Ăn theo bóng đá

Đi Brasil về mà không kể chuyện bóng đá thì coi như chưa đi Brasil, một ông bạn tôi khẳng định như thế. Nhưng kể chuyện gì khi mà cả thế giới đều đã kể và đã nghe về bóng đá xứ này từ mấy chục năm qua. Cũng may mà trong thời gian ở đây chúng tôi đã có dịp la cà tới mấy sân bóng đá của mấy câu lạc bộ tên tuổi nước này, nay xin kể lại những chuyện gom góp được về bóng đá Brasil nhưng dưới góc độ khác hơn một chút nhân hướng đến Word Cup 2022.

Hôm hội thảo với các nhà doanh nghiệp Hiệp hội Xuất Nhập Khẩu Sao Paulo, lúc giải lao cà phê giữa giờ, ông chủ tịch Hiệp hội lại đem chuyện bóng đá ra nói. Ông kể rằng, trận chung kết World Cup 1950 tổ chức trên sân vận động Maracara ở thành phố Rio de Janeiro, cũng là để khánh thành sân vận động lớn nhất hành tinh này, đội Urugoay đã đánh bại đội Brasil với tỷ số 2 - 1 giành cúp Nữ thần vàng. Sự kiện này đã nhấn chìm cả nước Brasil trong nỗi đau buồn tang tóc. Đã có hơn một chục fan hâm mộ xứ này nhảy lầu tự vẫn. Câu chuyện này tôi đã nghe từ lâu, nhưng lần này được nghe trực tiếp từ một người Brasil ngay trên đất Brasil, mới thấy ngấm thật sự!

Biết chúng tôi cũng đam mê bóng đá nên ông chủ tịch đã bố trí anh Luciano, một cựu cầu thủ của đội bóng chuyên nghiệp Botago, giải nghệ chuyển sang ngạch hướng dẫn du lịch, có nhiệm vụ theo đoàn vừa lái xe đưa đón, vừa hướng dẫn tham quan du lịch, mua sắm… Lại biết chúng tôi sẽ làm việc một tuần ở Sao Paulo, tiếp đến một tuần ở Rio de Janeiro, sau đó còn quay lại đây vài ngày nữa trước khi rời Brasil, ông quyết định để Luciano tiếp tục theo đoàn lên Rio.

Vào một ngày rỗi rãi, Luciano dẫn chúng tôi đến thăm sân vận động Maracana có sức chứa 175 nghìn người ở thành phố Rio. Tại đây anh đã kể về những trận đấu mang tính kình địch truyền thống giữa một số câu lạc bộ nhà nghề ở thành phố này, trong đó hai đội Flamengo và Fluminense là cặp kình địch nhiều duyên nợ nhất. Người Brasil quen gọi cặp đấu này là “Fla - Flu”. Mỗi lần cặp kình địch này gặp nhau trên sân Maracana thì chẳng khác nào một trận đại chiến.

Ăn theo bóng đá - 1

Bên trong sân bóng đá Maracana

Anh kể lại trận đấu Fla - Flu vừa diễn ra ở đây tuần trước, trận đó phần thắng đã nghiêng về Flu bởi một quả phạt penalty gây nhiều tranh cãi, và đấy cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sự xô xát giữa hai đội trên sân và cuộc ẩu đả kéo dài giữa hai khối cổ động viên. Kết cục đã có hàng chục người bị thương phải đưa đi cấp cứu, và hàng chục fan hâm mộ quá khích bị cảnh sát bắt tạm giam.

Chuyện đến đây tôi cũng không nhớ vì sao lại chuyển sang chủ điểm bóng đá là một môn thể thao giải trí hay là một nghề kinh doanh?

