Lê Minh Khuê: “Phương Định là một phần của tôi thời son trẻ…”

(VHNT) - Những ngôi sao xa xôi là truyện ngắn đặc sắc của nhà văn Lê Minh Khuê về 3 nữ thanh niên xung phong gan dạ, kiên cường. Bên cạnh đó, tác phẩm còn là hồi ức về một thời chiến khốc liệt nhưng đẹp đẽ, gai góc nhưng đầy chất thơ, và đặc biệt là dấu ấn về khoảng trời văn học ngập tràn thanh xuân của chính tác giả.

“Phương Định là một phần của tôi thời son trẻ…”

Những ngôi sao xa xôi là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Lê Minh Khuê sáng tác năm 1971 kể về 3 nữ thanh niên xung phong Phương Định, Nho, Thao. Họ là những cô gái trong tổ trinh sát mặt đường với nhiệm vụ phá bom, bằng sự gan dạ, trách nhiệm cùng tinh thần lạc quan, giữa rừng núi bạt ngàn và chiến tranh ác liệt, họ vẫn tràn đầy tự do, lý tưởng và khao khát về một tương lai tốt đẹp.

Trong ký ức của Lê Minh Khuê, cảm hứng để tác giả viết Những ngôi sao xa xôi xuất phát từ trải nghiệm của chính mình: “Năm 1965, tôi có tham gia thanh niên xung phong, nhưng hồi đó ý niệm để viết chưa nhiều. Năm 1971, tôi là phóng viên báo Tiền Phong, khi đi làm báo và ở với đơn vị, tôi mới nghĩ rằng nếu mình viết về họ thì thật đặc biệt. Cuộc sống ở đấy vui lắm, rất hồn nhiên, vô tư dù công việc có nhiều nguy hiểm.”

Nhân vật trung tâm của truyện là Phương Định – một cô gái gốc Hà Nội với ngoại hình trẻ trung, Phương Định cùng những người bạn của mình sống và chiến đấu trên cao điểm tại tuyến đường Trường Sơn. Truyện được kể theo ngôi thứ nhất, nhân vật Phương Định xưng “tôi” nên vì thế, rất nhiều đọc giả cho rằng, Phương Định chính là hiện thân của Lê Minh Khuê ngoài đời thật.

“Phương Định là một phần của tôi thời son trẻ, hồi đó còn ít tuổi, mới 19, 20, người ta yêu bản thân, có cá tính và đâu đó, dáng vóc, cách hành xử của Phương Định là tôi của thường ngày. Tuy không thể giống hoàn toàn nhưng cũng có chút nào đó.” – nhà văn hài hước chia sẻ.

Văn học thời chiến với lượng tác phẩm đồ sộ từ tiểu thuyết, thơ, trường ca, bút ký…Câu chuyện về anh thanh niên xung phong, cô thanh niên xung phong là không hề mới, nhưng giữa một rừng thơ văn ấy, Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê vẫn được đọc giả yêu mến bởi một lý do đặc biệt:

“Thời đó văn học thường viết theo khuôn mẫu nên đôi khi tính cách của nhân vật không được bộc lộ một cách rõ ràng. Những ngôi sao xa xôi chú trọng xây dựng vào cá tính nhân vật, viết theo ngôn ngữ của nhân vật khiến nó có tính cách riêng.”

Soi chiếu trong truyện ngắn, 3 nhân vật nữ thanh niên xung phong tuy cùng nơi ở, cùng công việc nhưng lại thể hiện 3 nét tích cách rất khác biệt. Chị Thao lớn tuổi hơn nên chững chạc, Nho tinh nghịch, đáng yêu và nổi bật là Phương Định rất kiên cường, can đảm và cũng đầy kiêu hãnh. Cô nhạy cảm, ý thức được giá trị bản thân mình:

“Tôi là con gái Hà Nội. Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo cô có cái nhìn sao mà xa xăm.”

                                                                                                                     (Trích đoạn Những ngôi sao xa xôi)

Đến với Những ngôi sao xa xôi, sự tài năng của Lê Minh Khuê được thể hiện ở khả năng miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật một cách tài tình, sống động và rất giàu nữ tính. Thành công của truyện ngắn được minh chứng bằng việc được in trong cuốn The art of the short story (Tạm dịch: Nghệ thuật truyện ngắn) sánh vai cùng các tên tuổi lớn trên thế giới như Ernest Hemingway, Franz Kafka,… Sau khi được in trên tạp chí “Tác phẩm mới”, Những ngôi sao xa xôi đã được đưa vào chương trình sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2. Nhà văn chia sẻ:

“Tôi cảm thấy rất mừng, rất thích khi tác phẩm được đưa vào giảng dạy cho học sinh lớp  9, đây là lứa tuổi trẻ trung, có sự gần gũi với nhân vật nên dễ trò chuyện, tương tác với tác phẩm hơn.

