PGS, Nhạc sĩ Vĩnh Cát đa tài, đa năng

Làm quen với người… rất biết!

Đang ngán ngẩm trong vai Phó Hiệu trưởng trường cấp 3 Chu Văn An (Hà Nội) hai nhiệm kỳ nên tôi nói thật với một Phó Giám đốc Sở Giáo dục: “Em phục vụ nốt kỳ thi tốt nghiệp phổ thông này thôi, về trường cũ làm giáo viên đấy nhớ!” - “Làm giáo viên là thế nào?”. Vốn là người thích đùa, tôi cố tình không hiểu: “Nếu không làm được giáo viên thì làm giáo …hai viên vậy!”.

Vào thời điểm ấy, nhà nước mới ban hành hai bộ luật mới là Luật Xuất bản và Luật  Báo chí. Theo Nghị định thì Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh, thành phố (trực thuộc Trung ương) là cơ quan giúp tỉnh, thành phố thực hiện quyền quản lí nhà nước trên địa giới hành chính thế nên phải thành lập Phòng Quản lí Báo chí, Xuất bản.

Nhạc sĩ Vĩnh Cát khi ấy đang là Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội đang loay hoay tìm người thì chị Kiều Duyên - vợ (Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Giáo dục, rất quen biết tôi) mách nước: “Sao anh không mời anh Bắc Sơn, đảng viên, viết nhiều báo, em vẫn đọc mà”. Trước đó cơ quan chỉ đạo hai ngành này đã giới thiệu một người sang. Không hiểu sao, ông không đồng ý. Vợ anh lại thêm: “Anh ấy cũng là đoàn viên Đoàn Thiếu nhi nghệ thuật Lưu Hữu Phước mà. Sao Thiếu nhi Nghệ thuật mà anh không biết nhỉ?”.

Không biết thật, vì Vĩnh Cát trong Đoàn Thiếu nhi nghệ thuật nhưng sau đợt biểu diễn Mừng thọ Bác Hồ, đoàn tạm thời giải thể. Đến khi tái lập đoàn, cả ba anh em: Vĩnh Long, Vĩnh Cát, Vĩnh Bảo đều không quay lại đoàn mà đi học tiếp. Trong khi đoàn tái lập, Bắc Sơn mới theo anh trai gia nhập đoàn nên không biết là phải. Khi Giám đốc mời đến làm quen, lại gặp anh Nguyễn Đức Hiền đang làm Hiệu trưởng cấp 3 Việt Nam - Ba Lan (Hà Nội) đã tham gia cả hai giai đoạn của Đoàn thiếu nhi nghệ thuật. 

PGS, Nhạc sĩ Vĩnh Cát đa tài, đa năng - 1

PGS, Nhạc sĩ Vĩnh Cát

Bắt đầu từ Đoàn Thiếu nhi nghệ thuật do Bác Hồ đặt tên

Nhạc sĩ kỳ tài Lưu Hữu Phước (1921-1989), quê ở Cần Thơ, bạn tri kỷ với nhạc sĩ kỳ tài Trần Văn Khê (1921-2018) quê ở Mỹ Tho. Bạn đồng tuế, cũng được gia đình cho ra Hà Nội học Đại học Y. Nhưng cả hai cùng bỏ y, rẽ sang âm nhạc (Trong bài này, không có điều kiện nói về Trần Văn Khê (xin xem Đoàn Thiếu nhi nghệ thuật do Bác Hồ đặt tên, Nguyễn Bắc Sơn, NXB Quân đội nhân dân, 2020).

Sau ngày lập quốc, Lưu Hữu Phước được giao nhiệm vụ thành lập Trung ương nhạc viện nhưng kháng chiến nổ ra sớm, đành gác lại. Ông lên Phú Thọ, gặp mấy em người Thái giỏi hát múa, con em Hà Nội theo gia đình tản cư ra Phú Thọ, thế là nảy ra ý định lập đoàn Nhạc kịch thiếu nhi.     

Từ bé, Vĩnh Cát đã được thân phụ dạy mandolin. Sau ngày độc lập, thân phụ Vĩnh Cát  được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Nha Thể thao - Thể dục nhưng hy sinh trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, được truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì. Thân mẫu dắt díu một đàn con bảy người chạy tản cư ra vùng kháng chiến Phú Thọ. Ba anh em ruột Vĩnh Long, Vĩnh Cát, Vĩnh Bảo cùng Nguyễn Đức Hiền, Nguyễn Vĩnh Thái (anh ruột tôi)… gia nhập đoàn.