Trong quan niệm của chúng tôi thì bóng đá về cơ bản vẫn chỉ là một môn thể thao giải trí mang tính chất bao cấp xã hội. Trước đây là do Nhà nước bao cấp, nay chuyển sang chuyên nghiệp lại chỉ là chuyển sự bao cấp sang vai các doanh nghiệp. Luciano lại có suy nghĩ khác hẳn. Anh khẳng định ở Brasil, bóng đá là một ngành kinh doanh thu hút toàn xã hội.

Ở đây, cứ khoảng một trăm người có tiền muốn đầu tư kinh doanh, thì có tới mười người tính chuyện đầu tư vào bóng đá, hoặc những hoạt động kinh doanh liên quan đến bóng đá. Vì sao vậy? Bởi lẽ kinh doanh bóng đá ở Brasil là một nghề hầu như không gặp rủi ro. Với những khoản thu khổng lồ như tiền bán vé, tiền quảng cáo, tiền bản quyền truyền hình, tiền tài trợ... các cổ đông góp vốn có thể yên tâm ngồi chơi hưởng cổ tức.

Luciano đột ngột hỏi, trong mỗi trận đấu, chỉ cần ở cấp câu lạc bộ thôi, người ta đã đốt bao nhiêu quả pháo sáng trên sân cỏ và trên đường phố? Không ai có thể đếm được. Còn những trận đấu của đội tuyển quốc gia thì pháo hoa luôn thắp sáng bầu trời cả nước trong suốt thời gian diễn ra trận đấu, và kéo dài hàng ngày sau những lần đội tuyển chiến thắng.

Pháo hoa lấy từ đâu ra, nếu như không phải là từ những công ty chuyên sản xuất và kinh doanh pháo hoa? Thế là chỉ riêng với mặt hàng pháo hoa thôi, bóng đá đã giúp cho bao nhiêu doanh nghiệp ra đời và phát triển, biết bao lao động có việc làm. Tương tự như pháo hoa là rượu, là băng cờ khẩu hiệu, là hoa, là quần áo giầy dép cho cổ động viên... cái gì liên quan đến bóng đá, tới thú thưởng thức bóng đá, người ta đều tiêu xài một cách hào phóng, không đắn đo, không tiếc tiền.

Tôi cắt ngang lời Luciano rằng tiêu tiền như thế là một sự lãng phí không cần thiết! Nhà bình luận bóng đá như bị mất đà, gườm gườm hỏi lại: Vì sao? Trả lời là tất cả những pháo hoa thắp sáng rợp trời, rượu chảy tràn trên đất như thế, có khác nào là đốt tiền đi cho những thú vui chốc lát. Những số tiền to lớn ấy có thể dùng vào những việc khác lợi ích hơn. Đến đây, Luciano nhìn tôi như nhìn người từ một hành tinh xa lạ. Anh bảo, thật không hiểu nổi, tại sao những pháo hoa và rượu sâm - panh như thế lại có thể cho là một sự lãng phí, không cần thiết?

Theo anh, đó là những vật dụng không khác gì quần áo ta mặc hàng ngày, bánh mỳ và rượu thịt ta ăn từng bữa. Mọi người ăn uống càng nhiều, tiêu xài, chơi bời càng lắm, thì sản xuất kinh doanh lại càng phát triển, nhờ vậy mà các doanh nghiệp càng đóng thuế được nhiều hơn cho Nhà nước, người dân càng có thêm việc làm, đất nước nhờ đó mà càng ổn định và phát triển hơn…

Anh còn tiếp tục, bóng đá không chỉ là mảnh đất màu mỡ cho nhiều nhà đầu tư, mà còn là nơi hướng tới tìm cơ hội đổi đời cho hàng triệu con người, trước hết là thanh, thiếu niên Brasil. Rất đông thanh thiếu niên mới lớn ở Brasil đều hướng sự lập nghiệp vào bóng đá. Được trở thành cầu thủ đá trong một câu lạc bộ có tên tuổi, cao hơn nữa là đội tuyển quốc gia, luôn là ước mơ hướng tới của hàng triệu thanh niên Brasil. Hiệp hội bóng đá là một trong những hội nghề nghiệp đông đảo vào loại nhất. Những hội viên vàng tiêu biểu, với tên tuổi và thành tích lừng danh thế giới đã tạo ra uy tín cho thương hiệu và tiếng nói của Hội.

