Hoạt động kinh tế ở Trường Sa

Từ đảo đèn Đá Tây B con xuồng quân dụng cao tốc chở chúng tôi, sức vóc vạm vỡ tựa như một con hải mã, tăng tốc dần và chỉ trong chốc lát đã đạt tới tốc độ “ xé nước ”, như cách anh em lính đảo ở đây vẫn nói. Hải mã xé nước rẽ sóng trực chỉ hướng ra đại dương, nhưng theo một con đường dích dắc riêng của mình vì còn phải tránh những đoạn nước cạn hoặc những chỗ đá ngầm, mà các chàng lính lái ở đây thuộc như lòng bàn tay.

Gần nửa giờ sau, con xuồng giảm dần tốc độ rồi từ từ cập vào một cầu tàu của hòn đảo mang tên Đá Tây A. Lúc ấy trên cầu tàu đã thấy mấy anh sĩ quan hải quân áo trắng tinh tươm, quân hàm vạch vàng kim tuyến óng ánh. Lẫn vào đấy là mấy anh cán bộ dân sự áo quần đồng phục màu rêu.

Sau khi ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nói lời phi lộ về chuyến thăm và tặng quà cán bộ chiến sĩ, anh sĩ quan đeo lon trung tá tôi đoán là đảo trưởng bước lên giơ tay chào theo kiểu nhà binh và cảm ơn các vị quan khách, anh không giới thiệu tên mình mà giới thiệu ngay về đảo. Trung tá cho biết đây là cụm đảo Đá Tây A thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cụm có 3 hòn đảo nhỏ tách biệt cách nhau vài trăm mét, tuy là 3 nhưng đều thuộc một đơn vị chiến đấu, trong đó hai hòn đảo phía trước mặt đều là cụm chiến đấu, riêng hòn đảo ta đang đứng, từ trên chục năm nay đã ra đời thêm một trạm quản lý dịch vụ nghề cá.

Vị trung tá quay sang người đứng cạnh mình và giới thiệu đây là anh Chu Đình Sơn, Trạm trưởng Trạm quản lý dịch vụ nghề cá đảo Đá Tây A. Trạm trưởng Sơn cúi chào rồi hồ hởi mời khách vào thăm nơi làm việc của Trạm. Anh Sơn cho biết, lúc mới thành lập Trạm do quân đội quản lý, một thời gian ngắn sau trực thuộc Bộ Thủy Sản, nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trạm Dịch vụ nghề cá có nhiệm vụ chính là cung ứng bổ sung cho ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ các loại vật tư, vật phẩm tiêu dùng như xăng dầu, đá cây, nước ngọt, lương thực, thực phẩm, thậm chí đôi khi là cả rau quả các loại. Ngoài ra Trạm còn có chức năng dịch vụ sửa chữa tàu thuyền cho bà con mỗi khi có nhu cầu đột xuất, tất cả đều là nhằm giúp cho ngư dân biển xa có thể kéo dài thời gian bám biển tại các ngư trường quanh khu vực quần đảo Trường Sa.

Trong những năm gần đây, do nhu cầu cung ứng vật tư tăng lên không ngừng, một tổ chức lớn hơn cả về chức năng nhiệm vụ và quy mô hoạt động đã ra đời, đó là Tổng công ty Hải sản Biển Đông, và nay một lần nữa đổi tên thành Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông. Công ty này có trách nhiệm quản lý và tổ chức cung ứng vật tư cho ngư dân không chỉ khu vực Trường Sa, mà cho cả vùng biển Hoàng Sa và vùng bãi đá ngầm Tư Chính phía Nam nữa.

Hoạt động kinh tế ở Trường Sa - 1

Cụm đảo Đá Tây A - Trường Sa ( Ảnh Nguyễn Đắc Như)

Trò chuyện chủ khách hồi lâu, Trạm trưởng mời khách đi thăm kho tàng bến bãi, vừa đi anh vừa giới thiệu, Trạm hiện có 6 con tàu cung ứng vật tư neo đậu tại vũng nước sâu cách đảo trên dưới một hải lý. Những buổi chiều hôm, tàu ngư dân đến mua vật tư tấp nập vào ra, áp sát mạn tàu của Trạm, nhiều lúc đông vui như một làng chài nơi cửa sông. Các loại vật tư ở đây đều được cung ứng kịp thời và thuận tiện theo giá thời điểm trong đất liền, phần chênh lệch bị lỗ nếu có được hạch toán riêng, ngân sách sẽ kiểm tra quyết toán cấp bù theo chế độ.          