Đoàn không có chế độ gì, phải tự cung tự cấp: trồng sắn, rau muống, nuôi bò, dê, gà… sống như đơn vị bộ đội thời chiến. Các anh lớn Nguyễn Đình Tích, La Thăng, Trần Tất Toại… đã thạo nhiều nhạc cụ. Các bạn nhỏ vừa học văn hóa, vừa học ký, xướng âm và tập nhạc cụ. Đoàn có một người tài, đạo diễn giỏi, biên đạo giỏi, vốn là bạn thân của Lưu Hữu Phước. Có thể biến tất cả các ca khúc thành các điệu múa cho các em vừa hát vừa múa, có đàn đệm theo. Các tiết mục đều vui tươi, hồn nhiên, tươi trẻ. Được tiết mục nào biểu diễn tiết mục ấy cho nhân dân, cán bộ, bộ đội trong vùng xem và nhận lại những tiếng vỗ tay hoan hô cổ vũ và đồ ủng hộ: sắn, khoai,rau, gạo. Đi biểu diễn từ Phú Thọ, lên Yên Bái, Bắc Kạn. Hôm trước biểu diễn ở thị xã Bắc Kạn thì hôm sau Pháp nhảy dù hòng “vồ”, nhưng vồ hụt cơ quan đầu não kháng chiến của ta. 

Thấy các em biểu diễn đạt quá, không biết ai đặt câu hỏi nghi ngờ về khả năng nên đã có một cuộc thử thách tại chỗ để thử tài. Mấy em tham gia. Vĩnh Cát sáng tác 3 ca khúc nhỏ: Nhớ Bác Hồ, Việt Bắc, Gửi bạn Thủ đô (được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam). Sau đó Bác đặt tên cho Đoàn là Thiếu nhi nghệ thuật. Thành tựu lớn nhất là đi biểu diễn ở khắp ATK (Cao - Bắc - Lạng, Hà - Tuyên - Thái) mà đỉnh cao là đêm biểu diễn Mừng thọ Bác Hồ 60 tuổi, Chính phủ, Bộ Tổng Tham mưu mà Vĩnh Bảo, Vĩnh Cát, Đức Hiền, Việt Chiến (Vĩnh Thái)… cùng có mặt, quây quần bên Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, buổi biểu diễn được lưu lại trong mấy tấm ảnh lịch sử.

Sau khi sang Khu học xá Trung ương (Nam Ninh, Trung Quốc) học xong, Vĩnh Cát về nước dạy học, làm hiệu trưởng một trường tiểu học. Song, những hạt mầm âm nhạc Lưu Hữu Phước gieo vào tâm hồn Vĩnh Cát cứ lớn dần lên, chờ thời cơ. Nghe Trường Âm nhạc tuyển sinh liền đi thi. Nhờ học xuất sắc nên anh được giữ lại làm giảng viên môn lí luận sáng tác rồi được cử sang Liên Xô học đại học về sáng tác.

Về nước, lập tức được làm giảng viên khoa Sáng tác Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), rồi Chủ nhiệm khoa Lí luận - sáng tác - chỉ huy. Năm 1976 làm Phó Hiệu trưởng, được phong hàm Phó Giáo sư Âm nhạc, rồi Phó Giám đốc, Bí thư Đảng ủy trường. Trong thời gian ấy, ông đã trực tiếp đào tạo được nhiều sinh viên sau này trở thành những nhạc sĩ tên tuổi, tài năng như: Thuận Yến, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Đặng Hữu Phúc, Trọng Đài, Trương Ngọc Ninh…

Tài năng nở rộ

Có năng khiếu bẩm sinh, mấy năm sống trong Đoàn Thiếu nhi nghệ thuật được người thầy đầu tiên là Lưu Hữu Phước gieo mầm âm nhạc, được học hành bài bản, cái mầm âm nhạc ấy cứ thế ra hoa kết trái. Ông có hàng trăm ca khúc phục vụ kịp thời cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng ấn tượng sâu nặng nhất trong công chúng, còn lại mãi với thời gian, với người Hưng Yên là Vườn nhãn quê hương, với người Sa Pa và du khách đến với thị trấn nghỉ mát nổi tiếng này là Sa Pa thành phố trong sương, với người Hà Nội và cả nước là Ngôi sao Hà Nội

Hiển nhiên, không phải nhạc sĩ nào cũng sáng tác được cả thanh nhạc và khí nhạc. Vĩnh Cát thành công ở cả hai loại. Bản khí nhạc đầu tiên cho piano là Tiếng võng ru (1958). Rất nhiều bản khí nhạc khác dành cho cả độc tấu, song tấu, tam tấu, tứ tấu, ngũ tấu dành cho piano, violon, viola, violoncelo, cho nhiều loại kèn Tây, cho nhiều nhạc cụ dân tộc: sáo, nhị, đàn bầu, đàn nguyệt như: Tuổi xuân, Se chỉ luồn kim, Rừng xuân Tây Nguyên, Ngẫu hứng 1, 2, 3; Tiếng rao đêm, Mưa đêm phố cổ, Gió mùa đông….

