau mỗi người một ca, gác 3 giờ liền, bảo vệ lá cờ của Pha thét Lào. Đối tượng có thể là một toán thám báo, biệt kích, hoặc một tổ quân phỉ luồn lách vào, hoặc một nhóm đổ bộ đường không xuống cắm cờ trước khi ký hiệp định. Nhiệm vụ của chúng tôi là canh gác, quan sát phát hiện nếu có quân địch đến, báo cáo Thủ trưởng phòng cho lực lượng ra chiến đấu, bảo vệ cờ của Bạn, thu hồi cờ của địch.

Nhiệm vụ tổ chức gác ba đêm liền. Ban ngày không gác vì nhìn rõ mục tiêu. Bắt đầu từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau. Đi bộ, leo lên điểm cao cũng mất gần nửa tiếng, toát hết mồ hôi hột. Cứ đúng giờ thay phiên, là người sau có mặt. Đêm trăng còn sáng nhưng có lúc mờ mờ, đứng một mình giữa núi rừng mênh mông, tay ôm cây súng vào lòng, nhìn xung quanh không chớp mắt. Lúc này hiệp định Paris đã ký kết, Mỹ ngừng ném bom trên toàn bộ chiến trường Đông Dương, xe ô tô của bộ đội Trường Sơn ta chạy ban ngày, đêm nghỉ hết.

Bầu trời ban đêm trên núi rừng bao la chỉ có tiếng chim kêu, vượn hú và tiếng côn trùng. Thỉ thoảng, vọng lên tiếng con chim "bắt cô trói cột, bắt cô trói cột", lát sau lại nghe "hai cô một cột, hai cô một cột", rồi tiếng con tắc kè kêu "tắc kè, tắc kè", lúc đầu to, sau nhỏ dần. Tự nhiên, thấy một vật đen bay sạt qua mặt, tôi giật mình giương súng lên, không thấy động tĩnh gì nữa, hoá ra con chồn bay, loại này hôi lắm, có bắn, ăn thịt cũng không ngon.

Cứ chờ xem có tiếng máy bay trực thăng hay tiếng bọn biệt kích, thám báo, phỉ nó mò đến không. Mỗi phiên gác ba tiếng liền cũng hồi hộp, cảm thấy dài lắm, chỉ mong sớm đến ngày ký hiệp định Viêng Chăn, lập lại hoà bình trên đất nước Triệu Voi.

Thế rồi bốn đêm 17, 18, 19 và 20 tháng 2 năm 1973 trôi qua, ngày 21 tháng 2 năm 1973, Đài tiếng nói Việt Nam thông báo Hiệp định Viêng Chăn được ký kết, chúng tôi thật mừng, đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ vùng giải phóng của Bạn an toàn. Toàn Sư đoàn 472 bảo đảm an toàn vùng giải phóng trên địa bàn làm nhiệm vụ , một số điểm địch luồn lách ra âm mưu cắm cờ đều bị phát hiện và ngăn chặn, tiêu diệt.

Hiệp định Viêng Chăn

Mỹ và chính quyền Vương quốc Lào phải ký Hiệp định Viêng Chăn ngày 21 tháng 2 năm 1973 với Pa Thét Lào, về lập lại hoà bình và hoà hợp dân tộc. Chính phủ Liên hiệp (lần thứ ba) và Hội đồng quốc gia chính trị Liên hiệp được thành lập... Thủ đô Viêng Chăn và Kinh đô Luông Pha băng được trung lập hoá theo quy chế đặc biệt.

Với việc ký kết Hiệp định Viêng Chăn, Lào tạm thời bị chia thành 3 vùng: vùng Pa Thét Lào kiểm soát, vùng trung lập (Viêng Chăn, Luông Pha băng) và vùng do phái hữu kiểm soát, với ba chính quyền cùng tồn tại. Sau khi ký kết Hiệp định, Mỹ tiếp tục dính líu quân sự ở Lào, tiếp tục viện trợ quân sự (310 triệu đô la trong năm tài khoá 1973 - 1974), thúc đẩy phái hữu tiến công vùng của Pa Thét Lào, ủng hộ Thaoma Sananicon làm đảo chính quân sự ở Viêng Chăn ngày 20 tháng 8 năm 1973.

Tuy nhiên, phe hữu vẫn ký tiếp Nghị định thư ngày 14 tháng 9 năm 1973 về việc quy định tổ chức Chính phủ lâm thời. Trên cơ sở đó, ngày 5 tháng 4 năm 1974, Chính phủ Liên hiệp được thành lập do Hoàng thân Souvanna Phouma làm Thủ tướng, Hoàng thân Souphanouvong được cử làm Chủ tịch Hội đồng quốc gia chính trị hiệp thương.

Những người cách mạng Lào tiến hành đấu tranh chính trị, chĩa mũi nhọn vào lực lượng phái hữu trong Chính phủ. Kết quả, ngày 10 tháng 7 năm 1974, Quốc hội Viêng Chăn bị giải tán. Đồng thời, Đảng Nhân dân cách mạng Lào chủ trương tích cực chuẩn bị lực lượng, tạo thời cơ để tiến lên giành thắng lợi quyết định.

