“Thiên hạ đệ nhất hùng quan”

Từ Quảng Nam ra Huế phải qua đèo Hải Vân, có thể đi ô tô hoặc tàu lửa. Con đường quanh co men theo sườn núi, nhìn sang phía bên kia là biển xanh bao la, và ngang đầu mây trắng lửng lơ bay…

Chao ôi! Cảnh trí thật tuyệt diệu! Một vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên đất nước!

 Lên đến đỉnh đèo, tôi bỗng nhớ hai câu thơ của vua Lê Thánh Tông đã viết năm xưa:

“Hỗn nhất xa thư cộng bức quyên

Hải Vân hoành giới Việt Nam thiên” 

Tương truyền, năm 1471, vua Lê Thánh Tông thân chinh đem quân đi đánh Chiêm Thành, khi đến chân núi Bắc Hải Vân, vua đã cho đoàn tùy tùng và quân lính dừng lại nghỉ. Đêm ấy, có một vị nữ thần hiện ra báo mộng rằng, nhà vua phải vượt qua ngọn núi cao mây phủ để tiến quân vào Nam, sẽ lập nên chiến thắng.

Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, nhà vua nhớ lời của nữ thần nên cho bày hương án vái tạ. Khi lên đến đỉnh núi, nhìn thấy khí thiêng ngút ngàn, nhà vua càng thêm phần kính ngưỡng vị nữ thần núi Hải Vân. Xúc cảm dâng trào, nhà vua xuất khẩu thành thi, viết ngay bài thơ Hải Vân Hải môn lữ thứ. Hai câu thơ trong bài đã nói lên lòng quyết tâm chiến thắng trong trận chiến lần này: khi xã tắc đang thời hưng thịnh, thiên hạ phải thu về một mối, và Hải Vân là ranh giới giữa Chiêm – Việt, quyết vượt ải để vào Nam.

Ải Vân quan cũng chính thức được thiết lập trong hoàn cảnh đó.

Không lâu sau, đoàn quân ca khúc hải hoàn trở về trong niềm hân hoan chiến thắng. Trong một lần xướng hoạ với quần thần trong hội tao đàn “nhị thập bát tú”, vua Lê đã gọi cửa ải trên đỉnh Hải Vân sơn là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.

Sau chiến thắng, vua Lê Thánh Tông đã lập nên thừa tuyên Quảng Nam, kéo dài từ Nam Hải Vân đến Phú Yên. Đến thế kỷ XVIII, nhà Nguyễn mới tách thành các tỉnh nhỏ, và Quảng Nam là tên gọi của vùng đất thuộc tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng ngày nay.

Những câu chuyện kể về thời của cha ông “từ thuở mang gươm đi mở cõi”, đã khiến tôi không khỏi tự hào về non sông đất nước mình. Tiếng vó ngựa của quân đội viễn chinh âm vang trong lòng đất, nay đã hóa thành hồn thiêng của núi sông nước Việt, để những thế hệ con cháu Đại Việt mãi ghi nhớ công ơn của giống nòi tiên tổ mà biết sống tốt hơn.

“Thiên hạ đệ nhất hùng quan” - 1

Đèo Hải Vân

*

Nếu bạn từ Đà Nẵng ra Huế thì từ trung tâm thành phố đi chừng 5km sẽ đến chân đèo nam Hải Vân. Từ đó cứ theo đường đèo uốn lượn mà tiến dần lên đỉnh núi. Từ mùa xuân sang mùa hạ, Hải Vân sơn chẳng khác gì tiên cảnh. Không khí mát rượi ngấm vào hồn đến ngất ngây. Khắp lưng đèo, sườn núi và các cánh rừng, nơi đâu cũng rực một màu vàng của hoa ngãi. Loài hoa đặc trưng của Hải Vân. Có lẽ vậy mà người xưa còn đặt tên cho Hải Vân một cái tên khác là núi Ngãi Lĩnh. Đây đó, các loài hoa rừng cũng đua nhau khoe sắc tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ. Vừa ngắm hoa, ngắm cảnh, bạn cũng có thể dang tay ra vốc từng cụm mây trắng xốp đang bồng bềnh lướt qua, sẽ có cảm tưởng như mình vừa lạc vào một miền cổ tích. Tiếng chim hót hòa cùng tiếng róc rách của nước chảy trong khe đá khiến chúng ta cảm thấy tâm hồn thư thái bình yên. 

