“Thanh xuân như cỏ” - thân phận người lính trẻ thời chiến
Đọc tiểu thuyết “Thanh xuân như cỏ” của Lê Hoài Nam. NXB Quân đội nhân dân, 2024
Nữ sĩ người Belarus Svetlana Alexievich - chủ nhân giải Nobel Văn học 2015 đã đúc kết thể nghiệm xác đáng: “Tôi tin tưởng một cách sâu sắc rằng, không có kỷ niệm về quá khứ chân thật và đắng cay, nhân loại sẽ bị đưa đến bến bờ thảm họa”. Phát pháo hoa lấp lánh, lời chúc tụng long trọng dễ khiến thế hệ chưa ngửi mùi thuốc súng ngoái nhìn cuộc tồn vong dân tộc đã qua bằng đôi mắt đơn giản, họ dễ bẵng quên sự tàn khốc của chiến tranh mà cha ông ta từng sống chết. “Ký ức đồng thể với lương tâm”, chỉ có phơi ra hiện thực quá khứ trần trụi (dẫu quặn đau) mới xây dựng được tương lai tốt đẹp. Hiện thực chiến tranh trong tiểu thuyết Thanh xuân như cỏ của nhà văn Lê Hoài Nam là bản anh hùng ca bi tráng, tái hiện lại thời tuổi trẻ của những người lính pháo phòng không Đại đội 2, Lữ đoàn 71, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Qua lăng kính sử thi, những người lính bộ đội cụ Hồ mang tầm vóc lịch sử, họ đã chiến đấu dũng cảm đến trận đánh cuối cùng vào chiều ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Chiến tranh dữ dội, khốc liệt, đại đội pháo phòng không hành quân qua nhiều vùng giáp ranh hoang tàn vết tích: “Tiếp tục hành quân Nam tiến. Từ Quảng Bình trở vào đâu đâu cũng thấy hố bom, hố đạn, pháo. Tới Dốc Miếu, Cồn Tiên, Khe Sanh, Đường 9… xác xe tăng, xe tải, xe kéo pháo nằm ngổn ngang, nhiều xe đã hoen gỉ, cỏ dại phủ kín. Những ngôi nhà bị thiêu cháy, còn trơ lại những cây cột, cái kèo đen thui. Làng mạc hoang vắng, phong cảnh tiêu điều, thỉnh thoảng mới nhìn thấy một bóng người dân trông héo hắt, lam lũ bước vội”. Sự gian khổ của chiến tranh ở chỗ tinh thần luôn căng như dây đàn sắp đứt, phải cảnh giác cao độ với kẻ địch mọi lúc mọi nơi, mọi hành động đều phải tuyệt kỹ cẩn thận. Những người lính phải luôn dự trù đến tình hình xấu nhất, để cái chết không phải là án tử tập thể, hạn chế tối đa thương vong: “Bọn địch sẽ dùng máy bay do thám, chủ yếu là loại L-19 và máy bay không người lái theo dõi chúng ta. Nguy hiểm nhất là loại máy bay tiêm kích F-5E. Loại này bay rất nhanh, thường bất ngờ xuất hiện ném bom, bắn rốc két mà chúng ta không kịp trở tay. Để giữ được bí mật tuyệt đối, xe pháo phải ngụy trang thật khéo, thật kĩ. Khi nấu ăn phải đào bếp Hoàng Cầm. Nếu cành cây chưa khô, khói lên nhiều phải dùng quạt phất mạnh cho khói tan loãng ra. Quần áo có màu trắng tuyệt đối không được phơi ra chỗ quang đãng. Trường hợp xấu nhất nếu bị lộ, các lái xe tùy nghi di tản vào rừng. Không tập trung một chỗ. Giữa xe pháo này với xe pháo kia càng cách xa nhau càng tốt. Tuyệt đối không được nổ súng khi chưa có lệnh. Các đồng chí nên nhớ, chỉ cần một tiếng nổ của pháo mình, ngay tức khắc chúng sẽ cho máy bay oanh tạc”. Đấy là lời của người chỉ huy đại đội dặn dò chiến sĩ trước mỗi chặng hành quân.
Bìa cuốn tiểu thuyết "Thanh xuân như cỏ".
