Trò chuyện với Tiến sĩ Võ Hương Quỳnh về “Sự dịch chuyển của văn học và dịch văn học Việt Nam" Kỳ 1
“Trong khi đàn ông có một cuộc đời, thì phụ nữ phảichịu đựng một cuộc đời” - điều này dường như là sự thật đối với mọi phụ nữ Việt Nam, cho nên trong văn học lâu nay, hình tượng người phụ nữ nói chung được ngòi bút nhà văn khắc họa, đều ít nhiều cam chịu cuộc đời họ, cho dù họ được xã hội công nhận là thành công hoặc coi là thất bại.
Tuy nhiên, trong hợp tuyển văn học của các cây bút nữ Việt Nam đương đại sắp được dịch và xuất bản tại Mỹ, Tiến sĩ Võ Hương Quỳnh và cộng sự của mình đã cố gắng tuyển chọn những tác phẩm khắc họa hình tượng nhân vật nữ không cam chịu hoàn toàn như thế. Chúng ta cùng trò chuyện với chị về bản dạng giới trong cuộc sống, văn học, nhất là văn học nữ, và vấn đề dịch văn học Việt Nam.
PV: Thưa chị, trong đất nước còn bị ảnh hưởng của giới luật Nho giáo, chị làm thế nào để khẳng định bản dạng giới của mình?
TS Võ Hương Quỳnh: Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình chỉ có hai chị em gái nên từ bé đã luôn được ba mẹ tạo điều kiện để học hành và theo đuổi những mơ ước của riêng mình. Khi trưởng thành và lập gia đình, tôi lại gặp được một người chồng hiểu biết, luôn động viên và cùng tôi chia sẻ mọi công việc trong nhà và ngoài xã hội. Do đó, ở góc độ cá nhân, trong vai trò là một người phụ nữ trong gia đình, tôi chưa từng phải đấu tranh cho quyền lợi của mình. Tuy nhiên, trong môi trường làm việc, đôi khi tôi cũng gặp phải những lời khích lệ có phần hoài nghi từ phía những đồng nghiệp nam, chẳng hạn như: “Chồng con thế rồi mà còn nghiên cứu được vậy là giỏi đấy,” hoặc những câu hỏi thăm dò, kiểu: “Không phải phụ nữ dù học hành đến đâu thì cuối cùng cũng về phục vụ chồng con sao?” Tôi không biết các bạn đồng nghiệp nam của tôi sẽ trả lời như thế nào nếu tôi cũng hỏi họ những câugần như thế. Nhưng tôi vẫn luôn phải định vị lại và điều chỉnh bản dạng giới của mình để không buộc mình phải đánh đổi những giá trị bản thân cho bất kỳ một giới luật hay danh hiệu phù phiếm nào.
PV: Nhận xét của chị về tình hình thơ văn Việt Nam thập niên qua, và nhận xét riêng về văn học nữ? Chị có nhận thấy sự dịch chuyển nào trong phong cách và xử lý đề tài của các nữ nhà văn Việt Nam?
TS Võ Hương Quỳnh: Trong mười năm trở lại đây, văn học Việt Nam phong phú hơn nhiều về cả thể loại, đề tài, và số lượng tác phẩm. Với nguồn tài nguyên mở trên Internet, mạng xã hội, cùng với sự đam mê khám phá thể nghiệm những phong cách sáng tác mới, các tác giả cũng ngày càng dễ dàng tiếp cận độc giả và giới thiệu tác phẩm của mình hơn trước đây. Sự đa dạng này cũng đáp ứng được thị hiếu của nhiều tầng lớp và thế hệ độc giả Việt Nam trong và ngoài nước.
Tôi nghĩ đó cũng là xu hướng tất yếu của thế giới. Riêng đối với văn học nữ, so với thế hệ cầm bút đi trước như nhà văn Trần Thuỳ Mai, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Y Ban, Dạ Ngân, Lê Minh Khuê…, các nhà văn nữ trẻ hiện nay dường như có nhiều chất liệu để viết hơn vì xã hội ngày càng phát triển, kéo theo những dịch chuyển về giá trị văn hoá, truyền thống, tập quán quen thuộc, v.v.
