Hai người Hà Nội ở Đà Lạt

Hai người Hà Nội ấy có mặt ở Đà Lạt vào hai thời điểm cách nhau 38 năm.

Tháng 8 năm 1998, trong một chuyến đi thăm vùng kinh tế mới Lâm Hà, tôi có dịp đến thăm một trong những người Hà Nội đầu tiên ở Đà Lạt, đó là cụ Ngô Văn Bính, người Quảng Bá, Nghi Tàm, bên Hồ Tây. Cụ Bính vào Đà Lạt năm 1938, khi ấy mới ở tuổi 18. Cụ là một thành viên trong đoàn kinh tế mới thời nhà Nguyễn chủ trương đưa người lên cao nguyên trung phần khẩn hoang lập ấp mà trực tiếp là tuần phủ Vi Văn Định cùng Hoàng Trọng Phu đứng ra tổ chức.

Đây là đợt thứ hai, đợt thứ nhất vào năm 1937. Dân Hà Nội và Hà Đông ra đi đợt ấy mới chỉ có bảy xã, mỗi xã từ năm đến sáu hộ. Hộ độc thân - chàng trai Ngô Văn Bính khi đi có mang theo một cây đào Nhật Tân, một cây sanh và một số củ lay ơn làm vốn liếng. Mỗi nhân xuất được các nhà chức trách đương thời tạm cấp 7 đồng lương một tháng.

Hai người Hà Nội ở Đà Lạt - 1

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Cậu Bính cũng như mọi người được lĩnh tạm ứng liền 4 tháng, vị chi là hai mươi tám đồng Đông Dương để làm vốn liếng ban đầu và dựng tạm một ngôi nhà. Có an cư mới lạc nghiệp! Vậy mà trong số những người đi đợt ấy, chỉ một mình cậu Bính là làm ăn thành đạt nhất. Cây sanh hiện nay vẫn đẹp. Cây đào Nhật Tân năm nào hoa cũng nở thắm trời Đà Lạt làm cho cậu Bính vợi đi nỗi nhớ Thủ đô Hà Nội. Từ cậu Bính thuở nào nay đã thành cụ Bính. Riêng sự xuất hiện hoa lay ơn Nghi Tàm ở Đà Lạt cũng đã làm cho cậu Bính trở nên nổi tiếng: Hoa lay ơn cậu Bính.

Suốt mấy chục năm trời, người Đà Lạt hay khách nước ngoài đều biết đến giống hoa lay ơn của cậu Bính - một giống hoa được mang vào từ Hà Nội. Một vài năm sau về thăm Hà Nội cậu Bính có mang thêm một gánh giống cây dâu tây trồng ở Nghi Tàm. Quả dâu tây ở Hà Nội thời ấy giá chỉ có 8 xu một ký. Dâu tây của cậu Bính trồng ở Đà Lạt lên như lôi cổ. Hơn bốn tháng vun trồng đã cho những chùm quả chín mọng trông thật ngon mắt. Giá dâu quả ở đây lại đắt: từ 1.5 đến 2 đồng một ký - Trong khi giá gạo cũng chỉ 2.5 đến 3 đồng một tạ.

Vậy là nguồn dâu tây cũng làm cho kinh tế của cậu Bính “phất” to, dư tiền để cưới vợ, xây dựng nhà cửa và trang trại. Dâu Đà Lạt hiện nay là giống mới nhưng những người Đà Lạt xưa ai cũng nhớ tới giống dâu quả của cậu Bính ngọt lịm, thơm phức. Kể cả giống dâu tây chính hiệu thời ấy của Pháp mang sang cũng không thắng nổi uy tín giống dâu quả của cậu Bính mang từ Nghi Tàm - Hà Nội vào.

Hình như trời sinh ra cụ Ngô Văn Bính để mà nổi tiếng đã được định sẵn; kể cả khi bị mắc cạn, đi tù và oan ức. Năm 1945, cụ Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập nhưng thực dân Pháp lại phản bội hiệp ước đã ký không công nhận nhà nước Việt Nam, nên cả nước lại nhất tề đứng lên chống Pháp theo lời kêu gọi của Cụ Hồ. Khi ấy cậu Bính đã ngoài 25 tuổi, cũng hăm hở xin vào bộ đội chống Pháp. Trong một đợt kiểm tra quân tư trang của đơn vị, cán bộ chỉ huy trực tiếp thấy trong túi cậu Bính có vài tờ giấy bạc một trăm đồng Đông Dương. Một trăm đồng Đông Dương hồi ấy to lắm. Tân binh Ngô Văn Bính liền bị nghi là Việt gian, lập tức phải rời khỏi quân ngũ. Buồn bã và chán chường, chưa biết nên như thế nào nhưng chỉ ba ngày sau là gặp may ngay.

Với giọng hồ hởi, cụ tiếp: 

- Tự nhiên có hai người Thượng dẫn tù binh Nhật đến xin được đầu hàng, nộp hai khẩu súng, một gùi thuốc cho “người của Chính phủ” là tôi! Thế là bỗng chốc tôi lại trở thành nổi tiếng. Báo chí địa phương đưa tin: “Ông Nguyễn Văn Bính thật dũng cảm, một mình tay không đã “bắt sống” hai lính Nhật, thu hai súng và một gùi thuốc tây quý”. Thực tình biết là sai nhưng lúc ấy tôi cũng cứ im lặng, không cải chính và nghiễm nhiên là người của Cách mạng. Từ đây, tôi đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ và tiếp tục xây dựng trang trại.

Ngồi nghe cụ Bính kể tôi cứ liên tưởng đến cụ Bính có những nét rất gần gũi với nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam - cụ Trần Công Tiễu qua bài bút ký “Gặp ông già Thủy tiên trang” của nhà thơ Trần Lê Văn đăng trên tuần báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam. Có đôi điều hơi khác vì cụ Bính là người đi sâu vào khâu thực nghiệm, chịu khám phá và trưởng thành từ thực tiễn. Còn cụ Trần Công Tiễu là kỹ sư canh nông, học giỏi, lý luận cừ khôi, được Pháp nể trọng.

Đã lâu không có người tâm sự, nay được dịp, cụ Bính như một cái máy ghi âm. Cuộc đời cụ là một cuộn băng tư liệu phong phú. Cụ lần lượt “tái bản” những nguồn tư liệu ấy.

Hồi trước giải phóng, khoảng đầu thập niên 1960 có một sinh viên Đà Lạt đến xin trọ học và nhận làm gia sư kèm cặp cho các cháu nhà tôi. Công việc đang tốt, chẳng may anh ta bị bệnh đậu mùa tưởng khó qua khỏi. Nhưng tôi đã gắng sức tìm thầy chạy thuốc, hy vọng “còn nước còn tát”. Và quả nhiên “gặp thầy gặp thuốc” thật. Anh ta lành bệnh, đăng lính phi công và sang Mỹ du học.

Một hôm tôi đang làm vườn bỗng nhận được một bức thư của anh ta từ Mỹ gửi về thăm hỏi và ngỏ lời hỏi han nguyện vọng xem tôi cần gì anh ta sẽ giúp. Nghĩ mãi, tôi liền viết thư thăm hỏi và ngỏ lời: “Anh mua giúp tôi một kilôgam hành giống của Mỹ”. Hồi ấy Đà Lạt chưa trồng được hành tây, vẫn phải mang từ Sài Gòn lên, vì vậy mà giá hành rất đắt. Bộ canh nông của chính quyền Sài Gòn cũng chú trọng khuyến nông, đã cung cấp giống hành tây cho Sở canh nông Đà Lạt trồng thử nhưng hành vẫn không có củ. Khi giống hành Mỹ đã đến tay, tôi sung sướng thực sự. Tôi hy vọng, giống hành này đem lại kết quả như trong truyện dân gian “Ai mua hành ra mua. Dọc bằng đòn gánh, củ bằng bình vôi. Ai có thương tôi thì ra mà lấy!”. Nào ai ngờ, đó lại là sự thật!.

Hành Mỹ trong vườn nhà tôi dọc tốt xanh đen, cao đến ngực, củ cực to, xé đất nứt toác để phát triển. Đến khi thu hoạch, củ nhỏ nhất cũng phải một ký, củ to lên đến hai ki lô. Sau này giống khoai Mỹ tôi áp dụng trồng thử củ cũng to bằng chiếc bình đựng nước uống. Khoai tôi trồng ở đây ăn rất ngon, bở tơi, đem hầm thịt ngon hết chỗ nói. Tiếng lành đồn xa. Báo chí Sài Gòn đưa tin, chụp ảnh, viết bài đăng báo. Từ đấy nhà tôi liên tiếp có người đến tham quan học hỏi kinh nghiệm. Hành và khoai nhà tôi bán đắt như tôm tươi. Hầu như người ta quên phắt đó là giống hành Mỹ, khoai Mỹ mà chỉ nhớ đến giống khoai, giống hành nhà ông Bính! Tôi bán giống nhưng cũng không hề giấu diếm kinh nghiệm trồng trọt để có được năng suất cao nên bà con ở Đà Lạt rất mến tôi.

