Cùng đưa Ngày Âm nhạc Việt Nam trở thành ngày âm nhạc của toàn dân

"Sóng nhạc Hồ Gươm xanh" đã đọng lại với “Tiếng đàn bầu” thánh thót, du dương của ca sĩ Trọng Tấn, mang nỗi niềm đầy “Suy tư” qua phần độc tấu đàn Tỳ bà của nghệ sĩ Diệu Thảo, hay lắng đọng trong “Bài ca Hà Nội” với giọng hát của NSND Tạ Minh Tâm, cũng như tái hiện trọn vẹn không khí hào hùng, vẻ vang của đất nước qua những giai điệu mãi xanh của dàn nhạc giao hưởng Big Band với phần chỉ huy tài tình của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân.

Tối 25/8, tại Nhà hát Hồ Gươm, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức chương trình nghệ thuật "Sóng nhạc Hồ Gươm xanh" chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam năm 2023.

Cùng đưa Ngày Âm nhạc Việt Nam trở thành ngày âm nhạc của toàn dân - 1

Chương trình "Sóng nhạc Hồ Gươm xanh" diễn ra đầy ấn tượng tại Nhà hát Hồ Gươm. (Ảnh: Huyền Thương)

Chương trình có sự tham dự của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Minh Nhựt; Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam PGS.TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân; Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Thiếu tướng, Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh.

Cùng đưa Ngày Âm nhạc Việt Nam trở thành ngày âm nhạc của toàn dân - 2

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng các đại biểu tham dự chương trình. Ảnh: Tuấn Đức

Phát biểu khai mạc chương trình, Thiếu tướng, Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết, Ngày Âm nhạc Việt Nam là ngày hội tôn vinh nền âm nhạc Việt Nam, hội tụ và lan toả những điều tốt đẹp nhất của âm nhạc đến tất cả mọi người. Ngày Âm nhạc Việt Nam nhắc chúng ta phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm âm nhạc hay, nhiều hoạt động âm nhạc có ý nghĩa phục vụ công chúng, cùng các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia và xây dựng phát triển nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

“Qua chương trình này, những người làm công tác âm nhạc mong muốn ngành âm nhạc Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và mọi tầng lớp công chúng, để cùng đưa Ngày Âm nhạc Việt Nam trở thành ngày âm nhạc của toàn dân”, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhấn mạnh.

Cùng đưa Ngày Âm nhạc Việt Nam trở thành ngày âm nhạc của toàn dân - 3

Thiếu tướng, Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam phát biểu khai mạc chương trình.

Trải qua những năm tháng lịch sử hào hùng, dân tộc Việt Nam đã viết lên những bản trường ca còn mãi âm vang. Ngay từ những bước đi đầu tiên, dòng âm nhạc cách mạng với những âm hưởng hào hùng đã trở thành vũ khí sắc bén trong các cuộc kháng chiến vệ quốc.

Ra đời trong những năm tháng đầy cam go, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tiếp thêm sức mạnh để âm nhạc cách mạng Việt Nam thổi bùng lên ngọn lửa truyền thống, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần yêu thương con người, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc đấu tranh chống ngoại xâm và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trên chặng đường vinh quang ấy, các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ đã thực sự hoá thân vào cuộc sống chiến đấu, cuộc sống lao động và cuộc sống xây dựng bảo vệ đất nước, đã sáng tạo ra nhiều tác phẩm âm nhạc thấm đẫm tâm hồn dân tộc, mang hơi thở thời đại và trở thành những bài ca đi cùng năm tháng. Âm nhạc giống như sợi dây vô hình kết nối tình yêu thương giữa con người với con người, giữa các dân tộc trên thế giới xích lại gần nhau hơn.

Cùng đưa Ngày Âm nhạc Việt Nam trở thành ngày âm nhạc của toàn dân - 4

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Sóng nhạc Hồ Gươm xanh” được tổ chức để chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ 14 - năm 2023. (Ảnh: Huyền Thương)

"Sóng nhạc Hồ Gươm xanh" - bữa tiệc âm nhạc đầy màu sắc đã diễn ra đầy ấn tượng qua 3 phần: Phần 1 "Sóng đàn Thăng Long" tôn vinh các tác phẩm viết cho nhạc cụ dân tộc và ca khúc mang âm hưởng dân ca - thể hiện tính kế thừa truyền thống, phản ánh một phần bức tranh của âm nhạc Việt Nam thời kỳ trước, làm nền tảng cho nền âm nhạc Việt Nam hiện đại.

