Xin đừng phụ lòng người yêu thơ

Chưa bao giờ, thơ nở rộ như hiện nay. Ở đâu cũng có rất nhiều người làm thơ. Chỉ cần bỏ ra mấy triệu đồng là ai cũng có thể in cả tập hàng trăm bài thơ của mình nếu muốn. Rồi hàng ngày, hàng tuần, trên cả trăm tờ báo được phát hành ở khắp nơi, lại có vô số thơ được đăng. Các số báo ra vào dịp kỉ niệm, lễ tết thì quả là người đọc bị... bội thực thơ. Ngoài ra, các câu lạc bộ thơ cũng mọc lên như nấm sau mưa ở khắp nơi. Hội viên thơ ở các hội văn nghệ địa phương luôn chiếm tỷ lệ đông nhất. Có thể nói hiện nay đang có hiện tượng người người làm thơ, ngành ngành làm thơ và… ngày ngày làm thơ!

Sẽ là tốt, đáng mừng nếu phần nhiều thơ đúng là thơ chứ không phải là văn vần, đem được đến cho người đọc chút hứng thú thẩm mỹ nào đó. Như vậy thì rõ là lành mạnh, cần cổ súy, hưởng ứng, phát huy. Các cụ về hưu mà tìm đến thơ thì rõ ràng là vui tươi, bổ ích hơn là đánh cờ, tổ tôm, xóc đĩa, uống rượu hoặc bất cứ trò tiêu khiển vô bổ nào.

Người Việt ta hình như ai cũng có sẵn máu thi ca trong người. Đó là điều đáng tự hào. Tổ chức nào cứ thử mở cuộc vận động sáng tác thơ, có treo giải thưởng đàng hoàng, bảo đảm sẽ có rất nhiều người tham gia, nhiều hơn hẳn các cuộc thi sáng tác những chủng loại khác. Mà không chỉ giới làm thơ chuyên nghiệp hưởng ứng. Tỷ lệ đông gấp bội lại là quần chúng - những người yêu thích thơ chứ không chuyên làm thơ.

Dân ta yêu thích thơ nên nói điều gì, tuyên truyền nội dung nào mà sử dụng thơ làm phương tiện chuyển tải thì vô cùng đắc hiệu, có sức tác động rõ rệt hơn hẳn nói bằng lời nôm na hoặc khẩu hiệu suông. Chẳng thế mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tìm đến thơ để hô hào, khuyên răn bà con, đồng bào thực hiện những nhiệm vụ cách mạng lớn của đất nước.

Ví dụ, để cổ vũ mọi người tích cực trồng nhiều cây xanh, Tết năm 1960, Bác vận động Tết trồng cây đầu tiên. Người nghĩ ra hai câu thơ để hô hào mọi người tham gia: “Mùa xuân là Tết trồng cây/ Để cho đất nước càng ngày càng xuân”. Sinh thời, hàng năm, cứ đến phút giao thừa chuẩn bị bước sang năm mới, Người lại chúc Tết toàn dân bằng thơ: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!” và “Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến sẽ càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào/ Tiến lên chiến sĩ đồng bào!/ Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”…

Yêu thích thơ ca, dễ tiếp thu và bị thuyết phục bởi thơ ca là điều tốt đẹp của người Việt Nam ta, không phải dân tộc nào trên thế giới cũng có được. Nhưng không vì thế mà có thể dễ dãi, hạ thấp những chuẩn mực thẩm mỹ đối với thơ. Như vậy sẽ kéo tụt chất lượng, đi ngược lại quy luật phát triển của loại hình văn nghệ rất có truyền thống này.

Xin đừng phụ lòng người yêu thơ - 1

Ảnh minh họa 

Đã có một sự thật: chất lượng thơ hiện không mấy được nâng cao nếu không nói là ngày càng đi xuống. Tỷ lệ giữa số lượng và chất lượng thơ không tương xứng. Hàng ngày, hàng tuần có tới cả trăm tập thơ được in ra, hàng nghìn bài thơ xuất hiện trên báo chí nhưng thử hỏi có được tỉ lệ bao nhiêu bài thơ hay? Phần lớn chỉ tầm tầm, thường thường bậc trung hoặc nhạt nhẽo, vô thưởng vô phạt. Những bài hay khiến người đọc thích thú không phải là không có nhưng chiếm tỉ lệ quá ít.