Cuộc hành quân đến chiến trường không tránh khỏi những khó khăn. Nhà văn Lê Hoài Nam đã tái hiện lại lịch sử sinh động trong những trang văn giàu sức sống: Những đoàn xe nối đuôi nhau tới hàng chục cây số, bụi trắng cuốn tung mù mịt chẳng khác gì dòng sông bụi. “Bụi nhiều đến mức gạt kính ô tô không gạt nổi. Gạt kính bị hỏng hóc liên tục, họ phải thay nhau đứng ngoài cửa xe cầm cành cây phất vào kính thì lái xe mới nhìn thấy đường”. Lúc Đại đội dừng chân bên rừng lim nấu cơm lại không may dùng phải nguồn nước ở hố bom có hai xác chết ở thời đoạn thối rữa, “đầu đã rời khỏi cổ, chỉ còn hai cái lưng nổi lên vắt ngang bờ cỏ. Hàng đống dòi lúc nhúc to nhỏ trắng đen tranh nhau đục khoét. Ruồi nhặng bay vo ve đến rợn tóc gáy”. Nhưng đói họ cứ nhắm mắt mà nuốt bữa cơm bất chấp cái vị chát mặn, thum thủm để có sức khỏe còn hành quân. Tiểu thuyết đan cài nhiều chi tiết thú vị, thoạt nhìn có vẻ hài hước, nhưng thực ra là sự khắc nghiệt đến mức ám ảnh của chiến trường: “Bên cạnh hai cái xác thấy mặt nước động đậy, Lợi vớ hòn đất ném vào chỗ ấy. Mấy con kỳ đà hốt hoảng từ trong bụng xác chết nhao lên, chúng ăn thịt người no căng. Lúc ấy mùi hôi thối mới bốc lên nồng nặc. Lợi nhớ có lần khẩu đội bắt được một con kỳ đà ở nghĩa địa đem về mổ làm thịt phát hiện trong dạ dày nó có cả móng chân móng tay người”. Những đồng đội đứng quanh muốn nôn ọe nhưng không thể nôn ọe được. Chưa dừng lại ở đó, những người lính pháo phòng không phải đối đầu muôn vàn hiểm nguy từ thiên nhiên “con hổ vằn hung dữ năm ngoái đã vồ một nữ chiến sĩ đại đội thông tin”, tha đi đâu tìm mãi không thấy. Rồi việc 5 pháo thủ của khẩu đội 1 bị ong đốt trong tình thế bất khả kháng. Người lính tên Nhỏ “bị ong bâu kín đến nỗi không lộ ra một tí da nào”, đôi môi như “hai quả chuối bều ra không động đậy”, những người đồng đội “mặt sưng to như những mặt trống”, 5 bộ ngực sưng vều lên như ngực đàn bà.
Hết khó khăn từ thiên nhiên lại đến khó khăn từ con người, Đại đội khi hành quân đi qua bản người Khơme đỏ phải mở con đường mới dài 7km giáp ranh giữa nước Campuchia và nước ta, qua một số chỗ đất sình lầy, chặt hàng ngàn mét khối gỗ, đảm bảo mỗi cọc có chiều dài 4 mét, đóng ken thật dày những chiếc cọc đó qua vùng sình lầy, chỗ đất cao phải chặt hạ hết cây, đào cả gốc lên, san lấp cho phẳng, nện cho chắc. Khó khăn chồng chất khó khăn, “có chỗ sâu quá đầu gối, lính tráng lội bì bõm vác cây đóng cọc. Có chỗ bùn dẻo quánh không rút được chân lên, tay cố bám vào cây cỏ lấy đồ, nếu bụi cây bị bật gốc thì sẽ bị ngã ngồi ngã ngửa, bùn hoa nhấn chìm lút cả đầu”; “Ngủ ở võng, muỗi bâu đen đặc hút máu. Ruồi vàng châm vòi xuyên qua quần áo mà đốt. Ve rừng găm nọc độc gây ngứa ngày đêm, gãi bật cả máu, nhiễm trùng lở loét. Nhiều người bị rắn độc cắn cấp cứu, mấy chục quân nhân sốt rét ác tính vì muỗi đốt, hàng chục loại côn trùng độc hại khác làm lở loét thân thể, sức lao động yếu đi rất nhanh”.
