Danh hiệu Nhân dân, Ưu tú: Sao cho “y phục xứng kỳ đức”

Còn nhiều tranh luận gay gắt về đề xuất mở rộng đối tượng xét danh hiệu Nhân dân, Ưu tú cho kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia, nhà văn, soạn giả sân khấu như Arttimes.vn đã đăng tải trong bài viết Tranh luận: “Lạm phát” danh hiệu Nhân dân, Ưu tú?​​​​​​​. Để rộng đường dư luận, PV Arttimes.vn tiếp tục ghi nhận thêm ý kiến từ những người trong nghề nhiếp ảnh, phát thanh viên, kiến trúc sư về vấn đề này.

Tranh luận: “Lạm phát” danh hiệu Nhân dân, Ưu tú?

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng: 

Những trường hợp hiếm có

Danh hiệu Nhân dân, Ưu tú: Sao cho “y phục xứng kỳ đức” - 1

NSNA Hoàng Kim Đáng (Ảnh VNCA)

Sáng tác hay biểu diễn cũng đều  được “phong” là nghệ sĩ cả. Hàng chục năm nay đã có nhiều ý kiến phân định rõ ràng giữa người sáng tác hay biểu diễn, lại cũng có ý kiến cho rằng nên bình đẳng. Trước đây việc phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSUT) chỉ dành cho các nghệ sĩ biểu diễn. Tôi cho rằng chủ trương và quy định này vẫn đúng.

Trong Văn học Nghệ thuật, mỗi loại hình nghệ thuật đều có những chức năng nhiệm vụ và sự cống hiến nhiều tầng nhiều vẻ khác nhau. Có người sinh ra để trở thành họa sĩ, nhạc sĩ, kịch tác gia, nhiếp ảnh gia, trở thành nhà văn sở trường chuyên viết truyện ngắn, bút ký, phóng sự, tùy bút, truyện dài, tiểu thuyết như các nhà văn Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân được bạn đọc sùng kính, xem các ông như là Vích-Tô-Huy-Gô (Nguyên Hồng) hay Tôn-Tôi (Nguyễn Tuân) của Việt Nam. Kiệt tác thơ như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên. Có người viết hay đủ các thể loại như Tô Hoài, Hoàng Quốc Hải nhưng không thể là Nhà văn Nhân dân hay Nhà văn Ưu tú bởi họ là nghệ sĩ sáng tác.

Lại có những tác giả thành đạt ở cả hai lĩnh vực: sáng tác và biểu diễn như: Nhà văn. Nghệ sĩ Nhân dân Tào Mạt (Nguyễn Đăng Thục) phát triển tài năng từ khi còn trẻ. Vào bộ đội, trở thành Trưởng đoàn văn công quân đội.

Ông sáng tác kịch bản và trực tiếp làm đạo diễn, dàn dựng. Khi vở thiếu diễn viên, ông còn nhận lấy một vai trong vở kịch để diễn. Nhiều sáng tác của ông rất nổi tiếng như vở chèo “Đường về Trận địa”; Vở kịch nói “Đỉnh cao phía trước” Đoạt giải A kịch bản sân khấu, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; Bộ 3 vở chèo “Bài ca giữ nước” được tặng Huy Chương Vàng với số phiếu cao tuyệt đối: 100% tại Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1985. Như vậy, ông là Nghệ sĩ sáng tác, còn rất xứng đáng được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân trong biểu diễn.

Trường hợp họa sĩ Lê Huy Quang, trong sáng tác ông là nhà thơ nổi tiếng từng có triển lãm tranh cá nhân và thường xuyên xuất hiện trên các báo ở thể loại tranh minh họa. Trong biểu diễn ông đặc biệt thành công ở lĩnh vực dàn dựng, thiết kế mỹ thuật sân khấu và được phong là NSND từ khi còn trẻ. Ông cũng là nghệ sĩ sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn đích thực.

Tôi rất hoan nghênh trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra (tháng 5-6/2022) cũng có những nghị sĩ bàn thảo xung quanh việc phong NSND, NSUT cho cả nghệ sĩ sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn. Điều đó đúng nhưng sự kiện này hơi hiếm như vừa nêu ở trên.

Tôi vẫn tán thành việc phong NSND, NSUT ở lĩnh vực biểu diễn, dễ nhận thấy các loại hình âm nhạc, sân khấu, điện ảnh. Người viết ra những tác phẩm âm nhạc, kịch bản sân khấu, điện ảnh đương nhiên là nghệ sĩ sáng tác, nhưng tác giả ấy họ làm luôn cả nhiệm vụ đạo diễn, diễn viên để thể hiện tác phẩm của mình thì họ là Nghệ sĩ sáng tác, được tuyển chọn và nhận giải thưởng nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh và cũng đương nhiên được phong là NSND-NSUT nữa.

