Tết nhớ

Sau Tết ông Công ông Táo về trời, cha tôi lại chuẩn bị cho tết Nguyên đán. Mẹ tôi hồi ấy đi buôn rau quả sang Hà Nội nên mọi việc tết nhất đều do cha tôi lo liệu.

Cha tôi là người kỹ tính nên ông chẳng khiến anh em chúng tôi nhúng tay vào bất cứ việc gì. Nhất là lo Tết - chuyện trọng đại trong năm. Cha tôi ra chợ Nhớn mua lá dong, có khi nửa buổi mới về. Lá dong ông chọn to bản, óng mướt, rửa nước nhiều lần rồi hong khô. Gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn gom góp từ phiếu lương thực và thực phẩm theo định suất từ trong năm nên đủ dùng và có được mươi chiếc bánh chưng. Cứ nhìn dáng cha tôi cặm cụi ngâm gạo nhặt vỏ đỗ, ướp thịt cùng nước mắm, hồ tiêu cũng đủ thấy ông là người cẩn thận, tỉ mỉ biết nhường nào.

Cha tôi còn cất công vào tận làng Yên mượn cho được nồi luộc bánh vào những ngày mưa rét cuốỉ năm. Còn món củi lửa thì anh em chúng tôi ra cửa hàng ở ga Bắc Ninh mua theo phiếu chất đốt, toàn loại củi gộc đun rất bén lửa và cháy đượm...

Tết nhớ - 1

Ảnh minh họa 

Khi ngồi gói bánh, nom ông trịnh trọng lắm: Lá dong xanh trải ra, gạo nếp trắng thơm, đỗ xanh ruột vàng tra vào, điểm thêm mấy miếng thịt lợn dày và to bản. Ông nén chặt buộc lạt. Chiếc bánh chưng vuông vức được bày ra trước sự thích thú của chúng tôi. Có lẽ phút thư giãn duy nhất mà tôi ngồi cạnh ông là được trông nồi bánh chưng. Tôi là con trai cả nên được ông phân công múc nước đổ vào khi nồi bánh sắp cạn. Bánh chưng đun càng kỹ, càng nhiều lửa thì bánh càng rền và giữ được lâu (nếu không may ra giêng, trời trở nồm thì bánh không lại gạo). Ánh lên trong lửa than đang vạc dần tàn đỏ, trong hơi ấm của nồi bánh tỏa ra, khuôn mặt cha tôi tươi giãn những nếp nhăn, khuây vợi những tháng ngày vất vả mưu sinh.

Cha tôi còn có cái thú nữa là nấu chè đỗ đãi vào chiểu ba mươi Tết. Đỗ xanh ông ngâm từ mấy ngày trước, được đãi cho sạch vỏ rồi đổ vào chõ đồ lên chín nhuyễn. Khâu giã đỗ ông làm đi làm lại nhiều lần cho mịn, vo từng nắm rồi lấy dao xắt lát nhỏ. Bếp đun liu riu, nước đường thắng lên cho vừa độ, ông thả từng lát đỗ vào khuấy nhiều lượt cho đặc sánh. Khâu cuối cùng cha tôi đổ chè dàn đều ra các đĩa, miếng chè không tởi ra là được. Cái tính kiên trì, tỉ mỉ của ông khiến tôi thầm cảm phục.

Tôi đã được gần cha tôi qua nhiều cái Tết như thế. Khi ngoài trời se lạnh, mưa bụi lây rây, khói sương e ấp trên các ngọn cây trụi lá... cả nhà ai cũng cảm thấy ấm lòng khi ông trịnh trọng bưng mâm cỗ đặt lên bàn thờ, không bao giờ thiếu bánh chưng xanh và chè đỗ đãi mà tự tay cha tôi làm dâng lên tổ tiên. Đó là lòng thành kính, ngưỡng vọng của cha tôi đối với các bậc sinh thành và yêu mến con cháu. Ông cũng đã đi về cõi tiên tổ, không một lời trối trăng. Mẹ tôi cố giữ lại kỷ niệm xưa trong "bánh chưng xanh" và "chè đỗ đãi", nhưng bà hiểu rằng dù có cố đến đâu cũng không kỹ, không ngon được bằng ông. Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, khi thắp nhang và ngước nhìn lên bàn thờ, lòng tôi lại nao nao...

Nguyễn Thanh Kim

Tin liên quan

Tin mới nhất

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Hội nghị “Hà Nội - Điểm đến Du lịch Văn hóa - Lịch sử” được tổ chức nhằm giới thiệu, tôn vinh những giá trị bền vững về văn hóa, di sản Thủ Đô, đồng thời mở ra những cơ hội đối với sự phát triển du lịch văn hóa – lịch sử Hà Nội. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Lễ Hội Du Lịch Hà Nội 2024 với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô quyến rũ” được tổ chức từ ngày