Phát triển công nghiệp văn hóa tạo tiền đề cho sức mạnh mềm của dân tộc

Ngày 24 tháng 11 năm 2021, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua cũng như tổng kết quá trình xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới đất nước. Đặc biệt, Hội nghị còn đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ…; từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm phát triển văn hóa, văn nghệ giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến 2045 dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Ngày 29 tháng 11 năm 2022, cũng tại Hà Nội, Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức.

Hội thảo được tổ chức nhằm tập trung làm rõ các nội dung, nội hàm và thành tố cơ bản của hệ giá trị quốc gia; hệ giá trị văn hóa; hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Hội thảo cũng xác định những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho cấp ủy, chính quyền các cấp, đội ngũ cán bộ, đảng viên, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, trí thức và quần chúng nhân dân thực hiện trong việc nghiên cứu, xác định và tổ chức thực hiện các hệ giá trị, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xác định các định hướng, quan điểm, giải pháp xây dựng các hệ giá trị và từng giá trị cụ thể, để thúc đẩy sự phát triển đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Như vậy là sau một năm Hội nghị văn hóa toàn quốc, các hoạt động văn hóa từ lý luận đến thực tiễn đã được diễn ra sôi nổi nhằm quán triệt đường hướng chủ trương về văn hóa của Đảng và nhà nước đề ra.

Phát triển công nghiệp văn hóa tạo tiền đề cho sức mạnh mềm của dân tộc - 1

Ảnh minh họa.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 nhắc tới nhiều nội dung, đặc biệt trong việc phát triển công nghiệp văn hóa. Đảng cũng xác định rõ “văn hóa là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Cũng tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh một trong những giải pháp quan trọng để phát triển văn hóa là tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Kinh nghiệm nhiều quốc gia cho thấy công nghiệp văn hóa là một trong những công cụ quan trọng để tạo ra sức mạnh mềm, cũng như các sức mạnh kinh tế, ngoại giao.

Công nghiệp văn hóa có xu hướng trở thành một trong những ngành công nghiệp trụ cột

Bước vào thế kỷ XXI, công nghiệp văn hóa đã nổi lên như một hiện tượng đáng chú ý trong chiến lược tái cấu trúc kinh tế ở nhiều nước. Sự định hình khái niệm công nghiệp văn hóa vào cuối thập niên 90 đánh dấu sự xoay chiều trong cách nhìn nhận về vai trò của văn hóa: từ một lĩnh vực thuần túy mang giá trị tinh thần, bao cấp và phi lợi nhuận, sang một lĩnh vực đóng vai trò mũi nhọn cho tăng trưởng kinh tế, làm nền tảng của phát triển bền vững.

Bao hàm trong chiến lược công nghiệp văn hóa còn là các mục tiêu như: phát huy sáng tạo và đa dạng văn hóa, củng cố quyền lực mềm của mỗi quốc gia, nâng cao chất lượng sống, cố kết cộng đồng, thúc đẩy đổi mới đến mọi ngành nghề. Các ngành công nghiệp văn hóa được coi là tài sản chiến lược, tạo giá trị gia tăng tổng thể, là chất xúc tác hay lực đẩy cho các ảnh hưởng về chính trị, kinh tế của mỗi quốc gia trong một thế giới hội nhập, toàn cầu hóa. Nhiều nước trên thế giới đã lấy công nghiệp văn hóa làm ngành công nghiệp trụ cột trong phát triển. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Đáp ứng yêu cầu thực tiễn và để biến văn hóa trở thành sức mạnh tổng hợp, nghị quyết số 33/NQ-TW Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước” đã xác định phát triển công nghiệp văn hóa là một trong năm mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới.

Kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới cho thấy, công nghiệp văn hóa là một trong những công cụ tạo nên sức mạnh mềm cũng như sức mạnh kinh tế, ngoại giao. Hàn Quốc cũng là một trong những quốc gia xây dựng và phát triển thành công ngành công nghiệp văn hóa. Hình thành những chiến lược về phát triển công nghiệp văn hóa từ những năm 90, đến nay, Hàn Quốc nổi lên như một nước xuất khẩu lớn về văn hóa đại chúng, phim ảnh và ca nhạc - những khía cạnh đã trở thành một phần quan trọng trong nền kinh tế đang phát triển của nước này. Nơi đây cũng đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn đông đảo du khách các nước, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, công nghiệp văn hóa Hàn Quốc đã mang lại “hiệu quả lan tỏa” đối với các lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Bàn thêm về khái niệm công nghiệp văn hóa

Khái niệm công nghiệp văn hóa hay còn gọi là các ngành công nghiệp văn hóa là một khái niệm mở, có tính trừu tượng và khả năng thích ứng cao, cũng như có hấp lực lớn đối với giới chính trị, giới làm chính sách bởi những hứa hẹn về tiềm năng kinh tế cũng như giá trị gia tăng tổng thể của nó. Hiện nay có một số khái niệm tương đương với khái niệm các ngành công nghiệp văn hóa, như: “các ngành công nghiệp sáng tạo” (creative industries) và “các ngành công nghiệp dựa trên bản quyền” (copyright-based industries) (Stuard Cunmingham: 2019, 18).