Luciano kể rằng, khác với những thế hệ chính trị gia độc tài của nửa thế kỷ trước, ngày nay trong một xã hội dân chủ mới mẻ, các nhà chính trị hàng đầu đất nước ngày càng ý thức được rõ hơn sức mạnh của bóng đá, khi sức mạnh đó được thể hiện thông qua các lá phiếu bầu cử của hàng chục triệu cử tri là những cổ động viên bóng đá. Có lẽ chính trị gia thành công nhất nhờ vào bóng đá, phải kể đến ông Fernando Collor de Mello, người đã trở thành tổng thống trẻ tuổi nhất Brasil vào năm 1990, nhờ xây dựng thành công hình ảnh của một chủ tịch câu lạc bộ bóng đá trong con mắt thiện cảm của cử tri cả nước.

Đến đoạn này thì tôi đã nhận ra, giữa chúng tôi dường như đang tồn tại một khoảng cách không nhỏ về quan niệm. Tuy vậy vẫn phải thừa nhận, một câu chuyện mang tính xã hội đa chiều như bóng đá mà qua cách kể chuyện, Luciano đã làm cho nó trở nên giản đơn dễ hiểu, càng nghe càng thấy có lý.

Ăn theo bóng đá - 2

Bên tượng Pele tại cổng sân Santos

Trở lại Sao Paulo, mặc dù công việc khẩn trương, nhưng một số anh em chúng tôi vẫn tranh thủ đến thăm được hai sân vận động của hai câu lạc bộ bóng đá có tên tuổi vào loại hàng đầu Brasil.

Câu lạc bộ bóng đá Sao Paulo SPFC (Sao Paulo Futebol Clube) nằm ở phía Tây thành phố, cách khu trung tâm khoảng 10km. Chúng tôi mua vé vào sân, tất nhiên chỉ được đứng trên vòng pít quanh sân quay phim và chụp ảnh kỷ niệm. Sau đó vào thăm phòng truyền thống câu lạc bộ, rồi sang gian hàng bán đồ lưu niệm.

Gian bán đồ lưu niệm nằm dưới khán đài, cứ tưởng là vắng khách, nhưng khi bước vào đã thấy đông tới mức người ta phải xếp hàng ở quầy này quầy nọ mới mua được hàng. Điều đập vào mắt tôi đầu tiên ấy là giá cả. Một đôi giầy 42 USD, một bộ quần áo cầu thủ 30 USD, một cái huy hiệu câu lạc bộ SPFC 3 USD, một quả bóng bơm căng chữ SPFC chạy vòng tròn giá 20 USD…

Nhìn cái cảnh nườm nượp những khách du lịch đủ màu da Á, Âu, Phi đua nhau mua hàng lưu niệm, tôi đã hiểu ngay rằng, những nhà quản lý kinh doanh câu lạc bộ bóng đá Sao Paulo đã biết khai thác triệt để sức mạnh tiềm ẩn trong cái thương hiệu SPFC, để rồi họ bán cái hồn cái vía thương hiệu đó, khi nó được nhập vào cái xác, cái vỏ của những vật phẩm tầm tầm hạng trung với giá bán cao gấp năm, gấp mười lần. Cái cách buôn bán kiểu đó trong thế giới ngày nay, người ta gọi là buôn bán thương hiệu, còn ở Việt Nam ta, các cụ nhà mình thì văn nghệ hơn nên gọi đó là kiểu đánh tráo “Hồn Trương Ba da hàng thịt”.