Trong cuộc đụng đầu lịch sử mang tính chất thời đại, sự sống và cái chết mong manh như sợi tơ mảnh, con người bằng xương bằng thịt phải chiến đấu với vũ khí hiện đại tối tân của kẻ thù. Sự sống là trò xác suất may rủi, là sự đánh cược giễu nhại trớ trêu của số phận, nó phụ thuộc vào sức chịu đựng có hạn của con người. Không đọc tiểu thuyết, ta không thể nghĩ được sức chịu đựng của người lính chiến thời kỳ ấy lại phi thường đến vậy: “Các pháo thủ đều ngồi xổm, hai ngón tay bịt chặt hai lỗ tai. Nhưng những tiếng nổ dây chuyền cứ ục ục ầm ầm, ngực tức như bị đấm, hai tai rỉ máu; máu mồm máu mũi cũng rỉ ra. Lợi nhắm mắt lại, bụng nghĩ, phen này thì mình chết thật rồi. Lợi không còn nhớ trận pháo kích khủng khiếp này diễn ra trong bao lâu. Lợi không còn đủ sức để ngồi xổm nữa (...) Các pháo thủ lóp ngóp bò ra khỏi hầm, mắt nhìn ngơ ngáo như vừa từ địa ngục nhoi lên. Lợi vẫn thấy tức ngực, buồn nôn rồi ọe ra một cục máu tươi. Mũi xì ra cũng toàn máu là máu”.
Là người lính bước ra từ cuộc chiến, Lê Hoài Nam đã tái hiện, phơi ra “hiện thực ngồn ngộn” mà mình đã đi qua không chút che đậy giấu diếm. Đó là cuộc sống chết, tồn vong đẫm máu: sức ép của bom pháo bóp nát, nghiền mịn người ta, cái chết kề cận, như nhúng người vào hỏa lò địa ngục. Trận đánh đầu tiên, 3 chiến sĩ Từ, Hòa, Trọng điều hành ra - đa đã hy sinh ngay trên xe đặc chủng. “Lợi ôm xác Trọng đầy máu me, đen thui khóc nấc lên’’. Cái chết diễn ra chóng vánh trong một sát na chưa kịp nhận diện. Nhưng rồi cái chết lặp đi lặp lại thường xuyên khiến “Lợi là lính chiến, việc phải tiếp xúc với xác chết đã trở nên bình thường”. “Sự bình thường” đã trở thành một chỉ dấu ám ảnh cho người đọc: cái chết là điều quen thấy, vì người ta đã quá quen với cái chết rồi, nên trở thành sự kiện không quá đặc biệt chấn động.
Lê Hoài Nam “không tôn thờ chủ nghĩa anh hùng như một đấng thiên thần” (Diêm Liên Khoa), ông quan niệm: “Viết về chiến tranh mà chỉ mô tả một chiều, phô ra mặt sáng, che đi mặt tối, biểu dương cái phi thường mà né tránh cái bất bình thường, tôn vinh nụ cười mà bỏ qua cái mất mát, đớn đau”. Dưới độ lùi lịch sử hơn nửa thế kỷ, thời cuộc đã cho phép nhà văn nói thật hơn những “góc khuất” mà người lính phải đối mặt, để thế hệ trẻ biết cha anh họ đã sống chết như thế nào để có ngày hôm nay. Phơi ra tấn bi kịch hàng triệu người buộc phải kinh qua trong thời bom lửa không phải là hạ bệ, ủy mị, mất giá, mà là đòn bẩy tôn vinh sức sống mãnh liệt của cả một dân tộc bị đẩy vào cảnh huống éo le.