Tôi vẫn hay gặp các bạn đã từng đọc, học Những ngôi sao xa xôi, có một cô bé ở tận Lạng Sơn khi gặp tôi đã háo hức nhận “Cháu là Nho đây!”, đó là niềm vui lớn với tôi vì truyện đã đồng hành, làm bạn được với tuổi trẻ, thêm nữa để giảng dạy cũng không quá khô khan.”

Lê Minh Khuê: “Phương Định là một phần của tôi thời son trẻ…” - 1 Chân dung nhà văn Lê Minh Khuê Một tác giả yêu mến thanh xuân

Bàn về các sáng tác của Lê Minh Khuê, nhà văn Tạ Duy Anh đã từng nhận xét:

“Lê Minh Khuê là người sùng bái tuổi trẻ. Tất cả những nhân vật trẻ của chị Khuê đều trải qua những giây phút ghê gớm của cuộc đời nhưng cuối cùng đều giữ được hạt ngọc của nhân cách.

Thế hệ trẻ chính là những người phải nắm lấy vận mệnh của chính mình. Những hiện thực mà chị đã nêu lên cộng với yếu tố hài hước khiến cho tác phẩm của chị, dù nặng nề đến đâu, dù khốc liệt đến đâu, dù cho đọc cảm thấy rợn người đến đâu, nhưng cuối cùng, chúng ta -  người đọc vẫn tìm được sự bám víu, vào chiếc phao cứu sinh để hi vọng vào sự vĩnh cửu”

Đúng vậy! Chính Lê Minh Khuê cũng phải công nhận mình mê tuổi trẻ, mê cuộc sống, dành trọn tình yêu cho cuộc đời này.

“Tôi luôn cho rằng, tuổi trẻ là khoảng thời gian quý giá nhất mà ông trời ban cho mỗi người, bao nhiêu tiền cũng không thể đánh đổi. Tôi cũng viết rất nhiều về tuổi trẻ, cả thời chiến và hậu chiến, câu chuyện về những người trẻ với trái tim nhiệt huyết, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh, đó là vẻ đẹp của mọi thời đại.”

Có thể thấy các tác phẩm của Lê Minh Khuê,  nhân vật nào cũng trẻ, cũng hồn nhiên và đầy lí tưởng. Từ Những ngôi sao xa xôi, Cao điểm mùa hạ hay Nhiệt đới gió mùa.

Trong Những ngôi sao xa xôi, Phương Định biết cô có thể chết bất cứ lúc nào, mỗi lần phá bom là một lần đánh cược với tính mạng. Nhưng cô không sợ, cô quyết “không đi khom” vì rất có thể các anh cao xạ sẽ nhìn thấy.

 Thanh xuân ấy còn là những sở thích trẻ trung, Nho thích thêu thùa, chị Thao hay hát và chép bài hát, Phương Định thích ngắm mình trong gương. Họ thích thú, ngạc nhiên, đùa giỡn như những đứa trẻ khi lần đầu chứng kiến mưa đá trong rừng.”

Bởi lẽ ấy, người đọc phần nào thấy mình trẻ lại, sức trẻ làm dịu đi cái khốc liệt, tàn bạo của chiến tranh, sức trẻ làm người ta có thêm niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn sau những tháng năm khói lửa. Và hơn hết, ngòi bút tràn đầy thanh xuân của Lê Minh Khuê theo thời gian vẫn là sợi dây gắn kết bền chặt giữa quá khứ và hiện tại, là nơi bầu bạn của đọc giả, học sinh nhiều thế hệ.

Lê Minh Khuê, tên khai sinh là Lê Thị Minh Khuê, sinh ngày 6 tháng 12 năm 1949 tại quê ngoại Lan Châu, Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Quê nội bà ở xã Hải An, Tĩnh Gia, Thanh Hóa.

Năm 1965, Lê Minh Khuê tham gia lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ. Năm 1967 bà có những bài báo đầu tiên và năm 1969 bắt đầu viết văn. Đề tài chính của thời kỳ chiến tranh trong sáng tác của bà là đời sống cuộc chiến, máu lửa nhưng con người được tinh thần lạc quan liên kết.

Bên cạnh việc viết văn, Lê Minh Khuê từng là phóng viên báo Tiền phong, phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng (đi B, về Đà Nẵng năm 1975 cùng đơn vị quân đội), phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam, biên tập viên Nhà xuất bản Hội Nhà văn từ 1978 đến khi nghỉ hưu.

Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi viết năm 1971, in trên tạp chí "Tác phẩm mới " cùng năm đó, đã được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn lớp 9 (tập 2). Truyện ngắn này cũng được in trong tuyển tập The Art of the Short Story của Nhà xuất bản Wadsworth, Hoa Kỳ, bên cạnh tác phẩm của nhiều tác giả nổi tiếng thế giới.

                                                                                                                                                                   Hà My None

Tin liên quan

Tin mới nhất