Tôi xin phép được dẫn ra đây một số câu thơ tiêu biểu cho sự… dở được trích trong những bài thơ dở. Những dẫn chứng này là ở những bài thơ tôi đã đọc trong thời gian gần đây (trên báo chí, trong những tập thơ mới xuất bản được các tác giả tặng…). Để cho tế nhị, tôi xin không nêu tên cụ thể tác giả và tờ báo đã đăng thơ của họ. Vì “nói phải có sách, mách có chứng” nên tôi buộc phải dẫn cụ thể. Xin được các vị tác giả lượng thứ, đại xá.

Tình trạng phổ biến nhất là văn vần hóa thơ. Những câu thơ sau đây có đầy rẫy ở mọi trang thơ trên báo, mọi tập thơ của các nhà xuất bản từng có uy tín trong lòng bạn đọc. Một tác giả mở đầu bài thơ “Trước ngục Sơn La” viết: “Xà lim/ Gông cùm/ Chứng nhân tội ác/ Tôi đến đây/ Rưng rưng nước mắt/ Trước những người chiến sỹ hy sinh…”. Đó là những lời kể chuyện nôm na, bất cứ ai cũng có thể nói. Không thể gọi được là thơ.

Một tác giả khác, trong bài “Bên giấc ngủ của con” viết toàn những câu đại loại: “Con đau ốm lâu ngày/ Mệt mỏi trong người, buồn bực chân tay/ Chỉ lúc ngủ mới được thanh thản/ Giấc ngủ của con nhiều khi gián đoạn/ Bởi những cơn hoảng loạn chen vào”. Cả tập thơ gần 50 bài có nhiều bài viết theo kiểu như thế, chỉ là văn xuôi. Có chút khác chăng có lẽ là ở việc gieo vần điệu ở một vài câu và viết thành nhiều dòng chứ không liền mạch như bài văn xuôi.

Ở một bài khác có tên “Em hãy đi hết con đường mình chọn”, tác giả này viết: “Em hãy đi hết con đường mình đã chọn/ Đừng ngại ngùng mà tự tin lên” và: “Nếu có khi nào va chạm, vấp ngã/ Thì em ơi chớ lấy làm buồn”. Hai câu trên thậm chí còn chưa gọi được là văn xuôi mà chỉ là khẩu ngữ (parlando) bởi những từ ngữ “tự tin lên”, “lấy làm buồn”.

Một nhà thơ tuổi đã cao, không đến nỗi quá xa lạ với bạn đọc, từng có tới trên chục tập thơ đã xuất bản mà nỡ làm những câu thơ như sau: “Hôm nay về chiến khu xưa/ Tôi vừa hồi hộp lại vừa rưng rưng/ Trong lòng rộn rã, tưng bừng/ Khi nhìn lúa chín nhiều tầng bậc thang/ Lòng càng phơi phới lạc quan/ Chiến khu xưa rất đàng hoàng hôm nay”(Về lại chiến khu xưa). Trời ơi! Tôi không thể tin nổi nhà thơ này lại đến nỗi lẩm cẩm như thế. Nhưng đọc năm sáng tác in ở cuối bài thì thấy ông viết cách đây đã 8 năm lúc mới ngoài 60 tuổi. Tuổi đó chưa thể lẩn thẩn đến như vậy được. Thơ quá dễ dãi, dông dài đã đành. Lại còn viết: “Chiến khu xưa rất đàng hoàng hôm nay”. Nói vậy chẳng hóa chiến khu xưa không đàng hoàng? Chỉ vì ép vận mà diễn đạt ẩu, phản tư tưởng!