Năm 1975, sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, Việt Nam đẩy mạnh ủng hộ quân đội Pa Thét Lào tấn công quân chính phủ phản động.

Thực hiện lời kêu gọi của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, từ tháng 5 đến tháng 8 năm 1975, phong trào khởi nghĩa đã diễn ra ở nhiều nơi. Toàn bộ chính quyền từ trung ương cũng như 15 tỉnh, 4 thành phố, 67 mường đã về tay Pa Thét Lào. Cuối cùng, ngày 23 tháng 8 năm 1975, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở thủ đô Viêng Chăn, Pa Thét Lào giành chính quyền trong cả nước khá êm ả, ít bạo lực.

Trong hai ngày, 1 và 2 tháng 12 năm 1975, với 246 đại biểu, Lào tiến hành Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc tại thủ đô Viêng Chăn. Đại hội đã quyết định xoá bỏ chế độ quân chủ, thiết lập chế độ Cộng hoà dân chủ nhân dân, cử "Hoàng thân Đỏ" Souphanouvong là Chủ tịch nước và thành lập Chính phủ mới do Kaysone Phomvihane làm Thủ tướng. Đảng Nhân dân Cách mạng Lào trở thành Đảng cầm quyền. Nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào ra đời.

Đứng gác 

Đêm khuya đứng gác một mình

Ánh sao trên mũ lung linh sao trời

Tay ôm cây súng chẳng rời

Long lanh ánh mắt sáng ngời niềm tin

Trăng soi rừng núi im lìm

"Bắt cô trói cột" bổng chìm ngân nga

Giữa vùng giải phóng bao la

Lá cờ Pha thét Cham Pa vững vàng

Nước Lào giải phóng vẻ vang

Hoà bình xây dựng sang trang tự hào

Tình đoàn kết đẹp biết bao

Trường Sơn Huyền thoại thêm cao nghĩa tình.

Những chuyến đi trên đất nước “triệu voi” - Bài 4: Những đêm đi gác - 2

Minh họa 

Sư đoàn 565 rút quân từ Nam Lào về nước 

Để chi viện sức người sức của cho cách mạng miền Nam, ngày 19 tháng 5 năm 1959, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy giao nhiệm vụ cho Đoàn công tác quân sự đặc biệt. Nhiệm vụ của Đoàn là mở đường dây 559 bên Đông Trường Sơn. Đường dây đi vào hoạt động, giành được kết quả quan trọng bước đầu, được Bác Hồ khen ngợi. Địch đã đánh hơi rình rập. Trước nguy cơ bị lộ, ngày 16 tháng 4 năm 1961, Đoàn 559 khẩn trương “lật cánh” sang Tây Trường Sơn, mở tuyến chi viện qua đất bạn Lào.

Tháng 5 năm 1961 hai tuyến đường giao liên trên đất Lào đã khai thông từ Việt Nam vượt Trường Sơn sang Lào vào đến La Hạp để vượt Trường Sơn trở về Thừa Thiên của Việt Nam.

Từ đường giao liên phát triển lên đường gùi thồ, rồi đường ô tô, cả đường sông, đường ống xăng dầu. Cho đến năm 1975 hình thành một mạng đường ô tô với 5 trục dọc, trong đó có 4 trục bên Tây Trường Sơn trên đất bạn Lào, 21 trục ngang, trong đó có ba phần tư trên đất bạn Lào. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đường Tây Trường Sơn là tuyến chính bảo đảm cho các lực lượng cơ động vào chiến trường giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đường Trường Sơn còn vận chuyển chi viện giúp cách mạng Lào giải phóng đất nước.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, trên đất bạn Lào còn duy nhất Sư đoàn 565 tiếp tục cải tạo tuyến Tây Trường Sơn từ Bản Đông - Đường 9 vào đến Sa La Van - Phi Hà, ngã ba Đông Dương. Sư đoàn nhận được bộ máy cưa xẻ gỗ để xây dựng Sở chỉ huy đàng hoàng hơn. Toàn bộ các công trình Hội trường, nhà làm việc, nhà ở, nhà ăn, nhà bếp đều làm bằng gỗ xẻ lợp tôn rất khang trang. Đơn vị thi công đường Tây Trường Sơn, theo thiết kế cầu cống vĩnh cửu, mặt đường đá dăm nước.

Sư đoàn 565 tiếp tục giúp bạn, Trung đoàn Bộ binh 39 bảo vệ vùng giải phóng phía Tây Nam Lào, hai Trung đoàn Công binh tiếp tục làm đường, bảo đảm vận chuyển chi viện cho cách mạng của Bạn tiến công và nổi dậy làm chủ đất nước. Ngày 7 và 8 tháng 7, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào ra chỉ thị xoá bỏ hoàn toàn chính quyền và quân đội của địch, đồng thời thành lập chính quyền cách mạng trong cả nước. Ngày 2 tháng 12 năm 1975 nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào ra đời. Sư đoàn 565 tiếp tục thi công hoàn thành nâng cấp đường từ Bản Đông đến Sa La Van, hoàn thành nhiệm vụ trên chiến trường Trường Sơn và nhiệm vụ quốc tế giúp bạn

Tháng 4 năm 1976 có lệnh rút quân về nước. Chúng tôi được phổ biến là Đảng và Nhà nước Lào thống nhất đề nghị quân đội nước ngoài rút hết khỏi lãnh thổ nước Lào, mọi hoạt động thực hiện theo hiệp định nhà nước Lào ký kết với các nước.