Tôi bước ra ngoài tường bao sân vận động. Tĩnh tâm hồi lâu mới lấy máy ảnh ra ngắm nghía. Ở một góc độ đẹp có thể chụp toàn cảnh, tôi định bụng sẽ nhờ một ai đó bấm cho một kiểu, để ghi lại chuyến viếng thăm thánh địa bóng đá lừng danh này. Cũng có một số khách du lịch đang loay hoay chọn vị trí chụp ảnh như tôi. Lại thấy một đám thanh niên người địa phương, da trắng có, da màu có, đang túm tụm trên vỉa hè trước sân vận động.

Một cặp khách du lịch cỡ chừng bốn chục tuổi tôi đoán là người Nhật Bản. Người chồng, cứ gọi thế cho tiện, trên tay là một chiếc máy ảnh đồ sộ nhãn hiệu Canon, mà nhìn thoáng qua tôi biết ngay đó là đời EOS.l, đời máy có thể nói là niềm mơ ước của dân chơi ảnh, nhưng không phải là anh nào cũng may mắn được chạm tay vào, bởi lẽ giá trung bình một bộ lúc này cũng không thể dưới 2500 USD. Người chồng cầm máy, điều chỉnh thế đứng cho vợ và bấm mấy kiểu. Rồi họ đổi chỗ cho nhau, người vợ lại bấm máy lấy cảnh người chồng hiên ngang dạng chân chống tay lên hông trước cổng chính sân vận động. Có vẻ vẫn chưa đã, hai vợ chồng lại xì xồ chỉ trỏ.

Như đọc được ý của đôi vợ chồng Nhật, một chàng thanh niên da màu, tóc quăn đen, da quắt queo như quả trám khô, tách ra từ đám thanh niên, sốt sắng bước về phía đôi uyên ương, cũng lại xì xồ câu gì đó tỏ ý giúp đỡ. Người vợ Nhật tươi cười trịnh trọng hai tay đưa cỗ máy 2500 USD cho anh chàng da màu, chị còn cẩn thận quàng quai máy ảnh qua đầu anh ta, xong đâu đấy mới chỉ cho anh cái nút bấm. Anh da màu gật gật đầu tươi cười rồi đẩy nhẹ chị Nhật về chỗ, tỏ ý là việc này tôi biết rồi. Rất điệu nghệ, anh da màu bấm máy “toách”. Cặp vợ chồng Nhật khoái chí cười tít mắt. Anh chồng giơ hai ngón tay về phía trước như muốn bảo kiểu thứ hai. Hai vợ chồng Nhật đứng sát vào nhau hơn, bá vai ngả đầu vào nhau, “toách”. Người chồng lại cười, lại giơ tay về phía trước, không rõ là nhờ chụp kiểu thứ ba hay là xin lại máy ảnh. Nhanh như chớp, anh chàng da màu quay ngoắt lại phía sau và tăng tốc như một con báo đen, chạy mất dạng ở chỗ bức tường vòng sân vận động. Hai vợ chồng người Nhật cùng há mồm ở tư thế bất động và không phát ra nổi một tiếng kêu nào.

Một vài giây im ắng ngưng tụ trôi qua, cuối cùng là một tiếng gầm phát ra từ miệng người đàn ông bị trấn lột, mà tôi nghe từa tựa như tiếng “Sa...a...át” suy đoán theo âm tiếng Hán có nghĩa là “ Gi...ế..t…”. Anh ta lao theo hướng chạy của tên cướp, khoảng năm phút lại thấy quay lại, xì xồ chỉ vào chỗ đám thanh niên người địa phương tụ tập lúc nãy, mà vào lúc này đã không thấy bóng một đứa nào cả. Có vẻ như thất vọng và bất lực hoàn toàn, người chồng quay lại chỗ vợ, khi đó chị vẫn đứng nguyên tại chỗ, người run bần bật và mặt mũi tái mét không còn hạt máu.