Ngược lại với sự quá dễ dãi, lười lao động ở trên là sự “lập dị” trong tìm kiếm chữ nghĩa khiến câu thơ trở nên tối nghĩa, không thể... tiêu hóa. Trong bài thơ của mình, một tác giả viết : “Sông Hồng mang mang/ Tình ca chiến sỹ”. Vì không muốn viết “mênh mang” quá bình thường, nên tác giả đã cố ý “sáng tạo” ra từ “mang mang”. Nhưng người đọc không thể chấp nhận. Cứ đà này có lẽ mọi từ ngữ đã quen thuộc sẽ đều được tác giả sáng tạo khác đi, ví như cánh đồng ba la (thay cho bao la), con suối rách rách thay cho róc rách, con đường ngoèo ngoèo thay cho ngoằn ngoèo…

Cũng tác giả này ở một bài khác có tên “Suối Hai” viết “Suối Hai nước chảy leo kheo/ In hình núi Tản, mây treo bóng rừng”. Có lẽ tác giả muốn nói suối Hai nước chảy không mạnh, dòng suối không rộng, chảy không xiết, hình như nước còn lẩn khuất, không nhìn rõ. Nghĩa là có thể không nhìn thấy vì nó ẩn náu trong khe đá hoặc rừng cây. Nhưng đó là tôi suy đoán như vậy, chứ phần đông người đọc sẽ thấy cái từ “leo kheo” này thật kỳ cục.

Một nhà thơ khác trong bài thơ “Dự đám cưới người xưa” của mình có hai câu: “Em càng sang sính bao nhiêu/ Tôi càng thắt thót thật nhiều khổ đau”. Chắc tác giả muốn nói bộ đồ cưới của em càng xúng xính, sang trọng bao nhiêu thì lại càng khiến tim mình quặn thắt và thót lại bấy nhiêu. Những từ “sang sính”, “thắt thót” là không thể chấp nhận. Rất nhiều từ ngữ, chữ nghĩa kỳ quặc khác ở nhiều bài thơ, của nhiều tác giả mà tôi không thể dẫn tiếp.

Xin lưu ý rằng những dẫn chứng trên đều của những người làm thơ đã có nghề, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, có người còn là nhà thơ ít nhiều đã có tên chứ không phải của những người lạ hoắc, là quần chúng yêu thơ. Và điều đáng nói nữa là ở đầu những tập thơ có những bài dạng như trên đều có những bài giới thiệu với những lời bốc thơm của người viết đã không tiếc những từ phong tặng như: thơ giàu cảm xúc, ấn tượng, nhiều tầng ý nghĩa, sâu sắc…

Khi mà người người làm thơ, nhà nhà in thơ thì chất lượng không được như ý là dễ hiểu. Nhưng điều đáng nói là: thơ hay ít hơn thơ dở rất nhiều, vậy mà trên báo chí chỉ thấy khen chứ hầu như rất ít khi chê. Nhiều tờ báo còn có mục chuyên giới thiệu những tập thơ mới xuất bản. Mặc dù chất lượng những tập thơ này rất bình thường, thậm chí có nhiều bài dở, nhưng đều được những cây bút viết bài giới thiệu tán dương với những lời khen quá mức mà tác giả chưa đạt được.

Bình thơ, giúp độc giả đến với những bài thơ hay là việc làm cần thiết, giúp nâng cao khả năng cảm thụ thơ, bồi dưỡng thẩm mỹ cho người đọc. Nhưng phải là những bài thơ thực sự hay, đặc sắc và người bình phải có khả năng thẩm thơ tinh tế, biết phát hiện vẻ đẹp còn tiềm ẩn trong mỗi câu chữ của bài thơ. Tình hình phổ biến hiện nay là thơ chọn để bình chưa đặc biệt và người bình cũng chỉ tán dương chung chung như lối bình giảng của các giáo viên dạy văn ở phổ thông, chứ chưa khai thác được vẻ đẹp độc đáo của bài thơ. Có lẽ bởi vì bài thơ chọn để bình không có được vẻ đẹp đó nên làm sao có thể khai thác?

Xin được trở lại vấn đề ban đầu đặt ra: Người Việt ta có truyền thống yêu thơ thật đáng trân trọng. Nhưng xin giới làm thơ và phê bình thơ chớ lạm dụng để đưa ra đời sống những bài thơ dở, chưa có thể gọi được là thơ. Như vậy sẽ tổn hại đến năng lực cảm thụ cái đẹp của công chúng, và còn phụ lòng yêu thơ rất hồn nhiên của họ.

Nguyễn Đình San

Tin liên quan

Tin mới nhất