Truyện ngắn Uông Triều với dấu ấn cá nhân không thể trộn lẫn
Uông Triều vốn là một giáo viên ngoại ngữ, chuyển sang viết văn rồi trở thành kẻ say văn, say chữ. Trong hành trình hơn mười năm cầm bút, anh đã in bốn tiểu thuyết, ba tập truyện ngắn, một tập khảo cứu, hai tập tản văn, một tập tiểu luận văn học và gần đây nhất là truyện thiếu nhi Ong Béo và Ong Gầy được độc giả nhỏ tuổi đón nhận tích cực. Uông Triều đã nhận một số giải thưởng cuộc thi truyện ngắn.
Có thể nói, ở mỗi thể loại, Uông Triều đều có những đóng góp đáng ghi nhận. Cảm giác chung, Uông Triều thuộc số không nhiều các nhà văn đương thời khát khao vươn tới tính hiện đại của văn chương.
Trên phương diện sáng tác, Uông Triều dường như thể hiện bản sắc và kết đọng tinh hoa nhiều hơn trong tiểu thuyết. Về truyện ngắn, mặc dầu sáng tác không nhiều (khoảng chừng ba mươi truyện), song chắc hẳn đây là lá phiếu quan trọng để bầu lên một Uông Triều hôm nay, như ta biết.
Có thể chia truyện ngắn Uông Triều thành hai loại: truyện về cái đương đại và truyện về đề tài lịch sử. Uông Triều có xu hướng chú trọng, gia công cái viết, cách viết, kỹ thuật và cấu trúc hơn tính “chuyện”. Tuy mờ về “cốt truyện” song truyện ngắn của anh hoàn toàn xa lạ với kiểu truyện “trữ tình lãng mạn”.
Thậm chí, có thể xem Uông Triều thuộc mẫu nhà văn duy lý. Bằng chứng là, tác phẩm của anh luôn có xu hướng tìm tòi, giải mã, suy tưởng, nếu là tâm lý thì đó là sự phân tích tâm lý chứ không phải nức nở giãi bày.
Chân dung Uông Triều
Dầu không thiết dựng “chiều hướng đường đời” cho nhân vật, truyện ngắn chủ đề đương đại của Uông Triều vẫn chạm sâu vào tâm thức con người thời đại: sự dang dở, vụn vỡ, chán chường. Không phải ngẫu nhiên, nhân vật của anh luôn lang thang kiếm tìm và thường trực một câu hỏi hồ nghi: Thế giới này là thế giới nào, phải làm gì trong đó, và bản ngã nào của tôi sẽ làm điều đó?
Để thể hiện thế giới hỗn độn, phi lí, nhàm tẻ, Uông Triều thường sử dụng lối viết ở “độ không”. Cảm xúc của người trần thuật và các điểm nhìn gần như được tẩy trắng. Sự vô nghĩa, trống rỗng, tẻ nhạt, hững hờ trở thành nhân vật trung tâm. Truyện ngắn Uông Triều, do thế, luôn phảng phất bóng hình chủ nghĩa hư vô.
Trong đám tang của mình bàng bạc không gian văn chương phi lí phương Tây. Các nhân vật: Hắn, Nàng, Gã, Sếp, Mình, Vợ… khi thấp thoáng, khi lần lượt hiện ra qua sự phóng chiếu của một điểm nhìn đặc biệt: người chết nằm trong quan tài nhìn người sống tiễn đưa mình. Tâm điểm tự sự bị đánh tráo.
Ở đây, không phải cái chết, người chết (tại sao chết, chết thế nào…), mà là người sống, cõi sống (quyền lực, dục tình, mưu mô…) hiện lên qua điểm nhìn người chết. Bối cảnh, cách xưng hô, gọi tên và lối viết vô can như tàng ẩn điều gì bất ổn. Tuy thế, với người kể chuyện, tất cả điều này vốn chẳng có gì khiến anh ta ngạc nhiên, đau khổ hay xúc động.
Khác với “câu chuyện đám tang”, Giấc mơ của ông già và cô gái trẻ diễn tả tinh tế những rung động mong manh, mơ hồ, những “vùng cấm”, “vùng tối” bên trong con người. Trong một tốc độ trần thuật chậm, hầu như không được gia tốc, câu chuyện ông già trong “cuộc hành trình về thế giới huyền hoặc của mình” (mặc cảm tuổi trẻ, nỗi đau sâu thẳm) và cô gái với “một sợi chỉ mỏng manh nằm giữa ranh giới mà chính cô cũng không giải thích được” được chạm trổ tinh vi ở từng khoảnh khắc, nhiều khi như ngưng đọng.
Ở đây, không gian hóa tâm lý trở thành nỗi hưng phấn vô tận của nhà văn. Đọc Giấc mơ của ông già và cô gái trẻ, có thể thấy, với Uông Triều, “vùng tối” không phải là một cõi mù lí tính, mà là sự tìm tòi khám phá với một lòng kiên nhẫn vô biên.
