Tiêu chí của dịch văn học là đúng và hay

Chúng ta dễ thống nhất rằng, quá trình tiếp xúc và giao lưu văn học với thế giới đã mang đến những thay đổi và biến đổi lớn lao về cấu trúc cũng như phẩm chất của nền văn học Việt Nam. Dịch thuật văn chương đang thực sự đóng vai trò là công cụ trí tuệ để hiểu biết về thế giới, rút ngắn các khoảng cách và nâng cao vị thế của văn học nước ta. Diễn đàn Văn học Nghệ thuật đã trao đổi với dịch giả, nhà văn Lê Bá Thự về vấn đề này, trong giai đoạn hiện nay.

Ngô Đức Hành (NĐH): Thưa nhà văn, văn học là cầu nối, qua các tác phẩm văn học dân tộc này hiểu được tâm hồn của dân tộc khác. Ông có nhận định đánh giá như thế nào về tình hình dịch thuật trong những năm gần đây?

Dịch giả Lê Bá Thự (LBT): Tôi phải nói ngay, chưa bao giờ nền dịch thuật Việt nam lại phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Chỉ cần bạn đến bất kỳ một nhà sách nào trong Nam ngoài Bắc bạn sẽ thấy ngay các kệ sách văn học nước ngoài bề thế như thế nào, không thua kém, thậm chí còn trội hơn sách của các tác giả trong nước. Giờ đây người đọc Việt Nam không chỉ được đọc những tác phẩm văn học của các nền văn học lớn, mà họ còn có cơ hội được tiếp cận và thưởng thức sách văn học của hàng chục nước khác nhau từ các châu lục, vùng, miền trên thế giới. Đặc biệt sách văn học nước ngoài được cặp nhật khá nhanh, nhất là các tác phẩm được giải thưởng, nhiều tác phẩm chỉ trong một thời gian rất ngắn đã xuất hiện tại Việt Nam.

Tiêu chí của dịch văn học là đúng và hay - 1

Dịch giả Lê Bá Thự

Theo tôi, thời gian vừa qua việc chon tác phẩm để dịch và chất lượng các bản dịch đã có những chuyển biến tích cực hơn, dẫu rằng vẫn còn những sai sót và khiếm khuyết như ta đã biết. Cũng cần phải thấy rằng, sai sót trong dịch thuật là điều khó tránh khỏi. Điều đáng nói là người dịch phải lượng đúng sức mình khi chọn tác phẩm dịch, phải toàn tâm, toàn ý, công phu trong dịch thuật, để hạn chế tối đa những sai sót, nhất là những sai sót không đáng có. Người dịch cũng rất cần được người đọc góp ý chân thành để cho các bản dịch của họ càng ngày càng tốt hơn, đáp ứng lòng mong mỏi của bạn đọc nước nhà.

NĐH: Dịch thuật là câu chuyện của chuyển ngữ văn học. Ông đưa ra khái niệm, nói đúng hơn là quan niệm: Dịch phải đúng và hay? Thưa nhà văn, ông có thể nói rõ hơn về điều này?

LBT: Một số người nói: Dịch thuật là việc chuyển ngữ văn bản hay diễn ngôn từ ngôn ngữ gốc thành văn bản hay diễn ngôn có ý nghĩa tương đương trong ngôn ngữ dịch. Còn tôi nói: Dịch văn học là tái tạo một cách nhuần nhuyễn nguyên tác bằng ngôn ngữ khác. Để trở thành một dịch giả văn học người dịch phải giỏi ngoại ngữ và giỏi tiếng Việt, có phông văn hóa rộng.

Tiêu chí của dịch văn học là đúng và hay - 2

Một số tác phẩm văn học dịch.

Theo tôi, tiêu chí của dịch văn học là: đúng và hay. Đúng với nội dung, đúng với hình thức, đúng với văn phong của bản gốc (hoặc của tác giả). Còn “hay” chính là nói đến bản dịch tiếng Việt phải thuần Việt, phải được Việt hóa nhuần nhuyễn, phải tìm cho được những từ, những câu, những cụm từ, cách hành văn đắc địa nhất, đúng nhất cho bản dịch tiếng Việt, gây cho người đọc cảm giác đây là bản gốc tiếng Việt chứ không phải là bản dịch.

Chẳng hạn cụm từ Xin cạch đàn ông! Từ cạch ở đây là từ thuần Việt, rất đời thường, đúng với văn cảnh, là từ đắc địa và hay. Đúng và Hay là yêu cầu và cũng là thước đo thành công của một bản dịch. Người ta gọi người dịch hoàn hảo là người dịch “tàng hình” có lẽ là vì như vậy. Tất nhiên, thông qua cách hành văn (giọng điệu), cách dùng từ, người dịch có thể lồng “cái tôi” của mình vào bản dịch. Theo tôi “Việt hóa” hoặc “bản địa hóa” phải trong tinh thần như vậy, nhưng không được đi chệch tiêu chí đúng (với bản gốc). Chúng ta là người dịch, chúng ta không được vượt khỏi cái “khung bản gốc”.

