Truyền nhân thứ chín

Họ nói, những chiếc lá ấy có linh hồn. Thoáng nghe, tôi nửa tin nửa ngờ, không biết thứ linh hồn mà họ nói đến ở đây là gì. Lá nào đều là lá thôi, người ta có thể làm rau ăn, thuốc trị bịnh (bệnh), hay dùng để gói món ăn, thậm chí là lợp nhà… đủ công dụng. Nhưng đến khi tận mắt chiêm ngưỡng những mảnh lá ở “báu vật” của họ, tôi mới hiểu quả là chúng có linh hồn. Đó là hồn của chữ, đúng hơn là hồn của lớp lớp thế hệ người Khmer đã gửi gắm.

Thất Sơn chiều nay nắng nhẹ, không gắt gao như thường ngày, nhưng mặt đất pha cát vẫn hắt lên cái nóng ran rát. Vậy mà trong chùa Soài So, không khí lại mát mẻ hẳn, do chùa có mái cao và nền cũng cách xa mặt đất. Với nụ cười mát lành như thế, nhà sư Chau Ty lần giở từng tấm lá mỏng mảnh, trong sự kính cẩn hết mức có thể. Khi lớp vải bọc bên ngoài được mở ra, những mảnh lá xuất hiện trước mắt mọi người. Dù mặt lá đã úa vàng theo thời gian, nhưng những con chữ được khắc chi chít trên đó vẫn còn rõ ràng, mềm mại, thanh thoát. Các đường nét uyển chuyển ấy dường như vẽ ra cả lịch sử thăng trầm của người Khmer ở mảnh đất biên giới này.

Truyền nhân thứ chín - 1

Hòa thượng Chau Ty, trụ trì chùa Soài So nâng niu những quyển kinh khắc trên lá buông.

Hòa thượng Chau Ty - Sư cả (trụ trì) chùa Soài So kể, chùa ngày xưa nằm ở lưng chừng núi Tô. Trong thời kỳ chiến tranh, chùa nhiều lần bị phá hoại hư hỏng. Sau hòa bình, chùa được di dời về vị trí hiện nay, nằm giữa một cánh đồng rộng lớn. Ngôi chùa đã nhiều lần bị hư hại do chiến tranh, thiên tai, hỏa hoạn… Chẳng hạn gần đây nhất, một đám cháy thiêu rụi nửa chánh điện vào năm 2015, nhiều cổ vật bị hủy hoại. Ấy vậy mà kỳ lạ thay, sau biết bao biến cố, có một “báu vật” luôn nguyên vẹn. Đó là bộ kinh Phật được viết trên lá buông.

Đại Trưởng lão [1] Chau Ty sinh năm 1941, pháp danh Khanh Đek Kô, hiện nay là nhà sư cao tuổi nhất trong cộng đồng Phật giáo Khmer tỉnh An Giang. Xuất gia từ năm 17 tuổi, nhà sư có nhiều năm tu học ở khắp các ngôi chùa Khmer vùng Bảy Núi. Đến tuổi ngoài đôi mươi, ông bắt đầu học cách viết kinh lá buông. Sau mấy năm miệt mài rèn luyện, khi người học trò thành thạo kỹ thuật, thì người thầy truyền dạy cho ông cũng qua đời. Từ đó, Hòa thượng tiếp nối công việc quan trọng mà các bậc tiền nhân đã lưu truyền. 

Truyền nhân thứ chín - 2

Hòa thượng Chau Ty giới thiệu về kinh là buông.

Buông là loài thực vật thuộc họ Cau, lá dài và nhọn, xòe thành hình quạt, gần giống cây thốt nốt. Cây buông sinh trưởng tốt ở vùng đồi núi, phân bố chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á lục địa như Thái Lan, Lào, Cambodia, Việt Nam… Theo lời kể của các bậc cao niên, trước đây cây buông mọc rất nhiều ở vùng Thất Sơn thuộc tỉnh An Giang, một số khu vực ven sông Tiền và sông Hậu. Thấy đặc tính lá buông có độ bền cao, người Khmer đã sử dụng nó để chép kinh Phật.

Truyền nhân thứ chín - 3

Cây lá buông

Để khắc kinh, không phải lá buông nào cũng có thể sử dụng. Trái lại, lựa chọn lá là quá trình rất kỳ công với các yếu tố như màu sắc, độ dày, tuổi lá… Không chỉ thế, người Khmer cho rằng hái lá làm kinh là việc thiêng liêng, thắp nhang khấn Phật rồi mới tiến hành. Sau khi hái, lá được phơi khô, bào bề mặt, rồi ngâm vào loại dung dịch bí truyền của người Khmer để tăng độ bền, giảm rủi ro hư rách, cũng như ngăn ngừa côn trùng cắn phá, nhờ vậy có thể bảo quản được lâu dài. 