Lại phải nói điều này, ở Việt Nam rất ít nhạc sĩ sáng tác được giao hưởng,Vĩnh Cát đã thành công trong sáng tác giao hưởng. Không phải là một, hai bản, mà là nhiều bản. Một điều nữa cũng cần khẳng định: Ông là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên soạn thành công bản giao hưởng với Tổ khúc giao hưởng và thanh nhạc kịch múa Hái hoa dâng Bác (viết năm 1960 lúc mới 26 tuổi), có thể coi là một hiện tượng trong giới âm nhạc Việt Nam. Càng vinh dự tự hào hơn được biểu diễn trong vườn hoa Phủ Chủ tịch mừng sinh nhật Bác 70 tuổi năm 1960. Công diễn lần đầu tại Nhà hát Nhân dân (nay là địa điểm của Cung Văn hóa Hữu Nghị). 

Không dừng lại ở thành công đó, Vĩnh Cát tiếp tục soạn giao hưởng Tuổi trẻ anh hùng, rồi Bản giao hưởng số 1, Cuộc đối đầu lịch sử, Ngàn năm khoảnh khắc, Ngày vui. Đã làm Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội, bên cạnh công việc bề bộn cho ngành mình, Vĩnh Cát vẫn say mê lao vào soạn giao hưởng Không chỉ là huyền thoại. Tác phẩm này được công diễn tại Nhà hát lớn (Hà Nội) năm 2002. Đó là lần đầu tiên bản giao hưởng của nhạc sĩ Việt Nam được biểu diễn ở đây.

Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội - tài năng quản trị

Với những gì đã làm được, trong thâm tâm Vĩnh Cát muốn đi xa hơn trong sự nghiệp sáng tác nhưng công việc cần nên ông được điều từ Học viện Âm nhạc về công tác tại Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội (năm 1984) giữ chức vụ Phó Giám đốc năm 1986 được bầu vào Thành ủy (2 khóa, được cử làm đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII), năm 1997 làm Giám đốc.

Việc đầu tiên Giám đốc làm là công tác nghiên cứu khoa học vật thể và phi vật thể. Ông cho thành lập “Ban nghiên cứu khoa học” (Giám đốc kiêm trưởng ban), cùng mọi người tìm kiếm xây dựng đề tài nghiên cứu, tổ chức hội thảo. Kết luận được sẽ tiến hành triển khai. Ví dụ hệ thống bia tiến sĩ, cứ để mặc cho thời gian, nắng mưa gặm nhấm? Có nên làm nhà bia không? Làm thế nào? Bãi đất trống phía đường Nguyễn Thái Học cứ để hoang hóa thế sao? Nếu làm nhà Thái Học thì làm thế nào? Phải mời các nhà nghiên cứu lịch sử, các nhà kiến trúc đến tư vấn, hội thảo… Bây giờ khách vào tham quan Khu Thái Học (Quốc Tử Giám), tưởng như xưa nay đã như thế rồi. Không phải!

Việc củng cố, nâng cấp các đơn vị nghệ thuật thành các Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát Múa rối nước Thăng Long, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Hà Nội v.v… Thời Giám đốc Vĩnh Cát mới có. Trung tâm Văn khóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám lúc ấy mới thành lập, tham gia biên soạn Bách khoa từ điển Hà Nội (cá nhân Vĩnh Cát).

Vĩnh Cát tham mưu với thành phố xin Bộ Quốc phòng giao lại một phần Hoàng Thành Thăng Long, nhờ thế một phần, nơi có nhiều di tích lịch sử thời các triều vua, nhất là di tích lịch sử đương đại thời Hồ Chí Minh giờ mới được đón du khách và trở thành nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa lớn. Tham mưu với thành phố không phá hết nhà tù Hỏa Lò làm khách sạn mà giữ lại làm di tích, nơi đây hiện nay cũng là nơi du khách cả trong nước và quốc tế tham quan. Đề xuất chương trình hoạt động tiến tới kỉ niệm 900 năm rồi 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và tổ chức khá thành công phần việc của ngành vào năm 2000 và 2010…

Về lĩnh vực báo chí, xuất bản thì khó ai cùng thời quên được ba vụ việc nổi bật. Giám đốc Sở Vĩnh Cát với khả năng phân tích, minh định giỏi đã ấy đã tự tin, tin tưởng cấp dưới là tôi khi đó đang làm Trưởng phòng Quản lý Báo chí, Xuất bản, ủy quyền báo cáo với lãnh đạo Bộ những ý kiến của Sở Văn hóa, Thông tin Hà Nội. Những phản biện có một không hai.