Cũng cần nói thêm rằng, khi dịch thơ thì người dịch phải biết “liệu cơm gắp mắm”, phải nắm được hồn cốt, nội dung, bút pháp, phong cách, thể loại của bài thơ nguyên tác, để lựa chọn thể thơ hiệu quả nhất, đắc địa nhất cho bản dịch tiếng Việt. Thực tế cho thấy, thể thơ tự do rất hay được các dịch giả lựa chọn cho bản dịch của mình. Tại sao lại như vậy? Thể thơ tự do là thể thơ hiện đại, thể hiện được cái tôi và sự phá cách sáng tạo của thi sĩ. Trong một bài thơ tự do, số chữ trong câu, số câu trong một khổ và số số lượng khổ thơ của toàn bài đều không bị giới hạn. Các quy luật về hiệp vần, bằng trắc cũng vô cùng linh hoạt, tùy theo cảm xúc và sự chú ý của người viết.

Thực tế cũng cho thấy, hiếm khi các dịch giả chọn thể thơ lục bát cho bản dịch thơ của mình. Tuy nhiên, chọn thể thơ nào thì người dịch cũng phải trả cái giá “được” và “mất”, cho nên, như tôi vừa nói ở trên, người dịch phải “liệu cơm gắp mắm”, phải tinh tường trong việc chọn thể thơ thích hợp nhất, để bản dịch được nhiều hơn mất.  

NĐH: Tôi nghĩ, dịch thuật văn học là vấn đề khó, trước hết người dịch phải giỏi ngoại ngữ, tuy nhiên không phải ai giỏi ngoại ngữ cũng chuyển ngữ được văn học (nhất là dịch thơ). Với một nhà văn thành công về dịch thuật, giới thiệu văn học Ba Lan với bạn đọc Việt Nam, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

LBT:  Ba tiêu chí để trở thành dịch giả văn học: thứ nhất: giỏi ngoại ngữ, am tường văn hóa, phong tục tập quán của đất nước sử dụng ngôn ngữ mình dịch; thứ hai: phải giỏi tiếng Việt, bởi vì bản dịch được thể hiện bằng tiếng Việt, đầu ra là tiếng Việt, không giỏi tiếng Việt, bản dịch không được Việt hóa một cách nhuần nhuyễn, không thuần Việt, hành văn kiểu ông Tây nói tiếng Việt, thì làm sao người đọc có thể chấp nhận được; thứ ba: Có khả năng văn học và đam mê dịch thuật văn học.

Ba tiêu chí tôi vừa kể trên cho thấy, như anh đã nói ở trên, không phải ai giỏi ngoại ngữ cũng chuyển ngữ được văn học. Tôi xin nhắc lại, đây là dịch văn học.

Tiêu chí của dịch văn học là đúng và hay - 3

Dịch giả Lê Bá Thự trong một tọa đàm về thơ của nhà thơ đoạt giải Nobel người Ba Lan - Wislawa Szymborska

NĐH: Ông nói: Mỗi dịch giả văn học phải là một "người nội trợ thông thái" trong dịch thuật và sách dịch của chúng ta phải là "sách sạch". Xin đề nghị ông giải thích rõ điều này.

LBT: Lâu nay ta vẫn thường được nghe các cụm từ: thực phẩm sạch, rau sạch, cá sạch, thịt sạch, củ quả sạch… Nhưng gần đây xuất hiện cụm từ sách sạch, thoạt nghe có vẻ lạ tai nhưng hoàn toàn có lý khi trên thị trường sách xuất hiện những cuốn sách không lành mạnh, độc hại với người đọc nhất là những người đọc nhỏ tuổi. Đó là những cuốn sách kích động bạo lực, đồi trụy, không hợp thuần phong mỹ tục của Việt nam, truyện kinh dị, tiểu thuyết võ hiệp, diễm tình, ngôn tình…

Có thể ví dịch giả văn học như người nội trợ đi chợ sách, mua các "món sách" để chuẩn bị bữa "cơm sách" cho người đọc thưởng thức. Bữa "cơm sách" có ngon lành, có béo bổ, có an toàn đối với người đọc hay không hoàn toàn phụ thuộc vào việc dịch giả - người nội trợ, có phải là dịch giả - "người nội trợ thông thái" hay không? Bởi vì, ở cái chợ bạt ngàn sách văn học với đủ các thể loại đề tài, sách có giá trị, sách hay, sách dở, thậm chí sách độc hại đều có, chọn sách nào cho đúng và cho trúng để dịch hoàn toàn phụ thuộc vào cái tâm, cái tầm và cái tài của dịch giả. Tiêu chí chọn tác phẩm văn học để chuyển ngữ của tôi là: tác phẩm hay, tôi thích, và tôi cảm nhận bạn đọc của tôi cũng sẽ thích. Tóm lại, mỗi dịch giả văn học phải là một "người nội trợ thông thái" trong dịch thuật và sách dịch của chúng ta phải là "sách sạch".