Tôi đề nghị xin chính quyền được bao thầu khu vực hồ Vạn Kiếp để áp dụng kỹ thuật nuôi cá ở cao nguyên. Nguyện vọng của tôi được chấp thuận. Sở canh nông Đà Lạt cho vay tiền mua cá giống. Giống cá cũng của họ nhưng khi vào tay tôi nuôi, cá cũng lớn nhanh như thổi, thế mới kỳ lạ chứ! Đến kỳ triển lãm hội chợ, cá của tôi cũng được trưng bày cả cá sống và các tiêu bản. Con cá tiêu bản dài hơn 0.8 mét. Buồng trứng trong bụng cân nặng tới 2.5 kilô. Bên cạnh con cá được dán dòng phụ đề: “Sản phẩm của ông Ngô Văn Bính - Đà Lạt”!.

Hồ Vạn Kiếp nay đã trở thành nơi trồng rau, không còn là hồ nữa nhưng cụ Bính thì vẫn còn sống, sống khỏe mạnh, vẫn chăn nuôi, trồng trọt và sống hồn nhiên. Nhờ có những cống hiến thành công liên tiếp, chính quyền Sài Gòn “tấn phong” cụ Bính làm Trưởng phái đoàn đi kinh lý Đài Loan trao đổi kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và được mời làm giáo sư giảng dạy ở một trại thực nghiệm.

- Vậy cụ có nhận lời ở lại giảng dạy cho họ không?

- Lẽ cố nhiên tôi đâu dám nhận làm giáo sư bởi lẽ tôi chỉ là người thực hành, có lý luận gì để mà giảng với dạy?

Sự may mắn cộng với lòng say mê nghiên cứu nông nghiệp tạo nên mà tôi trở thành một con người nổi tiếng. Sắp tới, nếu tôi có “đi xa” thì cũng hài lòng, vì mình là một người con của Thủ đô Hà Nội ra đi lập nghiệp và đã trở thành sự nghiệp!

Ngừng lời, cụ Bính lấy chai rượu sâm rót mời chúng tôi:

- Rượu sâm quý đấy! Tôi khỏe mạnh như bây giờ là nhờ chăm chỉ lao động và uống rượu bổ sâm này đấy!

Chúng tôi cùng nâng cốc chúc mừng cho cuộc hội ngộ. Sáu con mắt nhìn nhau rưng rưng cảm động. Đôi mắt cụ Bính sáng long lanh và linh lợi hẳn lên. Cụ mãn nguyện thực sự vì đã được kiểm lại cuộc đời mình, được giãi bày với những người tâm huyết. 

Người dẫn tôi đến thăm cụ Bính với ánh mắt như cười: “Thế nào, đạt yêu cầu rồi chứ?”! Người ấy chính là ông Phan Hữu Giản - Người Hà Nội thứ hai mà tôi đề cập đến. Phan Hữu Giản cũng là người Hà Nội gốc, quê ở làng đúc đồng Ngũ Xã, bên hồ Trúc Bạch nhưng lại học nông học và trở thành cán bộ quản lý. Ông là Thành ủy viên Hà Nội, được cử giữ chức Bí thư huyện ủy đầu tiên của huyện Lâm Hà, mà tôi đã đề cập trong bài viết “Những người đi mở đất”. 

Trước mặt tôi hiện diện hai người Hà Nội ở nơi xa, ở hai thời điểm, tiêu biểu cho hai thế hệ. Người Hà Nội đi kinh tế mới năm 1938 mới chỉ lập ấp, đâu có quy mô di dân tới cấp huyện như Lâm Hà ngày nay. Khác với thời cụ Bính, ông Giản là người chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước trực tiếp quản lý hàng vạn con người Hà Nội đang cùng nhau đưa cao nguyên trung phần trở thành vùng đất đai màu mỡ để nuôi sống hàng chục vạn con người trên cao nguyên này. Việc làm thì lớn nhưng con người anh thật khiêm tốn, sống giản dị.

Giờ tạm biệt đã đến. Thung lũng trước cửa nhà cụ Bính trời thật xanh trong. Những cụm mây trắng xốp đang bồng bềnh trôi, lướt nhẹ trên những thảm xanh nào rau, nào hoa lung linh sắc màu. Cuộc hội ngộ diễn ra tuy ngắn ngủi nhưng tôi không khỏi bồi hồi xúc động và khâm phục những con người Hà Nội nơi xa đã lập nghiệp, trở thành Người Đà Lạt như cụ Bính và ông Giản thời nay đã lập nên những chiến công xứng đáng với truyền thống Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Hoàng Kim Đáng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Những vần thơ sống mãi của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Những vần thơ sống mãi của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh (1890-1969) không chỉ là một lãnh tụ vĩ đại của phong trào cách mạng Việt Nam mà còn là một nhà thơ, nhà văn kiệt xuất trong nền văn học nước nhà. Người xác định, văn chương là vũ khí sắc bén để đấu tranh cách mạng và cũng là phương tiện rất hữu hiệu để động viên chiến sĩ, đồng bào.