Vĩnh An - Đàm Liên: Hạnh phúc từ tình yêu đơn phương

(Arttimes) - Đó là chuyện của cố nhạc sỹ Vĩnh An – giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, tác giả những bài hát nổi tiếng: Dấu chân trên rừng, Đi tìm người hát Lý thương nhau, Nắng ấm quê hương…

Tôi có may mắn được là chỗ bạn bè, anh em với Vĩnh An và phu nhân của ông là NSND Đàm Liên – diễn viên tuồng xuất sắc. Bởi vậy mà cuộc sống của họ, tôi rất tường tận. Vĩnh An đi sáng tác ở đâu thường rủ tôi đi cùng để vừa sáng tác, vừa viết báo (tôi có một thời gian dài làm báo). Trong một dịp đi như thế, đêm về ngủ cùng phòng, trằn trọc khó ngủ, hai anh em nói chuyện có khi đến gần sáng mới chợp mắt. Vĩnh An đã kể cho tôi nghe đủ chuyện, trong đó có chuyện tình yêu rồi hôn nhân của ông. Là nhạc sỹ sáng tác có tâm hồn rất lãng mạn nhưng ông không lãng tử, “ga-lăng” như ta vẫn thấy ở nhiều người khác mà ông hiền khô, ít nói, khi nói lại rất nhỏ nhẹ, kiệm lời. Ông cười cũng chừng mực. Rất vui đấy nhưng không bao giờ phát ra tiếng. Có ức chế, bực mình đến đâu, cũng không to tiếng, nặng lời với bất cứ ai. Ông tâm sự chuyện đi “tán” để kiếm vợ rất thật thà, hồn nhiên. Ông cứ rủ rỉ kể, không hùng hồn, bổng, trầm lên xuống mà tôi bị cuốn hút.

Vĩnh An - Đàm Liên: Hạnh phúc từ tình yêu đơn phương - 1

Nhạc sĩ Vĩnh An và NSND Đàm Liên

Nghe xong chuyện tình của ông, tôi nói:

- Chuyện tình của anh quá hay. Em viết lại rồi cho đăng ở báo em nhé.

 (Khi ấy, tôi là phóng viên nghệ thuật của Báo Văn hóa – Nghệ thuật).

Vĩnh An mỉm cười kèm cái lắc đầu khiến tôi mất hứng:

- Chớ vội. Để mình còn trao đổi với “bà xã” đã, vì liên quan đến “bả” (bà ấy) mà.

Thấy cái “tư liệu” về mối tình Vĩnh An – Đàm Liên quá thú vị nên tôi quyết theo đuổi. Mấy hôm sau, tôi chủ động đạp xe đến nhà ông (khi ấy chưa có điện thoại như bây giờ). Nhạc sỹ đi vắng, chỉ có phu nhân ở nhà. Nhìn thấy tôi, bà nói luôn:

- Mình biết San đến về chuyện gì rồi. Anh An đã nói với mình. Rất hoan nghênh và cảm ơn San. Nhưng thôi. Chuyện của bọn mình thì nhiều lắm. Nhưng nói ra lúc này không tiện. Người ta lại nghĩ chúng mình nhờ báo chí để đánh bóng thêm tên tuổi.

- Cả anh lẫn chị đã quá nổi tiếng rồi. Không ai nghĩ sẽ cần phải nổi tiếng thêm làm gì nữa. Sao phải e ngại điều này?

- Thôi. San hãy chiều bọn mình. Để khi nào cả hai chúng mình rời khỏi cõi tạm này thì bạn cứ tha hồ mà viết, miễn là nói đúng sự thật.

- Trời ơi! Chị nói “gở” thế. Đã vậy thì tôi cũng nói “gở” luôn: Thế ngộ bậc đàn em đây nhanh chân “đi” trước thì sao?

Cả hai phá lên cười. Đàm Liên thật tếu:

- Thì Nguyễn Đình San cho đăng báo ở cõi đó. Toàn những người đang yên nghỉ nên ai cũng thừa thời gian để đọc.

Bà khăng khăng giữ ý nên tôi không thể gắng gượng.