Tôi lại hỏi, thế nhỡ khi một tàu cá ngư dân nào đó đang bị chết máy xa Trạm nhiều hải lý, có nhu cầu khẩn cấp được sửa chữa và mua vật tư, thì được hỗ trợ bằng cách nào? Anh Vũ Trung Thảo, thuyền trưởng của một trong số 6 con tàu của Trạm cho hay, khi nhận được điện cấp báo về một nhu cầu nào đó của ngư dân theo một mã số liên lạc riêng, lãnh đạo Trạm sẽ cắt cử tàu đến tận nơi hỗ trợ sửa máy hoặc bán vật tư tại chỗ theo yêu cầu cho bà con. Anh Thảo còn cho biết bản thân tầu anh đã nhiều lần nhận nhiệm vụ như thế, có lần đi về xa cả trăm hải lý cũng là chuyện thường.

Câu chuyện còn đang dở dang thì thấy một người đàn ông trung tuổi, cỡ ba lăm bốn mươi, tiến tới đề nghị anh Thảo nhận giúp số tiền mà tàu anh ta đã mua gạo và dầu diesel từ bữa trước mà Trạm còn cho chịu. Nhìn cái túi vải căng phồng nổi hằn những khối vuông góc cạnh anh ôm khư khư trong lòng, tôi đoán là túi tiền mang đi trả nợ.

Chừng mười lăm phút sau, trong lúc tôi đang loay hoay chụp ảnh những con tàu trắng của Trạm, và xa xa là những con tàu câu mực đang di chuyển quanh bờ, thì lại thấy anh chàng ngư phủ ban nãy đi ngang sân, tôi vội bám theo khi nảy ra ý định muốn biết thêm về công việc làm ăn của bà con đánh cá nơi đây. Chàng trai vui vẻ nhận lời, và thế là hai chúng tôi rủ nhau ngồi phệt xuống thềm hè ngôi nhà kho trò chuyện.

Anh tên là Nguyễn Thanh Hồng, quê ở Bình Sơn Quảng Ngãi. Trước đây gia đình chuyên nghề đánh lưới, mấy năm nay nghề câu mực phát đạt nên đã bán tàu lưới mua tàu câu. Tàu câu mực dài cỡ hai chục mét, giống như một ngôi nhà di động, trên mui là một giàn gỗ lớn làm sân phơi. Tàu chở theo 30 chiếc thuyền thúng cùng 30 ngư dân đi bạn, tức người câu mực thuê đi theo tàu câu suốt cả chuyến đi biển dài ngày. Ngoài ra còn có 1 thợ máy và 4 tà lọt, tức người làm thuê việc phụ trên tàu.

Vào mùa đánh mực biển xa, thuyền câu thường đi một mạch, xa bờ hàng tháng trời.  Gặp khi thời tiết mùa màng thuận lợi thời gian bám biển còn kéo dài hơn thế. Mỗi con thuyền câu nhỏ nhất cũng không dưới bốn chục con người cả chủ cả tà lọt và ngư dân  đi bạn. Bốn chục con người, chỉ cần gạo nước mắm muối thực phẩm củi lửa đèn đóm thì đã là một lượng dự trữ đem theo cho cả tháng ròng sẽ lớn biết chừng nào, đấy là chưa kể đến xăng dầu chạy máy, đá cây ướp cá…

Hoạt động kinh tế ở Trường Sa - 2

Tàu câu mực trên vùng biển Trường Sa (Ảnh Nguyễn Đắc Như)

Kể ra như thế để thấy những con thuyền lớn câu mực hay đánh lưới cá cũng đều thế cả. Lượng dự trữ nhiên liệu vật tư càng nhiều càng có sức bám biển lâu ngày thì mỗi khi quay mũi trở về kiểu gì cũng thắng, tôm cá bao giờ cũng đầy khoang. Còn những tang thuyền nhỏ thì ngược lại, nhiều khi đang giong thuyền chạy theo luồng tôm cá lớn nhưng xăng dầu vật tư mọi thứ dự trữ trên thuyền sắp hết thì kiểu gì cũng phải bỏ cuộc quay về, tiếc đứt ruột… Nhưng những chuyện như thế kể lại cũng đều là chuyện ngày xưa, chứ từ khi có các Trạm dịch vụ nghề cá thì đỡ hơn nhiều lắm, tàu to tàu bé thời gian ra khơi nhờ thế có thể kéo dài gấp đôi so với dự tính. 

Theo nguyện vọng của tôi, Nguyễn Thanh Hồng đã say sưa kể cho nghe về nghề câu mực, một nghề đánh bắt anh mới nhập môn được hai năm kể từ khi bán tàu đánh lưới. Câu chuyện của người chủ tàu câu dường như đã đưa tôi vào khung cảnh lao động của anh em bạn chài mỗi khi màn đêm buông xuống. 

