Bút ký: Bắc Ninh và khát vọng đô thị mới

Bắc Ninh là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng Sông Hồng, nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và là cửa ngõ phía Đông Bắc của thủ đô Hà Nội. Vùng đất trù phú nơi đây khi xưa vốn là xứ Kinh Bắc, nổi tiếng với nhiều làng nghề và các lễ hội dân gian phong phú diễn ra hàng năm. Biết bao mùa xuân đi qua, Bắc Ninh từ những năm xưa là một thị xã nhỏ, nay đã chuyển mình phát triển kinh tế, hướng tới thành phố trực thuộc của trung ương.

Bút ký: Bắc Ninh và khát vọng đô thị mới - 1

Bắc Ninh là vùng đất tổ của các làn điệu dân ca quan họ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

Bắc Ninh là tỉnh thành có diện tích nhỏ nhất nằm ở phía Bắc của đồng bằng châu thổ Sông Hồng, địa hình tương đối bằng phẳng, được ngăn cách với vùng trung du và miền núi phía Bắc bởi hệ thống sông Cầu. Ngoài ra, Bắc Ninh còn có hai hệ thống sông lớn là sông Thái Bình và sông Đuống. Hệ thống sông ngòi đã tạo nên một mạng lưới vận tải đường thủy quan trọng, kết nối các địa phương trong tỉnh và nối liền tỉnh Bắc Ninh với các tỉnh khác trong vùng đồng bằng sông Hồng.

Những bãi bồi phù sa bạt ngàn từ các con sông, nhánh sông đã giúp cho Bắc Ninh trở thành vùng nông nghiệp màu mỡ. Tuy nhiên, đầu ra cho phát triển nông nghiệp chưa được khai thác, các làng quê năm xưa kinh tế vẫn còn nghèo.

Những năm 90 của thế kỷ 20, các làng mạc quê tôi nhỏ bé nằm nép mình bên dòng sông Đuống quanh năm hiền hòa chảy trôi đôi bờ bên lở bên bồi. Ngày ấy các khu công nghiệp chưa được đầu tư về đây, những con đường nhựa cũng nhỏ bé và đầy ổ gà lõm khuyết. Quê tôi chỉ biết trông vào hai vụ lúa chiêm và vụ mùa. Cái ăn không đủ tiêu khi giá gạo thì rẻ, năng suất lúa không cao, chưa đầy 2 tạ/sào Bắc bộ.

Những bác ngư dân tranh thủ ra sông Đuống bắt cá trên con thuyền nhỏ, giỏ cá khi buổi chiều tàn cũng chỉ được vài con tép mọi. Chợ chiều thưa vắng người qua lại, họ ăn rau rưa qua ngày cũng chỉ mong no bụng cho khỏi đói bữa mai, người dân nghèo chắt chiu lấy đâu ra tiền mua cá tôm cải thiện.

Con sông đến mùa nước cạn, dân làng tôi trồng ngô, trồng đậu trên bãi bồi phù sa. Nhưng mỗi nhà chỉ được phân một ô ruộng nhỏ, những bắp ngô treo đầy trên hiên nhà. Cuộc sống người nông dân vẫn vất vả một nắng hai sương trên đồng. Giá bán nông sản không cao vì không tìm được nguồn xuất khẩu nên kinh tế hầu như nhà nào nhà nấy chỉ đủ rau cháo qua ngày.

Những gia đình lao động trẻ, họ thường để con cái ở lại quê nhà và đi đến những vùng biên giới như Lạng Sơn, Móng Cái - Quảng Ninh để làn thuê, buôn bán nhỏ lẻ. Người thì vào Nam làm ăn kiếm sống, có tiền gửi về cho mẹ già và con cái ở quê nhà ăn học. Quê tôi hồi ấy trở nên vắng vẻ, con đường làng quê chỉ có tiếng trẻ nô đùa và các ông bà già trông nom con cháu. Còn bố mẹ chúng trong làng lũ lượt bỏ quê đi làm ăn xa.

Con sông Đuống hiền hòa vẫn nghiêng ngiêng theo dòng chở những chuyến đò xuôi ngược. Chuyến đò cũng ì ạch mang nặng tâm sự dòng sông. Bác ngư ông đã già, vẫn miệt mài chiếc thuyền nhỏ thả lưới bẫy từng con tép mọi. Chiếc giỏ tre khi vơi khi đầy tiếng mái chèo rộn ràng gõ vào mạn thuyền đánh cá.

Bút ký: Bắc Ninh và khát vọng đô thị mới - 2

Sông Đuống (Bắc Ninh)

Chúng tôi lúc đó vẫn đang là những cô cậu học sinh, mỗi khi nhìn sang bên kia sông, ánh mắt ngơ ngác khi trông con đường quốc lộ Mười Tám thưa thớt vài chiếc xe qua. Cảnh làng quê êm ả yên bình nhưng cái nghèo vẫn lẩn quất đâu đây, trên con đường đê nhầy nhụa bùn lầy. Bà bắc nồi ngô bung dưới bếp cho các cháu ăn thay cơm qua ngày. Thằng Minh bên hàng xóm đợi bố mẹ cuối tháng gửi tiền về còn đóng học. Bữa no bữa đói khó nhọc, cánh đồng và cả những đôi mắt trẻ thơ chúng tôi, thường hay ngước nhìn lên bầu trời, khát khao một điều gì đó về quê hương đổi mới.