Và sau đó, năm 1994, Vĩnh An qua đời. Qua đi những ngày tháng đau buồn, Đàm Liên đã dần trở lại nhịp sống cũ. Một lần gặp bà, nhân người nữ nghệ sỹ tài ba nhắc đến phu quân, tôi bày tỏ niềm tiếc là ông bà đã không đồng ý để tôi viết về chuyện tình của họ. Bà lại khôi hài:

- Này. Đừng có tiếc chuyện đó mà mong Liên này đi theo Vĩnh An đấy nhé. Anh ấy luôn mong mình không được đi theo. Vâng lời anh ấy, mình còn sẽ nấn ná trên cõi tạm này. Cậu còn lâu mới thực hiện được ý định nhé.

Lại cùng cười rộ. Và rồi thì 26 năm sau, không thể cưỡng lại được số mệnh, Đàm Liên đã qua đời ngày 25/4/2020. Viếng bà, tôi lại triền miên nhớ Vĩnh An, nhớ câu chuyện tình ông kể tôi nghe từ mấy chục năm trước. Và giờ là lúc tôi có thể thực hiện được ý định từ ngày ấy mà khi đó, chưa được ông chấp thuận.

Vĩnh An quê ở ấp Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Đàm Liên thì quê ở Tuy Hòa. Sau hòa bình lập lại (1954), cả hai người đều được tập kết ra Bắc. Sau đó, Vĩnh An là Trưởng đoàn Văn công quân khu 4, Đàm Liên là diễn viên Đoàn Tuồng Trung ương (nay là Nhà hát Tuồng Việt Nam). Một lần Đàm Liên vào biểu diễn dài ngày ở khu 4, lần nào nữ diễn viên tài sắc nổi trội này diễn xong, cũng thấy một chàng bộ đội cao lều nghều, đeo cặp kính cận đít chai dầy cộp lên tận sân khấu tặng hoa mình. Chỉ là hoa rừng nhưng khiến Đàm Liên rất cảm kích. Tuy nhiên, bà không mấy chú ý đến chàng, chỉ quý hóa như quý tất thảy mọi người ngưỡng mộ mình. Thế rồi Vĩnh An tìm cách dò hỏi cho ra nơi đoàn Tuồng đóng quân và mò đến tìm người đẹp. Lúc này Vĩnh An đã có mấy ca khúc rất nổi tiếng là Dấu chân trên rừng, Gửi anh lính bờ Nam, Chim boong – kle được nhiều người biết đến. Nhưng vốn có bản tính khiêm tốn không tự giới thiệu về mình, hình hài bên ngoài lại quá giản dị đến mức sơ sài, thậm có phần cẩu thả trong cách ăn mặc, ông chỉ nói với mấy người của đoàn tuồng là muốn gặp Đàm Liên, nể vị khách mà nữ diễn viên miễn cưỡng ra tiếp. Thấy người đẹp có phần không hào hứng tiếp mình, chỉ ngồi không đến 10 phút, nhạc sỹ cáo lui.

Thấy buổi diễn tuồng nào, Vĩnh An cũng lên tặng hoa cô nữ diễn viên xinh đẹp, anh em trong Đoàn Văn công QK 4 có ý “vun vào”. Một cậu nhạc công trẻ của Đoàn nói: “Em với chị Liên là chỗ quen biết thân thiết. Nếu sếp muốn, em sẽ “bắc cầu” cho sếp”. Cậu diễn viên hiền lành, thật thà, ai cũng quý mến nên Vĩnh An rất tin và không giấu, đã “khai” với cậu là mình rất mê Đàm Liên. Ông cũng nói có đến thăm nhưng cô ta không nhiệt tình tiếp. Cậu lính nói ngay: “Sếp yên tâm, em sẽ dẫn đến chơi với chị ấy. Không lẽ không tiếp chú em quý hóa lâu lắm chưa gặp”. Nói là làm, sau đó cậu đưa Vĩnh An đến gặp Đàm Liên. Lần này, do có cậu kia mà người đẹp đã nhiệt tình hơn với ông sếp của cậu.

