Tính phản biện của báo chí cách mạng

Báo chí hôm nay ngày càng tỏ rõ sức mạnh, công dụng, không thế lực nào có thể ngăn cản. Đó là quy luật tất yếu. Xã hội càng văn minh, dân trí càng nâng cao, nhu cầu nắm bắt và trao đổi thông tin càng lớn hơn bất cứ lúc nào. Bởi vậy mà báo chí càng có điều kiện phát huy tác dụng, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của công chúng.

Tính phản biện của báo chí cách mạng - 1

Bác Hồ chụp ảnh cùng các nhà báo (Ảnh tư liệu)

Đã qua lâu cái thời báo chí chỉ phản ánh một chiều, thiên về tô hồng hiện thực mà né tránh phanh phui, mổ xẻ những mặt trái của đời sống. Đương nhiên tuyên truyền mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để người dân thấu tỏ luôn là một chức năng quan trọng, hàng đầu của báo chí cách mạng. Nhưng như thế không có nghĩa chỉ là phổ biến rồi đề cao một chiều mà cần được phân tích thấu đáo, khai thác vấn đề dưới nhiều góc độ với cái nhìn có trách nhiệm, biện chứng, khách quan.

Như vậy, đòi hỏi người cầm bút không chỉ thuần túy tiếp nhận những chủ trương, chính sách, các nhiệm vụ chính trị mà cần có óc phân tích, khả năng phản biện xã hội để góp phần giúp cho những nhà hoạch định chính sách, sau đó là những nhà quản lý vĩ mô tìm ra được những chuẩn mực chính xác nhất, có lợi nhất cho quốc kế, dân sinh.

Thực tế nhiều năm qua đã chứng minh: cùng với các nhà chuyên môn có uy tín trong nhiều lĩnh vực xã hội, giới báo chí đã góp phần không nhỏ vào việc phản biện xã hội, giúp cho Đảng, Chính phủ nắn chỉnh lại nhiều dự định, đưa ra nhiều quyết sách có lợi cho sự phát triển đất nước và lợi ích của nhân dân.

Một số dự định về nạo vét hồ Tây, hồ Gươm, xây trung tâm thương mại, bãi để xe trong khuôn viên công viên Thống Nhất tại Hà Nội; làm đường sắt cao tốc Bắc-Nam, phá bỏ cầu Long Biên để làm lại và rất nhiều dự định khác nhờ có sự phản biện của nhiều nhà khoa học và giới báo chí mà sau đó được bãi bỏ hặc chưa thực hiện.

Phản biện xã hội là đặt ngược, đào xới lại vấn đề ở mọi khía cạnh để thấy lợi, hại, tác dụng hay sự bất ổn của một chủ trương nào đó. Trong lĩnh vực làm luật ở nước ta từ trước đến nay đã bộc lộ nhiều điểm yếu, không ít quy định bất khả thi, không có khả năng đi vào cuộc sống nếu không có sự phản biện ắt sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nếu tồn tại.

Còn nhớ mấy năm trước, đã từng ra đời những quy định vừa ban hành đã phải nhanh chóng bãi bỏ. Đó là cấm bán thịt quá 8 giờ kể từ lúc giết mổ, không được làm ô kính quan tài cho khách đến viếng nhìn lần cuối cùng người qua đời, quy định cỗ cưới không quá 300 người tương đương 50 mâm, cấm gạt tàn thuốc lá lung tung, không bán rượu bia quá 22 giờ đêm…

Giáo dục, đào tạo là lĩnh vực luôn nhận được nhiều phản biện của giới báo chí. Nhiều bất ổn trong cấu tạo chương trình giảng dạy từ cấp tiểu học lên đến đại học, trong việc biên soạn sách giáo khoa và giá bán, việc in tràn lan các sách gọi là “tham khảo” trong nhà trường phổ thông, trong việc mở trường và đào tạo ồ ạt ở hệ đại học, hạ thấp tiêu chuẩn đào tạo và cho ra lò quá nhiều thạc sĩ, tiến sĩ kém chất lượng.

Rồi dạy thêm, học thêm, thu tiền vô tội vạ của học sinh… Quá nhiều vấn đề của ngành này đã nhận được sự phản biện của giới chuyên môn giáo dục và báo chí. Vẫn cần phải tiếp tục việc này đến khi nào ngành “trồng người” thực hiện được công cuộc cải cách giáo dục có hiệu quả theo đúng tinh thần của Đảng, sự hài lòng của toàn xã hội.

Phản biện nói ở đây giống như một chức năng cần thiết trong việc xét đỗ cho các bằng cấp cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ vậy. Như vậy, công việc này không có nghĩa chỉ là đặt lại vấn đề để gây khó cho sự thuận chiều trước đó mà có khi giúp cho công việc thực thi được thuận lợi, mau chóng hơn. Sứ mạng thứ hai này của phản biện xã hội thực sự là cần thiết khi chiều thuận của vấn đề chưa được làm sáng tỏ, chưa hé lộ cơ hội thành công. Trong trường hợp này, người thực hiện phản biện cần có trí tuệ cao bên cạnh cái tâm sáng là đuơng nhiên.

Phản biện xã hội lúc này đã trở thành một nhu cầu rất cần thiết không thể trì hoãn. Tuy nhiên, không phải tờ báo nào cũng mặn mà. Lý do không khó hiểu. Đó là dấu hiệu của hoặc là sự lười biếng do hạn chế về tư duy, hoặc là thói “sợ bóng sợ vía”, sợ đụng chạm đến người có quyền lực, nhất người đó lại là tác giả của chủ trương, chính sách nào đó cần phản biện.

Ngại phản biện đồng nghĩa với việc chấp nhận tờ báo cứ bình bình, thường thường bậc trung, vô thưởng vô phạt. Kiểu “ăn chắc mặc bền này” có thể bảo đảm chắc chắn cái ghế người thủ trưởng đang ngồi nhưng lại không thể bảo đảm cho tờ báo phát triển vì bạn đọc sẽ quay lưng lại.

Báo chí mà không có bạn đọc thì làm sao còn có lý do để tồn tại? Hiện nay, có một số tờ báo đã giành những diện tích đáng kể để đăng tải những nội dung mang tính phản biện. Có tờ còn đặt hẳn tên chuyên mục là “Phản biện” (như Đại đoàn kết – cơ quan ngôn luận của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam). Tuy nhiên, cái tên không thành vấn đề mà là ở nội dung, ở sự sắc nhọn, phong phú của những bài viết cụ thể.

Báo chí cách mạng là diễn đàn của toàn dân, dẫu mỗi tờ có cơ quan chủ quản, có tôn chỉ, mục đích riêng. Vậy nên tờ báo tham gia phản biện thì đó chính là phản biện của người dân chứ không còn là của những người viết cụ thể nào đó.

Trong công cuộc đổi mới và hội nhập của nước ta hiện nay, báo chí với một chức năng mới là phản biện xã hội chính là công cụ đắc hiệu không thể không triệt để phát huy tác dụng để thúc đẩy thêm quá trình phát triển của đất nước, để nhnh chóng đạt được hiệu quả cao nhất trong mọi bình diện của xã hội.

Đàn Sinh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Hải Phòng được chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Hải Phòng được chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Chiều 28/3 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Namvà UBND thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức Họp báo Chương trình Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 (Vietnam Connect Forum). Đồng chủ trì buổi họp báo có các đại biểu: Nguyễn Như Hiếu - Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao; Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; Đào Quang Bính - Tổng Thư ký T