Đến công đoạn khắc chữ, cần có một loại bút chuyên dụng, làm bằng gỗ, mũi được bọc sắt nhọn. Tấm lá được đặt lên một thanh gỗ dẹp, người chép kinh dùng tay trái để giữ thanh gỗ và tấm lá, còn tay phải thì khắc chữ, nhưng trong lúc đó ngòi bút phải tựa vào ngón cái của bàn tay trái. Điều đó đòi hỏi sự kết hợp nhịp nhàng giữa hai bàn tay. Mặt khác, lực nhấn bút phải được giữ đều đặn xuyên suốt quá trình viết, nếu quá nhẹ thì chữ không rõ, nếu quá mạnh thì lá bị rách.

Công đoạn này thực chất chỉ mới là khắc những đường nét lên mặt lá buông. Để chữ được hiện ra rõ ràng, người Khmer sử dụng than hoặc trái mặc nưa trộn với dầu thông để quét lên mặt chữ, rồi lau sạch. Màu đen của hỗn hợp này “ăn” vào các nét khắc, làm nổi bật con chữ trên mặt lá. Sau cùng, các lá kinh được đóng thành cuốn kinh hoàn chỉnh.

Quá trình chế tác kinh lá buông kỳ công là vậy, nhưng quan trọng hơn là sự tâm huyết với công việc và sự tài hoa của người viết kinh. Nếu thiếu kiên nhẫn hay thiếu tính thẩm mỹ, những bản kinh không thể hoàn thành trọn vẹn. Bên cạnh đó, sự định tĩnh là yếu tố không thể thiếu, đòi hỏi người viết kinh phải tập trung cao độ. Bởi chỉ cần sơ xuất một chút, khiến một nét chữ bị khắc sai, xem như phải bỏ cả lá kinh. Do vậy, để chép xong một bộ kinh có khi mất hàng tháng trời. 

Hòa thượng Chau Ty lấy ra những lá buông cuối cùng mà nhà chùa còn lưu giữ. Đặt một tấm lá lên thanh gỗ, dùng tay trái giữ lại, tay phải bắt đầu thoăn thoắt những đường bút. Ông nói rằng mình đã lớn tuổi, mắt mờ, tay run, cho nên chữ không còn đẹp như hồi trẻ. Nói là vậy, nhưng trong mắt người khách phương xa, người ta thấy một nghệ sĩ đang tung tẩy với con chữ, và thấy cả tâm huyết cả đời của nhà sư già vùng Thất Sơn. Các dòng kinh cứ thế hiện ra, đều đặn, uyển chuyển, thẳng tắp.

Người đời thường ví von những nghệ sĩ “xuất thần” như thiền sư. Song ở đây, không cần phải ví von nữa, nghệ sĩ thực sự là một thiền sư. Hay phải chăng, thiền sư là một nghệ sĩ lánh đời? Dường như không còn có những ranh giới phân biệt. Nghệ sĩ cũng được, thiền sư cũng xong, thậm chí ông là tấm lá, là cây bút, là con chữ… là không gì cả. Nhà sư ngồi trong tư thế thiền, hít thở đều đặn, mọi thứ xung quanh ngưng bặt, chỉ có tiếng chim hót ríu rít sau vườn chùa, trong veo đến lạ.

Suốt nửa thế kỷ qua, Hòa thượng đã miệt mài làm ra không biết bao nhiêu bộ kinh lá buông để tặng cho các ngôi chùa Khmer trong vùng, đến nay chính ông cũng không nhớ hết. Nhà sư già mỉm cười, ôn tồn nói: “Đức Phật dạy, khi muốn làm một điều gì, hãy phản tỉnh nhiều lần. Nếu hành vi đó có thể đưa đến hại mình, hại người, hại cả hai, thời nó là bất thiện, đưa đến đau khổ, nhất định chớ có làm. Nếu hành vi đó không có thể đưa đến hại mình, hại người, hại cả hai, thời nó là thiện, đưa đến an lạc, hãy nên làm.”