Tiêu chí của dịch văn học là đúng và hay - 4

Một số tác phẩm dịch của dịch giả Lê Bá Thự.

NĐH: Dịch xuôi đã khó, nhưng dịch ngược còn khó hơn; ông nhìn nhận như thế nào về đội ngũ dịch thuật văn học Việt Nam ra ngôn ngữ nước ngoài hiện nay? Với tư cách là một dịch giả, theo ông, chúng ta phải có cách đặt vấn đề như thế nào? Kinh nghiệm của các nước (nhất là Ba Lan) trong việc đầu tư, bồi dưỡng đội ngũ dịch thuật văn học?

LBT: Đây là vấn đề đang rất được quan tâm, nhiều trăn trở, đã có những tín hiệu tích cực, nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và tầm cỡ của văn học Việt Nam với một trăm triệu dân. Theo tôi, có ba lực lượng dịch giả có thể đảm đương nhiệm vụ giới thiệu văn học Việt Nam ở nước ngoài. Đó là: Các dịch giả Việt Nam ở trong nước, các dịch giả Việt Nam hiện đang sinh sống ở nước ngoài và các dịch giả là người nước ngoài thông thạo tiếng Việt.

Các dịch giả văn học ở trong nước là một lực lượng khá hùng hậu, tuy không có con số thống kê chính xác, nhưng có lẽ phải tới hàng trăm và con số này đang càng ngày càng tăng thêm. Họ là những người được đào tạo ở trong nước hoặc đã theo học tại các trường, chủ yếu là các trường đại học, ở nước ngoài.

Tiêu chí của dịch văn học là đúng và hay - 5

Dịch giả Lê Bá Thự hy vọng sẽ có ngày văn học Việt Nam ào ạt ra nước ngoài, như văn học nước ngoài đã và đang ào ạt vào Việt Nam.

Trong số các dịch giả nói trên, có người học văn học, nhưng đa phần theo học các ngành nghề khác, song do đam mê văn chương, mến mộ nền văn học của nước sở tại hoặc của nước sử dụng ngôn ngữ mình biết, yêu dịch thuật và mong muốn mang đến cho người đọc Việt Nam tinh hoa của các nền văn học khác nhau trên thế giới mà họ đã chọn con đường dịch thuật. Chính vì thế mà đối với đa phần dịch giả nước ta, dịch thuật chỉ là nghề tay trái. Hàng nghìn đầu sách văn học từ khắp năm châu đã được họ dịch sang tiếng Việt và xuất bản là vì những lí do trên. Đó là dịch xuôi, tức dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt. Có thể nói, đối với chúng ta, khâu dịch xuôi hiện nay về cơ bản chẳng có khó khăn gì.

Tuy nhiên, đối với đa số các dịch giả ở trong nước việc chuyển ngữ các tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng nước ngoài là công việc không đơn giản, đòi hỏi nhiều công sức và thường cần sự hợp tác của người nước ngoài ở khâu hiệu đính. Bởi, dù có giỏi ngoại ngữ đi chăng nữa thì chúng ta vẫn là người Việt học tiếng nước ngoài, có nhiều khó khăn trong việc hành văn, sử dụng ngôn từ chuẩn xác và nhuần nhuyễn như người bản địa.

Cho nên, cho đến nay, lực lượng dịch giả văn học ở Việt Nam tuy đông như vậy, nhưng rất ít người dịch trực tiếp tiểu thuyết Việt Nam ra tiếng nước ngoài, truyện ngắn và thơ tuy có dịch nhưng không nhiều. Ngược lại, cho đến nay cũng chẳng có mấy dịch giả nước ngoài dám dịch tiểu thuyết nước họ sang tiếng Việt.

Tôi hy vọng rằng sẽ có ngày văn học Việt Nam ào ạt ra nước ngoài, như văn học nước ngoài đã và đang ào ạt vào Việt Nam.

Xin cám ơn nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự!

Ngô Đức Hành

Tin liên quan

Tin mới nhất