“Chiếc kéo” của người biên tập

Bên cạnh việc tổ chức, thực hiện bài vở thì biên tập là một công việc hàng đầu của người làm báo. Để lên khuôn một số báo, xuất bản một bài báo điện tử không thể bỏ qua công việc này. Đó là việc rất cần thiết, phải được làm kĩ càng, cẩn trọng.

Biên tập không chỉ là khâu đảm bảo chất lượng nội dung bài viết bằng cách kiểm tra tính chính xác, khách quan, trung thực của thông tin, Sửa chữa lỗi chính tả, ngữ pháp, logic mà còn góp phần nâng cao tính sáng tạo, hấp dẫn của bài viết. Ngoài ra mỗi cơ quan báo chí luôn có đặc thù, tôn chỉ, khuôn khổ, dung lượng riêng nên bắt buộc phải có khâu biên tập.

Dẫu người viết có tài giỏi đến đâu, vẫn cần phải qua việc này, bởi vì  “quét nhà sẽ ra rác”, mà nhà càng sạch, càng không có rác, như là tờ báo càng hoàn hảo ắt là điều ai trong tòa soạn cũng mong muốn.

Mục đích cao nhất của biên tập là gì? Chúng ta rất dễ thống nhất: là để có được bài báo tốt nhất, hay nhất, hiệu quả nhất. Nhưng như thế nào là tốt, hay, hiệu quả thì lại tùy thuộc một phần ở từng người biên tập cụ thể với trình độ hiểu biết, tri thức, học vấn, nghề nghiệp, vốn sống… của họ.

“Chiếc kéo” của người biên tập - 1

Ảnh minh họa

Có một tình trạng khá phổ biến ở không ít người biên tập là khi tiếp nhận một bản thảo từ mọi người (cấp trên chuyển xuống, đồng nghiệp chuyển sang, tự tìm kiếm, cộng tác viên gửi đến) của mọi đối tượng (người trong tòa soạn, người mới viết, cộng tác viên bình thường, tác giả có tên tuổi) bao giờ cũng nhìn ngay số trang (dung lượng) mà lẽ ra phải quan tâm trước nhất đến nội dung, vấn đề. Điều này được thể hiện rõ ngay ở cái “tít” (tiêu đề) bài báo.

Cũng phần nào có thể thông cảm được với biên tập viên, bởi khuôn khổ tờ báo có hạn nên số chữ chỉ có thế cho phép trong phạm vi nhất định. Hơn nữa, bây giờ độc giả phần nhiều không thích đọc những bài dài. Họ cần nhiều thông tin nhưng ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung, chỉ trong vài phút đọc một bài, có thể nắm bắt được ngay vấn đề. Vậy nên ngắn là cần thiết. Muốn đạt được điều này, đương nhiên biên tập viên phải sử dụng đến “kéo” để... cắt. Mà phải là kéo sắc, chứ kéo cùn thì cắt không... đứt. Song, đã xảy ra một thực trạng không phải là hiếm thấy: Nhiều bài có nội dung thú vị, có màu sắc, chuyển tải đến người đọc nhiều thông tin hấp dẫn, có khi là rất mới mẻ đã bị hạn chế hiệu quả bởi biên tập viên đã cắt bỏ nhiều chỗ chí lý, đích đáng mà nếu để sẽ hay hơn rất nhiều.

Có những bài không thể chỉ nêu vấn đề mà cần phân tích, mổ xẻ với lập luận sắc sảo mới khiến độc giả nắm bắt đầy đủ, trọn vẹn. Nhưng biên tập viên cũng “cắt phăng” không thương tiếc nhiều chỗ mà họ cho là “thừa” (trong khi đó là theo quan niệm của họ, do không thẩm thấu được hết giá trị, có khi còn không hiểu được mức độ sâu sắc, trí tuệ của những ý đó).

Có lần tôi gửi đến một tờ báo không chuyên về văn hóa, văn nghệ nhưng có 2 trang dành cho lĩnh vực này. 2 bài báo giới thiệu 2 tập thơ mới xuất bản (theo “com – măng” của biên tập viên). Đó là các cuốn sách khác hẳn nhau: Một có chất lượng cao của một nhà thơ tên tuổi, một hơi yếu của một cây bút nghiệp dư. Dĩ nhiên ở tập trước, tôi dành một dung lượng đầy đặn hơn so với tập sau trong bài viết của mình. Cũng chẳng phải vì “nhất bên trọng, nhất bên khinh” giữa chuyên nghiệp và nghiệp dư vì sự thật trong thực tế, không thiếu gì nhà thơ có tên tuổi viết không hay bằng tác giả còn vô danh mà chủ yếu là vì tập thơ thứ nhất có nhiều điều để nói, còn tập thứ hai chỉ vì nể lời “com- măng” mà viết. Đến khi đăng, tôi thấy cả hai bài báo của mình đều bị cắt rất phũ phàng, đến nỗi chỉ còn là... điểm sách (chừng 400 chữ cho một bài). Bài về tập thơ sau có thể chấp nhận được, nhưng bài về tập thơ của nhà thơ chuyên nghiệp có tiếng tăm thì không ổn.

Khi đọc được bài này trên báo, ông ta nói với tôi: “Cảm ơn đã lưu ý đến tập thơ của mình. Nhưng thôi, lần sau mình không dám làm phiền đến thời gian vàng ngọc của ông. Và ông cũng còn nhiều việc khác quan trọng hơn, viết về thơ mình làm gì cho mất công”. Tôi hiểu là ông tự ái vì chỉ là dăm ba dòng ở dạng đọc sách. Tôi phải đưa bản thảo ban đầu (chưa bị cắt) cho ông xem. Sau đó ông mới hiểu cho tôi.

Lại nữa, lần khác tôi gửi đăng bài nói về một cây đại thụ trong một lĩnh vực nghệ thuật nhân số báo kỷ niệm Cách mạng tháng Tám với rất nhiều chi tiết mới mẻ về thân thế, trước tác của ông mà trước nay chưa mấy ai rõ. Ông là một trong số ít văn nghệ sĩ được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về sáng tác ngay từ đợt đầu tiên. Số báo ấy được gộp mấy số liền, tới bốn, năm chục trang, in giấy rất đẹp, trông bắt mắt. Số báo như thế, kỉ niệm một ngày trọng đại như thế, lại nói đến một tài năng tầm cỡ như thế thì đăng ảnh ông to, bài viết cả một trang cũng là xứng đáng, cần thiết. Vậy mà cuối cùng, tờ báo này đã cắt phăng bài của tôi tới già một nửa, để khi nhìn trên báo, chỉ còn non một nửa trang. Nhà nghệ sĩ lớn bị lọt thỏm giữa thiên la địa võng những khuôn mặt bình thường khác. Mỉa mai thay, trong số báo đó lại đăng bài phỏng vấn, tôn vinh một vài diễn viên trẻ, còn xa lạ với công chúng, có cách trình diễn thậm chí đáng phàn nàn hơn là khen ngợi. Vậy mà choán hết cả một trang, kèm nhiều ảnh rất “tươi mát”, còn “ngoạn mục” hơn cả vị nghệ sĩ lớn kia. Không biết sau đó, tòa soạn có cùng nhau rút kinh nghiệm về việc này, hoặc có được ai góp ý không?

Đúng là do dung lượng trang báo có hạn nên cần phải cắt. Nhưng vấn đề là cắt như thế nào? Loại bài gì cần cắt? Loại nào, của tác giả nào thì có khi còn phải mời họ viết, phát triển vấn đề thêm. Và điều cần nói nữa là sau khi cắt thì phải nói ra sao? Rất nhiều biên tập viên đã không lưu ý việc này, dẫn đến có những đoạn, những ý bị hẫng, cụt, khiến người đọc chẳng hiểu “mô tê” gì, lại nghĩ do người viết tư duy lộn xộn, thậm chí não có...“vấn đề”. Nhưng nối là việc không dễ vì đòi hỏi người biên tập phải theo kịp tư duy của tác giả, ít nhiều đồng cảm với họ (ở bài đó) và phải nhập được vào mạch văn của họ. Cho nên, rõ là các biên tập viên phải được trang bị kéo vừa to, vừa sắc và phải thường xuyên mài. Nhưng vấn đề là người dùng kéo phải sành, giỏi, phải biết được giá trị từng bài, từng người viết để mà lựa chiếc kéo sao cho khéo, hiệu quả nhất. Tránh việc cắt xén tùy tiện dẫn đến “lợn lành chữa thành lợn què”. 

Tuy nhiên, cũng có những tờ báo biết trân trọng người viết, nhất là những tác giả có tên tuổi, thương hiệu. Họ viết lách có nghề nên giàu hàm lượng trí tuệ, thông tin phong phú, tư duy mạch lạc, diễn đạt gẫy gọn, lưu loát, khúc triết. Với những tác giả này, các biên tập viên hầu như để nguyên bài của tác giả, có muốn rút bớt số chữ cho vừa với trang báo thì sẽ nói tác giả tự sửa chữa, biên tập chứ không tự ý cắt hoặc trực tiếp trao đổi thẳng thắng với tác giả. Một cách tôn trọng người viết rất đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, tôi không bao giờ phủ nhận mình đã có nhiều bài báo nhờ biên tập mà gọn gàng, sáng sủa hơn. Khi ấy, biên tập quả đã phát huy tác dụng. Dĩ nhiên, tôi rất biết ơn. Song thú thực, chưa nhiều biên tập viên có được năng lực biên tập như thế. Thường người biên tập có cầm bút, viết lách nhiều sẽ dễ đồng cảm với người viết. Khi ấy, mọi chi tiết họ biên tập dễ được các tác giả chấp nhận. Phải biên tập sao để tác giả khi đọc lại bài đăng trên báo không biết là bài mình đã được sửa sang thế nào hoặc bài viết trở nên hấp dẫn hơn. Như vậy mới là biên tập giỏi. Bản thân tôi đã nhiều lần gặp được những biên tập viên như thế. Ở vào trường hợp này thì dù tiền nhuận bút có khiêm tốn, vẫn thích cộng tác. Họ quả là bà đỡ mát tay cho những đứa con tinh thần của mình. Và được họ mời viết bài thì thật vinh hạnh cho mọi tác giả. Họ chính là nguồn động viên rất lớn để người viết tiếp tục đóng góp những bài báo có ích, được độc giả đón nhận.

Nguyễn Đình San

Tin liên quan

Tin mới nhất