Phát triển công nghiệp văn hóa tạo tiền đề cho sức mạnh mềm của dân tộc - 2

Bản thân thuật ngữ “các ngành công nghiệp văn hóa” đã thay đổi đáng kể về nội hàm từ khi ra đời cho đến nay. Theo các nghiên cứu công phu của David Hesmondhalgh và Anna-Katharina Hornidge, năm 1976, thuật ngữ “các ngành công nghiệp văn hóa” được UNESCO lần đầu tiên sử dụng, đây vốn là một thuật ngữ khoa học được hình thành từ những năm 1940 bởi các học giả như Theodor W. Adorno, Max Horkheimer, mang ý nghĩa phê phán tiêu cực về những hạn chế của đời sống hiện đại...

Khái niệm “các ngành công nghiệp văn hóa” khi đó chỉ được UNESCO dùng với nội hàm giới hạn về sự bảo tồn và thúc đẩy các thực hành văn hóa, trong khi khai thác lợi nhuận kinh tế, thương mại hóa và thị trường đối với lĩnh vực văn hóa được xem là không phù hợp. Hai mươi hai năm sau, vào năm 1998, trong một báo cáo về văn hóa quốc tế với tiêu đề: “Văn hóa, Sáng tạo và Thị trường” (UNESCO, 1998), lần đầu tiên UNESCO đã tán thành khái niệm các ngành công nghiệp văn hóa theo nghĩa đây là một lĩnh vực có tiềm năng về kinh tế.

Từ năm 1998 trở đi, khác với giai đoạn trước (1976-1998), khái niệm “các ngành công nghiệp văn hóa” đã trở thành một trong những trọng tâm thảo luận của UNESCO và được hội nhập vào các chính sách về phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia và khu vực. Năm 2000, khái niệm các ngành công nghiệp văn hóa được UNESCO xác định như sau: “Thuật ngữ này sử dụng cho các ngành công nghiệp kết hợp sự sáng tạo, sản xuất và thương mại hóa các nội dung sáng tạo, những nội dung này về bản chất mang tính phi vật thể và văn hóa. Các nội dung này thường được bảo vệ bởi luật bản quyền và thể hiện dưới hình thức sản phẩm hay dịch vụ..... Công nghiệp văn hóa nhìn chung bao gồm in ấn, xuất bản, truyền thông đa phương tiện, các sản phẩm âm thanh hình ảnh, điện ảnh và âm nhạc cũng như thủ công nghiệp và thiết kế” (UNESCO Publishing, 2000, trang 11–12).

Công nghiệp văn hóa ở nước ta với những khởi sắc đáng kể sau một năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021

Trong một năm vừa qua, công nghiệp văn hóa ở nước ta đã có những khởi sắc đáng kể. Có thể kể đến như luật Điện ảnh được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 15 tháng 6 năm 2022. Trong đó, điện ảnh được xem xét trên cơ sở khai tác tài năng, sáng tạo, vốn văn hóa của đất nước, công nghệ, kĩ năng kinh doanh để tạo ra các sản phẩm dịch vụ điện ảnh. Công nghiệp văn hóa được các địa phương quan tâm, đầu tư, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

Phát triển công nghiệp văn hóa tạo tiền đề cho sức mạnh mềm của dân tộc - 3

Trong bài viết này quan tâm đến một số hoạt động phát triển công nghiệp văn hóa tại Hà Nội. Ngày 22/2/2022, Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 “. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Đặc biệt, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo” của UNESCO với các biện pháp cụ thể như: Xây dựng trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng, củng cố, kết nối, đầu tư cho các không gian sáng tạo; tổ chức tuần Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội hằng năm; tổ chức mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ...

Ngày 30/10/2019, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Audrey Azouley đã công nhận Thủ đô Hà Nội là Thành phố sáng tạo của UNESCO. Kể từ đó đến nay, Hà Nội luôn nỗ lực để xứng đáng với danh hiệu đó. Đặc biệt từ ngày 11-20/11/ 2022, Hà Nội đã tổ chức lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội với hơn 50 hoạt động ở nhiều lĩnh vực, nhằm thực hiện cam kết của Hà Nội với UNESCO khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo. Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022 do Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội và Tạp chí Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) tổ chức, dưới sự chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và sự phối hợp của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm, sự đồng hành của Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc UN-HABITAT và Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft).

