Thế giới văn chương của Từ Kế Tường
Thiếp xin chàng chớ bạc đầu
Thiếp thì giữ mãi lấy màu trẻ trung
Điều ước bất khả với một kiếp người của thi nhân Đặng Trần Côn qua khúc ngâm của nàng chinh phụ gần 300 năm trước đã thành hiện thực với con đẻ tinh thần của nhiều văn nhân qua các thời đại. Có những tác phẩm như những phi thuyền xuyên không, đồng hành mãi trong đời sống tinh thần của nhiều thế hệ. Ý nghĩ đó chợt đến, khi tôi biết tin nhà văn Từ Kế Tường sắp lần lượt tái bản hàng trăm đầu sách văn học, trong đó số lượng lớn là tác phẩm viết cho thiếu nhi.
Từ Kế Tường (tên khai sinh là Võ Tấn Tước) quê gốc ở Bình Đại - Bến Tre, nhưng lên Sài Gòn học khá sớm. 19 tuổi đã là thư ký tòa soạn tờ báo “Tuổi ngọc”, tờ báo dành cho thiếu nhi. Ở đây, ông viết tiểu thuyết đầu tay, được in nhiều kỳ, sau mới in sách là “Huyền xưa” (1969), tái bản đổi tên là “Viên cuội trắng dưới đáy hồ xanh”.
Nhà văn Từ Kế Tường
Có thể nói, đầu thập kỷ 70 của thế kỷ XX, văn học thiếu nhi là một đặc sản ăn khách của văn học phương Nam, với sự xuất hiện của khá nhiều tên tuổi. Nhiều cuốn có số lượng in hàng chục vạn. Đây là một lãnh địa văn học trong sáng, chỉ có yêu thương và mơ mộng. Không chỉ truyện ngắn, thơ, mà còn truyện vừa, tiểu thuyết, và nhiều cuốn tự truyện như hồi ký. Ngay cả mấy tác giả văn chương nổi tiếng với những tác phẩm gây sốc ở nhiều đề tài khác, nhưng khi bước vào vùng địa giới này cũng phải dọn mình, trình làng những tác phẩm trong trẻo, đầy yêu thương và nhân ái. Điều đó, cắt nghĩa việc mấy năm sau ngày đất nước Thống nhất, những tác phẩm văn học trước 1975 ở miền Nam được in lại đầu tiên, thuộc nhóm tác phẩm này.
Nhà văn Từ Kế Tường là một tác giả có mặt trong đội hình không nhiều tác giả có tác phẩm được tái bản khá sớm. Bài hát thần tiên, Đường phượng bay, Suối mây hồng, Mối tình như sương khói, Như mưa ngọt ngào (đổi tên là Bông hoa nhỏ nở ven chân rào), Áo tím qua đường, Còn những bóng mưa tan, Mùa thu mưa bay, Hoa lưu ly không về, Bông hồng cho tình đầu, Mùa áo vàng, Một mình tôi bước đi, Làm sao biết mưa về, Tới một tuổi nào, Cánh hồng gai, Bờ vai nghiêng nắng, Tiếng ve mùa hạ cũ,…
Chỉ nhắc tên mấy tác phẩm để thấy cách đặt tên của tác giả. Một lần nữa, số lượng bản in lại cao ngất ngưởng. Đã là một thế hệ bạn đọc mới. Có thời kỳ, mỗi tuần có vài ba tác phẩm ra đời. Suốt đời viết báo, say mê làm biên tập và quản lý nhiều báo, qua các thời kỳ, mà những tác phẩm mới vẫn liên tục được ra đời. Ông từng viết nhiều loại, có cả sách hình sự, trinh thám, điều tra, khảo cứu, rất nhiều bài báo và cả thơ, có thời ký tên Phan Tường Niệm…. Nhưng bạn đọc nhiều thế hệ biết đến ông nhiều nhất vẫn là những tác phẩm viết cho thiếu nhi. Đặc biệt loại sách Hoa Tím chuyên viết về Tuổi mới lớn. Những năm 90, khi đang đi học lớp chính trị dài hạn, nhà văn vẫn vừa viết vừa in trong 3 tháng liền 10 tập “Bầu trời màu trứng sáo” với 100 chương cho Nhà xuất bản Kim Đồng.