Mọi sự thay đổi đều có những mặt tốt đẹp và hạn chế của nó. Bằng trái tim nhạy cảm và ngòi bút uyển chuyển của mình, những nhà văn trẻ như Nguyễn Ngọc Tư, Võ Diệu Thanh, Đỗ Bích Thuý, Phong Điệp, Nguyễn Thị Kim Hoà, v.v. đã khắc hoạ những số phận với nhiều góc khuất khác nhau của đời sống. Tuy nhiên, phần đông hững nhân vật nữ trong các tác phẩm của họ, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, dường như vẫn xem nghịch cảnh là định mệnh: phải thoả hiệp trong nước mắt với những bất công, hay chỉ biết phản kháng nhẹ nhàng khi đối mặt với những điều ngang trái. Nhìn chung, khuynh hướng xây dựng nhân vật nữ của các nhà văn nữ gần đây vẫn thiên về sự nhẫn nhịn trong muộn phiền hoặc chấp nhận thiệt thòi để đổi lấy cảm giác được bình yên.
Còn về Kiều Bích Hậu, tôi thấy cô không chọn cho mình một hướng đi dễ chịu, an toàn mà thuộc về số ít những nhà văn có lối viết rắn rỏi, hiện đại về những phụ nữ biết vượt lên những định kiến về giới trong xã hội để tìm đến bản ngã của chính mình. Judith Butler, một lý thuyết gia về giới nổi tiếng của Mỹ cho rằng, giới là khái niệm được quy ước bởi xã hội, và mỗi người đều có quyền thể hiện bản dạng giới khác nhau của mình để thay đổi những quy ước đó. Bởi, không phải ai cũng phù hợp với những định danh về giới mà xã hội áp đặt cho họ. Nếu văn học nữ giới luôn đặt phụ nữ ở vị trí yếu đuối, cam chịu, và thiệt thòi thì những người phụ nữ cứng cỏi, mạnh mẽ vàđộc lập sẽ mặc nhiên bị xã hội xem là nằm ngoài quy ước về nữ giới.
Theo tôi, văn học nữ cần chú trọng hơn đến sự thay đổi cảm thức về giới. Khi phụ nữ đấu tranh cho bình đẳng giới và nữ quyền không có nghĩa là họ đấu tranh chống lại nam giới, mà cùng với nam giới để đấu tranh chống lại những bất công, tiêu cực trong xã hội để xây dựng cuộc sống tốt đẹp, nhân ái, và văn minh hơn.
PV: Chúng ta hãy nói thêm về thơ ca nhé, bởi có ý kiến rằng ngày nay chúng ta nên giải phóng thơ khỏi tháp ngà và đưa thơ trở về với đời sống thường nhật. Chị có suy nghĩ thế nào vềý kiến đó?
TS Võ Hương Quỳnh: Audre Lorde, một nhà thơ da màu có ảnh hưởng lớn của Mỹ đã từng viết, “thi ca không phải là sự phù phiếm,” bởi thi ca cần phải là ánh sáng soi rọi vào những góc khuất của đời sống mà ở đó người đọc có thểtìm thấy sức mạnh để thay đổi thực tại. Do đó, nếu nhà thơ chỉ ẩn náu trong tháp ngà và tự đánh thức những cảm xúc thuần tuý trong tâm hồn mình; để tự vuốt ve, xoa dịu một nỗi cô đơn mơ hồ nào đó, thì sự cảm tác đó chỉ dừng lại ở mức độ giải trí, một món quà xa xỉ cho những tâm hồn viển vông, xa rời thực tại.
Trong giới phê bình văn học ở Mỹ hay trên thế giới, người ta vẫn không ngừng tranh cãi về tính chính trị trong các tác phẩm nghệ thuật. Luôn có ý kiến cho rằng chính trị khuấy động văn học. Tuy nhiên, tôi cho rằng, sứ mệnh của văn học không chỉ gắn liền với đời sống mà còn thay đổi đời sống bằng những can thiệp chính trị để hướng đến những thay đổi đó. Do vậy, văn học mà không có yếu tố chính trị cũng gần như là một sự vẩn đục bởi đã đánh mất đi giá trị thiêng liêng của nó.
Tiến sĩ Võ Hương Quỳnh hiện đang giảng dạy tại Khoa Văn học Anh - Mỹ tại trường Đại học Hawaii, Manoa, Mỹ. Chị nghiên cứu về văn học phụ nữ Mỹ gốc Phi, toàn cầu hoá trong văn học xuyên quốc gia Mỹ, và chủ nghĩa tân tự do trong văn học và văn hoá Mỹ gốc Á. Hiện chị đang cùng Tiến sĩ Hà Mạnh Quân (Trường ĐH Montana) thực hiện dự án tuyển dịch các tác phẩm văn học Việt Nam ra thế giới.
Theo Kiều Bích Hậu
Còn tiếp...
NoneBình luận