Vĩnh An - Đàm Liên: Hạnh phúc từ tình yêu đơn phương - 2

Đàm Liên trong tiết mục

Ông già cõng vợ đi xem hội

Sau lần ấy, Vĩnh An tự tin hơn. Tuy vậy, lần nào đến với Đàm Liên, ông cũng rủ cậu lính kia đi cùng. Nhưng cậu từ chối: “Sếp tự độc lập tác chiến đi. Giờ mà em cùng đến nữa thì biết bao giờ mới hạ được đồn địch?” Cậu bồi thêm một câu: “-Tài năng, có bài hát nổi tiếng như sếp thì quá thuận lợi rồi”. Vĩnh An lắc đầu: “Với cô ấy, những thứ ấy không có nghĩa gì. Thiếu gì người hơn mình mọi thứ muốn có cô ấy”. “Em thấy chị ấy cũng quý sếp mà. Mấy lần mình muốn về, chị ấy có cho về đâu”.

Được cậu lính khích lệ, cổ vũ, Vĩnh An lại liên tục tặng hoa, đến chơi. Nhưng phía người đẹp vẫn chỉ là sự trân trọng chàng văn công quân đội nhiệt tình, ngưỡng mộ mình. Đến khi Đàm Liên hết hạn phục vụ ở khu 4, trở ra Hà Nội, Vĩnh An biên thư, thổ lộ rõ tình cảm của mình. Nhưng nàng vẫn không bồi âm. Quá si tình, ông quyết định từ bỏ chức trưởng Đoàn để ra Bắc, làm chuyên viên Vụ Nhạc, múa (nay là Cục Biểu diễn Nghệ thuật) với mục đích sẽ có điều kiện để “hạ gục đối thủ”. Một bữa kia, Vĩnh An đột ngột xuất hiện trước Đàm Liên. Bà ngơ ngác: “Anh đi đâu vậy?” Nhạc sỹ rất tự tin: “Ra thăm em chứ còn đi đâu nữa!” Rồi ông nói rõ việc mình xin thôi chức vụ trong Khu 4, ra Hà Nội làm chuyên viên để yêu bằng được bà. Đàm Liên sững sờ, không biết nói gì, nhưng thực sự cảm động.

Những ngày tháng này, bà đang rất trống trải, hụt hẫng bởi vừa kết thúc một cuộc tình đẹp như mơ. Vĩnh An đã nói chuyện nhiều với bà về nghệ thuật tuồng, về bài chòi, dân ca khu 5. Ông tỏ ra am hiểu sâu sắc lĩnh vực bà đang hoạt động. Dần dần, bà không còn lạnh lùng, hờ hững với ông nữa, đã bắt đầu cảm thấy mình cần có người đàn ông này trong cuộc đời, nhất là chia sẻ được với mình trong nghề nghiệp. Thế là bà gật đầu.

Vĩnh An nhớ như in mọi chi tiết những ngày đầu tiên ông theo đuổi Đàm Liên. Ông kể rằng hồi ấy trong giới nghệ sỹ đã truyền tụng 2 câu thơ: “Nực cười nhạc sỹ Vĩnh An/ Bỏ ra Hà Nội vì nàng Đàm Liên”. Về sau, Đàm Liên luôn khẳng định: Mặc dù có nhiều đàn ông cùng một lúc săn đón ngay cả khi đã có chồng, nhưng bà ngày càng thấy quyết định gắn bó với Vĩnh An là chính xác. Ông đã đem đến cho bà hạnh phúc thực sự, khiến bà luôn được chắp cánh trong sự nghiệp. Vĩnh An thì nói nhờ có tình yêu này, ông đã viết nên những bản tình ca dễ dàng mà hai bài đặc sắc được công chúng ưa thích là Đi tìm người hát Lý thương nhauNắng ấm quê hương. Ông nói một câu đến giờ tôi vẫn nhớ mãi: “Hóa ra tình yêu đơn phương của mình rồi cũng dẫn được đến hạnh phúc, mà là hạnh phúc trọn vẹn, viên mãn. Mới hay là phàm cái gì khó đến mấy, cứ kiên trì theo đuổi, không nản chí và dám dấn thân, sẽ thành công”.

Theo Thời báo Văn học Nghệ thuật số 12/2021

None

Nguyễn Đình San

Tin liên quan

Tin mới nhất