Đến đây, nếu bạn muốn chiêm ngưỡng công trình kiến trúc Ải Vân quan thì hãy đi bộ lên chừng một cây số. Theo chính sử triều Nguyễn chép lại, khi triều Nguyễn được thiết lập, Huế trở thành kinh đô. Đèo Hải Vân và núi Hải Vân ngày càng được coi trọng trong việc bảo vệ phía nam kinh đô, đây là đài quan sát bao quát toàn bộ khu vực cả ở trên biển và trên đất liền và là yết hầu của đường bộ gần như duy nhất từ phía nam ra Huế, đồng thời khống chế được cả con đường biển đi qua dưới chân núi. Nhận thức được tầm quan trọng của Ải Vân quan, vua Gia Long  đã cho đặt bốn dịch trạm tại huyện Phú Lộc và sửa đường lên đèo Hải Vân. Đến thời vua Minh Mạng, để khuyến khích người dân sinh sống ở vùng núi non hiểm trở này, nhà vua đã ban thưởng cho mỗi nhà dân ở đây một lạng bạc và xây đá thành bậc ở những đoạn đường dốc để thuận lợi giao thông.

Tháng Hai năm Bính Tuất (1826), vua Minh Mạng xuống chỉ cho xây một cửa quan ở đỉnh đèo, cửa trước viết ba chữ Ải Vân Quan, cửa sau viết sáu chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, hai bên tả hữu xếp đá làm tường, trước sau liền nhau. Từ đó, muốn vượt qua Ải Vân quan đều phải qua hai lần cửa xây bằng gạch vồ, theo lối vòm cuốn, giống cửa ở kinh thành Huế, nhưng không có vọng lâu, bên trên cửa là sân thượng dùng để quan sát bốn phía, có xây bậc thang lên xuống. Công trình xây dựng trong vài tháng, do phủ Thừa Thiên và tỉnh Quảng Nam cùng thuê dân làm, sau đó triều đình phái biền binh chở súng ống theo viên trấn thủ đóng giữ. Việc quản lí và canh phòng Ải Vân quan do chính viên Đề đốc Kinh thành đảm nhiệm, dưới quyền quan Phủ doãn phủ Thừa Thiên. Sau khi xây dựng xong cửa ải, triều đình chuẩn định từ cửa quan trở về Bắc thuộc quản hạt phủ Thừa Thiên, ngoài cửa quan trở về Nam thuộc quản hạt tỉnh Quảng Nam và ban hành các chính sách khuyến khích dân cư đến sinh sống từ chân núi đến đỉnh đèo, đồng thời dựng đền thờ thần núi Hải Vân. 

Như vậy, Ải Vân quan không chỉ là một pháo đài quân sự kiên cố mà còn tạo nên một cảnh quan nguy nga trên đỉnh Hải Vân sơn.

Sử sách ghi như vậy nhưng giờ đây dấu vết thời gian đã phủ trên từng viên gạch, đã nứt nẻ hoặc rêu phong. Vết tích của những cánh cửa gỗ đóng mở cửa ải đã nhạt nhòa... Tuy vậy, vẫn còn nhận ra sáu chữ “天 下 第 一 雄 關 (Thiên hạ đệ nhất hùng quan) hướng về phương Nam như một câu văn bia hào hùng tạc vào thiên niên kỷ. 

Đứng trên Ải, tôi bỗng chạnh lòng xót thương những người lính thú năm xưa phải đến đây thay nhau canh gác. Họ có thể là những người từng đắc tội với triều đình phải đi đày, thường gọi là đày ải. Từ “đày ải” sau này đã chuyển nghĩa để chỉ những việc làm nhẫn nhục, đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhưng cũng có thể họ phải có nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc nơi biên thuỳ giống như thời nay, nhưng khi xưa việc đi lại vô cùng gian khổ. Cho nên mới có bài ca dao về “lính thú”:

“Ngang lưng thì thắt bao vàng

Đầu đội nón dấu vai mang súng dài

Một tay thì cắp hoả mai

Một tay cắp giáo quan sai xuống thuyền

Thùng thùng trống đánh ngũ liên

Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa” 

Theo như miêu tả người lính “mang súng dài” và “cắp hoả mai” thì phải là lính thú thời nhà Nguyễn. Chắc chắn họ phải đi xa, đi bằng đường thuỷ mới đến nơi đóng đồn. 