Ăn theo bóng đá - 3

Trong phòng truyền thống CLB bóng đá SPFC

Được chứng kiến toàn cảnh từ đầu tới cuối trường đoạn phim hành động kiểu Nam Mỹ như thế, tự nhiên tôi cũng thấy run rẩy toàn thân. Sợ vì nghệ thuật trấn lột táo tợn một phần, mà có tới hai phần xót xa cho cặp vợ chồng trẻ người Nhật, đã vì nhanh tay hơn tôi khi nhờ đúng tên cướp mà bị mất của. Tôi chẳng thể nói ra một lời cảm ơn vì họ đã hình nhân thế mạng cho mình. Cuối cùng chỉ biết đứng lặng một mình, ngắm nhìn bóng họ mờ dần ở góc nẻo đường xa.

Từ sân Sao Paulo, xe chúng tôi thẳng tiến hướng Nam trực chỉ thành phố Santos. Santos là một thành phố cảng, dân số chỉ khoảng 500 nghìn người, ra đời như là một thành phố vệ tinh của Sao Paulo, với nhiệm vụ của một cảng biển phục vụ cho công việc xuất nhập khẩu của thành phố công nghiệp lớn nhất nước. Santos còn có một bãi biển đẹp dài chừng 7km, tuy không phải là một bãi tắm lý tưởng, nhưng với ưu điểm là cách thủ đô 19 triệu dân không đầy một giờ xe chạy, nên bãi biển Santos cũng là một nơi thu hút rất đông khách từ thủ đô xuống nghỉ ngơi. Hôm ấy là ngày thứ tư giữa tuần, trời lại mưa, những cái đó hứa hẹn một điều là Santos sẽ vắng vẻ, và còn có thể là buồn tẻ nữa.

Chúng tôi đi trong đoàn du khách tiến tới sân vận động. Trông bề ngoài, sân Santos mang dáng vẻ khiêm nhường, cũ kỹ trong màu sơn xám nhạt, và so bề kích thước, có lẽ cũng chỉ tương đương với cỡ sân Hàng Đẫy - Hà Nội. Trước cổng chính có một bức tượng bán thân to lớn đúc bằng hợp kim, đó là tượng chân dung của cầu thủ Pelé. Khách du lịch vòng trong vòng ngoài thay nhau chụp ảnh kỷ niệm. Chúng tôi cũng cùng nhau chụp ảnh chung với Pelé, chụp tập thể, chụp cá nhân. Nhớ lại câu chuyện cướp máy ảnh ở sân Sao Paulo lúc trước, trong chúng tôi, không ai dám nhờ người lạ bấm máy hộ, mà nhất nhất cứ phải là anh em trong đoàn.

Vé vào cửa là một thẻ bằng bìa cứng in chân dung Pelé, giá 2 USD cho một người. Đoàn người rồng rắn nhích lên tùng bước qua cửa soát vé, và trong tầm mắt có thể quan sát được lúc ấy, số khách du lịch cũng phải cỡ hai trăm. Khoảnh khắc một buổi chiều mưa mà đã như thế, giản đơn suy rộng ra, lượng khách tới đây từ nhiều nơi, hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, hẳn cũng là con số đáng kể.

Nơi chúng tôi vào thăm đầu tiên ở tổ hợp này, là bảo tàng truyền thống của câu lạc bộ Santos. Những chiếc cúp vô địch từ các giải trong nước và thế giới, bên cạnh những lá cờ và những vật lưu niệm khác, gìn giữ dấu ấn oai hùng của Santos trong nửa thế kỷ qua. Ở trên tường, các bức ảnh lớn lần lượt giới thiệu với người xem đội hình thi đấu của câu lạc bộ qua từng giai đoạn.