Thứ nhất, Vụ Báo chí, Bộ Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch có văn bản yêu cầu các Sở thu hồi ăng-ten parabol không phép. Tuy nhiên Sở Văn hóa, Thông tin Hà Nội có ý kiến niêm phong lại. Sau buổi làm việc của Thứ trưởng với Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội. Trưởng đoàn kết luận: Về việc này Sở Văn hóa, Thông tin Hà Nội làm có suy nghĩ, có bài bản.

Thứ hai, là việc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội đã phát hiện ra quy định trong nghị định về biển hiệu có điểm chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Kết quả là Thủ tướng Chính phủ khi ấy đã có văn bản sửa đổi bổ sung.

Việc thứ 3, một cá nhân xin họp báo nhằm công bố cuốn sách bị “nhồi nhét” thêm những nội dung phản động sau khi sách được xuất bản. Sau khi đã bác được những lý do không chính đáng của người xin, tôi đề nghị Giám đốc Sở ra quyết định thu hồi cuốn sách trên địa bàn Hà Nội, ký công văn đề nghị Cục xuất bản ra quyết định thu hồi trên toàn quốc và ký quyết định quy định về việc họp báo trên địa bàn Hà Nội.

Đằng sau sự thành công của một người đàn ông là...

Biết ơn bao nhiêu, nói bao nhiêu cũng không hết về cái đa tài, đa năng, đức độ của ông. Mọi người làm việc dưới quyền ông chắc đều đồng thuận cao với tôi. Rằng ông là một giám đốc sở bản lĩnh hơn người, luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu. Mấy vụ đã nói, ông đều trực tiếp chỉ đạo tôi nên mới được việc. Tôi quý trọng, nể phục ông.

Nhưng công đầu là thuộc về người con gái Huế, quê ở ngay thôn Vĩ Dạ, có vẻ đẹp “lá trúc che ngang mặt chữ điền” (Hàn Mặc Tử) - Kiều Duyên - vợ ông, người đã giới thiệu tôi với ông.

Bao nhiêu năm nay, hằng ngày 4-5 lần chị vẫn phải tiêm từ 100-110 đơn vị insulin, đưa tận tay 4-6 viên thuốc huyết áp cho chồng. Cẩn thận trông nom ngày 5-6 bữa ăn, nâng niu giấc ngủ cho chồng như cho con lúc còn thơ dại. Khi anh còn làm việc, hiển nhiên làm thư ký không chuyên cho anh, sắp xếp bản thảo, các phân phổ, tổng phổ các bản giao hưởng nhiều chương của chồng.

Ca khúc nổi tiếng Ngôi sao Hà Nội lửng lơ con cá vàng. Gọi là tình yêu của anh với Hà Nội, bộ óc, trái tim, gương mặt của cả nước, là của cả Bắc, Trung, Nam, nhất là miền Nam “từ thuở mang gươm đi mở cõi/ ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” cũng đúng. Mà bảo đấy là tình yêu đôi lứa giữa Vĩnh Cát - Kiều Duyên cũng không sai. Bởi chị vừa là hậu phương vững chắc cho anh “chiến đấu” với công việc, với cả những kẻ đố kỵ tị hiềm, với chính mình vừa là nguồn cảm hứng cho anh lao động sáng tạo nghệ thuật.

Người phụ nữ đẹp người đẹp nết theo mẹ tập kết ra Bắc, đi học, học trung cấp, rồi đại học tài chính. Về hưu trên cương vị Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Giáo dục Hà Nội. Từng là Đảng ủy viên Sở, từng được nhiều cấp khen trong đó có bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Chả thế, anh đã có mấy ca khúc Tình yêu thuở ấy, Nụ hôn đầu, Sầu lỡ. Ở tuổi 89 anh còn viết cho vợ yêu Ru tình. Đêm 19/3/2019 tại Nhà hát lớn Hà Nội, đêm thanh nhạc “Ngôi sao Hà Nội” là một minh chứng cho tình yêu ấy.