Mở rộng đối tượng được trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT: "Hãy khảo sát tất cả các anh em trong giới nghệ sĩ"

NSƯT, Phát thanh viên Việt Hùng:

Danh hiệu cần được trao cho người có cống hiến xứng đáng

Danh hiệu Nhân dân, Ưu tú: Sao cho “y phục xứng kỳ đức” - 2

NSƯT.PTV Việt Hùng

Nghệ sĩ là người gắn liền với nghệ thuật. Các kiến trúc sư cũng là người sáng tạo, các công trình kiến trúc mà họ thiết kế hoặc xây dựng nếu đạt tới trình độ cao thì cũng là những tác phẩm nghệ thuật để đời. Nhiếp ảnh gia cũng là người nghệ sĩ, vì dưới ống kính của họ hình ảnh cũng trở thành những tác phẩm nghệ thuật. Vậy nên họ cũng xứng đáng được đưa vào diện xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.

Những nhà văn, nhà thơ gọi họ là nghệ sĩ thì nghe “lạ lẫm”, nhưng tác phẩm họ sáng tác cũng là nghệ thuật, cũng nên xét tặng cho họ những danh hiệu như Nhà văn Nhân dân, Nhà văn Ưu tú.

Riêng với phát thanh viên, tôi cho rằng nếu gạt họ ra khỏi danh sách xét tặng NSND, NSƯT là không công bằng. Nghề phát thanh viên không dễ như nhiều người lầm tưởng, khó lắm! Để đọc được hay, truyền đạt được giọng đọc sống trong lòng thính giả thì cần cả một cuộc đời phấn đấu, mà không phải chỉ phấn đấu bằng cơ bắp, sức lực mà phải bằng cả trí tuệ, năng khiếu.

Nghề phát thanh viên không đơn giản chỉ là đọc, mà nó phải nâng lên tầm nghệ thuật. Đã là nghệ thuật thì tại sao lại gạt họ ra khỏi những danh hiệu NSND, NSƯT? Nếu làm được cái nghề này tốt thì danh hiệu nghệ sĩ là xứng đáng! Chưa kể đội ngũ phát thanh viên còn có công lao lớn trong việc thông tin, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng đến nhân dân trong cả thời chiến và thời bình. Vậy nên để động viên, làm cho tầng lớp phát thanh viên có động lực phấn đấu phát triển thì nên giữ họ trong diện xét tặng NSND, NSƯT.

Tuy nhiên, danh hiệu Nhân dân và Ưu tú phải được trao cho những nghệ sĩ có cống hiến xứng đáng.Tiêu chí lớn nhất là tác phẩm của họ phải thu hút được sự thưởng thức của người đọc, người xem, người nghe, có tầm ảnh hưởng đến dư luận xã hội. Mà muốn có sự xác nhận chuẩn mực này thì cơ quan xét thưởng phải thực sự công phu, công tâm và có chuyên môn trong các lĩnh vực có tác giả đang cần bình xét để có những đánh giá chính xác, xứng đáng.

TS, Kiến trúc sư Trương Ngọc Lân:

Danh hiệu chỉ là sự khích lệ, không nên là mục tiêu để người nghệ sĩ phấn đấu

Danh hiệu Nhân dân, Ưu tú: Sao cho “y phục xứng kỳ đức” - 3

TS.KTS Trương Ngọc Lân

Mặc dù theo sắp xếp, quản lí của nhà nước thì Hội Kiến trúc sư nằm trong Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thế nhưng trên thực tế kiến trúc là ngành có sự giao hòa giữa nghệ thuật và khoa học kỹ thuật.

KTS không đơn thuần chỉ là một người nghệ sĩ mà còn là một nhà khoa học, nhiều KTS họ cũng không làm việc theo mô típ của giới nghệ sĩ.  Tôi cho rằng việc xếp KTS vào chung tiêu chí xét danh hiệu, khen thưởng với các ngành nghệ thuật khác là điều chưa thỏa đáng. Vậy nên những danh hiệu như Kiến trúc sư Nhân dân, Kiến trúc sư Ưu tú theo tôi không cần thiết.

Còn có những ngành có thể xếp theo kiểu không phân biệt giữa nghệ sĩ sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn, ví như âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh… Bởi họ đều là những người lao động sáng tạo nghệ thuật, thuần chất nghệ sĩ chứ không mang tính liên ngành như kiến trúc nên việc xét danh hiệu NSND, NSƯT cũng là điều hợp lí.

Tuy nhiên, để danh hiệu được trao cho nghệ sĩ xứng đáng thì ngoài tài năng cũng phải xét tới những cống hiến và đóng góp của họ đối với cộng đồng, đối với xây dựng đất nước. Mong muốn của những người lao động sáng tác, đặc biệt là nghệ sĩ tạo hình như điêu khắc, nhiếp ảnh, hội họa… quan trọng hơn cả vẫn là sự ghi nhận đối với tác phẩm của họ bởi chỉ có tác phẩm mới sống mãi trong lòng công chúng.

Chúng ta luôn khát khao sự thừa nhận nhưng cần xác định danh hiệu chỉ là sự động viên, khích lệ chứ không phải là mục tiêu hay lí tưởng để người nghệ sĩ phấn đấu. Trong bình xét thi đua khen thưởng, việc đưa ra những tiêu chí rõ ràng, công tâm mới là điều quyết định. Còn chỉ đặt ra thêm những danh hiệu không quá cần thiết vô hình chung sẽ dẫn đến nhiều bất cập.

Nhạc sỹ Nguyễn Đình San: Không nên để danh hiệu "Ưu tú", "Nhân dân" mất thiêng

Phạm Hằng - Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.