Cuộc hành quân về nước được triển khai. Tôi là trợ lý kế hoạch Ban Công binh - Phòng Tham mưu Sư đoàn được tham gia xây dựng kế hoạch chung của toàn Sư đoàn. Cơ quan Sư đoàn bộ mới xây dựng, bàn giao lại cho tỉnh Sa La Van. Chỉ duy nhất khung nhà ở của Trung tá Đào Kim Sơn - Tư lệnh Sư đoàn, cơ quan làm việc với bạn xin mang về, tặng gia đình ông ở Bắc Ninh.

Cả Sư đoàn hành quân về nước kết thúc 15 năm hoạt động của Bộ đội Trường Sơn trên đất nước Triệu Voi, đoàn kết bên nhau chống kẻ thù chung. Nhân dân các bản làng ra hai bên đường lưu luyến tiễn đưa nhìn theo đoàn xe bộ đội Việt Nam về nước với tình cảm trìu mến thân thương, vô cùng cảm động.

Trung đoàn Công binh 34 là đơn vị rút về sau cùng, Thiếu tá Đào Minh Trình - Trung đoàn trưởng, Đại uý Nguyễn Duy Nghênh Trung đoàn phó - Tham mưu trưởng, thủ trưởng trực tiếp khi tôi công tác ở Trung đoàn 34 - tổ chức hành quân. Hơn sáu trăm cán bộ chiến sĩ đưa gần 450 bộ hài cốt đồng đội của Trung đoàn về cùng. Thực tế, số hi sinh còn cao hơn nhiều, có thể gấp hai lần, do đạn bom vùi lấp, đánh đi đánh lại ở các trọng điểm ác liệt, cả những liệt sỹ ở trong nghĩa trang cũng chưa được nằm yên. Cuộc chiến đấu trên chiến trường Trường Sơn mà phần nhiều bên Tây Trường Sơn vô cùng khó khăn, gian khổ, ác liệt, hy sinh rất lớn, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

Đến cầu treo Bản Đông nhân dân bản làng ra đứng thành hàng dài hai bên đến đường 9 vẫy chào bộ đội Việt Nam. Tiếng Lào tiếng Việt đan xen nhau bừng lên tỏa sáng khắp núi rừng Trường Sơn hùng vĩ: "Việt Lào xam ma khi - Việt Lào vui đoàn kết". "Khốp chay lai lai, xam bai đi - Cám ơn nhiều nhiều, chào tạm biệt". Cuộc hành quân về nước của Sư đoàn 565 kết thúc 15 năm hoạt động của Bộ đội Trường Sơn trên đất bạn Lào "1961 - 1976", trên con đường mà hai dân tộc đã đổ biết bao xương máu, sát cánh bên nhau chống kẻ thù chung, giành độc lập, tự do, hoà bình, thống nhất đất nước để cùng nhau xây dựng và phát triển. Con đường đã tô thắm thêm tình hữu nghị thuỷ chung son sắt, trong sáng, đặc biệt, vĩ đại Việt - Lào. Thật vinh quang và mãi mãi tự hào về Trường Sơn Huyền thoại.

Sau gần sáu năm chiến đấu công tác trên đất bạn, được trở về Tổ quốc thân yêu. Tôi ngồi cùng xe con với Trung tá Nguyễn Đức Lợi - Phó Tư lệnh Sư đoàn, đi sau đội hình, giúp Thủ trưởng kiểm tra, đôn đốc, xử lý các tình huống. Chúng tôi là những người cuối cùng chào tạm biệt nhân dân và đất nước Lào tươi đẹp với sự lưu luyến trào dâng.

Loa vang lệnh báo phát ra

Sư đoàn rút hết chuyển qua nước mình

Nhà cao cửa rộng dáng hình

Thiết kế xây dựng như dinh, hội trường

Bàn giao tặng lại địa phương

Đoàn xe vận tải hồi hương đường dài

Quân - Dân lưu luyến vẫy hoài

Bao năm gắn bó chẳng phai tấm lòng

Nghĩa tình Lào - Việt sáng trong

Con đường đánh Mỹ chiến công tự hào

Khe Sanh - Lao Bảo dón chào

Nhận nhiệm vụ mới bước vào triển khai.

Về đến Việt Nam, Sư đoàn đóng quân trên khu vực dọc đường số 9 từ Khe Sanh đến Lao Bảo nhận nhiệm vụ mới.

Đón đọc >> Bài 5: Sang Lào khảo sát hang động, lập dự án công trình CCT

Hoàng Kiền

Tin liên quan

Tin mới nhất