Những trang văn của Lê Hoài Nam trở nên dằn vặt, nhạy cảm hơn trước những hy sinh thiên tính nữ, mà chiến tranh cũng không phân biệt nam nữ nữa. Những cô gái trẻ như Khơ Hia, Hơ Lai, tạo hóa sinh ra với thiên chức làm mẹ, nhưng phải dồn nén, vùi chôn đi những khát khao thầm kín. Sức nặng của những quai gùi đạn dược, lương thực khiến vòng ngực thiếu nữ của họ biến dạng. Không một chàng trai nào trong Đại đội 2 có thể tin rằng những người gầy gò, xanh xao với bộ ngực phẳng lì, teo tóp, lép kẹp trước mặt là những cô gái tuổi đôi mươi đáng lẽ phải căng tràn sức sống. Nhìn kỹ đôi ti, Lợi chỉ dám ngờ ngợ: “ Phải là ti của phái nữ thì nó mới có hình hài như thế”. Một câu nói vu vơ của Trung đội trưởng Trai: “Tôi không tin những người ngồi đây lại có cả nam lẫn nữ!” khiến cho nhiều người con gái chạnh lòng. Hơ Lai thở dài chua xót: “Không có cái cho em bé bú, trai làng không ưng nữa, bọn em xác định ở vậy thôi”. Hạnh phúc lứa đôi là sự kiện cá nhân duy nhất trong chiến tranh, tất cả những cái khác đều là của tập thể, kể cả cái chết. Ngay cả tình yêu cũng chẳng còn bao nhiêu chất cá nhân nữa, bởi “ai vào đây đều xác định vì cách mạng”.
Nhà văn Lê Hoài Nam.
Chiến tranh lúc đầu mặc định dành riêng cho đàn ông, nhưng phụ nữ bị cuốn vào, không bao thứ một ai, nó khước từ ngoại lệ, cá biệt. Họ bị tước đi một thế giới riêng tư. Nhưng chiến tranh dẫu ác liệt vẫn không làm nguôi đi khao khát làm đẹp thường hằng như là một thiên tính nữ mang bản tính giống nòi. Khơ Hia hớn hở “moi trong gùi ra rất nhiều xu chiêng như là để khoe với các pháo thủ một vật trang sức quý giá”. Họ vừa mua, vừa xin, vừa đổi gà. Ở đây, tư tưởng của Lê Hoài Nam đã có sự gặp gỡ, đồng điệu với thân phận nữ ở chiến trường Liên Xô trong “Chiến tranh không mang gương mặt nữ” của nữ nhà văn Svetlana Alexievich. Nhà văn Lê Hoài Nam dẫu tái hiện hiện thực tàn nhẫn, song vẫn dành tình thương cho những gương mặt nữ của mình. Ông để họ được bật cười vui vẻ hiếm hoi giữa chiến trường:
“Lợi chỉ tay vào cái xu chiêng của Khơ Hia:
- Cái như thế này thì đổi mấy con gà?
- Hai con. Đồng bào trong bản thích cái này lắm. Bộ đội mà có đổi gà cho đồng bào nhé.
Đại đội trưởng Nguyễn Thắng Sai nói:
- Bọn anh thì làm gì có thứ này. Các em có đổi gà lấy người bọn anh đổi cho. Cả đại đội anh toàn là đực rựa nhé.
Tất cả các chiến sĩ nữ đều bịt miệng cười rinh rích. Khơ Hia nói như để đáp lại lời đại đội trưởng:
- Bọn em không còn cái cho con bú thì đổi của các anh làm chi.
Trung đội trưởng Trai hỏi:
- Thế các em có đẻ được không?
Khơ Hia hơi bối rối. Trong đội quân có vài tiếng nói nho nhỏ, hơi thiếu tự tin:
- Đẻ được!
Tất cả bật cười phá lên vui nhộn” (tr.12)
Ở đây đã có sự phá vỡ đường biên, giới hạn, rào cản không gian, thời gian, Lê Hoài Nam đã tuyên cáo một chân lý xác quyết về tội ác chiến tranh: Bất kể chiến tranh diễn ra thời điểm nào, ở đâu, nó không bao dung một ai kể cả phụ nữ. Nỗi đau giới tính trong những trang tiểu thuyết của Lê Hoài Nam kín đáo, sâu thẳm mà xát muối. Diện mạo người nữ trong cảm quan chiến tranh của ông dường như mất mát hơn vì đang phơi phới sức trẻ mà lại đánh mất/ bị tước đi bộ phận đầy tính nữ của mình: “Mỗi ngày tính trung bình các cô đi gùi hai chuyến. Mỗi chuyến gùi 40 ki lô gam. Nhưng cũng có chuyến gùi một viên đạn nặng tới 50 kilogam. Một tháng 30 ngày, mỗi ngày gùi 80kilogam. Một năm 12 tháng gùi gần 3 tấn hàng. Vậy nên tính 10 năm Khơ Hia đã gùi 30 tấn. Ngực của Khơ Hia và những cô gái xẹp như ngực đàn ông cũng là điều dễ hiểu”.