Vĩ thanh

PGS, nhạc sĩ Vĩnh Cát sinh năm 1934 tại xứ nhãn lồng Hưng Yên, nhưng sống lâu nhất, nhiều nhất ở Hà Nội, cống hiến tài năng sức lực cho Hà Nội. Huân chương niên hạn chống Pháp hạng 3, chống Mỹ hạng nhì là tất yếu.

Đoàn Thiếu nhi nghệ thuật có hai người được thành phố Hà Nội đặt tên là Lưu Hữu Phước và Nguyễn Vĩnh Bảo (1936-1967). Vĩnh Bảo là em ruột Vĩnh Cát, khi cùng hai anh gia nhập Đoàn, tự lấy bí danh là Nguyễn Hy Sinh, một tài năng âm nhạc mới hé mở. Khi sang Liên Xô học ở nhạc viện Kiev với Doãn Nho, Ca Lê Thuần, Hồ Bông, học hết năm thứ nhất anh đã viết bản khí nhạc dành cho piano Cappio gây tiếng vang trong cả nhạc viện làm nhạc sĩ Doãn Nho ngạc nhiên lắm: “Tôi thật sự sửng sốt. Đấy là sáng tạo của một bộ óc bẩm sinh, thiên phú… Chắc chắn còn hứa hẹn những tác phẩm lớn hơn, hay hơn nữa.”

Tốt nghiệp loại ưu về nước thì giặc Mỹ đã gây ra sự kiện 5/8/1964 ở Vịnh Bắc Bộ. Nguyễn Vĩnh Bảo lập tức xin đi B, lại xin đi nơi đất thép Củ Chi ác liệt nhất để lấy vốn sống làm cảm hứng sáng tạo, đến khi có lệnh gọi về căn cứ Trung ương cục làm Trưởng đoàn Văn công Giải phóng thì bị máy bay B52 rải thảm.

16 tuổi đoàn, 7 tuổi Đảng, 20 năm phục vụ, vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam từ 1960, ngã xuống mới 31 tuổi đời. Vĩnh Bảo được Chủ tịch nước truy phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Chắc lứa U80, U90, sống ngày hòa bình mới lặp lại ở miền Bắc không mấy người không biết bài Nhắn cô mấy điều thanh niên hồi ấy ai cũng hát: “Này trông! Kìa một cô xinh xinh/ Mắt tươi thắm đang nhìn chúng mình/ Miệng cô cười tươi như đóa hoa/ Chan chứa tình trong lòng chúng ta. Này cô nàng đẹp xinh kia ơi/ Nhắn cô nàng xinh đẹp mấy điều/ Miệng cô nàng đẹp xinh thì có xinh/ Vì lao động thì cô thật đáng khinh/ Sắc tươi thắm nhưng đang dần phai/ Mà không ai đoái hoài”.

Nhân dịp Thủ trưởng Vĩnh Cát của tôi vào tuổi 90 tuổi, tôi viết chúc mừng, nhưng không thể không nhắc đến anh Vĩnh Bảo cũng là để nhớ một thời Lưu Hữu Phước không thể nào quên, nhất là với tư cách Trưởng ban Liên lạc cựu Thiếu nhi nghệ thuật ở Hà Nội.

Nguyễn Bắc Sơn

Tin liên quan

Tin mới nhất

Thi ca yêu nước và các nhà thơ cách mạng

Thi ca yêu nước và các nhà thơ cách mạng

Buổi sinh hoạt chuyên đề “Thi ca yêu nước và các nhà thơ cách mạng” do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9 đã tập trung bàn về một phẩm chất đặc biệt của dòng thơ cách mạng kháng chiến 1945-1975 là thi pháp trữ tình lãng mạn – điều đã làm nên sức sống trường tồn của thi ca đương đại Việt Nam.

Phi tần từng được hoàng đế sủng ái nhất hậu cung, sinh 6 người con nhưng cuối đời chịu cảnh cô quạnh

Phi tần từng được hoàng đế sủng ái nhất hậu cung, sinh 6 người con nhưng cuối đời chịu cảnh cô quạnh

Từng là phi tần được hoàng đế sủng ái nhất chốn hậu cung, người phụ nữ này đã hạ sinh 6 người con, giữ vững địa vị cao quý và sự yêu thương từ nhà vua. Tuy nhiên, cuộc đời không mãi êm đềm, khi về già, bà phải đối mặt với sự cô độc, lẻ loi trong những năm tháng cuối đời khiến bao người cảm thán.