Phong Thu - Những điều ít được nói đến

Khi nói đến Phong Thu (1934 - 2020), bạn đọc rộng rãi thường nhận xét ông là nhà văn suốt cuộc đời sáng tác chỉ chuyên viết cho thiếu nhi. Phong Thu có đóng góp lớn vào nền văn học nước nhà. Nhà văn đã được trao nhiều giải thưởng danh giá. Nhìn kỹ hơn, thấy đời văn của ông ít gây được ấn tượng sâu, mạnh ở những trường hợp cụ thể. Đời tư thì bình lặng, ấm áp. Lối sống, cách làm việc rất chỉn chu, cần mẫn, cái vẻ "công chức" hơi nhiều, tố chất khái tính, bởi ông tự đẩy mình vào một thế giới riêng, gần như xa cách với sự ồn ào của đời thường. Tuy vậy, Phong Thu vẫn dễ gây được thiện cảm với nhiều người, do ông là người lao động trí óc không mệt mỏi, biết lắng nghe, nhu hòa, nâng niu, khuyến khích cái đẹp trong mọi hành vi ứng xử. Nhiều bạn đọc, bạn văn quý trọng ông, xem nhà văn này thuộc một thế giới riêng.

Do thân quý ông đã nhiều năm, cũng được ông tin cậy và đáp lại, người viết bài này nói thêm một số điều trước nay ít được nêu về nhà văn Phong Thu. Đấy là những ưu điểm, mặt mạnh của Phong Thu, trong đó đôi ba nét có thể là ngược lại cách hiểu quen thuộc về ông.

Phong Thu - Những điều ít được nói đến - 1

Nhà văn Phong Thu

1. Nhà văn của học sinh - nhà trường

Đứng lớp rất ít mà tác phong sư phạm, nếp nghĩ của người thầy lại nhuần thấm vào con người Phong Thu suốt cả cuộc đời.

Thuở mới lớn, Phong Thu có đi học Trường sơ cấp sư phạm ở tỉnh Nam Ninh, Trung Quốc (cùng lớp có Nguyễn Kiên, còn Ma Văn Kháng thì vào sau một năm). Về nước, ông dạy học ở huyện Đà Bắc, chỉ vài ba năm, rồi ngừng hẳn đứng lớp để về tỉnh làm ở Ty Giáo dục, sau đó về Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo). Tiếp theo là nhân viên ở Trung ương Đoàn thanh niên làm công tác Đoàn, Đội thiếu niên tiền phong… Để rồi ông được toại nguyện: về báo Thiếu niên tiền phong viết báo, có điều kiện thuận lợi làm văn thơ phục vụ bạn đọc nhỏ tuổi. Rốt cuộc, hơn bảy mươi năm công tác, ông chỉ đứng lớp giảng dạy trực tiếp được mấy năm.

Ấy vậy mà Phong Thu lại viết rất nhiều về học sinh - nhà trường. Nói không thể sai, rằng Phong Thu là nhà văn của học sinh tiểu học, của thầy cô giáo nhà trường tiểu học. Khi nhiều nhà văn viết về thiếu nhi ở ngoài mái trường thì Phong Thu hướng nhiều đến đối tượng hiện thực đời sống là thiếu nhi - học sinh. Khi không đứng lớp, nhà văn dạy trẻ gián tiếp bằng văn chương ở bên ngoài trụ sở nhà trường. Đối với Phong Thu, quan hệ nhà văn - bạn đọc cũng là quan hệ nhà giáo - học trò.

Phải chăng, khi làm Chưởng giáo (hiệu trưởng trường chỉ có một lớp) thời trẻ trai, để rồi có bài báo đầu tiên là truyện Cái mỏ phấn (in ở báo Tiền phong thiếu nhi, số 10, tháng 6/1955), ông đã viết về học sinh - nhà trường, đã thành kỷ niệm sâu sắc, thì Phong Thu suốt đời phải ràng buộc với ngành giáo dục, mặc dù phần lớn cuộc đời ông sau đó chuyển sang nghề khác?