Một số tác phẩm của Từ Kế Tường
Những năm chiến tranh, văn học thiếu nhi miền Bắc mạnh về phản ánh thiếu nhi tham gia học tập, sản xuất và chiến đấu. Sau 1975, các tác phẩm viết về giai đoạn trưởng thành này của các nhà văn phía Nam được đón nhận như khám phá một không gian mới của văn học. Mỗi nhà văn đều có một thế giới nhân vật riêng quen, với cách xưng hô, lối kể chuyện khác nhau, chỉ cần đọc vài trang là nhận ra tác giả. Có những nhà văn giữ được phong cách, ngôn ngữ của mình, mà không trải qua giai đoạn chuyển đổi khó khăn.
Về mặt này, Từ Kế Tường có thể coi là một ảo thuật gia của ngôn ngữ tuổi mới lớn. Sự đa dạng trong cách sử dụng nhiều cách lối diễn ngôn đã làm nên một thế giới nhân vật kiểu riêng nhà văn mà không bị trùng lặp, diễn đạt được một cách ý nhị, khéo léo những trạng thái tình cảm cũng như hành vi khác lạ của lứa tuổi chuẩn bị trưởng thành vốn không dễ dàng diễn đạt, mà không rơi vào thô thiển, dung tục. Không ham chữ lạ, không quá cầu kỳ, nhà văn tinh tế sử dụng năng lực tích hợp của các kiểu diễn ngôn phù hợp với chủ thể và ngữ cảnh để làm nên sự giàu có của các tính cách và những diễn biến tâm sinh lý vô cùng khác biệt của nhiều loại, lớp tuổi ở những không gian sống khác nhau, hoàn cảnh xuất thân khác nhau để phát hiện ra những vẻ đẹp tâm hồn vừa khác biệt, vừa gần gũi.
Ẩn mình sau những nhân vật khác nhau, nhà văn Từ Kế Tường như có nhà nghiên cứu nhận xét: Ướp hương lên ngôn ngữ đã giúp bạn đọc khám phá những bí ẩn của tâm hồn tuổi thơ, những tình cảm yêu đương đầu đời, có nhiều thứ thoáng qua rồi biến mất, nhưng có những tình cảm níu giữ lại suốt đời. Như một phù thủy của ngôn từ, nắm chiếc chìa khóa vạn năng mở được nhiều cánh cửa tâm hồn khác nhau, mỗi tác phẩm của Từ Kế Tường đưa người đọc vào một thế giới tinh thần, tình cảm vừa lạ, vừa quen thân của các lứa tuổi mới lớn, phức tạp vô cùng, bí ẩn vô cùng, mà cũng trong sáng, lãng mạn, tinh khôi, hồn nhiên như đã từng.
Từ Kế Tường có thể coi là một ảo thuật gia của ngôn ngữ tuổi mới lớn.
Hơn 50 năm qua, nhiều thế hệ người đọc, cảm thấy may mắn và hạnh phúc, khi sớm có bên mình những cuốn sách của Từ Kế Tường như một người bạn hiểu và đồng cảm với những diễn biến vừa sợ vừa lo, vừa mừng khi xuất hiện những cảm xúc mới lạ của lứa tuổi, như một người thầy lặng thầm chỉ dẫn những cách ứng xử, những kiến thức, kỹ năng sống mà không lớp học nào chỉ dạy, giúp mỗi người tự hoàn thiện nhận thức, đạo đức, tâm hồn. Nhà văn đã sáng tạo ra một thế giới bao la để cho những tâm hồn trẻ nương náu, được an ủi, hy vọng khi ngoài kia, cuộc đời – đặc biệt trong những năm chiến tranh - đầy những tai họa, bất trắc, cái thực dụng luôn lấn lướt.
Tái bản lần này, như nhà văn muốn, để xây dựng lại thương hiệu của một tác giả từng là best seller của cả trăm đầu sách cho tuổi mới lớn. Hy vọng những cuốn sách vẫn giữ được màu trẻ trung, giúp những bạn đọc trong quá khứ xa và gần gặp lại tuổi ấu thơ vụng dại, hồn nhiên, nhưng không thiếu tinh tế, sâu sắc. Các bạn trẻ hôm nay và cả ngày mai tìm thấy ở trong những nhân vật thời xa xưa ấy những người bạn đầy năng lượng sống, luôn vượt qua muôn vàn thử thách, không thụ động, bó tay trước những ngang trái trên đường đời.
Những cuốn sách hay không chỉ giúp giữ lửa mà còn thắp sáng đường đi phía trước của nhiều thế hệ.

Nhà thơ Bùi Giáng sinh năm 1926, tại thôn Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, mất ngày 17 tháng 8 năm Mậu Dần (07/10/1998) tại...
Bình luận