Kỷ niệm với NSND Tường Vi - một đồng nghiệp, một đồng đội thân thiết

Cuối năm 1955, ca sỹ Kim Ngọc của Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (nay là Đoàn Ca múa Quân đội) chúng tôi qua Quân y viện 108, bất giác nghe được giọng hát của cô y tá Tường Vy đang say sưa hát cho thương binh nghe ở ngay đầu giường bệnh. Đó là giọng ca của cô gái miền Trung vừa theo bộ đội khu V tập kết ra Bắc.

Điều thú vị là, thời gian ngắn sau, Tường Vi đựợc khoác ba lô về Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị công tác. Thân hình lép kẹp, chiếc ba lô cũng kép kẹp, thế mà rồi một năm sau Tường Vi đã dám đua tài và đã nhận giải thi đấu toàn quân là giải điền kinh nhảy cao. Rồi cô gái trẻ này được theo học các chuyên gia nước ngoài: Trung Quốc, Triều Tiên, Liên Xô, Ấn Độ... bồi dưỡng đào tạo các ca sỹ trẻ.

Kỷ niệm với NSND Tường Vi - một đồng nghiệp, một đồng đội thân thiết - 1

NSND Tường Vi (1938-2024)

Tường Vi có giọng hát tốt, thuộc loại giọng hiếm. Có chuyên gia nước bạn còn thốt lên: “Giá như tôi cũng có được chất giọng như em!”.

Một thời gian ngắn sau, trên sân khấu của Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị đã xuất hiện một giọng đơn ca đầy cảm xúc với “Bài ca hy vọng” của nhạc sỹ Văn Ký, được người xem nhiệt liệt hoan nghênh. Đó là nghệ sỹ Tường Vi. Tường Vi không chỉ hát cho khán giả, thính giả, mà hát cho chính mình, cho nỗi khát khao ngày trở về quê hương miền Nam của chị. Tường Vi bắt đầu có dấu ấn trong khán giả, và bất kỳ ở đâu, lúc nào, khi giọng hát của chị cất lên là người nghe lại gọi to tên người hát: Tường Vi, Tường Vi...

Vào những năm cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược bước vào giai đoạn quyết liệt, cực kỳ gian nan, giọng hát của Tường Vi càng được tôi luyện qua các chiến trường chị cùng đoàn đi phục vụ. Nơi những chiến hào, những bìa rừng dọc đường ra tiền tuyến, tiếng hát của chị vang lên góp sức nâng bước đồng đội tiến tới. Những bài hát như “Tiếng đàn Ta lư”, “Người con gái sông La” được các chiến sỹ rất yêu thích, được cả Bác Hồ ân cần cổ vũ vì sáng tác tốt, biểu diễn hay.

Nhiều lần được gặp Bác Hồ, được Bác trực tiếp chỉ bảo, khuyên răn về học tập, lối sống, Tường Vy ngày càng trưởng thành về mọi mặt. Bác là tấm gương lớn cho mọi nghệ sỹ soi rọi. Trong cuộc sống đời thường của mình, trong những năm gian khổ bước chân vào giảng đường đại học, cơm ăn không đủ muối chứ chưa nói gì đến thịt cá, tấm gương của Bác luôn là nguồn cổ vũ cho Tường Vi không ngừng vươn lên, cả trong học tập và trong công tác biểu diễn phục vụ chiến sỹ.

Kỷ niệm với NSND Tường Vi - một đồng nghiệp, một đồng đội thân thiết - 2

NSND Tường Vi (phải) bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Tư liệu.

Tiếng hát của Tường Vi theo thời gian ngày càng thăng hoa, bay bổng. Một sự kiện gây xôn xao dư luận cả hai nước Việt - Lào là vào những năm 1960, Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị sang biểu diễn phục vụ nước bạn Lào. Khi tiến ghát Tường Vi cất lên, nhiều đồng chí lãnh đạo, nhiều tướng lĩnh quân đội Lào vô cùng yêu thích, khen ngợi. Rồi ít năm sau, Tường Vi  lại có dịp sang biểu diễn tại Lào. Trong buổi biểu diễn phục vụ Chủ tịch Souphanouvong và Trung ương Neo Lao Hak Sat, bom Mỹ đánh sập cửa hang, nhưng tiếng hát của Tường Vi và đồng đội vẫn ngân vang và cùng các bạn Lào múa lăm vông cho tới sáng.