Phong Thu - Những điều ít được nói đến - 2

Tập truyện "Cây bàng không rụng lá" của nhà văn Phong Thu

Dễ thấy nhất là tác phong nhà giáo của ông trong sinh hoạt, làm việc. Chữ ông viết khá đẹp, nhiều năm rồi vẫn nắn nót, sáng sủa. Trình bày trang viết đâu ra đó, trịnh trọng, luôn luôn có bút màu, thước kẻ, cục tẩy, bút xóa, keo dán, dao và kéo… Trang trí tẩn mẩn, tô vẽ đôi chút chẳng khác gì trẻ gái lớp năm lớp bảy. Mắt kém thì đã có kính phóng đại, điện thoại màn hình chữ to số lớn. Sổ sách, bản thảo gọn gàng, thứ tự, ghi chép đầy đủ số bài viết, bài gửi, bài đăng, sách xuất bản. Nhà văn già làm việc bên bàn viết vừa như một học trò lại vừa như một thầy giáo cao tuổi.

Phong Thu viết nhiều văn hiện thực hơn văn đồng thoại. Tác giả Phong Thu có nhiều bài văn được tuyển in vào sách giáo khoa tiểu học. Báo Văn nghệ đang bàn sôi nổi về sự học ngày nay thì từ hai ba chục năm trước, nhà giáo - nhà văn Phong Thu đã có ý kiến xác đáng về sách giáo khoa: "Theo tôi, mỗi tác phẩm in trong sách giáo khoa phải là những tác phẩm khi các em đọc xong, học xong, tự các em sẽ nhận ra được những giá trị sống từ những điều rất nhỏ, rất gần gũi đối với các em hằng ngày".

Ông tâm sự với phóng viên báo: "Theo tôi, chúng ta nên in riêng các tác phẩm đọc thêm ra thành những cuốn riêng và cũng đừng gọi là tác phẩm đọc thêm nữa mà hãy gọi bằng một cái tên khác như là Sách đọc ngoài chương trình học. Tên sách như thế có thể hơi dài nhưng có vẻ hợp lý hơn. Các em yêu thích môn văn sẽ tìm đọc, học thêm về môn văn, các em yêu toán khắc có sách đọc thêm về toán, thích sinh học, vật lý thì tìm sách đọc ngoài chương trình về sinh học, vật lý… Chúng ta hãy làm mọi cách để các em tiếp cận với kiến thức một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất chứ đừng làm các em cảm thấy ngại bởi những bài phụ đi kèm bên cạnh bài chính" (Theo Huy Thông, báo Thể thao và văn hóa, tháng 8/2009).

Ý kiến của Phong Thu rất xác đáng và bổ ích. Những năm qua, dư luận xã hội nóng lên về vấn đề sự nghiệp giáo dục, xoáy sâu vào chất lượng sách giáo khoa và việc dạy thêm, học thêm. Chính vì thế mà chúng ta càng nhớ đến Phong Thu và rất cảm ơn ông.

2. Nhà báo, thuộc số người có bài đăng sớm nhất (ở tuổi hai mươi), nhiều bài nhất, viết liên tục nhất trong suốt gần bảy mươi năm. Cách đi thực tế địa phương cũng lạ lùng

Phong Thu cộng tác thường xuyên với bảy mươi tờ báo, tạp chí trung ương, địa phương cùng các ban ngành. Năm nào ông cũng có trăm bài, đủ loại: truyện ngắn, đoạn văn… in báo, có những năm hai trăm, ba trăm bài, đến nay ông đã in khoảng năm nghìn bài. Bài của Phong Thu hầu hết là rất ngắn, dễ đăng, dễ tiếp nhận, cách viết thay đổi linh hoạt, vậy nên rất lôi cuốn bạn đọc nhỏ tuổi.

Tất nhiên, cũng như nhiều tác giả, đối với ông, báo lồng vào văn, viết văn là viết báo và ngược lại. Những truyện dài không phù hợp với báo, ông ít gửi đăng. Đấy cũng là một chi tiết đáng lưu ý về cách viết và in báo của Phong Thu. Nhiều năm làm phóng viên, biên tập viên rồi Trưởng ban Văn nghệ của báo Thiếu niên tiền phong, Phong Thu đã giúp cho báo nhà có thêm nhiều bạn đọc, đào tạo được nhiều cộng tác viên thuần thục về nghề, trong đó có một số tác giả trở thành nhà văn, nhà báo viết cho thiếu nhi.