Nếu Giấc mơ của ông già và cô gái trẻ gợi mở các chiều cạnh bên trong của xúc cảm thì Bò hoang phố cổ lại là cuộc phiêu lưu u uẩn trong sự chồng xếp nhiều văn bản khác nhau. Câu chuyện bắt đầu từ “biệt thự số 4”. Các nhân vật Gầy, Tóc xoăn, Cận thị loay hoay kiếm tìm (trong vô vọng) những ảo ảnh của đời mình: tri kỷ, tình yêu, văn học. Bò hoang, phiên chợ như một bản mệnh cô đơn, được gợi ra (không giấu giếm) từ Nguyễn Minh Châu; chi tiết đôi mắt con vật xuất hiện thường xuyên nhắc nhớ hình hài trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, những tồn dư ngoan cố của ngôn từ, những ám gợi nhân ảnh nhà số 4…
"Bò hoang phố cổ" của Uông Triều
Nhân cẩu có thể xem là một mô hình truyện kiểu “hóa thân”, “biến dạng”. Truyện đậm tính ẩn dụ, như một hình thức giễu nhại con người. Cử chỉ, ngôn ngữ, hành động nhân vật được vật hóa, biến thành “ngôn ngữ loài bốn chân”: “thè lưỡi”, “gặm”, “tớp”, “khục khục”, “tru tréo”, “sủa váng lên”… Điều trớ trêu là, nhân vật trong đây dường như nhận biết được bản chất “chó má” của mình. Cuộc co kéo, lẫn lộn giữa nhân cách và bản chất súc sinh trở thành trung tâm tự sự. Bi kịch phải chọn giữa hai chân và bốn chân, giữa “cơm và cứt” được trình bày trong một chất giọng trung tính, thảng hoặc pha chút “u-mua đen” của nhà văn.
Nếu Nhân cẩu là hiện dạng của kiểu truyện hóa thân thì Một ngày không đẹp trời lại thuộc mô hình truyện phân thân. Truyện mở ra và khép lại hành trình “đi về nơi không đâu cả” của “Ta” - “Vô Hình” - “Em” (hay tác giả), một cuộc tìm kiếm buồn bã, tẻ nhạt, không chút dấu ấn tình thân. Hành trình cô độc kết thúc, “Ta” biến mất như một tất yếu trong cõi hư vô.
Truyện ngắn chủ đề đương đại của Uông Triều, do chú trọng phân tích tâm lý nên thường có tốc độ trần thuật chậm. Nhiều khi vài trang truyện chỉ dừng lại ở một mảnh đoạn tâm tư. Uông Triều mất nhiều công trong lựa chọn chi tiết, thiết tạo cấu trúc, đặc biệt là ở cách viết và giữ nhịp câu văn. Và dầu đậm nhạt khác nhau, Uông Triều luôn lấy diễn biến nội tâm làm nội dung cái viết. Truyện ngắn của anh luôn giàu tính tiểu thuyết là như thế.
Trong các sáng tác của Uông Triều, mảng truyện ngắn về lịch sử có một dấu ấn đặc biệt. Có thể thấy rõ quan niệm của nhà văn: lịch sử là cái có thể xảy ra, không phải cái nhất thiết đã xảy ra. Với Uông Triều, sự kiện lịch sử dường như chỉ là căn cớ để nhà văn thăm dò, thám hiểm và giải mã quá khứ.
Khi tái tạo lịch sử, anh không “ngoại biên hoá” sử chính thống, không cố ý làm sái trật các sự kiện và nhân vật song vẫn có điểm nhấn riêng. Lịch sử với Uông Triều là sự pha trộn, xen cài giữa chính sử và huyền sử. Ở đó, có lịch sử của anh hùng, có lịch sử của người vô danh.
Trong các truyện ngắn về lịch sử, nhà văn luôn nhìn con người như một bản thể đa diện, có tốt xấu, có buồn vui. Đọc Uông Triều, không thấy nhân vật nào của anh đơn phiến. Dầu là người anh hùng hay kẻ vô danh thảy đều là những bản ngã phong phú, khi lớn lao, khi đơn độc và đặc biệt, nhân vật nào cũng chất chồng uẩn khúc tâm tư, thậm chí, tâm lý nhân vật kẻ thù cũng được nhà văn dụng công khắc chạm.
Có thể nói, sáng tạo kiểu nhân vật nội tâm là đặc điểm nổi trội và cũng là thế mạnh trong thi pháp truyện ngắn lịch sử của Uông Triều. Đó là lí do để khẳng định, truyện ngắn lịch sử của Uông Triều là sự trải nghiệm lịch sử thuần toàn bằng tâm lí, qua tâm lí, và từ sự đa dạng của các điểm nhìn tâm lí.