Gian bên cạnh là nơi trưng bày những hình ảnh liên quan tới Pelé, chàng cầu thủ vàng từng đem lại những vinh quang bất tử cho câu lạc bộ. Những chiếc loa được giấu kín ở những góc nào đó thỉnh thoảng lại phát ra lời giới thiệu mang tính tự sự: Câu lạc bộ bóng đá Santos, vinh dự là một trong những cái nôi đào tạo và đóng góp cho đất nước Brasil những cầu thủ bóng đá tầm cỡ hàng đầu thế giới, trong đó vinh quang nhất và vĩ đại nhất là cầu thủ Edson Arantes do Nascimento, người mà toàn thế giới biết đến dưới danh hiệu Pelé. Là cầu thủ duy nhất trên thế giới từng 3 lần vô địch thế giới, Pelé đã ghi hơn 1.200 bàn thắng tại các giải trong nước và quốc tế.

Tại World Cup Mexico 1970, nơi lần thứ ba các cầu thủ Brasil bước lên bục chiến thắng, Pelé và các đồng đội huyền thoại như Tostao, Rivelino, Gerson, Jairzinho... đã làm nên một đội bóng được các chuyên gia bóng đá hàng đầu thế giới công nhận, đó là đội hình bóng đá vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá thế giới... Pelé được những người yêu chuộng bóng đá trên khắp các châu lục tôn vinh là Vua bóng đá thế giới. Vinh quang đó anh đã dâng tặng cho nhân dân Brasil, nhân dân thành phố Santos và câu lạc bộ bóng đá Santos. Chúng tôi mãi biết ơn sự cống hiến vĩ đại của Pelé cho thành phố quê hương...

Đúng như chúng tôi dự đoán, hôm ấy thứ Tư, chiều mưa, nên biển vắng người. Tuy vậy những nhà hàng, khách sạn chạy dài bên con đường lớn ven biển thì vẫn tấp nập khách ra vào. Những ngày giữa tuần Santos không có khách từ Sao Paolo xuống đây tắm biển, thay vào đó lại có khách nước ngoài du lịch thăm câu lạc bộ bóng đá Santos và đợi xem đá bóng, nhờ vậy mà thành phố lúc nào cũng có khách vãng lai qua lại. Người dân thành phố vẫn rất tự hào về quê hương mình khi họ nói, Chúa Trời đã cho Santos một bãi tắm rộng đẹp, còn con người lại tạo lập một câu lạc bộ bóng đá lừng danh. Cả hai vật báu đó - bãi biển và bóng đá - đã làm cho thành phố Santos nhỏ bé và khuất nẻo trở nên nổi tiếng. Cũng nhờ vậy mà người dân ở đây có nhiều cơ hội tìm kiếm công ăn việc làm hơn nhiều nơi khác.

*

Trở về nước sau này, khi hồi tưởng lại những điều tản mạn xung quanh câu chuyện bóng đá ở Brasil mắt thấy tai nghe, mà tôi chỉ mới kể ra ở đây được có một phần, tôi đã tự nhủ, ở đâu thì không dám chắc, nhưng mà ở Brasil thì bóng đá, quả thật đã là một nghề kinh doanh lớn. Nhà đầu tư làm giầu nhờ bóng đá, người sản xuất và đi buôn sống dựa vào bóng đá, thanh niên lập nghiệp nhờ bóng đá, chính trị gia tìm kiếm phiếu bầu trong bóng đá, các nghề dịch vụ của mọi tầng lớp dân cư sống theo bóng đá, thậm chí cánh trộm cắp lừa đảo cũng nhờ vào bóng đá mà có đất dụng võ... Ở đây, bóng đá đem đến vinh quang cho nhiều cá nhân, cho nhiều câu lạc bộ, cho nhiều địa phương và cho cả một dân tộc. Nghĩ đến đây tôi mới thấy rằng, hiểu bóng đá chỉ là một trò chơi thuần tuý như tôi hiểu trước đấy, quả thật vẫn còn là một sự phiến diện lắm thay!

Nguyễn Đắc Như

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Đường lên Điện Biên”, giới thiệu tới công chúng 70 tác phẩm hội họa, đồ hoạ, điêu khắc, ký hoạ, áp phích, sáng tác trong giai đoạn 1949 - 2009 của 34 tác giả, được lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng.