Chuyện làng Văn nghệ: Đưa “Hải âu” lên sóng
Đầu tháng 3 năm 1984, tôi nhận nhiệm vụ chuẩn bị ra Trường Sa công tác. Chuyến đi đầu tiên ra đảo khiến tôi vừa háo hức vừa hồi hộp. Tôi lập tức tìm hiểu về cuộc sống của chiến sĩ ta ở Trường Sa qua những bài báo của đồng nghiệp. Tôi nhận những chiếc túi ni lông to tướng để đựng quân trang khi lên đảo. Chiếc máy ảnh Pratica và mấy cuốn phim cũng được bọc gói cẩn thận.
Một buổi chiều, lên thư viện Báo Quân đội Nhân dân, tình cờ tôi đọc Tạp chí Văn nghệ Quân đội in từ năm 1980, trong có Truyện ngắn Hải Âu của nhà văn Lê Hoài Nam. Câu chuyện cùng các nhân vật: Bác sĩ Hoàng Lan, thuyền trưởng Dương Thủy Triều, cô Vĩ Cầm, Trung úy Mai Nguyễn, những chiến sĩ hải quân kiên cường chiến đấu, đánh đuổi bọn Pôn Pốt bảo vệ tuyến đảo phía Tây Nam Tổ quốc thực sự cuốn hút tôi. Tôi cảm thấy tác giả truyện ngắn Hải Âu có nhiều nét tâm trạng giống tôi khi lần đầu tiên đi viết về những người lính giữ biển.
Tác giả bài viết chuẩn bị xuống tàu ra Trường Sa. Tháng 3 năm 1984
Tôi thầm hát Chiều Hải cảng, một bài hát nổi tiếng viết về các chiến sĩ hải quân Xô viết trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô chống phát xít Đức, tôi yêu thích khi còn là sinh viên Văn khoa. Tôi như thấy tiếng vĩ cầm của cô Vĩ Cầm cất lên trên Đảo Ngọc. Tôi như nghe tiếng sóng biển ầm ào đâu đây không át được tiếng thuyền trưởng Dương Thủy Triều ra mệnh lệnh chiến đấu. Tôi như thấy giọt nước mắt lăn trên má của bác sĩ Hoàng Lan nhớ về người cũ, chuyện xưa. Các nhân vật trong Hải Âu cứ ẩn hiện trong tôi, thôi thúc tôi phải chuyển thể Hải Âu để qua sóng phát thanh lan tỏa tới mọi miền đặc biệt đến với chiến sĩ hải quân nơi đảo xa.
Nhà văn Lê Hoài Nam khi viết "Hải Âu".
Tôi vẫn nhớ khi chuyển thể Hải Âu, có hai trường đoạn, tôi tâm đắc nhất. Đó là khi tiếng vĩ cầm của cô Vĩ Cầm ngân nga sau những loạt bom gầm của quân thù rít trên Đảo Ngọc. Tôi đã nghĩ tới người vào vai cô Vĩ Cầm hay nhất là diễn viên Minh Hằng với chất giọng nhẹ nhàng, duyên dáng. Diễn viên Anh Tú với chất giọng ấm, truyền cảm vào vai thuyền trưởng Dương Thủy Triều diễn xuất xuất sẽ thành công. Hai diễn viên trẻ này ở Nhà hát Tuổi trẻ tôi từng quen biết. Nhiều đoạn độc thoại của nhân vật, tôi giữ nguyên tác vì câu từ đã rất hoàn hảo (trích từ truyện ngắn Hải Âu).
Chắc anh chưa quên cái năm Nich-xơn cho máy bay rải thủy lôi tầng tầng lớp lớp ngoài vùng biển Hải Phòng và Vịnh Hạ Long chứ? Năm ấy trên hòn đảo Ngọc có một đài quan sát. Cái chòi dựng trên đảo chẳng khác một cái nấm mọc trên đống rơm, nhưng nó chính là con mắt tiền tiêu đấy. Nhờ nó mà những hải đoàn, hải đội biết được thủy lôi từ máy bay Mỹ rơi xuống vĩ độ, kinh độ nào và rơi vào giờ nào trên vùng biển. “Đôi mắt thần” ấy được điều khiển từ những con mắt thật của những người con gái. Bảy cô gái cùng với cái chòi cheo neo!
Hàng ngày, các cô thay phiên nhau đeo súng lên chòi canh, còn thì túa xuống bãi móc cua, bắt ốc hoặc tìm cách vô hiệu hóa những quả thủy lôi rơi trúng đảo. Tối đến, trong cái hang đá rộng dưới chân chòi quan sát những chập cười nói ríu ran như chim họa mi hót cùng với tiếng vĩ cầm cất lên. Những bản nhạc về biển cả, những bản tình ca…Bởi vì trong tiểu đội có một cô biết chơi vĩ cầm. Cô gái ấy quê thành phố cảng. Cô học vĩ cầm từ nhỏ. Học hết phổ thông, cô nhập ngũ và mang theo cây đàn.
Hòn đảo ấy còn là nơi trú ngụ của những con tàu. Trước mỗi chuyến ra khơi đầy sóng gió và lửa đạn hoặc sau mỗi chuyến đi có thể là chiến thắng, có thể là chiến bại, cánh thủy thủ thường cho tàu cập vào đảo. Cánh thủy thủ chạy loai choai như bơi từ mép sóng lên. Cánh nữ trinh sát từ trên đỉnh đảo nhào xuống.
- Xin chào những nàng chim báo bão!
- Chào các anh, những người con của đại dương!
Họ chào nhau như vậy và dang rộng những vòng tay tưởng chừng muốn ôm choàng lấy nhau. Rồi những tiếng cười, nói bung ra. Có cả tiếng trách móc dằn dỗi. Nhưng nổi trội lên trên hết là tiếng đàn vĩ cầm.
Trong kịch bản truyền thanh, tôi vẫn nhớ, để tạo hiệu ứng âm thanh, khi tiếng ríu ran, tiếng cười khúc khích của các cô gái trên Đảo Ngọc xa dần là khi tiếng vĩ cầm cất lên ca khúc Chiều Hải cảng:
Chiều xuống, chiều dần buông
Lặng lẽ, trời mờ sương
Đêm về những âm thanh nghe sao dịu dàng
Bạn hỡi hãy đến đây
Cùng hát với chúng tôi
Hát lên bài ca say đắm khi chiều ɾơi
Thành ρhố xinh xắn của tôi ơi
Ngày mai tôi sẽ vắng xa ɾồi
Trời nắng mới sắp lên
Tàu lướt nhớ tới em
Trên bờ bao khăn thắm vẫy chào ta
…
Tôi đã đưa người dẫn chuyện như đứng bên bờ sóng kể về kỷ niệm tuổi thơ của Thuyền trưởng Dương Thủy Triều, trong nền nhạc vĩ cầm xao xuyến trước khi nhân vật xuất hiện (trích từ truyện ngắn Hải Âu).
“Làng mình ấy à, chẳng khác một hòn đảo nổi lên giữa cánh đồng vùng đồng chiêm trũng. Đêm nằm nghe tưởng như sóng vỗ ngay dưới gầm giường! Làng mình không có những con thuyền gỗ lướt sóng ra khơi mà chỉ có những chiếc thuyền nan buộc theo con trâu lội đồng. Thả buổi, những người thợ cày nằm chéo kheo trong lòng thuyền, uể oải nhai nắm cơm khoai khô nguội ngắt rồi duỗi đôi chân khẳng kheo, đen sắt như đôi chày đẽo bằng gỗ lim, lốm đốm vết đỉa cắn mà ngủ. Làng mình ấy à, làm gì có những nàng hải âu chao liệng như ở đây; chỉ có những con chim bói cá đói mồi đứng lù khù trên những cây vọi, đau đáu nhìn xuống mặt nước đầm xanh vô bổ. Làng mình không có nhà to. Toàn nhà tường đất mái rạ, đứng chen chúc ẩn dưới những vòm tre gai. Bữa cơm làng mình không có những món bổ béo phồn thực, chỉ có những đĩa cá diếc lá me, đĩa tép riu, vậy mà người ta cũng chào mời nhau rối rít. Con gái làng mình không mỡ màng phốp pháp. Cô nào cũng mình tròn cá trắm, năm ngón chân tõe ra như cái bàn cào để chống chọi với bùn thụt, những đôi mắt nhìn thẳng, bất đồ dịu xuống, bất đồ vằn lên như những tia chớp trời…”.
Đấy, kể về quê, Triều rặt cái giọng như thế. Nhưng mà thật lắm, nghe thích lắm. Thích nhất là nghe Triều kể về tuổi thơ của mình. Mười lăm tuổi, Triều hãy còn còi xương, lụt cụt như cái đó tép, tóc tai sặc mùi bùn trằm và mùi mồ hôi trâu. Muốn có bữa ăn tươi, Triều cùng lũ trẻ mục đồng phải lấy gầu sòng tát cả một ô ruộng. Tát choài choãi cả buổi mới cạn, nhưng chỉ được một mớ cá diếc, cá lòng cò, giỏ cua, rổ ốc nhồi. Tiếc công, tụi Triều đứng thành hàng ngang móc từng hòn bùn, bới tìm những con lươn con chạch… Đời sống chật hẹp, kham khổ khiến cậu bé Triều khát khao cái mênh mang dạt dào của đại dương. Học hết lớp mười, Triều thi vào trường đại học địa chất, khoa nghiên cứu đại dương. Công việc khai thác đáy biển, chắc hẳn nó cũng giống như việc móc từng hòn bùn dưới lòng ruộng đồng trũng, rồi sẽ có những thứ mang lại lợi ích cho con người ẩn tàng như những con lươn con chạch. Triều chưa kịp nhập trường thì có lệnh nhập ngũ.
Những trường đoạn này khi chuyển thể cùng lời thoại nhân vật, tiếng vọng hậu trường như tiếng sóng ầm ào, tiếng vĩ cầm dịu êm, da diết, bài hát Chiều Hải cảng trầm hùng vang vọng thực sự cuốn hút người nghe. Tôi gửi kịch bản chuyển thể Hải Âu sang Đài Tiếng nói Việt Nam và háo hức chờ đợi.
…Khoảng cuối tháng 3 năm 1984, tôi và nhà báo, NSNA Trần Hồng, thu xếp tư trang để lên tàu ở Quân cảng Cam Ranh. Tôi đang vội bước ra cầu tầu thì nghe vọng bài hát Chiều Hải cảng và có tiếng ai như tiếng bác sĩ Hoàng Lan nhắc về thuyền trưởng Dương Thủy Triều vang lên từ chiếc loa treo trên cây cột cao ở góc sân. Tôi nhận ra giọng của diễn viên Minh Hằng của Nhà hát Tuổi trẻ trong vai Bác sĩ Hoàng Lan cũng chính là cô Vĩ Cầm trên Đảo Ngọc. Tôi mừng quýnh. Vậy là Hải Âu đã lên sóng để tiếp tục bay cao, bay xa hơn. Tôi bước vội về phía chiếc tàu HQ 617 đang neo trên bến cảng.Tiếng còi tàu ngân xa chào đất liền. Các chiến sĩ hải quân đứng nghiêm bên Quốc kỳ phần phật bay đón gió biển.
Trong chuyến đi này có nhóm văn công xung kích của Quân chủng Hải quân phục vụ chiến sĩ Trường Sa. Họ đứng trên boong tàu hớn hở khoe vừa nghe Đài phát sóng về Hải Âu, câu chuyện xúc động về những người lính biển. Họ đứng sát bên nhau, hát những ca khúc về chiến sĩ Hải quân . Rồi ca khúc Chiều Hải cảng vang lên. Một chiến sĩ trẻ kéo đàn nụ cười tươi rói trên môi. Tôi lặng lẽ đứng bên anh, tự hào hát theo và nhìn theo những chú hải âu vờn trên sóng, chao liệng trước mũi tàu.
** *
Năm 2024, khi về làm việc tại Thời báo Văn học nghệ thuật, tôi mới được gặp tác giả của truyện ngắn Hải Âu mà tôi đã yêu thích 40 năm trước.
Nhà văn Lê Hoài Nam và tác giả sau 40 năm gặp lại.
Sau khi thành công với một loạt truyện ngắn viết về biển đảo, Lê Hoài Nam (cùng với Trần Đăng Khoa) được Bộ tư lệnh Hải quân cho đi thi đại học, đỗ vào Khoa Viết văn (Trường Viết văn Nguyễn Du) Đại học Văn hóa Hà Nội. Tốt nghiệp, Lê Hoài Nam trở về Bộ tư lệnh Hải quân tiếp tục công tác và viết văn. Năm 1987, Lê Hoài Nam được Hội Văn học nghệ thuật Nam Định xin cho chuyển ngành về làm lãnh đạo Hội từ năm 1989, đến năm 2009, sau đó anh chuyển hẳn lên Hà Nội sinh sống và sáng tác.
Sau truyện ngắn Hải Âu, anh sáng tác hơn 70 truyện ngắn in trên các báo và tạp chí. Trong đó có 4 truyện ngắn của anh được chuyển thể thành phim. Năm 2022, anh chọn 42 truyện tiêu biểu xuất bản Tuyển tập truyện ngắn Lê Hoài Nam. Ngoài truyện ngắn Lê Hoài Nam còn sáng tác và xuất bản 9 cuốn tiểu thuyết, tiêu biểu như Danh tiếng và bóng tối, Mỹ nhân nơi đồng cỏ, Cuộc đời xa khuất, Hạc hồng (giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn lần thứ 5, 2016 - 2020), Khắc tinh với thần chết, Thanh xuân như cỏ… Bên cạnh đề tài chiến tranh, Lê Hoài Nam còn viết nhiều đề tài khác, trong đó có đề tài lịch sử, đề tài Thiên Chúa giáo, đề tài Phật giáo được đông đảo bạn đọc đón nhận.
Chiều Hải cảng (Tiếng Nga: Вечер на рейде) là một bài hát nổi tiếng của nhà soạn nhạc Vasily Solovyov-Sedoi và được Alexander Churkin viết lời. Bài hát được sáng tác vào năm 1941 tại Leningrad khi cuộc chiến đấu chống quân phát xít Đức xâm lược của các chiến sĩ Hồng quân quyết liệt nhất . Bài hát còn được biết đến với những tên khác như Hát lên, những người bạn tôi! (Споёмте, друзья!). Là người có mặt cùng nhà soạn nhạc vào thời điểm đó, nhà thơ Alexander Churkin hồi tưởng: “Soloviev-Sedoy ngồi im lặng và trầm ngâm. Khi chúng tôi lái xe về nhà, anh ấy nói: Buổi chiều tuyệt vời. Đáng để viết một bài hát! Hình như anh ấy đã có giai điệu rồi, vì anh ấy nói ngay cho tôi nội dung cần có như thế này: Các thủy thủ rời thành phố thân yêu, tạm biệt…”. Ngày hôm sau, Churkin viết lời thơ theo đề xuất và đưa cho Solovyov-Sedoy. Ba ngày sau, nhà soạn nhạc gọi cho ông và nói: “Tôi đã hoàn thành bài hát”. Mặc dù bị các quan chức ngành văn hóa chê là “ủy mị” khi mới ra mắt, bài hát đã thực sự chinh phục được trái tim những người lính và các tầng lớp quần chúng nhân dân, dần dần được biết đến trên khắp các mặt trận. Đây là một trong những bài hát hay nhất viết về các chiến sĩ hải quân trong Cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại chống phát xít Đức của nhân dân Liên Xô. |
Tôi gặp lại Anh hùng Đoàn Sinh Hưởng, Tư lệnh Binh chủng Tăng Thiết giáp. Ông mang quân hàm Thượng tá, một vị Tư lệnh...
Bình luận