Cùng đưa Ngày Âm nhạc Việt Nam trở thành ngày âm nhạc của toàn dân - 5

Tiết mục độc tấu đàn Tỳ bà và dàn nhạc "Suy tư" do nghệ sỹ Diệu Thảo, NSND Trọng Khôi và Dàn nhạc Dân tộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam biểu diễn. (Ảnh: Huyền Thương)

Phần 2 với chủ đề "Kể chuyện sông Hồng", mang đến những tác phẩm viết theo phong cách thính phòng cổ điển cho thấy sự hội nhập và phát triển của âm nhạc trong việc tiếp thu tinh hoa của âm nhạc thế giới một cách có chọn lọc, để xây dựng nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Cùng đưa Ngày Âm nhạc Việt Nam trở thành ngày âm nhạc của toàn dân - 6

Tiết mục "Bài ca Hà Nội" qua tiếng hát của NSND Tạ Minh Tâm, đệm piano bởi NSND Phạm Ngọc Khôi. (Ảnh: Huyền Thương)

Cùng đưa Ngày Âm nhạc Việt Nam trở thành ngày âm nhạc của toàn dân - 7

Tiết mục "Kể chuyện sông Hồng" của các nghệ sĩ Dương Minh Chính, Hà Miên, Huy Phương. (Ảnh: Huyền Thương)

Phần 3 mang tên "Những giai điệu mãi xanh", là những tác phẩm đi cùng năm tháng, gắn liền với nhiều sự kiện, lịch sử của đất nước như một cuốn biên niên sử bằng âm thanh, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu giữa con người với con người và thiên nhiên tươi đẹp.

Cùng đưa Ngày Âm nhạc Việt Nam trở thành ngày âm nhạc của toàn dân - 8

PGS. TS, Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân chỉ huy dàn nhạc trong phần III: Những giai điệu mãi xanh. (Ảnh: Huyền Thương)

Chương trình mang đến một bữa tiệc âm nhạc thịnh soạn với những ca khúc nổi tiếng, đi cùng năm tháng như: “Đất nước thái hòa”, “Tiếng đàn bầu”, “Một thoáng Tây Hồ”, “Bài ca Hà Nội”, “Kể chuyện sông Hồng”, “Trời Hà Nội xanh”, “Tình yêu Hà Nội”, “Mười chín Tháng Tám”, “Giải phóng Điện Biên”, “Tiến về Hà Nội”, “Việt Nam ơi! Mùa xuân đến rồi”,…

“Sóng nhạc Hồ Gươm xanh” còn có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hông Quân; NSND Phạm Ngọc Khôi; PGS.TS. Nguyễn Huy Phương; NSND Tạ Minh Tâm; NSND Quốc Hưng; ca sĩ Anh Thơ; ca sĩ Trọng Tấn; Nghệ sĩ Diệu Thảo; Nghệ sĩ cello Hà Miên… Cùng Dàn nhạc Dân tộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Big band - Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Cùng đưa Ngày Âm nhạc Việt Nam trở thành ngày âm nhạc của toàn dân - 9

Những tiếng vỗ tay không ngớt của khán giả. (Ảnh: Huyền Thương)

Cùng với chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Thủ đô Hà Nội, Ngày Âm nhạc Việt Nam năm nay được chi Hội Nhạc sĩ Việt Nam ở nhiều địa phương trong cả nước tổ chức như: Hải Phòng Nam Định, Quảng Ninh, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Bình Phước, Bình Dương, Phú Yên, Đồng Tháp, Cà Mau, Đắk Lắk…

Cùng đưa Ngày Âm nhạc Việt Nam trở thành ngày âm nhạc của toàn dân - 10

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và các đồng chí lãnh đạo tặng hoa chúc mừng các nghệ sĩ. (Ảnh: Huyền Thương)

Hơn một thập kỷ qua, Ngày Âm nhạc Việt Nam trải qua những mùa hội với nhiều chương trình nghệ thuật đặc biệt, các hoạt động biểu diễn, giao lưu diễn ra rộng khắp trên cả nước, trở thành niềm tự hào của giới nhạc sĩ, nghệ sĩ, những người làm công tác âm nhạc trong cả nước và văn nghệ sĩ Việt Nam ở nước ngoài.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất