Y Mùi và tập truyện ngắn “Phận đàn bà”

Y Mùi vốn là bác sĩ. Chị đã nghỉ hưu, nhưng hiện chị vẫn làm việc như một bác sĩ tư nhân. Y Mùi mới đến với văn chương trên dưới 10 năm nay. Đã bén duyên với văn chương muộn mằn như thế lại còn bị điều tiếng, đại khái Y Mùi trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam là nhờ cái bóng của chồng - tức nhà thơ Trần Quang Quý - Nói như thế cũng còn có nghĩa là tác phẩm của Y Mùi chưa có gì đáng bàn cả!

Khi đọc tập truyện ngắn Phận đàn bà thì tôi nhận thấy, tất cả những điều tiếng về chị chỉ là những lời thị phi mà phần nhiều là người này nói theo người kia; văn của Y Mùi chẳng có chút ảnh hưởng nào từ Trần Quang Quý. Trần Quang Quý chủ yếu làm thơ; cũng có viết truyện ngắn, nhưng truyện ngắn của anh viết theo cách tùy hứng, gần với thơ. Còn truyện ngắn của Y Mùi tỏ ra rất có nghề: bố cục chặt chẽ, thắt mở hợp lý, cảm xúc thay đổi theo từng mạch văn, từng tính chất của câu chuyện. Truyện nào Y Mùi cũng viết từ sự trải nghiệm của chính mình. Truyện nào cũng có cốt truyện. 15 truyện trong Phận đàn bà là 15 cốt truyện khác nhau, không có sự trùng lặp. Các cốt truyện đều không bắt đầu từ việc tác giả nghĩ ra cốt truyện rồi mới tìm tình tiết, chi tiết để “đắp” vào; viết như thế nếu non tay sẽ bị khiên cưỡng, thiếu tự nhiên.

Với truyện ngắn cũng như tiểu thuyết, có hư cấu đấy, điển hình hóa đấy, những văn chương phải diễn đạt tự nhiên, sống động như cuộc đời mới hay. Các cốt truyện của Y Mùi phần lớn đều xuất phát từ sự quan sát, chiêm nghiệm cuộc sống, cuộc đời mà hình thành nên; tùy theo cốt truyện dài, ngắn, bằng phẳng trữ tình hay lắt léo gập nghềnh mà hình thành kết cấu, bố cục. Tất cả đều được thể hiện một cách tự nhiên, hợp lý. Các tình tiết, chi tiết đều sống động, tươi ròng hơi thở cuộc sống. Hầu như không có tình tiết, chi tiết nào nhạt nhẽo, nhàm tẻ, gượng gạo. Không ít những chi tiết gây ấn tượng mạnh, ám ảnh người đọc. Chẳng hạn Y Mùi mô tả cô gái bước vào tuổi dậy thì trong truyện Lan ham vui thì đúng phải là bác sĩ chị mới hiểu rành rẽ tâm lý lứa tuổi này đến thế. Hoặc như nhân vật người mẹ bị đẩy đến tận cùng thống khổ trong Mẹ người, bạn đọc như ngạt thở về sự bạo tàn, nhưng giá trị nhân bản vẫn lấp lánh sau từng con chữ.

Y Mùi và tập truyện ngắn “Phận đàn bà” - 1

Tập truyện ngắn "Phận đàn bà" của nhà văn Y Mùi.

Y Mùi không chấp nhận sự bằng phẳng, nhàn nhạt. Nhân vật bà Tân trong truyện Mụ Tân, một người đàn bà có chút tài năng văn chương, và trên con đường đi của Tân thật lắm chông gai, ghềnh thác. Mụ nếm đủ mùi ái ố hỷ nộ của kiếp người. Không ít người tỏ nỗi lo ngại cho Tân. Nhưng ngay cả lúc Tân rơi vào tình trạng trắng tay cũng không một ai xem thường Tân. Đấy là điều quan trọng bậc nhất đối với người cầm bút. Trong Chuyện buồn kể cuối năm, cùng trong một bầu “khí quyển” xã hội cũng như gia đình mà sự phân hóa rất đáng sợ. Người vợ ngày càng sống “có đạo” thì người chồng lại ngày càng trở nên “vô đạo”. Sự khác biệt ấy, điều gì phải đến khắc đến. 

Có những truyện tác giả thể hiện theo cách trần trụi. Tất cả những hay dở ở đây đều bị đẩy đến tận cùng. Một người đàn bà nọ, (tác giả gọi là Mụ chứ không đặt tên trong truyện ngắn Phù thủy già lan man tự truyện) thuộc hàng cán bộ cộm cám của ngành nọ, cái ngành nghe tiếng rất oai nhưng thực chất họ làm chơi ăn thật. Văn hóa của Mụ chỉ hết phổ thông, rồi hàm thụ ít ngày cho có cái văn bằng phù hợp với hàm tước. Khi “vào cầu”, Mụ tiến nhanh vù vù trên con đường quyền lực. Tôi nhớ một câu văn của một văn hào Nga, có câu “quyền lực ăn mòn nhân bản” thật đúng với Mụ. Cái cách ôm chân cấp trên và cách tiêu diệt người không cùng phe cánh; cất nhắc kẻ xu phụ cũng như cách ăn tiền hối lộ đều rất trắng trợn. Đọc truyện mà thấy ghê rợn về Mụ, về bao nhiêu điều còn khuất lấp trong công việc lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ một thời, nay cũng còn đang rất thời sự. 