Nước mắt rồng thiêng là truyện ngắn có cấu trúc đặc biệt. Bởi “lịch sử mù mờ và được ghi theo ý đồ của nó” nên “câu chuyện lịch sử” được tiếp cận xuyên không gian, trở thành một cật vấn về thân phận, tình yêu và nghĩa vụ. Nguyễn Phi Khanh, Trần Thị Thái, “anh” và “em”, khi hóa thân, khi đồng cảm, khi nhập vai, lúc phân thân. Hai mối tình ngang trái, một lịch sử, một hiện tại được cấu trúc song hành xoắn vặn.
Ở đây, Uông Triều chủ ý dùng tâm lý người hiện đại để thám hiểm lịch sử. Nhà văn không bị cuốn vào sự kiện, mà dùng độ lùi, khoảng cách lịch sử để giải mã quá khứ, hé mở những vỉa tầng ẩn náu trong lớp sương mù của thời gian.
Nếu Nước mắt rồng thiêng thám hiểm lịch sử qua một chuyện tình thì Nước mắt sông Cầm lại là một giai điệu u sầu về tuổi thơ, về những thăng trầm thời cuộc và tình yêu quê hương đất nước mãnh liệt thẳm sâu. Lịch sử ở đây không được tái hiện bằng đại tự sự, mà qua những mảnh vỡ tâm tư, qua câu chuyện về những con người bình thường lấm láp.
Với Uông Triều, lịch sử không chỉ được tái dựng qua nhân vật người tử tế, mà còn được thám mã qua kẻ tội đồ. Nước mắt sông Cầm vừa phảng phất tiếng vọng bi hùng của lịch sử vừa như một ám dụ sâu xa: quê hương xứ sở là nơi sẽ xóa bỏ mọi hư danh, bùa chú, sự tàn độc, đưa ta trở về thành đứa trẻ. Có thể nói, Nước mắt sông Cầm là truyện ngắn thể hiện rõ nhất chất tài hoa nghệ sĩ của Uông Triều. Sự pha trộn cái thực và cái huyễn ảo, giọng điệu khi trữ tình, u trầm, khi bi phẫn, tráng thiết khiến truyện ngắn có giai điệu và sức hấp dẫn riêng.
Đêm cuối cùng ở Ngọa Vân có thể xem là truyện ngắn lịch sử thể hiện được những phẩm chất kỹ thuật thuần thục nhất của Uông Triều. Trong vai anh giáo nghèo trường huyện trên chuyến hành hương Yên Tử, người kể chuyện thực hiện phép xuyên không để tái tạo lịch sử. Ở đó, mỗi chi tiết không gian, thời gian, con người, sự vật đều trở thành những ký hiệu văn hóa - thẩm mỹ để thám hiểm lịch sử. Phật Hoàng. Am Ngọa Vân. Trận Bạch Đằng. Huyền Trân công chúa. Trần Quốc Tuấn. Cô hàng nước. Miếu Vua Bà… Một câu chuyện pha trộn giữa chính sử và dã sử, giữa văn hóa và huyền thoại, giữa cứ liệu và tưởng tượng.
Dưới ngòi bút tài hoa của nhà văn, giông bão lịch sử như còn đang vọng động giữa lòng người. Lắng nghe lịch sử từ “tiếng vọng trong lòng đất”, Uông Triều kỳ công tái tạo không gian, trầm tĩnh đối thoại và diễn giải những tiếng nói thầm từ lịch sử, trong điệp trùng khói sương của thời gian.
Một điểm hấp dẫn nổi bật trong truyện ngắn về lịch sử của Uông Triều là thế giới nhân vật nữ. Lê Chân trong Kiếm sắc và hoa đào, Huyền Trân trong Giấc mộng Huyền Trân, Trần Thị Thái trong Mùa xuân kinh thành, Nhiên trong Nước mắt sông Cầm, người nữ trinh sát trong Đôi mắt Đông Hoàng… mỗi người đều mang sắc vẻ riêng, song đều là hiện thân sống động của những buồn vui thời đại, buồn vui kiếp người. Với thân phận người nữ, lịch sử của Uông Triều không còn là lịch sử của binh đao, mà là lịch sử của lòng người…
Gần đây, Uông Triều tuyên bố tạm dừng truyện ngắn để chuyển sang tiểu thuyết và các thể loại khác. Thì cũng là chuyện bình thường thôi, bởi không ai có thể viết một thể loại cho đến trọn đời. Viết nhiều hay ít, suy cho cùng không phải là điều cốt tử, quan trọng là dấu ấn của nhà văn như thế nào trên cánh đồng chữ nghĩa. Trong ý nghĩa này, có thể khẳng định, trên hành trình mang lại màu sắc hiện đại cho truyện ngắn Việt Nam hôm nay, Uông Triều đã để lại những dấu ấn cá nhân không thể trộn lẫn.
Bình luận