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2022 gồm nhiều hoạt động ở đa dạng lĩnh vực như: kiến trúc, thiết kế, công nghệ, nghệ thuật, thủ công, thời trang… được tổ chức thành các triển lãm, tọa đàm, biểu diễn, trình chiếu, trò chơi ngoài trời… Tiếp nối thành công của Tuần lễ Khơi nguồn Sáng tạo năm 2021, lễ hội năm nay đặt trọng tâm vào chủ đề “Thiết kế và Công nghệ”, với quy mô sự kiện và không gian được mở rộng.

Lễ hội có sự tham gia của hơn 50 nghệ sỹ triển lãm, sắp đặt, trưng bày; hơn 300 nghệ sỹ biểu diễn; hơn 50 đơn vị, tổ chức, nhóm sáng tạo; hơn 30 diễn giả và hàng triệu lượt người dân Hà Nội và khách du lịch trong nước, quốc tế cùng tham quan, trải nghiệm và tận hưởng không khí lễ hội… Các sự kiện diễn ra tại các địa điểm khác nhau trên địa bàn thành phố, tập trung ở khu vực quận Hoàn Kiếm, gồm: Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật (22 Hàng Buồm), Trung tâm Thông tin Văn hóa lãm (93 Đinh Tiên Hoàng) toàn bộ không gian phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm.

Trong dịp này cũng có nhiều hoạt động hưởng ứng phong phú sẽ diễn ra tại các không gian khác như Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt (Bát Tràng, huyện Gia Lâm), khu đô thị Bắc An Khánh (huyện Hoài Đức), phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ), phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây), Không gian nghệ thuật Mơ Art Space, một số không gian sáng tạo văn hóa khác trên địa bàn Thành phố...

Không gian kiến trúc của lễ hội được Ban tổ chức gửi gắm thông điệp kết nối truyền thống với hiện đại. Các công trình thiết kế độc đáo và mang tính biểu tượng như Cổng Sáng tạo, Không gian Hội nhập, Không gian Truyền thống, vừa là nơi diễn ra các sự kiện triển lãm, trưng bày, trình diễn, vừa là nơi người dân và du khách có thể tương tác và hình thành góc nhìn mới mẻ về Thủ đô Hà Nội sáng tạo.

Bên cạnh đó, các hoạt động tại các không gian sáng tạo vì cộng đồng cũng được khuyến khích phát triển. Theo định nghĩa của Hội đồng Anh thì không gian sáng tạo là “một địa điểm, có thể là địa điểm thực hoặc địa điểm trực tuyến, là nơi đem những con người sáng tạo đến với nhau. Đó là nơi tụ họp, chia sẻ không gian và hỗ trợ cho các hoạt động kết nối, phát triển kinh doanh và thu hút cộng đồng trong các lĩnh vực sáng tạo, văn hóa và công nghệ”.

Không gian sáng tạo là nơi mà các doanh nghiệp có thể kết nối, hỗ trợ cho thuê mặt bằng hoặc hỗ trợ không gian cho các nghệ sĩ trong việc trưng bày, truyền thông, kinh doanh các tác phẩm nghệ thuật, các trò chơi, công cụ giải trí nhằm đưa chúng gần hơn với cộng đồng, kết nối xã hội. Ở các nước phát triển, không gian sáng tạo đóng vai trò rất lớn trong việc tạo dựng bản sắc đô thị. Ở thành phố Bristol (Vương quốc Anh), Tobacco Factory Theatre là một không gian sáng tạo được hình thành từ việc cải tạo nhà máy thuốc lá cũ để trở thành biểu tượng mới, tạo dựng bản sắc mới cho thành phố…

George Ferguson, một chính trị gia lúc đó đã bỏ tiền ra mua nhà máy này và khuyến khích các nghệ sĩ biến khu đất bỏ hoang này thành một địa điểm nghệ thuật. Không gian sáng tạo còn mang lại tính hấp dẫn cho thành phố, tạo điều kiện cho du lịch phát triển. Bên cạnh đó, không gian sáng tạo còn là nơi truyền cảm hứng cho giới trẻ, là những người luôn khát khao đổi mới, sáng tạo. Đặc biệt hơn nữa, không gian sáng tạo còn có ý nghĩa trong việc tái sinh đô thị. Ở Hà Nội hiện nay, có rất nhiều công trình nhà máy cũ cần phải di dời để giảm thiểu ô nhiễm đô thị, nhiều bãi rác cần được giải phóng cũng như là nhiều khoảng đất trống… chúng cần được quy hoạch, tái tạo thành những không gian xanh, sạch, đẹp tiện ích, những không gian kết nối cộng đồng hơn là chỉ quan tâm đến việc phân lô, bán nền, xây dựng ồ ạt tạo nên một bộ mặt đô thị thiếu bản sắc.