Những ngày đi biểu diễn chiến trường, có những ngày gặp mưa dầm dề, phải nằm tại chỗ để chờ. Tường Vi đã thể nghiệm đưa giọng hót (staccato) thay vì giọng hót của chim rừng trong bài “Cô gái vót chông” của Hoàng Hiệp. Tường Vi báo cáo với trưởng đoàn, được nhiệt liệt ủng hộ. Từ đấy trong “Cô gái vót chông” có giọng hót của chim, phô diễn được giọng ca đặc trưng Tường Vi làm cho bai hát thêm hấp dẫn, người nghe thêm yêu quý và nhớ Tường Vi.

Chị là ca sỹ có gọng hát đưa những bài ca “Tiếng đàn ta lư”, “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó”, “ Người con gái sông La”, “Bài ca hy vọng”... lên tầm cao của nghệ thuật ca hát. Ngoài ra, chị còn sáng tác những ca khúc như “Phi đội ta xuất kích” được chọn là một trong mười bài hát chính thức của quân đội.

Trong những năm cùng công tác với NSND Tường Vi, tôi thấy chị là nghệ sỹ có rất nhiều đức tính đáng quý, nhất là luôn cổ vũ cho những tài năng nghệ thuật bạn bè, đồng nghiệp. Tôi chưa thấy một lần chị gièm pha hay hạ điểm một ai, mà luôn trọng thị tài năng của bạn. Như trường hợp với NSND Lê Dung. Chị phát kiến tài năng Lê Dung từ những ngày đầu Dung còn đang chập chững bước vào ca hát chuyên nghiệp ở Đoàn Văn công Quân khu. Chính NSND Tường Vi đã phát hiện với tổ chức điều động Lê Dung về Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, kèm cặp trao đổi, truyền lại cho Lê Dung mọi kỹ thuật, kinh nghiệm trong ca hát của chị để Lê Dung không ngừng trưởng thành, như điều chị thường tâm sự: “Lê Dung được chăm sóc tốt sẽ vượt em rất nhiều!”.

Kỷ niệm với NSND Tường Vi - một đồng nghiệp, một đồng đội thân thiết - 3

NSND Tường Vi

Cuộc sống của Tường Vi cũng rất lãng mạn, giàu lý tưởng. Chị hết sức yêu quý những người như Che Guevara - nhà hoạt động chính trị Cuba và phong trào cách mạng Mỹ Latinh, được coi là chiến sỹ tiên phong trong phong trào các mạng vô sản quốc tế. Chị treo trân trọng một búc ảnh ông trên tường, nơi đặt piano để ngày ngày khi luyện thanh, chị thường ngước nhìn lên người anh hùng đầy khí phách Che Guevara...

Cho đến tận phút chót cuộc đời, người nghệ sỹ nhân dân này vẫn say mê với nghệ thuật và giọng hát nữ cao của chị vần rất tuyệt vời mà theo thiển nghĩ của tôi, cho đến nay vẫn chưa có một giong hát nữ cao nào vượt được âm vực cao chót vót với độ cao ba quãng 8 của nữ NSND Tường Vi. Giọng ca ấy sẽ còn sống mãi với thời gian!  

Đạo diễn Khắc Tuế (Nguyên Đoàn trưởng Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị)

Tin liên quan

Tin mới nhất

Những điểm đến nghỉ dưỡng độc đáo cho năm 2024

Những điểm đến nghỉ dưỡng độc đáo cho năm 2024

Mùa hè 2024 chắc chắn sẽ trở nên đặc sắc hơn với những điểm nghỉ dưỡng đầy hấp dẫn và độc đáo, làm say lòng bất kỳ ai đam mê khám phá này. Chúng cũng mang lại cho du khách những giây phút thư giãn tuyệt vời và kỷ niệm khó quên.