Bạn cứ thử tưởng tượng, từ nơi neo đậu của con tàu mẹ, những chiếc thuyền thúng được hạ xuống biển, mỗi thuyền một bạn câu, đèn sạc được bật lên, lần lượt từ chiếc đầu tiên cho tới chiếc cuối thứ ba mươi. Xa hơn nữa và xa hơn nữa, hàng chục hàng trăm chiếc tầu mẹ khác cùng với hàng trăm hàng nghìn chiếc thuyền thúng khác cũng đang một công việc tương tự.

Trong phút chốc, giữa màn đêm mịt mùng sóng nước, đội thuyền câu dần tản ra bốn phía, thắp lên thứ ánh sáng huyền diệu như lân tinh, khởi đầu cho một đêm hội hoa đăng lung linh rực sáng cả một góc ngàn trùng biển cả. Những giàn câu được rải xuống, hết một vòng thì quay lại.

Cá mực là loài ưa ánh sáng, chúng bâu lại ăn mồi, giàn câu nhấc lên có khi một con, có khi hai, ba, bốn con chưa biết chừng. Cứ thế cho đến khi thuyền đầy mực thì quay về tàu mẹ để lên cá, nếu trời chưa sáng lại tiếp tục thuyền hai. Những ngày biển lặng sóng êm, gió Tây Nam nhẹ thổi, mực về nhiều, có đêm một bạn câu may mắn có thể đem về tàu hai lần lên cá như thế.

Mặt trời lên, mực không ăn mồi nữa, đội thuyền thúng lần lượt quay về tầu. Thuyền thúng được kéo lên úp thành sáu hàng trên boong. Đội câu nghỉ ngơi, ăn sáng rồi đi ngủ. Đến lúc này đội tà lọt mới vào cuộc. Mực được sơ chế rồi rải đều lên phên tre xếp trên giàn phơi, hết phên này sang phên khác. Gặp thời tiết tốt, phơi như thế chỉ ba nắng là đẹp. Mực khô đóng chặt vào bao dứa chất xuống khoang, thế là xong!

Hoạt động kinh tế ở Trường Sa - 3

Tác giả Nguyễn Đắc Như và thuyền trưởng Vũ Trung Thảo trước đền thờ Lý Thường Kiệt trên đảo Đá Tây A 

Người chủ tàu còn khoe với tôi, nghề câu mực khơi Trường Sa chừ đang độ được lắm, chỉ riêng vùng quê anh hiện đã có cỡ một trăm tàu câu với không dưới bốn ngàn ngư dân bám biển ngày đêm, ngang dọc chẳng sót một ngóc ngách nào nơi quần đảo. Rồi còn xã khác, tỉnh khác, chẳng những nghề câu mà còn nghề lưới.

Ví như tỉnh Khánh Hòa mới đây đã cho ra đời một công ty hải sản với 30 chiếc tàu chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương và một chiếc tàu hậu cần lớn đi theo chuyên làm nhiệm vụ thu nhận, chế biến cấp đông cá ngừ tại chỗ, đồng thời còn cung ứng xăng nhớt và vật tư khác cho những tàu lưới hoạt động dài ngày ngoài khơi. Đội tàu này hoạt động trên một diện rộng, từ Hoàng Sa tới Trường Sa, rồi từ Trường Sa về Tư Chính, cứ nơi nào cá ngừ xuất hiện theo đàn lớn là các tàu lưới bám theo, cơ động là thế mà cũng hiệu quả là thế.

Ngày nay không biết cơ man nào là tàu thuyền, là bạn chài, thợ máy ngày đêm đổ dồn về Trường Sa. Những khi trời đẹp đi trên biển chỗ nào cũng gặp tàu cá của mình, cờ đỏ sao vàng đỏ dậy biển xanh, cứ vui như như ngày hội ở quê nhà vậy. Vào những ngày biển động, tàu cá tứ phương lại kéo về đây, về các đảo chìm đảo nổi của mình neo đậu, nhiều khi đông đúc như những hạm đội giăng kín mặt biển.

Trước lúc chia tay, Nguyễn Thanh Hồng không giấu được niềm vui, hồ hởi tâm sự với tôi, cũng là nhờ các chú bộ đội có mặt trên khắp các đảo xa đảo gần đã cho ngư dân tụi em cái vía cứng cỏi không còn thấy sợ bọn lấn chiếm ngoại bang, lại thêm các công ty dịch vụ nghề cá hỗ trợ kịp thời ngày đêm mà tụi em bây chừ đã yên tâm bám biển dài ngày. Nếu như trước đây đi khơi hai tháng đã là kỷ lục, thì nay nhiều tàu đi miết chín mười tháng mới quay về đất liền một lần, làm ăn như thế hỏi sao mà không sướng cho được!