Vậy là, ở đâu có nhu cầu thỉnh kinh lá buông, người ta lại tìm đến chùa Soài So nhờ Hòa thượng Chau Ty. Cứ mỗi bộ kinh được làm xong, người Khmer đều tổ chức lễ cung đón về chùa rất long trọng. Sau đó, họ cất giữ kinh ở những vị trí tôn nghiêm trong chùa, không sử dụng tùy tiện. Chỉ khi nào phum sóc có các lễ hội quan trọng, kinh lá buông mới được mang ra đọc tụng và giảng dạy cho mọi người.

Truyền nhân thứ chín - 4

Các vị chư tăng miệt mài học viết kinh trên lá dưới sự hướng dẫn của hòa thượng Chau Ty.

Làm sao có thể quên những ngày lễ hội ấy. Dưới ánh trăng rờ rỡ, hòa quyện cùng ánh đèn dầu huyền ảo, những nhà sư cầm kinh lá buông trên tay, trùng tuyên trước dân làng. Bên dưới, hàng hàng lớp lớp người Khmer thành kính lắng nghe. Họ biết thế nào là những hạnh phúc cao thượng, rộng mở tình thương đến tha nhân, cách xua tan những lo âu sợ hãi… Phút giây đó, mọi người như lắng đọng với thời gian, nơi họ có mặt vừa là xứ Xà Tón[2] hoang vu, nhưng cũng là mảnh đất Jetavana[3] vàng son mà hai mươi thế kỷ trước Đức Phật đã thuyết pháp trước hội chúng.

Hầu hết người Khmer, từ khi mở mắt chào đời đến lúc nhắm mắt lìa đời, đều thấm đẫm tinh thần Phật giáo. Ngôi chùa không chỉ là cơ sở tôn giáo, mà còn là ngôi trường giáo dục nhân cách cho mọi người. Và trong ngôi trường đặc biệt đó, những bộ kinh lá buông có thể được xem là sách giáo khoa, đã đóng góp một sứ mạng lớn lao trong quá trình thành nhân của mỗi con người.

Do vậy đối với người Khmer, kinh lá buông có giá trị vô cùng to lớn. Thậm chí họ đồn rằng, kinh lá buông có khả năng trừ ma, yếm quỷ, trị bịnh… Song, điều đó không quan trọng. Cốt lõi nhất là qua từng trang kinh, con người thấu suốt hơn những lời dạy của Đức Phật về tình yêu thương, trí tuệ, sự hướng thiện, tránh xa dục vọng… Gác qua bao giai thoại tâm linh kỳ bí, chính những giá trị đạo đức khiến kinh lá buông có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Khmer. 

Hiện nay, tỉnh An Giang có hàng trăm bộ kinh lá buông được lưu trữ tại hàng chục ngôi chùa Khmer ở hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn. Mỗi bộ kinh có khoảng 4 - 10 cuốn, mỗi cuốn có khoảng 20 - 60 lá kinh, mỗi mặt lá có khoảng 4 - 5 hàng, mỗi hàng có khoảng 15 - 20 chữ. Nếu không tính các bản kinh thất lạc do chiến tranh, thì các bản kinh còn lưu giữ được đều không bị phai nét chữ hoặc mối mọt làm hư hại. Đặc biệt, bộ kinh nào càng lâu năm càng trở nên bóng đẹp lạ thường. Điều đó cho thấy đặc tính nổi trội của lá buông, nhưng đồng thời thể hiện những kinh nghiệm quý báu của người Khmer trong kỹ thuật chế tác.

Tuy nhiên… đã lâu rồi người ta không tìm đến chùa Soài So nhờ Sư cả Chau Ty khắc kinh lá buông nữa. Bởi, nguồn lá buông hiện nay gần như không còn nữa! Hình ảnh những cây buông phủ khắp vùng Bảy Núi, mọc bạt ngàn khắp miệt sông Tiền, sông Hậu xưa kia, giờ đây đã trở thành ký ức. Bao năm qua, ông không ngừng tìm kiếm nguồn lá buông, hồi trẻ thì tự mình lặn lội khắp núi rừng để tìm, về già thì nhờ bà con phum sóc tìm giúp trong những khi đi rừng. Song, tung tích về cây buông huyền thoại ấy gần như vô vọng! Thậm chí, không ít người đã sang tận Cambodia để tìm kiếm lá buông nhưng cũng rất khan hiếm. 