Có thể kể tới một số địa điểm tại Hà Nội, như: Nhà máy in báo Nhân Dân chuyển đổi thành Trung tâm Văn hóa Pháp (phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm), cơ sở sản xuất của Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2 (phố Trần Thánh Tông, quận Hai Bà Trưng) thành tổ hợp Zone 9 (cũ), Nhà máy in Công đoàn cũng biến thành khu tổ hợp Complex 01 (ngõ 167 Tây Sơn, quận Đống Đa).

Rất tiếc, dù thu hút đông đảo giới trẻ nhưng tổ hợp Zone 9 bị đóng cửa bởi liên quan đến tính pháp lý của khu đất. Một số không gian sáng tạo mà các nghệ sĩ, họa sĩ mang đến cho công chúng thưởng lãm  tác phẩm hội họa như phố bích họa ở phố Phùng Hưng hay triển lãm nghệ thuật sắp đặt ở phố Phúc Tân. Dự án phố Phúc Tân mang nhiều ý nghĩa bảo vệ môi trường.

Trước kia, đây là đoạn đường ven sông ở phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, vốn là nơi tập kết rác thải. Dự án “Cải tạo, nâng cấp cảnh quan khu vực ven sông Hồng" của UBND quận Hoàn Kiếm đã được giao cho một nhóm nghệ sỹ thực hiện trong vòng 1 tháng. Các tác phẩm được sáng tạo toàn bộ bằng vật liệu tái chế về chủ đề Thăng Long – Kẻ Chợ. Dự án cải tạo bờ vở sông Hồng ở ngách 43/32 Bạch Đằng, phường Chương Dương, chỉ cách không gian Phúc Tân chưa đầy 2km.

Từ một góc nhỏ ven sông đầy rác thải, khu vực này đã được cải tạo thành một nơi đáng sống với khu vui chơi cho trẻ em, tập thể dục cho người lớn, địa điểm thông thoáng trong lành để hội họp cộng đồng, là nơi được coi là vườn rừng đầu tiên của Hà Nội với rất nhiều cây hoa mới. Đây là công sức chính quyền, hội phụ nữ, các tổ chức doanh nghiệp xã hội và quan trọng nhất là sự tham gia của chính cộng đồng trong việc kiến tạo không gian sáng tạo, không gian vui chơi giải trí, không gian kết nối xã hội để góp phần xây dựng thành phố Hà Nội xanh, sạch, đẹp và giàu bản sắc cũng như chứa đựng tinh thần nhân văn. “Thành phố là một tuyệt tác của tập thể”, để Hà Nội là một nơi không gian sáng tạo, không gian đáng sống, cần rất nhiều công sức đến từ mỗi cá nhân, tập thể có trách nhiệm. Thành phố cũng cần có những cơ chế, chính sách đồng bộ hơn để khuyến khích các doanh nghiệp xã hội phát triển những không gian sáng tạo như thế này v..v..

Như vậy, sau một năm kể từ khi Đại hội Văn hóa toàn quốc được diễn ra, các hoạt động văn hóa được quan tâm nhiều hơn. Lĩnh vực công nghiệp văn hóa sáng tạo tuy còn mới mẻ, nhưng đã có những khởi sắc. Công nghiệp văn hóa là một chiến lược nhằm phát huy giá trị tổng thể của văn hóa và được coi là mũi nhọn đột phá cho sự tăng trưởng ở nhiều nước trên thế giới. Đáp ứng yêu cầu phát triển, để biến văn hóa trở thành sức mạnh nội tại gắn với phát triển bền vững, trong quá trình đổi mới thể chế và chính sách văn hóa ở Việt Nam, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đã được đề ra như một nhiệm vụ quan trọng.

Trong tương lai, cần tiếp tục tiến hành các nghiên cứu tổng thể, hệ thống, để tìm ra các trọng tâm, ưu tiên của công nghiệp văn hóa Việt Nam phù hợp với bối cảnh trong nước, có lợi thế so sánh với khu vực và thế giới. Hơn nữa, để gia tăng cạnh tranh thì sự kết hợp tối đa của nguồn vốn văn hóa, nguồn nhân lực sáng tạo, công nghệ và kinh doanh đóng vai trò then chốt. Đây là những cơ hội cũng như thách thức để Việt Nam có thể hội nhập quốc tế, bắt kịp với xu thế phát triển của thời đại.

Lê Việt Liên

Tin liên quan

Tin mới nhất