Tôi nhìn theo Thanh Hồng cho tới khi bóng anh khuất nẻo dưới chân cầu tàu mà lòng bỗng thấy dâng dâng một niềm xao xuyến. Trong phút chốc, hình ảnh những con người tôi mới được tiếp xúc mấy ngày qua bỗng ùa về trong tiềm thức. Những chàng trai trẻ tạm gác ước mơ học hành và lập nghiệp, tạm xa gia đình với những trĩu nặng tâm tư, sẵn sàng đến với Trường Sa, sẵn sàng hy sinh tấm thân ngàn vàng mẹ cha sinh ra cho sự vẹn toàn và bình yên Tổ Quốc.

Những người dân hiền lành nơi thôn dã đất liền rủ nhau ra đây lập làng dựng ấp, bất chấp những điều may rủi hiểm nguy rình rập. Những thầy giáo cô giáo tình nguyện xa nhà vượt ngàn vạn trùng khơi tải cái chữ ra đây dạy đàn em nhỏ. Những nhà tu hành cũng sẵn lòng nhập thế, đem cái triết lý tâm linh Đại Việt hòa hiếu nhân gian mà thấm nhuần thôn xóm, tỏa rộng bốn phương.

Và bây giờ lại là những Đoàn Văn Tấn, Nguyễn Thanh Hồng, Chu Đình Sơn, Vũ Trung Thảo cùng biết bao ngư dân và cán bộ chiến sĩ khác đang ngày đêm ngang dọc bám biển bám đảo, làm kinh tế đấy, nhưng cũng là hiên ngang ưỡn ngực khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương đấy.

Nghĩ về sự nghiệp giữ nước, giữ biển, giữ trời cho đất nước quê hương do muôn vạn người dân các thế hệ tiếp nối làm nên, trong giây phút xao động khó có thể cầm lòng, tôi bỗng có được một sự liên tưởng và cứ cho rằng, trong những ngày qua trên biển đảo Trường Sa, mình đã gặp được biết bao người anh hùng, những người anh hùng thầm lặng, bình dị như hạt lúa củ khoai, như con tôm con cá, những con người mà theo như thói đời thông tục, thường mỗi khi một ai đó bị rơi vào cảnh suy vi bĩ cực, thì họ mới ngộ ra và cảm nhận hết cái chân giá trị đích thực của những đức hạnh khiêm nhường, thầm lặng, bình dị của khoai lúa ngọc thực tiềm ẩn trong những con người như thế mà thôi!

Tôi không dám nói đến những điều to tát ở đời, nhưng tiện đây xin được nhắc lại một câu nói chí lý của một anh bạn trong đoàn cùng trở về từ Trường Sa, đại ý, sau khi đi biển đảo trở về, bỗng thấy yêu thương tổ quốc quê  hương hơn, cảm thấy lòng mình khác hơn và muốn làm điều gì đó tốt hơn! Và nếu bạn chưa bao giờ đến với Trường Sa, xin hãy cố một lần để được trải nghiệm lòng mình.     

Nguyễn Đắc Như

Tin liên quan

Tin mới nhất

Văn học Sơn La với cuộc kháng chiến chống Pháp và chiến dịch Điện Biên Phủ

Văn học Sơn La với cuộc kháng chiến chống Pháp và chiến dịch Điện Biên Phủ

Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và đến hôm nay, đề tài chiến tranh cách mạng vẫn luôn là mạch nguồn cảm hứng trong sáng tác của nhiều nhà văn, nhà thơ các dân tộc Sơn La. Chất bi hùng của chiến cuộc đã thấm đẫm trong đất và con người miền Tây Bắc của Tổ Quốc. Viết về cuộc kháng chiến chống Pháp thần thánh của dân tộc nhiều nhà văn, nhà thơ vừa cầm bút vừa làm cách

Doanh nhân Phạm Hồng Điệp lập những kỷ lục về sáng tác thơ, nhạc Việt Nam và thế giới

Doanh nhân Phạm Hồng Điệp lập những kỷ lục về sáng tác thơ, nhạc Việt Nam và thế giới

Tối 28/4/2024, tại KCN Nam Cầu Kiền, TP Hải Phòng, Công ty CP Shinec phối hợp với Hội Cựu chiến Binh thành phố Hải Phòng tổ chức Chương trình “Khát Vọng Truyền Nhân” với chuỗi các sự kiện đánh dấu bước phát triển mới của Shinec gồm Lễ Công bố báo cáo phát triển bền vững - Báo cáo ESG; Lễ trao chứng nhận kỷ lục thế giới; Lễ trao chứng nhận kỷ lục Việt Nam cho Công ty CP Shinec và Do