Có phải con người đã đối xử không độ lượng với thiên nhiên, để giờ đây cây buông lặng lẽ xa rời những nơi có dấu chân người? Phá rừng làm nương rẫy, tận diệt hệ sinh thái, xẻ núi làm đường, khai thác du lịch ồ ạt, những dự án quy hoạch treo lơ lửng… có phải càng lúc càng làm biến mất loài cây quý giá này? Cây buông đã lẩn trốn vào góc khuất nào giữa núi rừng Thất Sơn tịch mịch, hay hoàn toàn lìa bỏ vùng đất thiêng năm xưa?  

Bên cạnh đó, kỹ thuật viết kinh lá buông không tìm được truyền nhân kế thừa, đó cũng là điều khiến Hòa thượng Chau Ty trăn trở. Có một điều đặc biệt là dù ngày xưa có nhiều người học cách viết kinh lá buông, nhưng các vị tổ sư tiền bối chỉ lựa chọn một người ưu tú nhứt làm truyền nhân. Theo nguyên tắc đó, kỹ thuật chép kinh lá buông ở chùa Soài So được truyền qua tám thế hệ, Sư cả Chau Ty là truyền nhân đời thứ chín. Khi được báo chí gọi là “truyền nhân cuối cùng” của kỹ thuật viết kinh lá buông, ông xem đó là nỗi buồn, chứ không phải là một vinh dự. Bởi, ông hiểu rằng “danh hiệu” đó là lời báo hiệu cho một loại hình nghệ thuật của người Khmer sắp đi vào quên lãng!

Truyền nhân thứ chín - 5

Kinh lá buông của người Khmer ở An Giang

Năm 2017, Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer tỉnh An Giang được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đại Trưởng lão Chau Ty cũng được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vào năm 2015 và Nghệ nhân nhân dân vào năm 2019. Những dấu ấn quan trọng đó tô đậm thêm giá trị của nghệ thuật viết kinh lá buông của cộng đồng Khmer. 

Những năm qua, nhằm bảo tồn nghệ thuật khắc kinh độc đáo này, tỉnh An Giang đã tạo điều kiện cho Hòa thượng Chau Ty mở các lớp dạy chép kinh trên lá buông cho các tu sĩ Khmer trong tỉnh. Đồng thời, dự án số hóa kinh lá buông được triển khai, nhằm lưu giữ và quảng bá hình ảnh kinh lá buông. Bên cạnh đó, một số cây buông bắt đầu được trồng thử nghiệm tại huyện miền núi Tri Tôn làm “nguồn” phát triển kinh lá buông sau này.

Tri Tôn chiều xuống thật lặng yên. Trời đã khá mát mẻ, đám con nít lại lăng xăng vào chùa như mọi ngày. Bên bậc thềm, nhà sư già gầy gò, dáng người dong dỏng cao, vừa chậm rãi bước đi vừa lặng lẽ nhìn lũ trẻ. Bóng ông nghiêng nghiêng xuống mặt đất lởm chởm những cỏ dại, gạch vụn, cát núi… khắc họa thành một hình ảnh cỗi cằn như dáng cây thốt nốt đã hàng trăm năm soi xuống cuộc đất này.

Cuối năm 2022, trong Đại hội toàn quốc lần thứ IX ở thủ đô Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam suy tôn Đại Trưởng lão Chau Ty vào ngôi vị Phó Pháp chủ - một trong những lãnh đạo tinh thần tối cao của Giáo hội. Nhưng có lẽ, không phải ai cũng biết điều đó. Trở về ngôi chùa cổ xứ Tri Tôn, ông vẫn là nhà sư già cặm cụi bên những lá kinh úa vàng, như hàng chục năm qua vốn thế. Ông mãi là người con của núi, của phum, của chùa, của những trang kinh lá trăm năm lắng sâu hồn chữ…

“Ka na kru!” (Dạ thưa sư!)

Đám trẻ chắp tay hình búp sen, cúi đầu lễ phép chào Sư cả. Trong những ánh mắt tinh khôi đó giữa sân chùa chiều nay, ông nhìn thấy tương lai của văn hóa Khmer nơi ấy.

Chú thích:

[1] Danh hiệu “Mahāthera” theo truyền thống Phật giáo Nam Tông.

[2] Tên dân gian của vùng đất Tri Tôn ngày xưa.

[3] Nơi mà phần lớn kinh điển Phật giáo được thuyết giảng.

Ký của Vĩnh Thông

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đại gia đưa McDonald's về Việt Nam là ai?

Đại gia đưa McDonald's về Việt Nam là ai?

Không chỉ được biết đến là người đưa thương hiệu McDonald's về Việt Nam, doanh nhân sinh năm 1973 còn được biết đến là một trong những cái tên nổi tiếng trong giới đầu tư.