Trước khi là anh hùng hào kiệt, ai cũng là con người. Đây chính xác là thời đại của những người bình thường bị xô vào biến động khổng lồ của thời cuộc. Sự hy sinh không phải là lẽ dĩ nhiên mà là quyết định trăn trở đầy căn tính của một dân tộc yêu chuộng hòa bình. “Lợi chạnh lòng nghĩ đến mối tình đầu của anh với Sự - bi thương và dang dở (...)Những quân nhân nữ trong đội quân vận tải này đã hy sinh cái phần riêng tư ấy một cách tự nguyện, không một chút tính toán thiệt hơn”. Trung đội trưởng Nguyễn Văn Trai tính tếu táo nhưng cũng chân thành mắt nhòe lệ giọng rưng rưng: “Chúng ta cùng cố gắng cho miền Nam mau được giải phóng. Các em còn trẻ, rồi cuộc sống hòa bình sẽ làm cho sức vóc thanh xuân của các em phơi phới trở lại, sẽ có những chàng trai yêu và lấy các em làm vợ… rồi các em còn sinh em bé nữa chứ, phải không?”. Nhưng không phải người con gái nào cũng đủ may mắn để toàn vẹn sống sót qua chiến tranh để được làm vợ, làm mẹ. Nhân vật chính của tiểu thuyết - Nguyễn Tiến Lợi đã phải ghìm nén nỗi đau mất đi người yêu Nguyễn Thị Sự ngay trong cuộc chiến để tiếp tục chiến đấu. Chiến tranh là vậy, bao nhiêu cặp tình nhân vĩnh viễn không thực hiện lời hứa hẹn và bao nhiêu hạnh phúc dang dở…
Tiểu thuyết Thanh xuân như cỏ của nhà văn Lê Hoài Nam lấy cảm hứng nghệ thuật về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và lối viết hiện thực chủ nghĩa, giàu tính lý tưởng. Nó không chỉ là câu chuyện dâng hương đền ơn đáp nghĩa cho thế hệ cha ông đi trước, chiến tranh cách mạng không chỉ là câu chuyện của quá khứ, mà là câu chuyện lâu dài của tương lai. Nhà văn đã thể hiện trách nhiệm của mình trước cuộc tồn sinh dân tộc, không dửng dưng với thân phận bé nhỏ của con người trong vận mệnh lớn lao chung của dân tộc.
Chiến tranh kết thúc, Đại đội trưởng Nguyễn Thắng Sai ra lệnh cởi trói cho sáu tên tàn quân, đã không có một cuộc trả thù nào xảy ra. Lời nói của chính trị viên Ngô Minh Tâm với những người bên kia chiến tuyến cũng đã trở thành chân lý về xu thế của dân tộc: phải lấy hòa hiếu, hòa hợp, hòa giải để ứng xử, để cùng tồn tại trong thời đại mới: “Trước đây các em sống thế nào không nói đến nữa. Bây giờ miền Nam đã giải phóng, quân đội Sài Gòn đã thua. Quân đội của Bác Hồ đã chiến thắng. Chúng ta là con của một nước, cùng máu đỏ da vàng (...) tha cho các em về với gia đình, không được có những hành động chống phá nữa, nhớ chưa?”(tr.156).
Tiểu thuyết Thanh xuân như cỏ của nhà văn Lê Hoài Nam đã đóng góp một cái nhìn mới đầy tích cực về vấn đề vĩ mô của nhân loại nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung. Ngòi bút chuyển dịch hướng tới chủ nghĩa nhân văn khiến cho Thanh xuân như cỏ cùng như trước đó là tiểu thuyết Khắc tinh với thần chết của ông cất lên tiếng vọng xa hơn chạm đến trái tim của nhiều độc giả thế hệ hôm nay và mai sau.

Tôi hân hạnh được quen biết nữ sĩ Chu Nga từ cuối năm 1967, cách nay đã hơn 55 năm, tại một làng mà Viện Văn học sơ...
Bình luận