Nghe nói thời kỳ quân Pháp xâm lược, từ cảng biển Đà Nẵng một đoàn lính Pháp trang bị súng ống đã lên đánh chiếm Ải Vân quan, những người lính trấn ải của ta không đủ sức chống cự đã đồng loạt hy sinh. Máu xương của họ đã ngấm vào lòng đất…

Đứng trên đỉnh đèo, nhìn ra bốn phương tám hướng, có lẽ bạn cũng giống như tôi, sẽ cảm thấy thiên nhiên vô cùng tráng lệ, và một niềm yêu quý tự hào về non sông đất nước dâng lên ngập lòng.

*

Ngày nay, từ chân đèo nam Hải Vân ra đến vịnh Lăng Cô chưa đầy một giờ đồng hồ, nhưng khi xưa từ Quảng Nam ra Huế khi qua Hải Vân là mang một nỗi ám ảnh kinh hoàng, người ta đã truyền tai nhau:

“Đường bộ thì sợ Hải Vân

Đường thuỷ thì sợ sóng thần Hang Dơi”

Tương truyền, phía Bắc chân núi Hải Vân giáp vực biển có Hang Dơi, tục gọi là bãi Tiêu. Nơi đó có thần sóng, thuyền đi qua thường bị lật chìm. Như vậy, nếu đi bằng đường thuỷ ra Huế tuy có phần nhẹ nhàng, không phải khó nhọc vượt đèo nhưng nguy cơ không lọt qua được cửa tử - hang Dơi. Cho nên hầu hết người đi phải chấp nhận bộ hành chứ không dám đánh cược tính mạng với tử thần. 

Đường bộ Hải Vân khi xưa có gì mà đáng sợ vậy?

Là bởi vì khi ấy muốn vượt đèo phải đặt chân trên con đường mòn, vừa đi vừa phát cây vạch cỏ mà bước qua. Giữa điệp trùng hoang vu của  rừng cây núi đá, thì nỗi ám ảnh lớn nhất là sợ bị hổ vồ. Chắc chắn nơi đây đã từng có nhiều người tế mạng cho chúa sơn lâm. Với đoạn đường dài hơn hai mươi cây số cheo leo hiểm trở, người ta phải đi từ sáng sớm để đến chiều sẽ đến chân đèo phía Bắc, tránh qua đêm trên núi. Giữa mênh mông núi non - trời - biển, thân phận con người bỗng trở nên bé nhỏ vô cùng.

Vậy mà bao thế hệ học trò Quảng Nam đã vượt qua để đến đất kinh kỳ ứng thí!

Ngày xưa, nói đến học trò Quảng Nam ra Huế, người ta hay nhắc đến hai câu thơ: 

“Học trò trong Quảng ra thi

Thấy cô gái Huế chân đi không đành”

Trong cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân có chép hai câu thơ này trong phần giới thiệu về nhà thơ Xuân Tâm, (tên thật là Phan Hạp, người làng Bảo An, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Tôi không nghĩ ông Xuân Tâm là tác giả nhưng có lẽ ông ấy là người Quảng từng ra học trường Quốc Học Huế, nên tác giả Thi nhân Việt Nam mới dẫn hai câu thơ đó. Sau khi tốt nghiệp bằng Thành Chung, ông về Đà Nẵng làm công chức, đến 1954 thì tập kết ra Bắc. Cũng nhờ hai câu thơ được đưa vào cuốn sách nổi tiếng mà không chỉ người Quảng Nam mà rất nhiều người yêu thơ trong cả nước biết đến.

Câu thơ ca ngợi học trò Quảng Nam hiếu học, ra Huế thi thố tài năng, bỗng bắt gặp cô gái Huế thì “chân đi không đành”, bởi dáng vẻ xinh xắn, duyên dáng thướt tha trong tà áo dài màu tím, hình ảnh cô gái Huế đã “hút hồn” những chàng thanh niên đất Quảng.