Phong Thu cũng nêu một tấm gương về đi thực tế để hiểu thêm đời sống, từ đó viết báo, có vốn sâu lắng mà viết văn. Thời trẻ trai khi dạy học và làm cán bộ ở Ty Giáo dục tỉnh Hòa Bình, ông đã năng nổ đến nhiều làng dân. Cả tỉnh Hòa Bình miền núi khi ấy có 103 xã, ông đến 102 xã. Tại huyện Mai Đà, nơi ông làm Chưởng giáo (Hiệu trưởng trường chỉ có một lớp) có 12 xã, ông đến hết và trở lại nhiều lần.

Thời bao cấp, những năm 70, 80 thế kỷ trước, ông dùng xe đạp đi xa. Trước đó, mấy năm trời nhà văn tỉ mẩn chịu khó gom nhặt, dành dụm các chi tiết của chiếc xe đạp như: vành, nan hoa, săm lốp, xích - líp, cái đèo hàng (tên hồi đó là gác-ba-ga), cái chắn bùn (gác- đờ - bu), cái chắn xích (gác - đờ - xen) khung… từng được mua phân phối hoặc xin, mua vặt ở chợ đen, để rồi loay hoay tự lắp, hoàn thiện được cái xe đạp trông gần như một đồ dùng nguyên chiếc vừa mới sắm vậy. Cái xe đạp ấy như một người bạn thân thiết giúp ông rong ruổi khắp các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên …

3. Một nhà thơ ẩn danh

Nhà văn Phong Thu đã viết và in đến ba trăm bài thơ, trong đó có hơn trăm bài dành riêng cho trẻ em, hầu hết là bạn đọc lứa tuổi bé nhất - mầm non hoặc lớp đầu tiểu học. Nhà văn chưa in thơ tập riêng, song ông in báo, có khi cả trang dăm bảy bài hoặc đưa thơ xen vào mạch truyện. Thơ thường ngắn, nhiều bài là thơ lục bát.

Ông tâm sự rằng, cái gì không viết được bằng văn xuôi, thì gắng đưa hết vào thơ cho đỡ phí. Trong bảy năm (2010 - 2016), là cộng tác viên thân thiết của trang Dành cho trẻ em trên báo Người Hà Nội, Phong Thu góp khoảng ba mươi bài thơ nho nhỏ xinh xinh. Nếu văn của ông khá rõ tính giáo dục, trình bày sự việc cụ thể, thì thơ thiên về đùa vui, nghịch ngợm, thương yêu, mơ ước… Thơ của ông không nhiều chi tiết, sự việc mà mềm mại, dí dỏm, đến với trẻ thơ như những bức tranh đẹp nho nhỏ, góp phần trau dồi xúc cảm thẩm mỹ và tình yêu tiếng Việt cho các em.

4. Là nhà văn - thầy giáo có một học sinh duy nhất trở thành nhà văn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Năm 1948, khi mới 14 tuổi, Phong Thu sáng tác truyện ngắn Lòng mẹ (không in sách, báo) cũng là năm chú bé Phạm Quang Đẩu chào đời, sau này trở thành nhà văn quân đội. Đối với Đẩu, thầy Thu là thầy giáo cấp I (nay là tiểu học) duy nhất của anh mà sau này trở thành nhà văn. Chắc chắn học sinh Phạm Quang Đẩu đã được thầy giáo Phong Thu truyền cảm hứng về tình yêu tiếng Việt và văn chương.

Nhà thơ - thầy giáo Phong Thu kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam năm 1981 thì học trò - nhà văn Phạm Quang Đẩu nhận được vinh dự ấy sau 17 năm - năm 1998. Vậy là thầy trò hơn kém nhau về tuổi đời là 14 năm, tuổi Hội là 17 năm. Khi trò chuyển trường thì thầy cũng chuyển nơi công tác, cả hai mất liên lạc một thời gian. Về sau, thầy trò đọc nhau trên báo, nhà văn Phạm Quang Đẩu tìm đến nhà văn Phong Thu. Hai thầy trò trở nên bạn văn, bạn vong niên thân quý. Năm nào trò cũng đến thăm thầy đôi ba lần, cũng là dịp giao lưu về tình đời và nghề văn.