Trong Chuyện nhà người, mô tả một cặp vợ chồng trí thức trứ danh sánh vai nhau đến Văn Miếu - Quốc Tử giám, nơi trang trọng linh thiêng nhất của Văn hiến Việt Nam, để dự lễ phong hàm giáo sư, phó giáo sư. Nhưng trong cái giờ phút thiêng liêng bậc nhất của cuộc đời ấy, nhà văn Y Mùi đã mạnh dạn lột cái vỏ bọc bên ngoài, phơi lộ cái lỗ hổng, cái bất cập của ông giáo sư cho thiên hạ biết (mà trong cuộc sống hôm nay không chỉ có một ông giáo sư như thế). 

Còn ở truyện Rể phố thì vấn đề “ác giả ác báo” đặt ra tưởng như đã quá quen thuộc, tưởng như đó là loại truyện ngắn có tính “luận đề”, nhưng mọi tình tiết, chi tiết diễn ra trong Rể phố lại rất mới mẻ, diễn biến và kết thúc gây bất ngờ cho người đọc.

Y Mùi và tập truyện ngắn “Phận đàn bà” - 2

Nhà văn Y Mùi.

Truyện hay nhất trong tập Phận đàn bà, theo tôi, đó là truyện Nợ từ kiếp trước viết về di chứng, di hại của cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Chủ đề này đã nhiều người viết, nhưng Y Mùi vẫn có một cách khai thác và lối viết riêng. Anh bộ đội thương binh tên là Hạnh sau chiến tranh được xuất ngũ trở về làng, về với người vợ xinh đẹp tảo tần nhiều năm chờ đợi tên là Thơm. Ai cũng mừng cho họ. Cứ  quan sát cái cách họ sống với nhau vào ban ngày thì người làng thấy họ rất hạnh phúc. Nhưng cứ cách mấy hôm vào lúc đêm khuya, Thơm lại cầm máy điện thoại gọi cho Nhài, chị gái cô. Thơm khóc lóc tố cáo với chị vừa bị chồng đánh thập tử nhất sinh. Sáng hôm sau Thơm không dám vác cái mặt bầm tím, sưng vù ra ngoài đường. Sau cơn giận dữ ấy, Hạnh lại xin lỗi Thơm, vì những hành động vũ phu nhuốm màu bệnh hoạn ngoài tầm kiểm soát của anh. Sự thật là Hạnh rất yêu thương vợ. Thì ra những vết thương trong chiến tranh đã làm cho Hạnh bất lực, mỗi lần quan hệ với vợ không thỏa mãn, Hạnh lại nổi cơn điên đánh đập Thơm như đánh đòn thù. Đến một ngày, trời còn chưa sáng, Nhài lại nhận được cú điện thoại của Thơm nói rằng cô vừa bị chồng đánh thừa sống thiếu chết. Thơm thông báo với chị gái sẽ dứt tình với chồng và cô bỏ về nhà bố mẹ đẻ. Được ít hôm, khi chồng sang xin lỗi bố mẹ vợ, xin lỗi cô thì Thơm lại thấy thương chồng. Cô nghĩ lại và cảm thấy không bỏ được người chồng ấy. Thế là Thơm quyết định trở lại chung sống với Hạnh, và chắc chắn rồi lại tiếp tục bị đánh đập hành hạ hàng đêm…

Đọc truyện này bạn đọc không khỏi day dứt đớn đau, thương cho số phận cả Hạnh và Thơm. Giá trị văn chương của tác phẩm là ở chỗ khiến bạn đọc day dứt khôn nguôi ấy. 

Tôi chưa có dịp đọc tất cả các tác phẩm của Y Mùi. Riêng tập Phận đàn bà mà tôi đang nói đến, trừ một vài truyện mạch văn còn lặp lại một cách chưa hợp lý, thì Phận đàn bà là một tập truyện ngắn rất xứng đáng được bạn đọc đón nhận và ngợi ca.

Lê Hoài Nam

Tin liên quan

Tin mới nhất

Thưởng lãm những tác phẩm mỹ thuật rực rỡ sắc Xuân

Thưởng lãm những tác phẩm mỹ thuật rực rỡ sắc Xuân

Giới thiệu tới công chúng các tác phẩm của các họa sĩ, nhà điêu khắc được sáng tác trong thời gian gần đây về chủ đề mùa Xuân, tình yêu quê hương đất nước tươi đẹp, triển lãm mỹ thuật “Khai Xuân” giúp người xem cảm nhận được một mùa Xuân mới đang tới trên mọi miền của Tổ quốc, mang theo niềm tin, ước vọng về một năm mới an lành, hạnh phúc.