Một ngày đầu xuân của năm 2003, chúng tôi đi xe, ghì chân đạp từng vòng quay trên con đường nhựa cũ kỹ. Từ đằng xa những chiếc xe cẩu, xe ben, máy múc xếp thành hàng nối nhau làm mới lại con đường quốc lộ Mười Tám. Đường được mở rộng hơn gấp ba lần đường cũ. Thì ra con đường bắt đầu khởi công khi khu công nghiệp Quế Võ I được thành lập theo quyết định số 1224/QĐ/TTG của thủ tướng chính phủ ngày 19/12/2002. Quế Võ là khu công nghiệp lớn nhất tỉnh Bắc Ninh với tổng diện tích 600 ha. Vị trí khu công nghiệp Quế Võ I nằm trên trục đường giao thông quan trọng, nối liền các khu trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh cũng như gần sân bay Quốc tế Nội Bài và các cảng biền Quốc tế, rất thuận tiện cho việc bốc xếp hàng hóa.

Các công ty 100% vốn đầu tư từ nước ngoài như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan… họ về đây xây dựng nhà xưởng rộng lớn. Họ mang máy móc hiện đại từ nước họ sang Việt Nam làm việc. Khu công nghiệp xây xong hoàn thiện cũng là lúc chúng tôi trưởng thành, học xong đại học và ra trường. Thay vì chúng tôi phải chen chúc, bám trụ lại ở thành phố tìm việc, chúng tôi được trở về quê hương, đóng góp sức trẻ cho các doanh nghiệp FDI năng động trong công nghệ và sáng tạo trong quản lý.

Bố mẹ tôi và những người dân ngày trước xa quê, nay trở về vui vầy bên xóm ngõ. Họ có công ăn việc làm trong các nhà máy, trên chính quê hương của mình. Giờ tan ca, những tiếng nói cười reo vui sau một ngày lao động miệt mài. Những con đường nơi làng quê tôi không còn sỏi đá găm vào chân như ngày xưa. Đường bê tông trải khắp các thôn ngõ mịn màng và sạch sẽ.

Những cánh đồng bỏ hoang xưa còn trơ gốc rạ, những đầm lầy toàn sình đất và bùn đen thì nay được thay thế bằng những nhà xưởng có gương kính bóng loáng. Quê tôi đã đổi thay từng ngày. Những vùng nông thôn mới, các làng xã văn hóa mới cũng được hình thành. Có kinh tế rồi đời sống nhân dân được cải thiện, các cán bộ chú trọng hơn việc xây dựng phúc lợi và nếp sống văn minh cho bà con ở các vùng nôn thôn. Việc làm nông nghiệp về cơ bản đã được cơ giới hóa bằng máy móc, giải phóng sức người.

Năm 2016 cây cầu bê tông lớn mang tên Bình Than bắc ngang qua dòng sông Đuống được khánh thành. Từ đây xe cộ có thể giao thương đi lại qua con đường Mười Tám nối sang các tỉnh lân cận như Hải Dương, Hưng Yên thuận tiện. Tôi cũng như bao người dân quê tôi, cảm thấy vui mừng vì khát vọng đổi mới quê hương của người dân quê tôi nay đã đổi thay từng ngày.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2021-2030, tỉnh Bắc Ninh dự kiến sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Bắc Ninh là tỉnh có nhiều dấu ấn kinh tế nổi bật trong những năm gần đây. Tiêu biểu trong năm 2022, Bắc Ninh có quy mô nền kinh tế đứng thứ 8 toàn quốc, GRDP đạt 133,6 nghìn tỷ đồng, gấp 23,8 lần kể từ khi tái lập tỉnh, chiếm 2,71% GDP cả nước, tăng 6,9% so với năm 2021. Cùng với đó, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.504 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 1.000 lần so với năm thành lập tỉnh và đứng thứ nhất cả nước. Con số đó sẽ luôn được cập nhật và tăng lên theo từng ngày.

Bút ký: Bắc Ninh và khát vọng đô thị mới - 3

Ngã 6, phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh, một trong những trục kết nối giao thông, phát triển đô thị của tỉnh.

Với những thành tích đã đạt được, chúng tôi, những người con Bắc Ninh có quyền hi vọng về một nền kinh tế phồn thịnh. Bắc Ninh từ một thị xã nhỏ bé nay đã là thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2021-2030. Tôi sẽ mãi không quên những con đường quê, những ngày gian khổ người dân quê tôi cùng cố gắng. Chúng tôi quý trọng những gì quá khứ đã đi qua, và khát khao những đổi thay phía trước.

Nguyễn Thanh Nga

Tin liên quan

Tin mới nhất