Còn có sự trùng hợp thú vị nữa về nghề nghiệp giữa hai người: Nhà văn Phong Thu từng làm Trưởng ban Văn nghệ báo Tiền Phong. Nhà văn Phạm Quang Đẩu từng làm Trưởng ban cuối tuần báo Quân đội nhân dân. Phạm Quang Đẩu đã viết nhiều về thầy mình, đăng ở nhiều báo trung ương và địa phương, anh nhắc lại kỷ niệm riêng từ ngày xưa rất cảm động giữa anh và thầy từ đầu những năm 50 thế kỷ trước ở miền núi tỉnh Hòa Bình.

Nhà văn bậc thầy Phong Thu cũng góp những ý kiến quý báu về sáng tác cho người em tình nghĩa thủy chung. Đây là một tình bạn thầy - trò lồng trong tình đồng nghiệp văn chương hai thế hệ thật đẹp và hiếm có.

5. Là nhà văn điển hình về nền nếp sư phạm, chuyên viết về tuổi thơ ngây mà có lúc lại có phát ngôn rất khác đời hoặc căng thẳng đến khó tin.

Chẳng hạn: "Càng viết, muốn viết cho trẻ thơ, thì càng phải chạy theo trẻ em". Hoặc: "Bám lấy các em mà viết, đừng mong các em bám lấy những gì mà mình viết".

Ngẫm ra, thấy ông nói quá đúng. Tuy nhiên, thật bất ngờ khi nhiều lần nhà văn Phong Thu lại nói rành rọt, đầy xúc cảm căng thẳng với người viết bài này, như sau: "Việt Nam và thế giới không có nền văn học thiếu nhi. Chỉ có một số tác giả (lẻ tẻ, không vào tổ chức nào) viết cho thiếu nhi mà thôi. Xin nhắc lại: không có cái gọi là "nền văn học thiếu nhi" ở nước ta.

Phong Thu - Những điều ít được nói đến - 3

Nhà văn già khó kìm nổi xúc động bi thương về vấn đề ông nêu ra. Có vẻ như ông chỉ nói điều nghiêm trọng này với một người ông tâm đắc nhất, đang ngồi đối diện với ông. Hãy hiểu ngầm là: tôi cùng anh và tất cả những tác giả khốn khổ, đáng thương khác viết cho thiếu nhi thì hãy cứ lầm lũi, tự giác mà viết thôi, chẳng có mấy ai quan tâm đến đâu, trừ trẻ nhỏ!

Đấy cũng chính là Phong Thu nữa.

Hóa ra Phong Thu không chỉ là Phong Thu như cách hiểu quen thuộc của mọi người. Ông còn là người viết hóm, nghịch, ngơ ngác và bất chợt, như nhà văn từng tự bạch. Ông lãng tai từ thời trẻ cho đến tận già, đôi mắt mỗi năm một kém đi nhiều, nhưng kỳ lạ là ông có thể nghe được mọi điều trong đời sống đã và đang vang vọng vào tâm trí ông, có thể đọc được những gì người ta chưa viết ra.

Phạm Đình Ân

Tin liên quan

Tin mới nhất

Truyện cổ tích: Chàng Trăng

Truyện cổ tích: Chàng Trăng

Bây giờ đêm đêm trên dòng thác Pông-gơ-nhi, mặt trăng sáng vằng vặc như một chiếc đĩa vàng in bóng trên mặt nước...

Ban Tuyên giáo Trung ương gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật  khu vực trung du miền núi Bắc Bộ

Ban Tuyên giáo Trung ương gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực trung du miền núi Bắc Bộ

Ngày 15/4/2024, tại Hội trường Quân khu 2 (tỉnh Phú Thọ), Ban tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam  và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức cuộc gặp mặt của Ban Tuyên giáo Trung ương với các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực trung du miền núi Bắc Bộ.