Tuy nhiên có người hiểu khác, khi họ đọc câu thơ theo kiểu lục bát biến thể:

“Học trò trong Quảng ra thi

Thấy

Cô gái Huế chân đi không đành”

Ở đây hiểu là anh học trò trong Quảng khi ra Huế thi thì “cô gái Huế” thấy các anh mà “chân đi không đành”!

Tôi thấy cách hiểu nào cũng có lý. Mà cách hiểu thứ hai thú vị hơn, bởi các chàng trai Quảng Nam ra thi hầu hết là những người đã đỗ đạt cao trong tỉnh. Họ mang một dáng vẻ nho nhã thư sinh, gương mặt khôi ngô tuấn tú tất sẽ khiến các cô gái Huế đem lòng yêu mến.

“Thiên hạ đệ nhất hùng quan” - 2

Đèo Hải Vân – Thiên hạ mệnh danh đệ nhất hùng quan là một địa danh đặc biệt, không chỉ là cảnh sắc mà còn mang đậm dấu ấn lịch sử.

Thời nhà Nguyễn, số lượng học trò Quảng Nam ra Huế thi đỗ và được bổ làm quan triều đình là một con số không nhỏ. Các nhà nghiên cứu lịch sử của tỉnh Quảng Nam đã thống kê có trên năm mươi vị.

Nhiều vị được triều đình giữ lại kinh đô đảm nhiệm các chức đại quan, như ông Nguyễn Dục đỗ Phó bảng, làm quan đến chức tế tửu Quốc Tử Giám, Lễ bộ Thị lang, Lễ bộ Hữu tham tri; Ông Đỗ Thúc Tịnh đỗ tiến sĩ, được giữ chức Biện lý Bộ binh; Ông Phạm Phú Thứ, đỗ tiến sĩ, làm quan đến chức Thượng thư bộ Hộ, Thương chính đại thần, Tham tri bộ Binh, hàm Hiệp biện đại học sĩ…v. v…

Nhiều người đã có thê tử ở nhà rồi mới đi thi. Nhưng rồi họ ở lại làm quan lại có thêm thê tử mới, do có quyền “trai năm thê bảy thiếp”, nên người ra đi mãi chẳng thấy về. Những người không ở lại kinh đô nhưng đoạn đường đi – về xa ngai ngái, bao bất trắc có thể ập đến lúc nào. Nên ngày ngày những người vợ ở quê ngóng trông chồng cảm thấy xót lòng mỗi khi nhìn về phía Hải Vân sơn. Họ đã thốt lên những câu ca ảo não:    

“Chiều chiều mây phủ Hải Vân

Chim kêu vượn hú gẫm thân mà buồn”

Cũng vì sơn khê cách trở mà rất nhiều vùng quê Quảng Nam ngày xưa được triều đình sắc phong Thành Hoàng nhưng dân làng không thể ra kinh đô để lĩnh sắc. Sau này, khi đất nước thống nhất, điều kiện đi lại dễ dàng thì các làng mới cử người đi mua những tấm sắc phong giả đem về cất giữ, coi như một kỷ niệm. Mỗi khi có hội làng họ cũng đem ra trình trước nhân dân để nhớ ơn công đức.

*

Ngày nay, lên Ải Vân quan và Hải Vân sơn sẽ được đi trên những cung đường đèo tuyệt đẹp, nơi đây đã trở thành điểm hấp dẫn du khách thập phương, cả trong và ngoài nước. Các công ty du lịch của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có những chương trình đặc biệt để thu hút khách tham quan. Đứng trên đỉnh đèo vào ban đêm nhìn về Đà Nẵng chắc chắn bạn sẽ phải kinh ngạc bởi vẻ đẹp kỳ diệu của ánh điện muôn màu trong thành phố cùng hàng vạn vì sao nhấp nháy trên nền trời in trên mặt biển.

Cuộc sống luôn biến đổi, mỗi ngày lại có thêm những điều mới mẻ, ngày một tốt đẹp hơn. Nhưng chúng ta cũng không thể quên một thời gian nan khó nhọc mà bao thế hệ cha ông ta đã trải qua. 

Nhìn về quá khứ để biết ơn những lớp người đi trước và càng thêm yêu cuộc sống mới hôm nay. 

Tản văn của Trần Thiên Hương

Tin liên quan

Tin mới nhất